20/01/2025 lúc 05:03 (GMT+7)
Breaking News

Quyết tâm đẩy lùi đại dịch chưa từng có trong lịch sử

Trong hơn một năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, ngành Y tế đã cùng với các cấp, các ngành, các địa phương và nhân dân cả nước phòng, chống thành công nhiều đợt bùng phát dịch và hiện nay vẫn đang nỗ lực, quyết tâm để tiếp tục cuộc chiến chống COVID-19, một đại dịch đầy thách thức và chưa từng có trong lịch sử.

Trong hơn một năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, ngành Y tế đã cùng với các cấp, các ngành, các địa phương và nhân dân cả nước phòng, chống thành công nhiều đợt bùng phát dịch và hiện nay vẫn đang nỗ lực, quyết tâm để tiếp tục cuộc chiến chống COVID-19, một đại dịch đầy thách thức và chưa từng có trong lịch sử.

Tại cuộc họp trực tuyến của Chính phủ với các địa phương chiều 11/8, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, trong thời gian qua, ngành y tế đã có những bước phát triển đáng ghi nhận. Đặc biệt trong hơn một năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, ngành y tế đã cùng với các cấp, các ngành, các địa phương và nhân dân cả nước phòng, chống thành công nhiều đợt bùng phát dịch và hiện nay vẫn đang nỗ lực, quyết tâm để tiếp tục cuộc chiến chống COVID-19, một đại dịch đầy thách thức và chưa từng có trong lịch sử.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long 

Nghị quyết 86 đã được dày công nghiên cứu, xây dựng chi tiết, kỹ lưỡng

Về các giải pháp cấp bách trong phòng chống dịch COVID-19, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long thông tin, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 86/NQ-CP để cụ thể hóa và thực hiện Nghị quyết 30/2021/QH15 của Quốc hội.

Nghị quyết này đã được dày công nghiên cứu, xây dựng chi tiết, kỹ lưỡng với sự tham gia ý kiến cụ thể, sâu sát theo từng vấn đề của đồng chí Thủ tướng Chính phủ, các đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ, các đồng chí thành viên Chính phủ và Lãnh đạo một số địa phương.

Nội dung Nghị quyết đã nêu rất đầy đủ, cụ thể về bối cảnh tình hình dịch, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện; các nguyên nhân, tồn tại, khó khăn, thách thức và đề ra các giải pháp trọng tâm, cấp bách, cấp thiết để giải quyết các vấn đề.

Thế giới có nguy cơ mất đi những thành quả chống dịch

Thông tin tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, dịch COVID-19 với biến chủng Delta đang diễn biến phức tạp, bùng phát mạnh, lây lan nhanh và làm gia tăng tử vong tại nhiều nước trên thế giới, nhất là tại Đông Nam Á.

Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo, thế giới có nguy cơ mất đi những thành quả chống dịch trước sự lây lan của biến chủng Delta.

Bên cạnh đó, biến chủng Lambda đã xuất hiện gần đây, đã lan rộng đến trên 40 quốc gia; cũng làm gia tăng tử vong và đặc biệt có khả năng kháng vaccine COVID-19.

Dịch đã ngấm sâu vào cộng đồng ở nhiều địa bàn tại TPHCM

Tại Việt Nam, đợt bùng phát dịch lần thứ tư có tốc độ lây rất nhanh, đã lan rộng ra nhiều địa phương với quy mô lớn nhất từ trước đến nay và tiếp tục diễn biến khó lường.

Đặc biệt, dịch bệnh đã ngấm sâu vào cộng đồng ở nhiều khu vực thuộc địa bàn TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam với số ca mắc rất cao, gây tổn hại rất lớn về tính mạng, sức khỏe; ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội.

"Khả năng tác động, bùng phát của dịch bệnh đã có thể còn lớn hơn nhiều lần nữa nếu không kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống dịch mạnh mẽ, quyết liệt như trong thời gian qua", Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói

6 bài học kinh nghiệm từ thực tiễn chống dịch

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh qua thực tiễn diễn biến tình hình và công tác chống dịch thời gian vừa qua, có thể rút ra các bài học kinh nghiệm.

Cụ thể, thứ nhất, là công tác lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, kịp thời, đúng hướng, toàn diện, hiệu quả đồng thời chủ động, linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế. Sự lãnh đạo trong các cấp ủy rất sát với tình hình thực tế, cụ thể tại một số địa phương như Nghệ An, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Khánh Hòa.

Thứ hai, là sự vào cuộc của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân; huy động toàn bộ hệ thống chính trị, nhất là hệ thống chính trị tại cơ sở phải tham gia trực tiếp, đóng vài trò quan trọng trong phòng, chống dịch; bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cấp, các ngành, các lực lượng.  

Thứ ba, là việc quyết định các biện pháp phòng, chống dịch mạnh mẽ từ sớm là cần thiết nhưng phải dứt khoát, triệt để, nhằm kịp thời ngăn chặn tốc độ lây lan, giảm tác động của đại dịch đối với sức khỏe của người dân, hệ thống y tế và phát triển kinh tế - xã hội.

