Trong dòng chảy của văn hóa cội nguồn dân tộc Việt Nam, tư liệu sắc phong là nguồn di sản văn hóa vô cùng giá trị, không chỉ mang ý nghĩa về mặt tâm linh, tinh thần, mà còn chứa đựng nhiều giá trị về mặt lịch sử. Tại Ðà Nẵng, ngành văn hóa thành phố đã và đang phối hợp các đơn vị chuyên môn thực hiện số hóa nguồn tư liệu quý này.
Sắc phong được gìn giữ cẩn thận và chỉ có những người có chức sắc trong làng mới được bảo quản, gìn giữ.
Số hóa nguồn di sản quý
Ðà Nẵng hiện có 61 đình làng, trong đó có năm đình làng được xếp hạng di tích cấp quốc gia gồm: Ðại Nam, Hải Châu (quận Hải Châu); Tuý Loan, Bồ Bản (huyện Hòa Vang) và Thạc Gián (quận Thanh Khê); 39 đình làng xếp hạng di tích lịch sử cấp thành phố và 17 đình làng được giao cho chính quyền phường, xã và nhân dân địa phương quản lý, trông coi. Trước thời gian khắc nghiệt không có hiện vật nào không bị mai một, bào mòn. Vậy nên, bao đời nay, các sắc phong vẫn được bảo quản trong hộp gỗ, đặt ở vị trí cao nhất, trang trọng nhất tại nhà thờ tộc hay đình làng, tránh những sự việc đáng tiếc xảy ra như mất cắp hay hư hỏng. Thế nhưng, trước nguy cơ nguồn tài liệu này bị mai một, bị hư hại, mục ruỗng việc bảo tồn, gìn giữ sắc phong của đình làng đã được ngành văn hóa Ðà Nẵng từng bước quan tâm, chú trọng. Mới đây, đoàn cán bộ của Thư viện Khoa học tổng hợp TP Hồ Chí Minh, đã phối hợp Thư viện Khoa học tổng hợp Ðà Nẵng và Bảo tàng Ðà Nẵng tiến hành kiểm tra và số hóa chi tiết từng tư liệu. Cụ thể, đã triển khai thực hiện tại 29 đình làng với bốn họ tộc và Bảo tàng Ðà Nẵng. Qua đó, đã số hóa 320 tài liệu, gồm có 315 sắc phong, một văn tế và bốn tài liệu khác. Trong đó phân loại được 300 sắc phong thần; 10 sắc phong tước; một văn tế; bốn chế. Một số sắc phong có các nội dung đặc biệt về niên đại, như Sắc Huỳnh Văn Tịnh - Gia Long thứ 2 (1803); Sắc Thiên Y A Na - Minh Mệnh thứ 7 (1826); Sắc Thự Thành thủ úy Thành Ðiện Hải - Minh Mệnh thứ 7 (1826); Sắc Huỳnh Văn Tịnh (làng Minh Châu, xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang). Ðây cũng là lần hiếm hoi các vị cao niên có trọng trách của các đình làng mặc phục lễ, thành kính thắp hương làm lễ khai sắc để xin các vị tiền hiền, được mở hộp đựng sắc phong. Bởi, hàng trăm năm qua, chỉ có những người có chức trách trong làng mới tiếp cận được sắc phong trong phần lễ rước sắc khi đình làng tổ chức lễ hội, hoặc khi cần mở sắc phong ra để bảo quản theo thời gian quy định cụ thể hằng năm. Như lời tâm huyết của ông Phan Văn Xuân, Trưởng Ban hội đồng chư phái tộc của đình làng Ðà Sơn (quận Liên Chiểu), qua bao đời nay, các thế hệ người lớn tuổi trong làng truyền lại cho con cháu về giá trị các sắc phong của đình làng, nhưng cũng chưa đủ nguồn tư liệu và trình độ để có thể nghiên cứu bài bản về giá trị các tài liệu này. Xưa nay, vì là tài liệu quý nên các sắc phong được dân làng giữ gìn cẩn thận, đặt ở vị trí trang nghiêm. Ðến nay, khi tận mắt nhìn thấy các sắc phong được số hóa để nghiên cứu, đây thật sự là điều họ rất mừng. Vì giá trị của văn hóa làng cũng từ đây được nhân lên cho con cháu đời sau ghi nhớ công ơn các bậc tiền hiền đã khai sinh, lập làng.
