VNHN - Quỳnh Nhai được thiên nhiên ưu đãi như vịnh Hạ Long trên non giữa đại ngàn của mảnh đất Sơn La khiến nhiều du khách trong nước và Quốc tế tìm đến. Thiên nhiên ưu ái ban tặng cho Quỳnh Nhai nhiều cảnh quan kỳ thú, núi sông, hang động hấp dẫn, với nhiều đảo lớn nhỏ. Cùng với đó là những phong tục tập quán truyền thống được các dân tộc sống trên địa bàn gìn giữ qua bao nhiêu thế hệ. Nổi bật trong số đó là hồ sinh thái Quỳnh Nhai rộng lớn với tổng diện tích mặt nước là 1500ha rất có tiềm năng về du lịch trải nghiệm lòng hồ và nuôi cá lồng chất lượng cao.
Huyện Quỳnh Nhai có hệ sinh thái đa dạng, nhiều cạnh đẹp hùng vĩ, sơn thủy hữu tình, là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của các dân tộc thiểu số. Thiên nhiên hùng vĩ ấy còn trở thành một trong những điểm du lịch khi thủy điện Sơn La được đưa vào hoạt động, biến du lịch nơi đây trở nên hấp dẫn hơn, bởi các tuyến du lịch văn hóa gắn với thiên nhiên. Khai thác tiềm năng, lợi thế đó là hướng đi của huyện nhằm phát triển kinh tế du lịch, thủy sản của địa phương.
Xác định rõ tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh của Quỳnh Nhai, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn: Xây dựng và vận hành website: duy trì, cập nhật thường xuyên chuyên mục “DU LỊCH” trên Cổng thông tin điện tử của huyện và fanpage “Du lịch Quỳnh Nhai , Sơn La”; đăng tải các video clip quảng bá du lịch trên các trang mạng xã hội facebook, youtube; tham gia các sự kiện văn hóa trong và ngoài tỉnh tạo ấn tượng tốt đối với du khách.
Quỳnh Nhai, Sơn La - một trong những điểm đến mang lại cho bạn cảm giác được sống hòa mình với thiên nhiên, núi rừng. Sự kết hợp tuyệt vời của núi non, sông nước, hòa quyện với cảnh sắc mây trời, được thả mình vào dòng sông lững lờ trôi như dải tóc mây bồng bềnh óng ánh của người thiếu nữ, quanh năm chảy êm dịu qua những dãy núi mây hùng vĩ. Do đó, địa danh Quỳnh Nhai điểm du lịch này luôn tạo được sức hút rất lớn đối với du khách khi tới Sơn La khám phá.
Ông Cầm Văn Huy, Phó Chủ tịch UBND Huyện Quỳnh Nhai
Chia sẻ về phương hướng phát triển du lịch của huyện trong thời gian tới, Ông Cầm Văn Huy, Phó Chủ tịch Huyện Quỳnh Nhai cho biết thêm: Xác định du lịch là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của huyện, thời gian tới huyện sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, nhân dân về vị trí, vai trò và ý nghĩa của du lịch đối với sự phát triển kinh tế - xã hội; tiếp tục huy động nguồn lực, nguồn vốn đầu tư phát triển hệ thống kết cấu cơ sở hạ tầng thiết yếu vào các điểm du lịch có tiềm năng phát triển, ưu tiên khu vực lòng hồ thủy điện, các di tích, danh thắng cấp quốc gia, cấp tỉnh và một số điểm du lịch khác trên địa bàn huyện.
Đồng thời, huyện phát triển các sản phẩm thủ công nghiệp, nghề truyền thống, sản phẩm nông, lâm nghiệp, thủy sản là đặc sản của địa phương, có chất lượng phục vụ phát triển kinh tế và du lịch: Bên cạnh đó, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc giữ gìn không gian cảnh quan, bản sắc văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn; tăng cường thông tin, quảng bá hình ảnh về miền đất, văn hóa, con người Quỳnh Nhai; phối hợp mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý, lao động trực tiếp tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, đặc biệt là các hộ làm dịch vụ du lịch cộng đồng...
