VNHNO - Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa khẳng định, việc sáp nhập, chia tách thời nào cũng có, điều quan trọng là phân tích được tình hình, sắp xếp tốt thì bộ máy hoạt động có hiệu quả.
Họp báo định kỳ của Bộ Nội vụ. Ảnh: VGP/Nhật Nam |
Bộ Nội vụ vừa tổ chức họp báo cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí, qua đó giải đáp các thắc mắc xung quanh việc sắp xếp lại bộ máy của Bộ Công an, giải quyết vấn đề cơ cấu tổ chức bộ máy thế nào, có tồn tại tình trạng thừa cấp phó hay không?
Theo Bộ Nội vụ, tổng số người tinh giản biên chế từ năm 2015 đến ngày 6/8/2018 là 39.823 người (năm 2015 là 5.778 người; năm 2016 là 11.923 người; năm 2017 là 12.660 người; 7 tháng đầu năm 2018 là 9.462 người). Trong đó, tính theo chính sách được hưởng thì người hưởng chính sách về hưu trước tuổi là 34.515 người, hưởng chính sách thôi việc ngay là 5.234 người, hưởng chính sách thôi việc sau khi đi học là 29 người, hưởng chính sách chuyển sang các tổ chức không hưởng lương thường xuyên từ ngân sách nhà nước là 40 người.
Ở các bộ, ngành khối trung ương đã thực hiện việc tách, nhập, điều chỉnh các cục, vụ, viện phù hợp với tổ chức của bộ đa ngành, đa lĩnh vực theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và tinh giản biên chế. Tại địa phương, chính quyền cấp tỉnh ban hành các văn bản quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các sở, ban, ngành, các trung tâm, các quyết định thành lập mới, giải thể, chia tách, sáp nhập các cơ quan đơn vị thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và tinh giản biên chế theo tinh thần các nghị quyết của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và theo quy định của pháp luật.
Trong nửa đầu năm 2018, Bộ và ngành Nội vụ tiếp tục bám sát định hướng, quan điểm, đường lối của Đảng, chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để chủ động triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao.
Cụ thể, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ được chỉ đạo sát sao; một số văn bản, đề án trình Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ bảo đảm tiến độ và chất lượng, được đánh giá cao.
Việc tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước trên các lĩnh vực đạt những kết quả tích cực, tiếp tục đi vào nền nếp, phát huy vai trò của Bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, tổ chức triển khai thực hiện thống nhất từ trung ương đến địa phương.
Công tác thanh tra, kiểm tra công vụ được tăng cường. Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về kiểm tra công vụ hoạt động hiệu quả góp phần chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính tại các bộ, ngành, địa phương; công tác quản lý tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức, viên chức ở các bộ, ngành, địa phương được chấn chỉnh, đi vào nền nếp hơn...
Trong những tháng cuối năm, Bộ Nội vụ tập trung tiếp tục hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức góp phần xây dựng nền công vụ thực sự chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, hiệu quả. Đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức; đổi mới công tác tuyển dụng, thi nâng ngạch công chức và thăng hạng viên chức; triển khai thực hiện tốt cơ chế, chính sách thu hút nhân tài. Đổi mới đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức theo hướng nâng cao năng lực thực thi nhiệm vụ, công vụ; thực hiện tốt công tác đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức, bảo đảm sát thực, khách quan, minh bạch, đề cao, phát huy trách nhiệm của người đứng đầu. Chú trọng việc thanh tra, kiểm tra công tác tổ chức bộ máy, biên chế, tuyển dụng, bổ nhiệm; xử lý nghiêm các biểu hiện tiêu cực trong công tác cán bộ...
Tại cuộc họp báo, đại diện Bộ Nội vụ đã trả lời nhiều câu hỏi của các phóng viên về các vấn đề liên quan đến sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã như: Giải quyết vấn đề cơ cấu tổ chức bộ máy thế nào, có tồn tại tình trạng thừa cấp phó hay không? Tiêu chí nào để bổ nhiệm người đứng đầu ở đơn vị sáp nhập? Làm sao chống tình trạng chạy sáp nhập, chạy chức khi sắp xếp lại các đơn vị hành chính?
Đại diện Bộ Nội vụ cho biết, Đề án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã từ nay đến năm 2021 đã đề ra 10 nhiệm vụ giải pháp như: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp trong sắp xếp các đơn vị hành chính; chính quyền địa phương các cấp phải chủ động triển khai và tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chủ trương sáp nhập này… Thực hiện tốt những giải pháp đó thì việc triển khai sẽ đồng bộ, đạt kết quả tốt.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa khẳng định, việc sáp nhập, chia tách thời nào cũng có, điều quan trọng là phân tích được tình hình, sắp xếp tốt thì bộ máy hoạt động có hiệu quả.
Giải đáp các câu hỏi xung quanh sự kiện Bộ Công an vừa thực hiện sắp xếp lại bộ máy theo hướng bỏ cấp tổng cục. Theo đó, có cục mới thành lập với 13 cục phó, 21 đơn vị cấp phòng, ban trực thuộc. Như vậy liệu có đảm bảo về số lượng cấp phó theo quy định cũng như nguyên tắc tinh gọn bộ máy khi sắp xếp? Vụ phó Vụ Tổ chức biên chế (Bộ Nội vụ) Đào Thị Hồng Minh cho biết thực hiện Nghị quyết 18 Trung ương 6 và Kế hoạch số 07 của Bộ Chính trị, Bộ Công an là một trong những nơi đi đầu trong việc xây dựng sắp xếp lại tổ chức bộ máy hiệu quả. “Đương nhiên khi sắp xếp lại như vậy, số lượng cấp phó cao hơn so quy định. Bộ Chính trị đã cho ý kiến chỉ đạo, số lượng cấp phó các cục của Bộ Công an có thể cao hơn nhưng đến năm 2021, sau khi triển khai thực hiện phải đảm bảo thực hiện theo đúng quy định. Bộ Công an cũng đã cam kết thực hiện việc này”, bà Minh cho hay.