VNHN - Bất chấp nỗ lực của lực lượng chức năng, tình trạng buôn lậu, chuyển hàng cấm qua đường hàng không vẫn chưa hết nóng.
Soi chiếu hành lý xách tay tại CHK quốc tế Tân Sơn Nhất
Những mặt hàng buôn lậu qua đường hàng không chủ yếu là loại gọn nhẹ có giá trị cao và dễ cất giấu như: Vàng, ngoại tệ, mỹ phẩm, điện thoại, rượu ngoại, thuốc lá, xì gà, cùng đó là các loại hàng cấm như ngà voi, sừng tê giác, ma túy…
“Nườm nượp” hàng lậu, hàng giả
Lực lượng an ninh hàng không sân bay vừa phát hiện 1 đối tượng xách lậu 2 túi Hermes, 69 chai nước hoa, 13 chai rượu ngoại mới đây tại Cảng hàng không (CHK) quốc tế Tân Sơn Nhất. Sự việc này một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng xách lậu hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc qua đường hàng không, nhất là trong dịp cận Tết hiện nay.
Bất chấp nỗ lực của các lực lượng chức năng, tình trạng buôn lậu, vận chuyển hàng cấm qua đường hàng không vẫn chưa hết nóng. Trong năm 2018, các lượng chức năng tại sân bay đã phối hợp phát hiện, bắt giữ, xử lý nhiều vụ vận chuyển trái phép ngà voi, sừng tê giác, nanh hổ lớn, có lô hàng giá trị lên tới cả chục tỷ đồng tại các sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất.
Ngoài hàng cấm, những lô hàng có trị giá cao cũng được các đối tượng buôn lậu liều lĩnh vận chuyển về Việt Nam. Vụ việc hơn một nghìn chiếc điện thoại iPhone các loại nhập lậu về Nội Bài hồi tháng 10/2018 là một ví dụ. Trước đó, Hải quan Tân Sơn Nhất cũng bắt giữ lô hàng hơn 250 chiếc điện thoại iPhone đời mới (iPhone Xs) trị giá ước tính 6,5 tỷ đồng, được vận chuyển trái phép từ Mỹ về Việt Nam.
Mỹ phẩm, thuốc lá, rượu ngoại cũng là các mặt hàng lậu thường xuyên được “ưu ái” vận chuyển qua đường hàng không. An ninh sân bay Nội Bài cho biết, mới phát hiện trong hành lý ký gửi từ Nội Bài đi TP HCM của một nữ hành khách N.T.D có 50 cây thuốc lá điện tử hiệu HEETS vận chuyển từ Nga về Nội Bài. Cách đó không lâu, chính lực lượng này cũng phát hiện trong hành lý ký gửi của một hành khách 10 kiện mỹ phẩm Hàn Quốc không rõ nguồn gốc.
Thống kê của Cục Hàng không VN, trong năm 2018, lực lượng ANHK đã phát hiện tới 18 vụ việc liên quan đến buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển sản phẩm không rõ nguồn gốc. Đây là số vụ phát hiện của riêng lực lượng an ninh hàng không sân bay, vốn chỉ là lực lượng phối hợp, không phải là lực lượng chịu trách nhiệm chính trong việc chống buôn lậu, vận chuyển hàng giả, hàng cấm tại cảng hàng không.
“Mặc dù vậy, cùng với việc tạo điều kiện tối đa cho các lực lượng chức năng chống buôn lậu hoạt động tại cảng, đã có rất nhiều vụ ANHK phát hiện ra các trường hợp buôn lậu, vận chuyển hàng cấm, hàng giả để báo lực lượng chức năng xử lý”, Chủ tịch HĐQT TCT Cảng hàng không VN (ACV) Lại Xuân Thanh cho hay.
Đưa ra khỏi ngành nhân viên liên quan buôn lậu
Theo một chuyên gia về vận tải hàng không, lý do hàng không luôn là điểm “nóng” về các vụ buôn lậu, hàng cấm bởi ưu thế “vận chuyển nhanh, vận chuyển xa”. Thủ đoạn buôn lậu qua đường hàng không cũng ngày càng đa dạng và tinh vi.
Hàng lậu có thể được mang trong hành lý cá nhân xách tay, ký gửi của đối tượng đi du lịch, học tập, công tác ở nước ngoài về hoặc của các công ty chuyển phát nhanh tại các kho hàng. Các đối tượng này thường cất giấu vào tư trang cá nhân, ngụy trang, đóng gói tinh vi để thoát khỏi máy soi chiếu ở sân bay. Một số doanh nghiệp lợi dụng cơ chế quản lý rủi ro cố tình khai sai mặt hàng để được phân vào luồng xanh, luồng vàng, tránh sự kiểm soát của Hải quan để thực hiện buôn lậu.
Trao đổi với Báo Giao thông, Phó cục trưởng Cục Hàng không VN Đinh Việt Sơn cho biết, cơ quan này luôn phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong việc phòng chống buôn lậu, hàng giả, hàng cấm qua đường hàng không.
“Chúng tôi có riêng một kế hoạch mạnh tay phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả qua đường hàng không. Trong đó, có việc gắn trách nhiệm của người đứng đầu nếu để xảy ra vi phạm. Đặc biệt, kế hoạch cũng yêu cầu các hãng hàng không chỉ đạo đoàn bay, đoàn tiếp viên rà soát nội bộ, thường xuyên kiểm tra, kiểm soát tổ bay khi làm nhiệm vụ”, ông Sơn nói.
Cũng theo ông Sơn, phía các doanh nghiệp cung ứng suất ăn, xăng dầu, sửa chữa bảo dưỡng tàu bay, hàng hóa… cũng cần kiểm soát chặt chẽ người, phương tiện, đồ vật của đơn vị mình khi ra, vào hoạt động tại khu vực hạn chế của CHK, sân bay. Các hãng hàng không cũng được yêu cầu chỉ đạo đoàn bay, đoàn tiếp viên rà soát nội bộ, thường xuyên kiểm soát tổ bay khi làm nhiệm vụ; Quán triệt và yêu cầu tổ bay chấp hành nghiêm chỉnh quy định của pháp luật về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
“Chúng tôi kiên quyết xử lý nghiêm, đưa ra khỏi ngành các cán bộ, nhân viên hàng không vi phạm quy định”, ông Sơn khẳng định.
Thủ trưởng đơn vị chịu trách nhiệm nếu để xảy ra buôn lậu Bộ GTVT vừa có văn bản yêu cầu các đơn vị xây dựng kế hoạch và phát động đợt cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 nhằm kịp thời phát hiện, xử lý kiên quyết các hành vi lợi dụng phương tiện vận tải để vận chuyển hàng cấm, hàng lậu. Văn bản do Thứ trưởng Lê Đình Thọ ký cũng lưu ý các đơn vị kiểm soát các mặt hàng “nóng” như pháo nổ, hàng điện tử, thuốc lá, rượu, bia, động vật quý hiếm, dược mỹ phẩm, thực phẩm chức năng và các mặt hàng tiêu dùng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán. “Thủ trưởng các bến xe, nhà ga, cảng và doanh nghiệp vận tải phải chịu trách nhiệm về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong bốc xếp và vận chuyển tại đơn vị mình”, Thứ trưởng Thọ chỉ đạo./. |