Quỳnh Nhai là điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước, đặc biệt với những ai yêu vẻ đẹp mộc mạc, hoang sơ,những dòng thác trắng xóa, những dòng suối mát lạnh,những hang động kỳ vĩ mà hấp dẫn, tại đây du khách có thể đắm mình vào dòng nước trong xanh, mát dịu, lắng nghe âm thanh của sóng vỗ rì rào, tiếng chim hót, tiếng cành lá đan vào nhau, thoang thoảng mùi hương của các loài hoa dại, ngắm nhìn cảnh quan tự nhiên, dòng sông hiền hòa hòa thân thiết. Và cái nắng, cái gió, khung cảnh đất trời nơi đây khiến ta không khỏi bùi ngùi, ngẩn ngơ bên dòng nước trong xanh, hoa, nắng lung linh, ong bướm dập dìu bên lòng hồ thủy điện.
Với lợi thế của vùng đất thiên thời địa lợi, Đạng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc đang hướng tới xây dựng Quỳnh Nhai trở thành huyện có nền kinh tế phát triển bền vững gắn với du lịch sinh thái, du lịch văn hóa cộng đồng thông thoáng và thư giãn. Chiêm ngưỡng vẻ đẹp của mặt hồ cùng không khí trong lành của thiên nhiên mà còn được trải nghiệm những nét sinh hoạt văn hóa, ẩm thực độc đáo của người dân địa phương. Tại đây, có rất nhiều homestay có 8 xã dọc lòng hồ và một bản quy hoạch về du lịch cộng đồng để du khách có thể lựa chọn và trải nghiệm thực tế.
Đảo Trái Tim điểm du lịch lòng hồ sông Đà.
Là một trong những điểm du lịch sinh thái trên lòng hồ thủy điện Sơn La ở Quỳnh Nhai, đảo trái tim cách thành phố Sơn La 60km thuộc địa phận xã Mường Giàng - Quỳnh Nhai -
Đảo Trái tim nhìn từ trên cao
Đảo trái tim nằm cách cầu Pa Uôn hơn 10km về phía thượng nguồn, diện tích khoảng 1,3 ha. Cùng với các điểm du lịch tâm linh, như Đền Linh Sơn - Thủy Từ và Nàng Han, di tích lịch sử cấp tỉnh Cây đan Pắc Ma và dịch vụ tham quan lòng hồ, trải nghiệm tắm suối nước nóng bản Bon xã Mường Chiên … Đến đây, bạn sẽ được lên thuyền tham quan ngắm cảnh lòng hồ thủy điện sông Đà mênh mông rộng lớn, trải nghiệm các hoạt động vui chơi giải trí như bể bơi ngòai trời, đạp vịt, chèo thuyền, xích đu và thưởng thức ẩm thực dân tộc … chụp ảnh lưu niệm cầu khóa tình yêu, hít thở không khí trog lành của món quà quý giá thiên nhiên ban tặng cho vùng đất Quỳnh Nhai về cảnh vật thiên nhiên sơn thủy hữu tình.
Điểm đến du lịch đảo trái tim bao gồm tổ hợp Bến thuyền du lịch; Đảo trái tim; Suối nước nóng bản Bon, xã Mường Chiên và nhiều dự án tiềm năng cùng vùng lòng hồ thủy điện trong tương lai .
Hồ thủy điện Sơn La - Hồ trên núi, một kiệt tác thắng cảnh do con người tạo ra đã và đang là lợi thế của ngành du lịch.
Một lần được chiêm ngưỡng, thả hồn trên lòng hồ Thủy điện Sơn La sẽ khiến du khách ngẩn ngơ bởi vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ. Trong khung cảnh yên bình, lãng mạn, non xanh nước biếc và nhịp sống trên lòng hồ…
Sau dự án tái định cư thì người dân được rất nhiêu thuận lợi, như cơ sở hạ tầng, chính sách hỗ trợ dài, huyện cũng tạo cho người dân sử dụng diện tích mặt nước để nuôi cá lồng.
Một góc thu nhỏ lòng hồ sông Đà
Nếu có dịp trải nghiệm bạn ở đây sẽ không còn cảm giác gai người của những lần vượt thác, xuống ghềnh trên dòng. Đổi lại là cảm giác bồng bềnh và được chiêm ngưỡng vẻ đẹp hoang sơ, kỳ bí về một nền văn hóa sông nước. Những vách đá dựng đứng, những sườn núi bạt ngàn tất cả được thu vào tầm mắt trong vẻ ngỡ ngàng.