Ðánh giá về những giá trị bước đầu của việc số hóa nguồn tư liệu quý này, Giám đốc Bảo tàng Ðà Nẵng Huỳnh Ðình Quốc Thiện cho biết: Ðối với những người làm công tác văn hóa, thật sự đây không chỉ là nguồn tài liệu, di sản quý mà còn mang giá trị lịch sử, nghiên cứu, khảo cứu. Tại Ðà Nẵng, hiện hầu hết các nhà thờ, di tích đang lưu giữ nhiều sắc phong qua các giai đoạn lịch sử của triều Nguyễn. Nhiều sắc phong đã có hàng trăm năm tuổi và do công tác bảo quản chưa chuyên nghiệp nên một phần hệ thống sắc phong đã bị hư hỏng. "Việc phối hợp để số hóa sắc phong có ý nghĩa lớn trong việc bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị các sắc phong trong hệ thống đình làng Ðà Nẵng. Ðây cũng là một trong những kế hoạch triển khai bước đầu để Ðà Nẵng tiến tới triển khai số hóa, sao chụp, phục chế toàn bộ địa bạ, hương ước trên toàn thành phố, trực tiếp là ở 56 xã, phường, nơi các làng, thôn còn lưu giữ được những địa bạ hương ước. Khi hệ thống lại được các giá trị này, mới xây dựng được kế hoạch bảo tồn, quảng bá một cách khoa học và hợp lý. Ðối với công tác bảo tồn di sản, chúng tôi sẽ ưu tiên ứng dụng khoa học - công nghệ để xây dựng quy trình xử lý, bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; trong đó, số hóa không gian di tích được chú trọng để giới thiệu rộng rãi đến công chúng thời gian tới", ông Huỳnh Ðình Quốc Thiện nói.
Những dấu lặng trước thời gian
Về thăm Di tích lịch sử cấp quốc gia đình làng Túy Loan (huyện Hòa Vang) - với lịch sử hơn 500 tuổi, được nghe câu chuyện bảo tồn, gìn giữ sắc phong của các vị cao niên trong làng, mới thấm được niềm tự hào, vinh dự của mỗi người dân nơi đây. Ðây là đình làng được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1999. Cụ Ðặng Khôi, sinh năm 1927, người từng 20 năm giữ trọng trách Trưởng ban quản lý đình làng Túy Loan, cũng là một trong những người con của làng Túy Loan, có công lớn trong việc phát huy, gìn giữ và góp phần lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống cốt lõi của đình làng, đúc kết: Sắc phong là văn bản cao quý do Vua ban hành để tặng thưởng cho bách thần và các quan viên có công lao với vương triều, đất nước, cũng chính là sự ghi công của vương triều đối với nhân vật để không chỉ con cháu họ tộc được tự hào mà quê hương, làng xã cũng thơm danh. Bên cạnh ý nghĩa lịch sử, sắc phong còn thể hiện giá trị thẩm mỹ độc đáo. Nhìn vào sắc phong, những người có chuyên môn có thể biết được xuất xứ triều đại nào, niên đại bao nhiêu cùng các nét văn hóa lịch sử đặc trưng của thời kỳ ấy. Ngoài ra, sắc phong còn là nguồn tư liệu chuẩn xác để nghiên cứu sự thay đổi địa danh và đơn vị hành chính. Hiện, các sắc phong của đình làng Túy Loan hầu như nguyên vẹn.
