VNHN - Trong công cuộc chuyển đổi số sẽ không tránh khỏi nhiều rủi ro, nhưng rủi ro lớn nhất trong thời đại cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) đó chính là không thực hiện chuyển đổi số, các chuyên gia của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) nhận định trong Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam năm 2019, được công bố sáng 29-5 với chủ đề “Trước ngưỡng cửa nền kinh tế số”.
Ảnh minh họa - Reuters
Cần ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng suất
CMCN 4.0, với đặc trưng trọng yếu nhất là kỹ thuật số, đang diễn ra mạnh mẽ làm thay đổi một cách sâu rộng nền kinh tế thế giới trên mọi khía cạnh đời sống kinh tế - xã hội. Cuộc cách mạng kỹ thuật số đang tạo ra những thay đổi căn bản về nguồn lực cho phát triển kinh tế, khả năng phá vỡ cấu trúc ngành và thị trường, cùng sự chuyển đổi của toàn bộ hệ thống sản xuất, quản lý và quản trị trên khắp toàn cầu.
Theo các chuyên gia kinh tế của VEPR, để có thể vươn lên vị thế quốc gia có mức thu nhập cao vào năm 2045, Việt Nam phải nhanh chóng chuyển hướng chiến lược sang tăng cường năng suất yếu tố tổng hợp ở tất cả các ngành thông qua ứng dụng các sản phẩm khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, từ đó tạo nền tảng chuyển đổi sang nền kinh tế số trong tương lai.
Do vậy, Việt Nam cần nâng cấp và phát triển cơ sở hạ tầng mạng lưới Công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT&TT), năng lượng; đẩy mạnh đầu tư hạ tầng Internet vạn vật (IoT), thí điểm các hệ thống thành phố thông minh và xây dựng “phòng thí nghiệm cuộc sống thành thị” ở các khu vực thành thị. Dữ liệu được kết nối và nguồn cung cấp năng lượng ổn định sẽ là yếu tố quyết định phương thức, lĩnh vực và mức độ phát triển của nền kinh tế số Việt Nam trong thời gian tới, báo cáo của VEPR nêu rõ.
Hơn nữa, Việt Nam cần thiết lập và phát triển hơn nữa năng lực an ninh mạng và quản trị dữ liệu vững mạnh, đặc biệt ở những hệ thống trọng yếu như tài chính, năng lượng, y tế và giao thông thông qua việc ứng dụng các công nghệ mới.
Theo các chuyên gia của VEPR, Việt Nam có thể chủ động hợp tác với các tổ chức quốc tế về an ninh mạng và quản trị dữ liệu, như tham gia vào xây dựng thỏa thuận khung về chia sẻ dữ liệu cho khu vực ASEAN hoặc làm việc với các tổ chức quốc tế để giám sát các tội phạm mạng xuyên quốc gia.
Bên cạnh đó, Việt Nam cần nâng cao năng lực số và kỹ năng số cho lực lượng lao động để có thể thực hiện thành công các kế hoạch chuyển đổi số đầy tham vọng trên toàn bộ nền kinh tế và các ngành công nghiệp ở Việt Nam trong thời gian tới. Do đó, Việt Nam cần ưu tiên tập trung đầu tư vào các kĩ năng như lập trình, S.T.E.M (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học), máy tính hơn là đào tạo nghề.
Ngoài ra, Việt Nam cần đẩy mạnh triển khai Chính phủ số (e-Government) và Dữ liệu mở (Open data) thông qua các ứng dụng, nền tảng (Platform), phân tích Dữ liệu lớn (Big Data), và hệ thống Trí tuệ nhân tạo (AI).
Dữ liệu mở sẽ tăng cường tính minh bạch và niềm tin vào Chính phủ, cũng như thúc đẩy đổi mới sáng tạo và cắt giảm chi phí cung cấp dịch vụ của khu vực công. Ứng dụng công nghệ số mới nổi có thể giúp Chính phủ trong việc phân tích đa tiêu chí, đổi mới cơ chế mua sắm đấu thầu của Chính phủ và giúp xác định được các khu vực công hiệu quả nhất, các chuyên gia của VEPR giải thích.
Cần chuyển vai trò thành nhà sản xuất
Theo các chuyên gia kinh tế của VEPR, Việt Nam hiện nay đã tham gia nhiều hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu nhưng chủ yếu tham gia các liên kết sau ở các ngành thiết bị điện tử, máy tính, linh kiện điện tử, dệt may và giày dép. Các ngành công nghiệp này nằm ở các khâu trung nguồn (midle-stream) của chuỗi giá trị, có nghĩa là chúng đóng góp phần lớn vào tổng giá trị xuất khẩu, nhưng tạo ra giá trị gia tăng rất nhỏ cho nội địa. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng đó là vì Việt Nam đang tập trung vào chuyên môn hoá ở khâu lắp ráp và các công ty có vốn đầu tư nước ngoài đang thống trị ở các khâu hạ nguồn và thượng nguồn.
Những thành tựu CMCN 4.0 mang lại sẽ khiến lợi thế so sánh về lao động giá rẻ sẽ mờ nhạt dần trong tương lai, điều đó có nghĩa là làn sóng công việc lắp ráp thuần tuý sẽ chảy ra khỏi Việt Nam để lại hậu quả là tốc độ tăng trưởng xuất khẩu sẽ sụt giảm.
Để tránh khỏi những rủi ro trên, theo VEPR, Việt Nam cần nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm xuất khẩu để đạt được tăng trưởng xuất khẩu bền vững. Các doanh nghiệp sản xuất trong nước cần phải nắm rõ các quy định cũng như những đặc tính riêng về hàng hóa nhập khẩu tại các thị trường mục tiêu để nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần cập nhật các cơ hội, thách thức từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết và có hiệu lực để mở rộng thị trường tiềm năng.
Hơn nữa, Việt Nam cần nhanh chóng trở thành nơi quản trị toàn bộ chuỗi giá trị toàn cầu thông qua hỗ trợ các doanh nghiệp nội địa nâng cao kỹ năng, năng lực đổi mới sáng tạo và thực tiễn quản lý bên trong nhằm có khả năng ứng dụng được các phương thức sản xuất mới với năng suất cao hơn.
Ngoài ra, Việt Nam cần phải gắn kết phát triển chiến lược lắp ráp với chiến lược phát triển năng lực công nghiệp nội địa và nền tảng công nghệ quốc gia bằng cách tăng liên kết trong nước với nước ngoài, giữa doanh nghiệp xuất khẩu với các doanh nghiệp cung cấp đầu vào trong nước bởi khả năng kết nối của quốc gia với thị trường toàn cầu về hàng hoá và dịch vụ là nhân tố quyết định khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu cho Việt Nam.
Làm được như vậy sẽ giúp nâng cấp sự tham gia của Việt Nam vào chuỗi giá trị bao gồm: nâng cấp sản phẩm, nâng cấp quy trình, nâng cấp chức năng, nâng cấp toàn ngành, để chuyển vai trò từ “trung gian lắp ráp” thành “nhà sản xuất”.