Lên Quỳnh Nhai chắc chắn sẽ không ai bỏ lỡ cơ hội đi du thuyền trên hồ thủy điện, để được đắm mình với thiên nhiên mênh mông sông nước, trùng điệp núi rừng, được nghe những câu chuyện kể về sự tích gắn với từng địa danh nơi đây. Đi trên lòng hồ Thủy điện Sơn La, bạn sẽ được đắm chìm trong sắc màu văn hóa của các dân tộc sinh sống ven lòng hồ rồi được chứng kiến cuộc sống của người dân vùng lòng hồ.
Cùng với Lễ hội “Kin pang then”, “kin păng ả”, “gội đầu”…, Lễ hội đua thuyền vào dịp đầu xuân năm mới trở thành nét văn hóa không thể thiếu của người dân ven đôi bờ sông Đà.
Vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ của lòng hồ ví như một bức tranh thủy mặc khổng lồ vô cùng sống động với nhiều đảo núi nhấp nhô. Đoạn quây quần, tụ lại xúm xít chen chân, có chỗ lại tách rời riêng biệt tạo những nét chấm phá cực kỳ tài nghệ.
Trong suốt hành trình khám phá lòng hồ, bạn cũng được tận mắt chứng kiến một hệ sinh thái bán sông nước đầy hấp dẫn. Các nhũ đá được kiến tạo qua hàng nghìn năm, với nhiều hình thù, màu sắc xen lẫn là những vách đá rêu phong, bám trên mình thảm thực vật xanh trải dài ngút mắt. Những hình ảnh tuyệt phẩm đó ngày nào du khách chỉ được ngắm qua lăng kính ống nhòm thì nay đi trên lòng hồ có thể cho thuyền cập vào bờ và chạm tay vào được.
Cột mốc đánh dấu huyện Quỳnh Nhai cũ được xây dựng trên đồi truyền hình thuộc xóm 3, xã Mường Chiên, huyện lỵ Quỳnh Nhai cũ là chứng tích về một thời nhộn nhịp đông đúc trên bến dưới thuyền, nơi khởi nguồn của người Thái Quỳnh Nhai trong lịch sử; nơi lưu giữ nhiều sự tích, truyền thuyết từ lâu đời và ký ức về Trung tâm huyện Quỳnh Nhai cũ.
Công trình được xây dựng sau khi Nhà máy thủy điện Sơn La đóng đập ngăn sông tích nước lòng hồ với diện tích 80m2, phần kiến trúc bố trí biểu tượng đặc trưng của văn hóa Quỳnh Nhai.
LỄ KIN PANG THEN CỦA NGƯỜI THÁI TRẮNG QUỲNH NHAI Là nghi lễ cầu sức khỏe, Kin Pang Then (hoặc Then Kin Pang tùy cách gọi) là ngày hội tiêu biểu của cộng đồng cư dân Thái (ngành Thái trắng) cư trú vùng Tây Bắc Việt Nam.
“Then” ở đây là thầy mo được quan niệm là cao tay hơn cả; thầy mo được coi như người của trời được cử xuống trần gian có khả năng siêu phàm để cứu giúp người khỏi bị ốm đau, bệnh tật và có khả năng giao tiếp với thần linh. Hàng năm, vào dịp đầu năm, thầy mo tổ chức lễ cúng và gặp mặt các con nuôi (đó là những người đã được thầy mo chữa cho khỏi bệnh). Hiểu một cách đơn giản, Kin Pang Then là lễ hội cúng mừng con nuôi của người Thái trắng do một ông Then trong bản tổ chức hàng năm. Ngoài ra, Kin Pang Then cũng là lễ hội cầu phúc lộc cho gia đình và con cháu, là dịp để con cháu tạ ơn thầy trong dịp đầu năm mới.
Lễ “Kin Pang Then” được tổ chức với quy mô lớn, không những các con nuôi và người trong bản tham gia, mà còn nhiều dân làng ở bản khác cũng đến tham dự. Thời gian cúng có thể kéo dài từ 3 đến 4 ngày, tuỳ thuộc và số lượng con nuôi đến với “Then” nhiều hay ít. Ngày tiến hành lễ do ông Then tự đặt ra vào một ngày cụ thể để các con nuôi biết và về dự hội. Ngày làm lễ phải được tổ chức trước Rằm tháng Giêng vì họ quan niệm ngoài rằm, Then trên trời cũng bận đi làm không có thời gian xuống dự lễ vui chơi được. Ngày này cũng phải hợp với ông Then, không phải ngày kiêng kỵ của gia đình, dòng họ.
