23/01/2025 lúc 05:02 (GMT+7)
Breaking News

Sáp nhập trường học thuộc Bộ Nội vụ: Sinh viên thụ hưởng nhiều hơn trong học tập và nghiên cứu

Khi sáp nhập Trường Đại học Nội vụ Hà Nội vào Học viện Hành chính Quốc gia với việc được tăng cường thêm đội ngũ nhà giáo có học hàm, học vị và kinh nghiệm giảng dạy nhiều năm và cơ sở vật chất thì sinh viên sẽ được thụ hưởng nhiều hơn trong học tập, nghiên cứu.

Đó là nhấn mạnh của PGS.TS Nguyễn Bá Chiến - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng trường Đại học Nội vụ Hà Nội khi chia sẻ về nhiệm vụ giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) của nhà trường trước thềm năm học mới 2022 -2023.

PGS.TS Nguyễn Bá Chiến - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng trường Đại học Nội vụ Hà Nội

Vì lợi ích của sinh viên

Trước thông tin trường Đại học Nội vụ Hà Nội sáp nhập với Học viện Hành chính Quốc gia từ 15/9, theo cơ cấu tổ chức mới được phê duyệt của Bộ Nội vụ, đại diện trường Đại học Nội vụ Hà Nội cho biết, đây là thông tin không chính xác.

PGS.TS Nguyễn Bá Chiến - Hiệu trưởng trường Đại học Nội vụ Hà Nội nhấn mạnh, Nhà trường chính thức sáp nhập vào Học viện Hành chính Quốc gia sau khi có Quyết định phê duyệt Đề án của cấp có thẩm quyền.

"Hiện cán bộ quản lý, viên chức và người lao động của Trường đã sẵn sàng bước sang một trang sử mới của sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học khi Trường Đại học Nội vụ Hà Nội sáp nhập vào Học viện Hành chính Quốc gia...", PGS.TS Nguyễn Ba Chiến nhấn mạnh.

Theo PGS.TS Nguyễn Bá Chiến, nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước ta rất chú trọng đến đổi mới GD&ĐT thông qua một trong những vấn đề quan trọng là đổi mới tổ chức và hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập.

"Trong xu thế đẩy mạnh đổi mới tổ chức và hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã kết luận chỉ đạo xây dựng Đề án sáp nhập Trường Đại học Nội vụ Hà Nội vào Học viện Hành chính Quốc gia.

Qua đó để mở rộng quy mô, tăng cường nguồn lực, tiết kiệm chi tiêu và cơ sở vật chất phục vụ cho việc nghiên cứu, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ các cấp, đồng thời tạo điều kiện để nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên...", PGS.TS Nguyễn Bá Chiến chia sẻ.

Hiệu trưởng trường Đại học Nội vụ Hà Nội bày tỏ, việc sáp nhập Nhà trường vào Học viện Hành chính Quốc gia không ảnh hưởng gì đến kế hoạch, việc học tập của sinh viên.

Theo đó, chương trình và kế hoạch đào tạo được tổ chức bình thường, theo đúng kế hoạch đã ban hành. 

"Sinh viên và các bậc phụ huynh yên tâm về ngành đào tạo mà các em sinh viên đang theo học. Khi sáp nhập trường vào học viện, sẽ có thêm một đội ngũ các thầy, cô giáo có học hàm, học vị và kinh nghiệm giảng dạy nhiều năm ở học viện để tham gia đào tạo, truyền đạt kiến thức, kỹ năng cho các em sinh viên...", PGS.TS Nguyễn Bá Chiến nhấn mạnh.

Đồng thời, trường Đại học Nội vụ Hà Nội đảm bảo đầy đủ quyền lợi cho sinh viên, bao gồm cả các em sinh viên khóa mới chuẩn bị nhập trường. Như vậy, tất cả những quyền lợi của các em sinh viên đang được hưởng sẽ tiếp tục được duy trì.

Ngoài ra, khi sáp nhập trường vào Học viện Hành chính Quốc gia với việc được tăng cường thêm đội ngũ Nhà giáo có học hàm, học vị và kinh nghiệm giảng dạy nhiều năm và cơ sở vật chất của Học viện, các em sinh viên sẽ được thụ hưởng nhiều hơn trong học tập, nghiên cứu.

