Thị trấn Si Ma Cai (huyện Si Ma Cai) – Miền đất biên cương, kiên cường trong xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc, đặc biệt là trong giai đoạn đánh Pháp tiễu phỉ và trong cuộc chiến bảo vệ đường biên mốc giới chống quân xâm lược từ phía Bắc.
Trung tâm huyện Si Ma Cai.
Mảnh đất ấy có anh hùng Giàng Lao Pà, người con ưu tú dân tộc Mông, từng chỉ huy những người đồng tộc đánh tan cả một đại đội lính phỉ, từng tay không vào hang ổ của phỉ gọi được hàng trăm tên phỉ ra hàng, câu nói nổi tiếng “Dao chỉ có một lưỡi” thể hiện lòng trung thành với Đảng, với đất nước của ông, của người Mông, vẫn vang vọng đến ngày nay và mai sau trên dải đất biên ải này.
Si Ma Cai có 2,787 km đường biên giới với huyện Mã Quan – Vân Nam (Trung Quốc). Cùng với việc biến chợ Si Ma Cai thành trung tâm buôn bán, trao đổi nông sản, tiểu thủ công nghiệp với các xã vùng thượng huyện Si Ma Cai, từ lâu nhân dân nơi đây đã biết tận dụng điều kiện sẵn có để giao lưu kinh tế, giao lưu nhân dân với nhân dân bên bạn để làm giàu cho chính mình và đóng góp cho xã hội.
Vốn là một xã, nay trở thành thị trấn, sinh kế của đồng bào từ xưa tới nay chủ yếu trông vào trồng trọt và chăn nuôi nên rất khó khăn trong công tác xóa đói giảm nghèo. Những năm gần đây, được sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Huyện ủy, UBND huyện, đặc biệt là Chương trình xây dựng nông thôn mới được tập trung lồng ghép tất cả các nguồn lực để tổ chức thực hiện, như: chương trình 135, chương trình 30a, chương trình 134, chương trình 120, vốn vay ưu đãi ... đã huy động được toàn bộ lực lượng tham gia vào thực hiện xây dựng nông thôn mới tại cơ sở. Bên cạnh đó, do hiểu được những lợi ích của Chương trình thiết thực và lâu dài nên toàn dân đồng tình ủng hộ, như việc giải phóng mặt bằng, đóng góp tiền của, ngày công lao động để xây dựng Nông thôn mới cho chính mình.
Với phương châm coi con người là nhân tố là trung tâm, là mục tiêu hướng tới, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới được thực hiện đồng bộ ở các cấp, các ngành từ xã, thị trấn đến thôn, các cơ quan đơn vị đóng trên địa bàn; địa phương tích cực thực hiện đa dạng hóa các nguồn vốn trong các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, lồng ghép các nguồn vốn, dự án chương trình mục tiêu hỗ trợ từ ngân sách cấp trên, kêu gọi sự đầu tư của các doanh nghiệp… Từ kết quả đạt được, cuối năm 2017 xã hoàn thành 19/19 tiêu chí và đã được UBND tỉnh Lào Cai trao bằng công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, sớm hơn 2 năm so với Nghị quyết đề ra và đang phấn đấu đạt được Nông thôn mới nâng cao trong những năm tới.
Song song với những kết quả đạt được trong xây dựng nông thôn mới, trong nhiệm kỳ vừa qua, Đảng bộ đã đạt được những thành tựu quan trọng trên các mặt đời sống kinh tế, văn hoá thị trấn, quốc phòng an ninh, như: Thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của huyện giao hàng năm, luôn tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cây trồng vật nuôi, mạnh dạn đầu tư, đưa giống mới vào sản xuất, thâm canh tăng vụ nâng cao hiệu quả kinh tế trên một diện tích canh tác, từng bước cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của đại bộ phận người dân; khuyến khích, tạo mọi điều kiện cho các hộ dân chuyển dịch cơ cấu kinh tế, từ sản xuất nông nghiệp thuần tuý sang hoạt động dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp; cơ sở hạ tầng của thị trấn được xây dựng ngày càng khang trang hơn, bộ mặt của thị trấn ngày càng phát triển. Từ công cuộc đổi mới, năm 2005 tỷ trọng Công nghiệp xây dựng của thị trấn chỉ chiếm 4,19%, thương mại, dịch vụ chiếm 20,81%, đến năm 2016 tỷ lệ đó đã tăng tương ứng lên 13,49% và 37,31%; Tỷ lệ hộ nghèo năm 2016 là 23,35% đến năm 2019 giảm xuống còn 6,68%; Thu nhập bình quân đầu người năm 2019 đạt 38,58 triệu đồng... Đó là những con số biết nói, thể hiện nỗ lực và kết quả rất đáng khích lệ mà Si Ma Cai đã đạt được trong những năm qua.
Hoa tam giác mạch tím hồng bát ngát cả sườn đồi ở Si Ma Cai.
Chúng tôi chia tay các anh lãnh đạo thị trấn mà lòng bâng khuâng, lưu luyến. Phóng tầm mắt xuống phía những nương ngô đang mùa thu hoạch, chợt nghĩ về mùa, về sự no ấm đến với người dân nơi đây. Ơn trời, ơn người, dẫu trái đất nóng lên, dẫu kinh tế thị trường có thay đổi nếp nghĩ, cách làm, song ở vùng cao này vẫn mùa nào ra mùa ấy. Mùa hoa là mùa của hội hè, chè rượu; Mùa nắng là mùa làm nương, mùa vơ lửa nuốt lửa dồn nỗi đau rát vào đất đai; Mùa xanh là mùa của lo lắng giông tố, lũ ống, lũ quét, song cũng là mùa của gặt hái mùa màng; Mùa của cây lá ngủ đông là mùa của hanh hao, của cưới xin, lo làm cửa, làm nhà… Cứ thế, trong những ngôi nhà như những tổ chim bám vào vách đá kia dường như trình tự cày bừa, cấy trồng, cho hạt vàng lên gác và những việc liên quan tới đời người như những vòng quay quay hết năm này qua năm khác, đời nọ sang đời kia; trong vòng quay ấy năm thuận năm không, năm nắng nóng nổ đá, năm mưa dầm thối đất, năm tuyết bay trắng trời, năm bão tố, lũ ống, lũ quét… Song, có vẻ như ông trời luôn ngó trông vạn vật, vạn vật luôn nương theo ông trời để người vùng cao mãi mãi trường tồn…