Ðón chúng tôi tại nhà thờ tộc Ðặng phái Nhì, nơi đang bảo quản, cất giữ sắc phong của đình làng Túy Loan, ông Ðặng Nga, Trưởng nhà thờ tộc này, chia sẻ: Kế tục bao đời nay, sắc phong là tài liệu quý và được bảo vệ, gìn giữ cẩn thận. Trước đây, những người có trọng trách trong làng thay phiên nhau bảo quản sắc, trước khi đưa sắc phong đình làng về bảo quản tại nhà thờ tộc Ðặng phái Nhì, thì số sắc phong này được cất giữ, bảo quản tại nhà từ đường phân chi II của gia đình tôi. Ðây là ngôi nhà gỗ ba gian có tuổi đời gần 300 năm, là nơi ông cố nội và cha tôi chăm lo, gìn giữ sắc phong của làng. Sau này, khi đời sống người dân nơi đây phát triển, dân làng đã xây dựng mới nhà thờ tộc Ðặng phái Nhì và chuyển toàn bộ tài liệu, sắc phong về bảo quản. Mỗi năm đến ngày lễ hội truyền thống của đình làng, các cụ làm lễ xin rước sắc phong đi quanh làng, như một cách để dân làng tri ân các bậc tiền hiền. Ðội rước sắc là những thanh niên trẻ, khỏe trong làng. Sau này, việc rước sắc phong không phải khiêng cả bộ sắc mà xin rước thần của sắc từ nhà thờ tộc về làm lễ tại đình làng Túy Loan. Ðã bao đời nay, đình Túy Loan là nơi sinh hoạt văn hóa - lễ hội dân gian với sự tham gia của rất đông dân làng. Vào dịp lễ hội làng Túy Loan diễn ra trong hai ngày 9, 10 tháng giêng âm lịch hằng năm, phần lễ rước sắc được chuẩn bị chu đáo, trang nghiêm. Lễ hội là dịp tụ họp nhân dân trong làng, con cháu làm ăn xa quê về dự, thắp hương tỏ lòng thành kính tổ tiên, ghi nhớ về cội nguồn quê cha đất tổ, tạo khối đoàn kết keo sơn trong làng; cầu quốc thái dân an, một năm an lành thịnh vượng cho dân làng và quê hương; tiếp tục duy trì và phát huy truyền thống tốt đẹp của cha ông, gìn giữ và bảo tồn các giá trị văn hóa của dân tộc.
Ðược biết, đối với các giá trị văn hóa của tài liệu sắc phong, hiện Ðà Nẵng vẫn chưa có nhiều chương trình nghiên cứu, khảo cứu chuyên sâu. Riêng về sách, hiện có cuốn Sắc phong ở Ðà Nẵng của nhóm tác giả Lê Xuân Thông, Ðinh Thị Toan, Nhà xuất bản Ðà Nẵng năm 2014 và cuốn Di sản Hán Nôm tại Ðà Nẵng của tác giả Hồ Tấn Tuấn, Nhà xuất bản Ðà Nẵng năm 2015. Vì thế, ngay sau khi các tài liệu sắc phong được số hóa, các nhà chuyên môn cho rằng, ngành văn hóa Ðà Nẵng cần chú trọng hơn đến công tác bảo tồn, gìn giữ nguồn tài liệu quý giá này. Cụ thể, nên sử dụng giấy dó để bọc lại từng sắc phong, định kỳ kiểm tra, vệ sinh để kịp thời xử lý tình trạng hư hỏng và đặc biệt không nên ép nhựa, đặt để tại các môi trường có nhiệt độ cao, ẩm mốc, côn trùng, sâu bọ dễ làm tổ. Bên cạnh đó, cần tổ chức các lớp tập huấn cán bộ thư viện, đại diện các họ tộc kiến thức bảo quản, cách sử dụng giấy dó bồi nền. Tiếp tục triển khai công tác số hóa giai đoạn 2, xử lý các sắc phong đã số hóa, biên dịch, in thành sách để quảng bá, phục vụ nghiên cứu, lan tỏa các giá trị của di sản…
Cuộc sống hiện đại đã và đang mang lại nhiều giá trị văn hóa giao thoa, phong phú, nhưng, tự thẳm sâu trong mỗi trái tim người Việt Nam, văn hóa làng vẫn mãi lưu giá trị. Cái hồn cốt của từng vùng đất, con người được thể hiện rõ hơn sau những mái đình làng, nhà thờ, họ tộc. Mà chính sắc phong là nền tảng bền chặt để kết nối, lan tỏa mạnh mẽ trong mạch nguồn giá trị ấy trước thời gian.