VNHN - Ông Trần Văn Tiên, Phó giám đốc công ty cổ phần Môi trường Đô thị Đà Nẵng cho biết, dự kiến mùa Tết Canh Tý 2020, 1 công nhân vệ sinh môi trường Đà Nẵng sẽ phải “cõng” 6 tấn rác, mới bảo đảm phần nào cảnh quang sạch cho thành phố.
Chia sẻ này của ông Tiên được đưa ra, sau khi thành phố Đà Nẵng công bố kế hoạch thu gom rác thải toàn thành phố dịp Tết Canh Tý, nhất là trong ngày 30 Tết. Nhiều tranh luận đã nảy sinh khi lãnh đạo Đà Nẵng quyết tâm chỉ đạo tổng dọn xong vệ sinh của mọi cơ sở kinh doanh, sản xuất trên địa bàn trước 21 giờ, và của các tụ điểm chợ hoa, vui chơi trước 23 giờ đêm 30 Tết (tức đêm 24/01/2020). Một số người trên mạng xã hội cho rằng chỉ đạo này bất khả thi, trong khi phần lớn ý kiến mong có thể làm được, để giảm tải cho người công nhân, giúp họ sớm về nhà đón giao thừa.
1 công nhân vệ sinh môi trường sẽ "cõng" 6 tấn rác dịp Tết Canh Tý.
“Chúng tôi xin cảm ơn những tấm lòng chia sẻ của cộng đồng đối với công việc của chúng tôi, và chúng tôi cũng mong những người công nhân có thể về nhà sớm hơn. Nhưng ngay bản thân tôi, mười mấy năm qua cũng chưa hề được đón giao thừa ở nhà, anh em công nhân vệ sinh môi trường đều đã xác định, rất khó dọn xong rác thải trước 2 giờ sáng mồng Một Tết”. Ông Tiên tâm sự như vậy.
Theo thống kê của công ty Môi trường Đô thị Đà Nẵng, dự kiến lượng rác thải dịp Tết Canh Tý, nhất là ngày 30 Tết sẽ dao động 3.500 tấn, tăng 400 tấn so với dịp Tết 2019. Hiện tại doanh nghiệp đang có 1.100 lao động, có 50% là công nhân trực tiếp làm việc. Như vậy để giải quyết được lượng rác thải dịp Tết Canh Tý, mỗi công nhân sẽ phải trực tiếp xử lý 6 tấn rác. Tính bình quân, 1 công nhân môi trường khi đi thu gom sẽ phải đi bộ 30 km theo xe cuốn ép, và cúi gập nhấc đổ hơn 3.500 lần/ngày.
Sau 22 giờ đêm 30 Tết, rác lại được đổ ra đường phố Đà Nẵng.
Ông Tiên chia sẻ, thực sự năng lực giải quyết của công ty chỉ tầm 2.500 tấn rác, là đã gấp 2,5 lần so với bình thường. Cho nên, doanh nghiệp sẽ hợp đồng bên ngoài tầm 1.000 lao động nữa, chủ yếu chính là thân nhân, con em các công nhân. Lượng xe cuốn ép đang có cũng không đủ đáp ứng nhu cầu vận chuyển, nên công ty sẽ thuê thêm xe beng, xe tải, đưa ra đến 1 số điểm tập kết để trung chuyển ra bãi rác.
Tuy nhiên, những nỗ lực của doanh nghiệp sẽ chỉ bảo đảm đạt mục tiêu giải quyết lượng rác trên các đường phố trước giờ giao thừa khi có sự ủng hộ của người dân Đà Nẵng. Thay vì chỉ đưa ra những tranh luận, chỉ cần mỗi người dân Đà Nẵng cố gắng đi mua sắm chợ hoa sớm hơn trước 20 giờ, và đừng đổ rác thải ra đường sau 22 giờ tối 30 Tết, là những người công nhân vệ sinh môi trường đã có thể về sớm đón giao thừa bên gia đình. Ông Tiên mong mỏi như vậy.
Vận động dừng đổ rác sớm là điều rất khó, chúng tôi chỉ cầu mong mọi người hãy cố gắng, chia sẻ cùng công nhân chúng tôi. Bởi lẽ nếu chỉ quét dọn, đến 21 giờ là chúng tôi đã dọn sạch đường phố. Nhưng năm nào cũng thế, sau 22 giờ là nhiều gia đình lại đổ rác ra đường phố. Ví dụ năm 2019, đến 20 giờ chúng tôi đã gom 1.955 tấn rác, thì đến 24 giờ gom được 2.547 tấn, tức là sau 22 giờ có hơn 600 tấn rác ra đường. Còn tại các điểm vui chơi, quán ăn, chợ hoa, rác không thể gom được trước 2 giờ sáng. Mọi người dù ý thức đến đâu cũng không thể dọn sớm gian hàng khi việc mua bán chậm trễ. Những người bán hoa, cây cảnh cũng là dân lao động, họ cầu chờ người ta mua sớm chứ không ai muốn ngồi đến giao thừa. Chúng tôi biết họ cũng khổ như chúng tôi, làm sao hối thúc được?”. (Ông Trần Văn Tiên, Phó giám đốc công ty cổ phần Môi trường đô thị Đà Nẵng). |