Để có thể tổ chức lễ hội, gia đình và bản thân thầy Then phải chuẩn bị đầy đủ về nhân lực cũng như về kinh tế. Mỗi lần tổ chức lễ, ông Then cúng cho nhiều người và những người khỏi bệnh đều xin được làm con nuôi của Then, Then sẽ phải tổ chức một ngày làm lễ cúng cầu an và tổ chức một bữa cơm mời các con nuôi.
Buổi tối ngày thứ nhất, thầy Then chuẩn bị mâm cúng pan cai để cúng Then. Mâm lễ gồm có: Gạo nếp, thóc, trầu cau, rượu, trứng gà, xôi, muối, vải trắng, sợi bông, vòng bạc, hương, đèn, tiền, nước, hoa… Khi tất cả đã đầy đủ, Then bắt đầu làm lễ. Ông lên trời mời Then trên trời xuống vui chơi. Thầy Then trong trang phục truyền thống, thắt lưng, đội mũ bắt đầu cúng ở gian thờ Then.
Sáng hôm sau, người nhà Then mổ gà, lợn, đồ xôi chuẩn bị cho lễ cúng. Một mâm cúng được đặt tại nơi thờ tổ tiên (clọ hóng) và một mâm cúng đặt ở bàn thờ Then (hỉnh một). Trong trường hợp bố mẹ Then còn sống thì then không được phép cúng tổ tiên ở gian Clọ hóng mà phải nhờ bố Then đến cúng hộ. Nếu bố mẹ Then chết rồi thì Then mới được tự mình cúng cho bố mẹ, tổ tiên. Ông bố khấn ngắn gọn, đại ý là để cầu mong cho con cháu khoẻ mạnh, làm ăn phát đạt, năm mới nuôi lợn, gà đều tốt, mùa màng bội thu...
Cúng tổ tiên xong là lúc Then chuẩn bị cúng cho các con nuôi, có bao nhiêu con nuôi thì Then phải cúng lần lượt cho từng người một. Từ ngày hôm trước, các con nuôi đã lần lượt về đặt lễ tạ ơn ông Then đã chữa khỏi bệnh cho mình và cầu chúc cho các con nuôi của mình khoẻ mạnh, gặp nhiều may mắn. Phần lễ đơn giản nhưng mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc, không có yếu tố mê tín dị đoan, mang tính cộng đồng cao, vun đắp tình đoàn kết trong bản, trong mường.
Lối hát Then truyền thống là một trong những điểm đặc sắc nhất của lễ hội. Qua lời hát, ông (bà) Then cầu cúng cho dân làng trong bản, trong mường sang một năm mới có nhiều điều tốt đẹp, cho con người luôn khoẻ mạnh, no ấm, cầu cho mưa thuận gió hoà, cho mùa màng tươi tốt và cùng với đó là lễ tạ ơn của con cái đối với cha mẹ.
Cũng như nhiều lễ hội khác, lễ hội Kin Pang Then gồm có hai phần chính là phần lễ và phần hội. Phần hội với những lời hát Then, điệu múa, trò chơi dân gian lành mạnh như Trò mưa đá (là trò chơi ông Then xin trời cho mưa xuống để cho mùa màng tươi tốt), trò cày bừa, hái nấm, múa khăn, múa tăng bu tăng bẳng, múa vòng xoè… đã tạo ra không khí vui tươi phấn khởi, cuốn hút dân làng đến tham gia. Bên cạnh đó, lễ hội còn là dịp để trai gái trong bản, ngoài mường gặp gỡ và thể hiện mình qua những câu khắp, điệu xòe. Và sau lễ hội, nhiều đôi đã nên vợ, nên chồng.
Bên cạnh ý nghĩa tâm linh sâu sắc, lễ hội Kin Pang Then còn nhắc nhở con người phải biết sống đúng đạo lý, gắn bó với tình làng, nghĩa bản. Trong bài cúng của ông Then có đoạn nhắc nhở và khuyên nhủ các con cháu rằng:
“…Được ăn ngon đừng quên mình
Được đi ngựa đừng quên thời đi bộ…”
Góc nhỏ của huyện Quỳnh Nhai
Lễ “Kin Pang Then” là lễ hội mang tính cộng đồng cao, góp phần tích cực vào việc vun đắp khối đoàn kết dân tộc, giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn, tạo bầu không khí vui tươi, lành mạnh. Lễ hội là nét văn hóa đặc sắc, là hình thức diễn xướng dân gian độc đáo, góp phần vào việc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.