02/12/2024 lúc 12:51 (GMT+7)
Breaking News

Quốc hội thảo luận về việc lùi thời điểm áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới

VNHN - Tiếp tục chương trình làm việc, chiều 2/11, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, nghe báo cáo, thảo luận về việc lùi thời điểm triển khai áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới (Chương trình) tại Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

VNHN - Tiếp tục chương trình làm việc, chiều 2/11, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, nghe báo cáo, thảo luận về việc lùi thời điểm triển khai áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới (Chương trình) tại Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

 

Ảnh : Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ trình bày Tờ trình của Chính phủ 

Tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ trình bày cho biết, Nghị quyết số 88 của Quốc hội yêu cầu từ năm học 2018-2019 bắt đầu triển khai áp dụng Chương trình theo hình thức cuốn chiếu đối với mỗi cấp tiểu học, THCS và THPT.

Đến nay, việc thực hiện Nghị quyết 88 tuy đã đạt được một số kết quả, nhưng còn nhiều hạn chế, bất cập. Chương trình giáo dục phổ thông mới chưa được ban hành để làm căn cứ biên soạn sách giáo khoa, thời gian thực tế để hoàn thành việc xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới cần nhiều hơn khoảng 1 năm so với dự kiến. Việc chuẩn bị điều kiện về giáo viên, cán bộ quản lý và cơ sở vật chất của các cơ sở giáo dục phổ thông trên phạm vi toàn quốc còn gặp nhiều khó khăn. Nếu triển khai áp dụng Chương trình ngay từ năm học 2018-2019 sẽ khó yên tâm về chất lượng.

Đồng thời, nếu theo lộ trình triển khai áp dụng Chương trình nêu tại Nghị quyết 88 thì việc chuẩn bị giáo viên, cán bộ quản lý và cơ sở vật chất ở các cơ sở giáo dục phổ thông sẽ gặp nhiều khó khăn, bất cập. Trong 3 năm học đầu tiên của lộ trình, mỗi năm học đều phải triển khai Chương trình ở 3 lớp thuộc 3 cấp học khác nhau, trong khi 2 năm học cuối của lộ trình mỗi năm học chỉ triển khai thêm ở 1 hoặc 2 lớp ở cấp tiểu học.

Mặt khác, Hội nghị Trung ương 6 vừa thông qua Nghị quyết một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Nghị quyết về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Chính phủ cần có thời gian để chỉ đạo triển khai các nghị quyết này trong ngành giáo dục, đánh giá tác động của chính sách đối với việc thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và có biện pháp giải quyết.

Để bảo đảm chất lượng, hiệu quả xây dựng và áp dụng Chương trình theo Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, đồng thời tạo sự đồng thuận, yên tâm của xã hội, cần điều chỉnh lộ trình triển khai áp dụng Chương trình này.

Căn cứ tình hình xây dựng chương trình, biên soạn sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới, việc chuẩn bị về giáo viên, cán bộ quản lý và cơ sở vật chất ở các cơ sở giáo dục phổ thông trên phạm vi toàn quốc; trên cơ sở phân tích lộ trình triển khai áp dụng Chương trình theo yêu cầu của Nghị quyết số 88… Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho phép triển khai áp dụng Chương trình theo hình thức cuốn chiếu đối với cấp tiểu học từ năm học 2019-2020, đối với cấp THCS từ năm học 2020-2021 và đối với cấp THPT từ năm học 2021-2022.

Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, phương án mới sẽ có thêm thời gian dành cho việc biên soạn, thẩm định, thực nghiệm các chương trình môn học, hoạt động giáo dục; biên soạn, thẩm định, thực nghiệm sách giáo khoa mới; bồi dưỡng, tập huấn giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; đào tạo giáo viên dạy các môn học mới, chưa có trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành. Đồng thời, tiếp tục thực hiện đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục phổ thông theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Mặt khác, kinh phí thực hiện xây dựng, biên soạn chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa theo lộ trình đã điều chỉnh cũng không phát sinh do thời gian để tất cả các lớp trên phạm vi cả nước thực hiện Chương trình vẫn là 5 năm. Phương án mới sẽ có nhiều thời gian hơn để địa phương rà soát, sắp xếp, điều chỉnh và hoàn thiện quy hoạch mạng lưới trường, lớp học; ưu tiên ngân sách địa phương và tăng cường huy động nguồn lực xã hội đầu tư bổ sung cơ sở vật chất của các cơ sở giáo dục phổ thông bảo đảm đồng bộ, đồng tốc với lộ trình triển khai áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới.

Ảnh : Các đại biểu dự phiên họp toàn thế tại hội trường chiều 2/11

Báo cáo thẩm tra Tờ trình của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh nhiên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nhất trí với sự cần thiết phải lùi thời gian bắt đầu áp dụng Chương trình để có điều kiện chuẩn bị tốt nhất, bảo đảm tính khả thi và chất lượng khi thực hiện Chương trình; tránh lặp lại những hạn chế, bất cập do việc triển khai thiếu đồng bộ như đã xảy ra khi thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông theo Nghị quyết 40/2000/QH10 của Quốc hội.

Bày tỏ đồng tình với sự cần thiết phải lùi thời gian bắt đầu áp dụng Chương trình, trong thảo luận tại hội trường, nhiều ý kiến nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng các công việc liên quan đến xây dựng chương trình và sách giáo khoa trong thời gian tới còn rất nhiều, trong đó có việc xây dựng chương trình môn học, hoạt động giáo dục; biên soạn, thẩm định sách giáo khoa và tài liệu giáo dục chung và của địa phương; giảng dạy thí điểm, rút kinh nghiệm, điều chỉnh sách giáo khoa và triển khai đại trà... Do đó cần hết sức quan tâm đến công tác chuẩn bị, thời gian áp dụng.

“Đây là công việc rất hệ trọng, tác động, ảnh hưởng tới cả một thế hệ, do vậy công tác chuẩn bị, thời gian áp dụng phải được nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng”, đại biểu Ngô Thị Kim Yến (Đà Nẵng) nêu quan điểm.

Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng việc xây dựng phương pháp kiểm tra, đánh giá phù hợp với Chương trình cũng cần có thời gian để bảo đảm tính đồng bộ và chất lượng.  

Nhấn mạnh giáo dục là vấn đề lớn, được sự quan tâm của cả nước và thời gian qua ngành giáo dục đã đạt được nhiều kết quả hết sức tích cực, đại biểu Triệu Thế Hùng (Lâm Đồng) đề nghị: Trong xây dựng chương trình giáo dục phổ thông cần bảo đảm quyền bình đẳng trong thụ hưởng giáo dục giữa các vùng miền. Đồng thời, cần có các chính sách đặc biệt trong đào nguồn tạo nhân lực cho ngành giáo dục, nhất là đào tạo đội ngũ giáo viên làm việc ở các vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vì nhà giáo có vai trò quyết định đối với việc thành bại của giáo dục.

“Tôi mong muốn việc xây dựng Chương trình có thể lùi lại một năm, hai năm, nhưng khi đã xây dựng được thì phải thực sự phải là đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục-đào tạo; bảo đảm được chất lượng giáo dục-đào tạo”, đại biểu Triệu Thế Hùng bày tỏ.

Còn đại biểu Hồ Thị Kim Ngân (Bắc Kạn) đề nghị cần có các tính toán cụ thể về kinh phí thực hiện Chương trình.

Cũng về vấn đề kinh phí, trong phát biểu tranh luận, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) cho rằng cần “làm rõ hơn nữa kết quả của việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 88 thời gian qua. Đặc biệt đã chi hết bao nhiêu tiền, lùi thời gian thì kinh phí cần thế nào, bởi nếu không để lãng phí thì rất có tội”./.