Theo tờ trình tại cuộc họp, năm 2022, ngân hàng dự kiến lợi nhuận trước thuế năm 2022 sẽ đạt 11.686 tỷ đồng, tăng tới 87% so với năm 2021. Đồng thời, chất lượng tài sản được kiểm soát, tỷ lệ nợ xấu giảm xuống dưới 1,3%.
Tổng dư nợ tín dụng tăng 14,4% lên 421.715 tỷ đồng. Tổng nguồn vốn huy động tăng 9,8% lên 504.539 tỷ đồng.
Kế hoạch tăng vốn điều lệ lên hơn 36.000 tỷ đồng, chào bán cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài. Ngân hàng cũng có kế hoạch tăng mạnh vốn điều lệ trong năm nay, từ 26.673 tỷ đồng lên 36.007 tỷ đồng.
Cụ thể, năm 2022, SHB sẽ tăng vốn theo 2 cấu phần:
Đợt 1, SHB sẽ phát hành hơn 400 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông, tương đương tỷ lệ 15%. Nguồn vốn từ lợi nhuận năm 2021. Thời gian dự kiến phát hành trong quý 3/2022
Đợt 2, SHB sẽ chào bán hơn 533,3 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo phương thức thực hiện quyền tỷ lệ 20%. Giá chào bán chỉ ở mức 12.500 đồng/cp, rẻ hơn rất nhiều so với thị giá hiện nay (quanh mức 20.000 đồng/cp). Thời gian dự kiến hoàn thành là trong quý 3/2022 hoặc cho đến khi SHB hoàn thành các thủ tục theo quy định của pháp luật.
SHB cũng trình cổ đông thông qua kế hoạch chào bán không quá 20% vốn cho nhà đầu tư nước ngoài. Giá chào bán không thấp hơn mệnh giá.
Năm nay, ngân hàng sẽ chào bán 45,12 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn dành cho người lao động (ESOP). Giá bán dự kiến là 10.000 đồng/cp. Số cổ phiếu này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng 18 tháng kể từ ngày kết thúc đợt phát hành.
Ông Đỗ Quang Hiển sẽ ngồi "ghế nóng" Chủ tịch SHB hay T&T?
Một nội dung quan trọng khác, ĐHĐCĐ năm nay của SHB sẽ bầu ra Hội đồng quản trị (HĐQT), Bản Kiểm soát (BKS) nhiệm kỳ mới 2022-2027.
Danh sách nhân sự bầu vào HĐQT gồm có 6 người: ông Đỗ Quang Hiển, ông Võ Đức Tiến, ông Nguyễn Văn Lê, ông Thái Quốc Minh, ông Đỗ Quang Vinh và ông Đỗ Văn Sinh.
Như vậy, so với nhiệm kỳ cũ, nhiệm kỳ mới sẽ có thêm 2 thành viên mới là ông Đỗ Quang Vinh và ông Đỗ Văn Sinh. Trong khi đó, các thành viên hiện tại gồm ông Phạm Công Đoàn, ông Trịnh Thanh Hải, bà Nguyễn Thị Hoạt không được đề cử.
Tại đại hội lần này, ông Đỗ Quang Hiển, người đang ngồi "ghế nóng" Chủ tịch Hội đồng quản trị SHB, nếu tiếp tục được bầu vào vị trí này, sẽ phải đưa ra quyết định lựa chọn giữa việc tiếp tục làm Chủ tịch SHB hay Chủ tịch Tập đoàn T&T và các công ty khác.
Bởi theo Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi năm 2017, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc (Giám đốc) của tổ chức tín dụng không được đồng thời là Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) hoặc các chức danh tương đương của doanh nghiệp khác.
Trong đó, ông Đỗ Quang Vinh sinh năm 1989, được biết là con trai ông Đỗ Quang Hiển (Chủ tịch HĐQT), dự kiến là thành viên trẻ nhất trong HĐQT ngân hàng SHB. Hiện ông Vinh giữ các chức vụ quản lý cấp cao tại SHB như Phó Tổng Giám đốc SHB, Giám đốc Khối ngân hàng số kiêm Phó Giám đốc Khối Ngân hàng Bán lẻ SHB, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng thành viên Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội.
Ông Đỗ Văn Sinh, sinh năm 1961, là Tiến sỹ kinh tế, có 37 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Tài chính. Ông Sinh từng đảm nhiệm các chức vụ quản lý, điều hành cấp cao như Trưởng Ban Kế hoạch tài chính/Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Danh sách nhân sự bầu vào Ban Kiểm soát gồm 3 thành viên: ông Phạm Hòa Bình, bà Lê Thanh Cẩm, ông Vũ Xuân Thủy Sơn.