Một góc trường Đại học Nội vụ Hà Nội nhìn từ trên cao

Đơn vị "đặc biệt" của Chính phủ, Bộ Nội vụ

Là giảng viên lâu năm của trường Đại học Nội vụ Hà Nội, TS. Trương Quốc Việt - Phó trưởng khoa Hành chính học cho biết, cách đây hơn một năm đã được biết chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nội vụ nghiên cứu đề án sáp nhập Trường Đại học Nội vụ Hà Nội vào Học viện Hành chính Quốc gia.

TS.Trương Quốc Việt cho rằng, đây là chủ trương đúng của Đảng, Chính phủ, trong thực hiện Nghị quyết 19 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

"Tôi luôn tự hào về bề dày truyền thống 50 năm xây dựng và phát triển, thương hiệu của trường Đại học Nội vụ Hà Nội về đào tạo Đại học, Cao học ngày càng được nâng cao, trở thành sự lựa chọn tin cậy của thí sinh và xã hội. Vì vậy, đón nhận thông tin sáp nhập trường vào Học viện Hành chính Quốc gia, đây sẽ là cơ hội tốt để cộng hưởng sức mạnh đào tạo đại học, cao học của nhà trường...", TS. Trương Quốc Việt chia sẻ.

TS.Trương Quốc Việt nhấn mạnh, với vị thế hạng đặc biệt trong bồi dưỡng cán bộ, công chức và đào tạo sau đại học của Học viện Hành chính Quốc gia. Mục tiêu sáp nhập là để phát huy thế mạnh của cả hai đơn vị.

"Đây không phải là giải thể trường Đại học Nội vụ Hà Nội, do trường cũng đã tự chủ gần 100%; chất lượng, hiệu quả, thương hiệu của trường ngày càng được xã hội thừa nhận và đánh giá cao. Nguyên tắc và chủ trương sắp xếp hai đơn vị của Bộ Nội vụ là nhằm phát huy thế mạnh của hai đơn vị, tạo tiền đề để phát triển đơn vị sự nghiệp của Bộ, theo tinh thần chung của Đảng, Chính phủ về đổi mới tổ chức và hoạt động đơn vị sự nghiệp công lập...", TS. Trương Quốc Việt bày tỏ.

Còn em Ngần Thị Hoài Thương - Khoa Quản trị nhân lực 19A (trường Đại học Nội vụ Hà Nội) cũng cho rằng, đây là cơ hội tốt để Nhà trường và Học viện Hành chính Quốc gia cùng phát triển.

"Trường Đại học Nội vụ Hà Nội có thế mạnh về đào tạo trình độ đại học, cao học. Còn Học viện Hành chính Quốc gia có thế mạnh về bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.

Những năm qua và năm học này (2022 -2023) thí sinh ngày càng chọn các ngành đào tạo của nhà trường để đăng ký xét tuyển. Hiện tại, sau khi có thông tin sáp nhập, các hoạt động học tập của chúng em vẫn diễn ra bình thường. Nhà trường luôn tạo điều kiện tốt nhất cho sinh viên...", Ngần Thị Hoài Thương bày tỏ.

Đồng thời, Ngần Thị Hoài Thương cũng mong muốn, khi sáp nhập trường Đại học Nội vụ Hà Nội tiếp tục được các cấp, các ngành và Bộ Nội vụ quan tâm hơn để sinh viên nhà trường có thêm nhiều cơ hội học tập và phát triển.

Về định hướng cho năm học mới 2022 -2023, PGS.TS Nguyễn Bá Chiến - Hiệu trưởng trường Đại học Nội vụ Hà Nội cho biết, khi sáp nhập vào Học viện Hành chính Quốc gia sẽ tạo động lực mới để nâng cao vị thế chính trị, pháp lý của Học viện Hành chính Quốc gia và Trường Đại học Nội vụ Hà Nội.

"Theo tinh thần của dự thảo đề án sáp nhập, đơn vị thành lập mới sẽ là đơn vị sự nghiệp công lập hạng đặc biệt của Chính phủ và Bộ Nội vụ là Bộ chủ quản. Như vậy sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp.

Đồng thời, đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng các ngành nghề có trình độ đại học và sau đại học cho ngành Nội vụ, nền công vụ và cho xã hội. Ngoài ra, bổ sung cán bộ nghiên cứu khoa học phục vụ công tác quản lý nhà nước của Chính phủ, Bộ Nội vụ và nhu cầu của xã hội...", PGS.TS Nguyễn Bá Chiến nhấn mạnh./.

Tường Vân