VNHN - Vừa qua, huyện Quế Võ trình lên UBND tỉnh Bắc Ninh phê duyệt đề án “Quy hoạch xây dựng vùng huyện Quế Võ năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Theo đó, nhiều thế mạnh của huyện được xác định và những chiến lược cụ thể đã được đưa ra. Từ đó, hướng tới mục tiêu tạo động lực bứt phá trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội vùng.
Huyện Quế Võ sở hữu lợi thế về vị trí địa lý thuận lợi, tiếp giáp với thành phố Bắc Ninh, có Quốc lộ 18, tuyến đường tỉnh 279, hệ thống giao thông đường thuỷ trên các tuyến sông Cầu và sông Đuống, cùng với đó là các dịch vụ vận tải đường dài, logistic, ICD tại cảng Bắc Ninh I và cảng Đức Long,… Ngoài ra, cũng có các khu công nghiệp trọng điểm của tỉnh đóng trên địa bàn như: Khu công nghiệp trọng điểm Quế Võ I, Quế Võ II và Quế Võ III…
Căn cứ vào các thế mạnh hiện tại của từng địa phương trên toàn huyện, cùng với các đơn vị tư vấn xác định phân huyện Quế Võ thành 6 vùng và 9 khu tập trung dựa theo các tuyến đường giao thông chính, tận dụng và phát huy những tiềm năng lợi thế riêng. Tiêu biểu như: Phân vùng 1,1,3 nối liền các tuyến Tỉnh lộ 279 - Phương Liễu, Đại Xuân - Nhân Hòa với trung tâm thị trấn Phố Mới mở rộng vào các KCN để khai thác lợi thế phát triển các khu đô thị, dịch vụ thương mại (DV-TM)... Từ đó, hình thành một số khu kinh tế trọng điểm như: Khu trung tâm dịch vụ Ngọc Xá hỗ trợ phục vụ sản xuất nông nghiệp, dịch vụ, làng nghề thủ công; khu trung tâm dịch vụ Bồng Lai cung cấp dịch vụ cho khu vực phía nam cao tốc Hà Nội - Hạ Long gắn với khu vực thành phố Bắc Ninh mở rộng; khu trung tâm dịch vụ Ngọc Xá hỗ trợ phục vụ sản xuất nông nghiệp, du lịch, làng nghề thủ công….
Ảnh minh họa
Từ định hướng đã được xác định, trong thời gian tới, huyện Quế Võ sẽ tiếp tục tận dụng khai thác tối ưu các nguồn lợi từ các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; tập trung đẩy mạnh xây dựng các giải pháp phát triển các CN-TTCN và thương mại dịch vụ; tập trung thu hút nguồn lực để phát triển các ngành công nghiệp cao, công nghiệp sạch. Cùng với đó, tiếp tục lan toả và mở rộng các ngành nghề TTCN, nghề truyền thống có sức cạnh tranh với các ngành nghề tại các địa phương khác trong và ngoài tỉnh. Đẩy nhanh quá trình đô thị hoá gắn với việc mở rộng quy mô phát triển các ngành nghề dịch vụ chất lượng cao, nhất là các ngành ngân hàng, du lịch, giải trí, giao thông vận tải…. Đầu tiên là khai thác các lợi thế sẵn có để nhằm mở rộng, phát triển mạng lưới bán lẻ hàng hoá tại các trung tâm thương mại, siêu thị lớn trên địa bàn nằm trên hướng trục giao thông huyết mạch tại các xã Châu Phong, Cách Bi, Việt Hùng, Ngọc Xá…
Với việc phát triển các vùng nông nghiệp, huyện đã ưu tiên phát triển sản xuất hàng hoá, sản phẩm nông nghiệp sạch, nền nông nghiệp thông minh áp dụng công nghệ cao. Với diện tích gieo trồng bình quân hàng năm đạt trên 17.800 ha, trong đó 13.500 ha lúa, huyện Quế Võ đã lựa chọn cây khoai tây, cây lúa là cây trồng chủ lực. Từ đó huyện chủ động quy hoạch, ban hành nghị quyết và tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Nhờ vậy, đến nay, toàn huyện đã hình thành 30 vùng trồng khoai tây thương phẩm và khoai tây giống an toàn, diện tích trên 1.500 ha được ứng dụng cơ giới hóa các khâu, làm đất, trồng, vun xới và thu hoạch; 69 vùng sản xuất lúa hàng hóa, diện tích 764,7 ha (trong đó có 1 vùng sản xuất lúa tẻ thơm theo tiêu chuẩn VietGap với diện tích 10 ha tại thôn Quế Ổ xã Chi Lăng); 3 vùng trồng cà rốt quy mô 45 ha; 37 mô hình tích tụ ruộng đất, trong đó có 9 mô hình trồng cây ăn quả tập trung với tổng diện tích 26,3 ha, 4 vùng trồng chuối quy mô 69 ha.
Thu hoạch khoai tây tại huyện Quế Võ
Bằng những định hướng và giải pháp đúng đắn, hiệu quả, chắc chắn huyện Quế Võ sẽ khai thác và tận dụng được những lợi thế và tiềm năng sẵn có. Từ đó, tạo được mối liên kết chặt chẽ với các vùng trong và ngoài tỉnh; tạo động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế trong giai đoạn tiếp theo.