26/04/2024 lúc 14:30 (GMT+7)
Breaking News

Quyết tâm đưa vào khai thác 3 dự án cao tốc dịp lễ 30/4

Mới đây, Bộ Giao thông vận tải đã và đang quán triệt mục tiêu và quyết liệt chỉ đạo Ban quản lý dự án và các đơn vị thi công phải đảm bảo tiến độ đến 30-4-2023 khánh thành đưa vào khai thác 3 dự án cao tốc Mai Sơn - quốc lộ 45, Phan Thiết - Dầu Giây và Vĩnh Hảo - Phan Thiết thuộc dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.

Cầu vượt cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết tại xã Hàm Kiệm, huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận – (Ảnh: Internet).

Cụ thể, trong sáng ngày 15-03 vừa qua, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng dẫn đầu đoàn công tác đi kiểm tra thực tế 2 dự án cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết và Phan Thiết - Vĩnh Hảo từ tỉnh Đồng Nai đến Bình Thuận. 

Đối với dự án tuyến Phan Thiết - Vĩnh Hảo vẫn còn khối lượng công việc rất lớn, cụ thể khó khăn lớn nhất hiện nay vẫn là chưa gia hạn lại được đất đắp. Nhiều nhà thầu phải tự chủ động đi mua nguồn đất đắp thương mại ở ngoài, khiến vốn bỏ ra cao hơn nhiều lần. Song, Bộ Giao thông vận tải vẫn quán triệt mục tiêu khai thác đường cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết vào dịp 30-4-2023, không lùi thời hạn đến 30-6-2023.

Bên cạnh đó, sau khi đi kiểm tra thực tế, đoàn công tác Bộ Giao thông vận tải cũng đã họp bàn với UBND các tỉnh Đồng Nai và Bình Thuận để tìm cách tháo gỡ các vướng mắc, nhất là nguồn đất đắp. Cụ thể là kiến nghị Thủ tướng xem xét chấp thuận đưa vào nghị quyết của Chính phủ một số biện pháp như cho phép UBND tỉnh Bình Thuận thực hiện thủ tục gia hạn 6 giấy phép khai thác mỏ đất đắp được áp dụng theo cơ chế đặc thù để phục vụ thi công dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết cho đến khi hoàn thành dự án mà không xét thời điểm nộp hồ sơ xin gia hạn; cho phép các nhà thầu trong thời gian thực hiện các thủ tục gia hạn được phép khai thác các mỏ đất để phục vụ thi công dự án.

Được biết Dự án đường cao tốc Phan Thiết - Vĩnh Hảo đã lùi thời gian một lần đến 30-4-2023 và lần này dứt khoát phải quyết tâm hoàn thành đưa vào khai thác. Dự án này dài hơn 100km, 6 làn xe, mặt đường rộng 32m, có vốn đầu tư gần 11.000 tỉ đồng. Đến thời điểm này tuyến chính đã đạt gần 90% khối lượng, đáp ứng tiến độ thông xe trước ngày 30-4.

Nút giao cao tốc Long Thành Dầu Giây và cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây -  (Ảnh: Internet).

Riêng cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết có chiều dài 99 km, đi qua địa phận 2 tỉnh Đồng Nai và Bình Thuận với thiết kế chiều rộng mặt đường 23,5 m với 4 làn xe, được khởi công từ tháng 9-2020, tổng mức đầu tư hơn 12.500 tỷ đồng. Cao tốc khi hoàn thành sẽ rút ngắn hành trình từ TP.HCM đến trung tâm du lịch Phan Thiết - Mũi Né còn 2-2,5 tiếng thay vì 4-5 tiếng đi trên quốc lộ 1. Cao tốc này cũng góp phần kết nối sân bay Long Thành, tạo nên trục giao thông liền mạch giữa TP.HCM - Long Thành - Phan Thiết.

Tại công trường Bộ trưởng GTVT cũng đã biểu dương tinh thần vượt khó và cho biết chuyến công tác này nhìn tiến độ chung của dự án ông đã có niềm tin sẽ hoàn thành đúng tiến độ đề ra./.

Hoàng Châu