Trải qua hơn 40 năm xây dựng và phát triển, bằng việc xác định đúng chủ trương và định hướng phát triển, đưa ra những quyết sách phù hợp trong mọi hoàn cảnh, huyện Sa Thầy đã có những bước tiến tương đối nhanh, trở thành một trong những địa phương có nhịp độ tăng trưởng khá ổn định của tỉnh Kon Tum. Thành công này được tạo dựng còn từ sự nỗ lực phấn đấu, nêu cao tinh thần tự lực tự cường, đoàn kết, quyết tâm xây dựng quê hương giàu đẹp của mỗi người dân nơi đây.
Những kết quả đạt được...
Năm 2020 trong bối cảnh có những thuận lợi và nhiều thách thức đan xen, đặc biệt là diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 ảnh hưởng rất lớn đến KT-XH của đất nước nói chung, của Sa Thầy nói riêng. Song, với quyết tâm thực hiện nhiệm vụ đã đề ra, Đảng bộ và nhân dân trong huyện đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch của năm.
Thị trấn Sa Thầy hôm nay
Theo báo cáo tình hình phát triển kinh tế xã hội năm 2020 của huyện, tổng giá trị sản xuất ước đạt 3.393.422 triệu đồng, đạt 101,01% kế hoạch và bằng 113,92% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó: Nông - Lâm - Thủy sản tăng 5,12%; Công nghiệp - Xây dựng tăng 33,42%; Thương mại - dịch vụ tăng 12,39%. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 37,94 triệu đồng năm 2019 lên 40,02 triệu đồng năm 2020; Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 47.288 triệu đồng, đạt 51,8% dự toán tỉnh và 32,8% dự toán huyện giao.
Lĩnh vực văn hóa – xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là thực hiện tốt chính sách về an sinh xã hội. Huyện Sa Thầy quan tâm công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động ở nông thôn; quan tâm công tác chăm sóc sức khỏe, phòng chống dịch bệnh cho người dân…
Những kết quả đạt được trong năm 2020 là tiền đề để trong 6 tháng đầu năm 2021 này, huyện Sa Thầy tiếp tục khai thác và phát huy tiềm năng của địa phương, giành được kết quả đáng khích lệ.
Hệ thống giao thông với diện mạo mới khang trang
Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2021, giá trị sản xuất Công nghiệp - Xây dựng thực hiện đến 30 tháng 6 năm 2021 là 893.453 triệu đồng, đạt 48,8% kế hoạch và bằng 173,89% so với cùng kỳ năm 2020. Các sản phẩm công nghiệp chủ lực của huyện tiếp tục phát triển, nhất là mủ cao su chế biến, thực hiện đến 30 tháng 6 năm 2021 là 14.863 đạt 65,19% kế hoạch và bằng 359,46% so cùng kỳ năm 2020. Các nhà máy chế biến nông sản và các cơ sở sản xuất hàng gia dụng hoạt động ổn định, cơ bản đáp ứng các nguyên, vật liệu thiết yếu phục vụ sản xuất và tiêu dùng của nhân dân.
Giá trị sản xuất Thương mại - Dịch vụ thực hiện đến 30 tháng 6 năm 2021 là 486.653 triệu đồng, đạt 51,40% kế hoạch và bằng 172,63% so với cùng kỳ. Thị trường và giá cả hàng hóa trong 6 tháng đầu năm 2021 cơ bản ổn định, lượng hàng hóa dồi dào, phong phú, cơ bản đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân.
Thu ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm trên địa bàn ước đạt 81.881 triệu đồng, tương đương 89,6% dự toán của tỉnh và 56,7% huyện giao, trong đó: Chi cục thuế huyện thu 42.984 triệu đồng, đạt 137,1% dự toán tỉnh và 54,2% huyện giao. Thu ngân sách huyện là 289.812 triệu đồng, đạt 89,8% dự toán tỉnh và 79,15% huyện giao, trong đó: Các khoản ngân sách huyện hưởng theo phân cấp là 71.308 triệu, đạt 58,31% dự toán huyện; thu bổ sung từ ngân sách tỉnh là 120.000 triệu đồng, đạt 49,2% dự toán; thu chuyển nguồn 98.504 triệu đồng.
Lĩnh vực Đầu tư phát triển, 6 tháng đầu năm, Huyện cũng đã chỉ đạo quyết liệt các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá đầu tư nhằm đảm bảo việc sử dụng nguồn vốn đầu tư công đúng mục đích, hiệu quả.
Một khu dân cư trong thị trấn Sa Thầy
Tổng kế hoạch vốn đầu tư công đã giao đến ngày 20 tháng 6 năm 2021 đạt 136.817,066 triệu đồng. Trong đó bao gồm kế hoạch vốn năm 2020 kéo dài là 16.802,066 triệu đồng và kế hoạch vốn năm 2021 là 120.015 triệu đồng. Đến ngày 20 tháng 6 năm 2021 đã giải ngân được 122.206,843 triệu đồng, đạt 89% kế hoạch giao, trong đó: Nguồn vốn ngân sách tỉnh quản lý: 98.991,112 triệu đồng, đạt 93% kế hoạch giao; Nguồn vốn ngân sách huyện quản lý: 23.215,731 triệu đồng, đạt 75% kế hoạch giao. Nguồn vốn đầu tư công đã được phân bổ tập trung vào các dự án có sức lan tỏa và các dự án trọng điểm, dự án chỉnh trang đô thị trên địa bàn huyện. Nợ đọng cơ xây dựng cơ bản đã được tập trung xử lý, đến nay trên địa bàn huyện không để xảy ra tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản.