Các khu vực giãn cách, phong tỏa phải thực hiện nghiêm, thực chất, chắc chắn, hiệu quả; không để tình trạng "chặt ngoài lỏng trong" để nhanh chóng kiểm soát, ổn định tình hình dịch, không để dịch kéo dài gây ảnh hưởng tiêu cực đến an sinh xã hội, an toàn trật tự xã hội.

Thứ tư, là kiên định các giải pháp chuyên môn kỹ thuật đồng thời chủ động, linh hoạt các giải pháp trong truy vết, xét nghiệm, cách ly, điều trị phù hợp tình hình thực tiễn; nhất là chiến lược về xét nghiệm để phát hiện và nhanh chóng các trường hợp nhiễm ra khỏi cộng đồng; chủ động các phương án và chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để đưa vào vận hành ngay các cơ sở thu dung, điều trị khi số ca mắc tăng cao; thường xuyên nâng cao năng lực cho cán bộ y tế trong xét nghiệm, điều trị.

Thứ năm, là chủ động trong công tác hậu cần theo phương châm 4 tại chỗ, nhất là tại cơ sở; chuẩn bị các phương án ở mức cao trong mua sắm, huy động các nguồn lực phòng, chống dịch, không để lúng túng khi dịch bùng phát; đảm bảo việc tổ chức và điều phối hiệu quả nguồn lực (về nhân lực y tế, vật tư, trang thiết bị…); tiếp tục thúc đẩy hợp tác quốc tế hỗ trợ các nguồn lực cho phòng, chống dịch, nhất là đối với chiến lược "ngoại giao vaccine".

Thứ sáu, là công tác truyền thông cần có sự đồng thuận cao trong toàn xã hội. Đẩy mạnh tuyên truyền các tấm gương tốt, điển hình, cách làm hay trong phòng, chống dịch; kịp thời ngăn chặn các thông tin xấu, sai sự thật, các thông tin giả mạo gây ảnh hưởng không tốt đến tâm lý của lực lượng chống dịch và gây hoang mang, lo lắng cho người dân.

Bảo đảm an toàn, an ninh y tế

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng nêu rõ, tình hình dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, khó dự báo, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe của nhân dân và ảnh hưởng lớn đến nhiều mặt của đời sống xã hội, đặc biệt là trong bối cảnh nguồn cung ứng vaccine hạn chế và trước mắt chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.

Công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân đã và đang được đặc biệt quan tâm, thể hiện qua nhiều Nghị quyết của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, trong bối cảnh thực tế vẫn còn nhiều khó khăn nhất là về cơ sở vật chất, nhân lực y tế.

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng thông tin, thời gian tới đây, ngành y tế tiếp tục tập trung các nhiệm vụ trọng tâm sau về công tác y tế đảm bảo hệ thống y tế quốc gia, bảo đảm năng lực, an ninh y tế.

Cụ thể, tập trung xây dựng thể chế, hoàn thiện cơ chế, chính sách để đổi mới phát triển ngành. Sắp xếp bộ máy quản lý, cung ứng dịch vụ y tế tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Đổi mới căn bản công tác đào tạo, quản lý nguồn nhân lực y tế, bảo đảm cân đối trong phân bổ, sử dụng nguồn nhân lực y tế giữa các vùng, các tuyến, giữa đào tạo và sử dụng; tăng cường đầu tư hạ tầng y tế đồng bộ, hiện đại, ưu tiên phát triển các khu phức hợp y tế, trung tâm y tế chuyên sâu hiện đại ngang tầm khu vực và quốc tế.

Đổi mới công tác y tế dự phòng và nâng cao sức khỏe, bảo đảm an toàn, an ninh y tế; nâng cao năng lực chuẩn bị và ứng phó với biến đổi khí hậu, các tình huống khẩn cấp về thiên tai, thảm họa và đủ khả năng đáp ứng với các đại dịch.

Đồng thời, đổi mới mạnh mẽ y tế cơ sở, thực hiện các giải pháp đột phá về nhân lực, chuyên môn, cơ chế tài chính, đầu tư cho y tế cơ sở. Nâng cao chất lượng dịch vụ y tế; thực hiện chăm sóc toàn diện người bệnh; phát triển các kỹ thuật y khoa chuyên sâu.

Bên cạnh đó, ngành y tế tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ cao trong dự phòng, phát hiện, chẩn đoán và điều trị bệnh tật; đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong quản lý, điều hành và hoạt động chuyên môn y tế; thúc đẩy phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước và thiết bị y tế.

Tăng tỷ trọng chi tiêu công cho y tế, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách và các nguồn lực cho y tế, ưu tiên phát triển y tế dự phòng, y tế cơ sở, vùng nghèo, vùng khó khăn.

Đẩy mạnh hợp tác công - tư, đầu tư tư nhân cho y tế; thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân; thực hiện triệt để công khai, minh bạch trong quản lý, cấp phép, đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế./.