Công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng và hàng hóa vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm được quan tâm thực hiện, đã kịp thời phát hiện, xử lý nhiều vụ việc vi phạm, đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh cạnh tranh lành mạnh và an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng.
Một trong những điểm nhấn quan trọng trong phát triển KT-XH thời gian qua của Sa Thầy là tập trung đầu tư phát triển giao thông và xây dựng Nông thôn mới (NTM), trong đó xác định giao thông là khâu đột phá. Qua 10 năm thực hiện phong trào “Nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2010 – 2020, toàn huyện đã có 3 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, các xã còn lại đạt từ 12 tiêu chí trở lên.
Sa Nghĩa- xã nông thôn mới điển hình của huyện Sa Thầy.
Công tác quản lý đất đai, quản lý quy hoạch, trật tự xây dựng và đô thị được triển khai quyết liệt, không để xảy ra vi phạm. Các chính sách an sinh xã hội được quan tâm, giải quyết kịp thời theo đúng quy định. Phòng, chống dịch bệnh trên người được triển khai có hiệu quả, không có trường hợp nào mắc dịch Covid-19 và các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo được duy trì, thực hiện nghiêm túc, trách nhiệm và giải quyết kịp thời; quốc phòng, an ninh được giữ vững; trận tự an toàn xã hội cơ bản được đảm bảo.
Khơi dậy tiềm năng phát triển du lịch
Sa Thầy có tiềm năng lớn để phát triển du lịch; trong đó nổi bật là rừng nguyên sinh, với Vườn Quốc gia Chư Mom Ray được liệt vào hàng Di sản Đông Nam Á. Kết quả “khảo sát đa dạng sinh học, các chương trình nghiên cứu và đánh giá hoạt động năm 2005” cho thấy, Chư Mom Ray có 1534 loài thực vật, trong đó có 113 loài được xác định là quý hiếm có nguy cơ bị đe dọa như các loài phong lan, tuế, ngành hạt trần, các loài họ dầu .v.v..
Một góc Vườn Quốc gia Chư Mom Ray
Về động vật, đã xác định được 718 loài, trong đó có 124 loài quý hiếm, nguy cấp có tên trong sách Đỏ Việt Nam và thế giới… Với những yếu tố đó, Vườn Quốc gia Chư Mom Ray rất phù hợp cho loại hình du lịch sinh thái. Do đó, cần có chính sách thu hút vốn đầu tư, xây dựng huyện Sa Thầy trở thành một trung tâm du lịch sinh thái- cộng đồng- lịch sử- tâm linh,… kết nối với các tua du lịch của tỉnh và của cả nước; góp phần triển khai có hiệu quả chủ trương mở rộng, phát triển mạnh kinh tế du lịch trên địa bàn.
Sa Thầy còn có diện tích lòng hồ thủy điện Plei Krong lớn, phù hợp với phát triển chăn nuôi và đánh bắt thủy sản, mang lại lợi ích kinh tế cao.
TH Group khởi công dự án Chăn nuôi bò sữa tập trung lớn nhất khu vực Tây Nguyên
Ngoài ra, dự án Chăn nuôi bò sữa tập trung lớn nhất khu vực Tây Nguyên với diện tích 441 ha, tổng mức đầu tư 2.544 tỷ đồng của Tập đoàn TH tại xã Mô Rai đang được triển khai, cũng sẽ mang lại nhiều lợi thế lớn cho Sa Thầy trong công tác giải quyết việc làm cho nhân dân trên địa bàn. Tiếp cận và chú trọng công tác đào tạo nguồn lao động gắn với nông nghiệp công nghệ cao (chăn nuôi bò sữa) sẽ mang lại hiệu quả và năng suất lao động cao, phù hợp với xu thế phát triển của xã hội trong thời kỳ mới.
Hội nhập và phát triển...
Những năm gần đây, diện mạo đô thị đang đổi thay mạnh mẽ ở Sa Thầy, nông thôn ngày càng khởi sắc. Hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế, xã hội được xây dựng theo hướng đồng bộ, hiện đại. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên. Điều đó khẳng định hướng đi đúng của địa phương; thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm của đội ngũ cán bộ và sự đồng thuận của người dân. Phát huy tiềm năng, khơi thông các nguồn lực, tạo sự đột phá rõ nét về diện mạo đô thị…sẽ góp phần đưa Sa Thầy phát triển nhanh và bền vững.
Đạt được những thành tựu đó phải kể đến sự năng động sáng tạo và tính quyết liệt của lãnh đạo huyện Sa Thầy trong công tác tổ chức, điều hành nhằm thực hiện có hiệu quả 3 lĩnh vực đột phá phát triển kinh tế- xã hội theo Chỉ thị số 20-CT/TU, ngày 09/01/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ và Quyết định số 31/QĐ-UBND, ngày 10/01/2019 của UBND tỉnh.
Với những mục tiêu cụ thể, phấn đấu trở thành một trong những huyện phát triển mạnh về kinh tế rừng của tỉnh, thời gian tới Sa Thầy sẽ tập trung phát triển kết cấu hạ tầng KT-XH, nhất là giao thông, thủy lợi, điện, nước sạch gắn với xây dựng NTM. Huyện Sa Thầy mong muốn nhận được sự ủng hộ từ các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư phát triển tại địa phương. Chắc chắn với quyết tâm phát triển nền kinh tế đa chiều, hiệu quả, huyện Sa Thầy sẽ phát triển mạnh mẽ và toàn diện hơn và trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.