21/11/2024 lúc 22:16 (GMT+7)
Breaking News

Quảng Trị: Hai mẹ con làm nên sản phẩm Cao cà gai leo OCOP 4 sao vang tiếng

Sau 8 năm nỗ lực chắt chiu gây dựng và phát triển, đến nay sản phẩm Cao cà gai leo của Công ty TNHH dược liệu hữu cơ An Xuân đã khẳng định vị thế trên thị trường trong và ngoài tỉnh, được người tiêu dùng đón nhận như một vị thuốc “biệt dược” tự hào hai tiếng Quảng Trị.

Biến gò đồi thành thủ phủ Cà gai leo

Cam Lộ là huyện thuộc vùng trung du gò đồi, với diện tích đất nông nghiệp chiếm 80% tổng diện tích đất tự nhiên, 2/3 diện tích đất nông nghiệp là vùng gò đồi nên huyện Cam Lộ xác định thế mạnh phát triển là các loại cây công nghiệp, lâm nghiệp và cây dược liệu.

Trong đó, Cà gai leo, một loại cây dại mọc nhiều tại các vùng gò đồi của huyện. Đã từ lâu, người dân vùng quê này đã biết đưa thân và lá loại cây này mang về phơi khô rồi nấu lấy nước uống để hỗ trợ trong điều trị bệnh về gan, hạ men gan, giải độc gan..

Thuần hóa cây dại thành cây thuốc cứu người giá trị ngàn vàng

Nắm bắt nhu cầu của thị trường về sử dụng thảo dược trong việc hỗ trợ chăm sóc sức khỏe và phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có của địa phương, chị Lê Hồng Nhạn, thị trấn Cam Lộ, huyện Cam Lộ đã tiên phong trong việc trồng và đưa sản phẩm cà gai leo ra thị trường

Trao đổi với PV, chị Lê Hồng Nhạn chia sẻ: Với sự cố gắng tìm tòi nghiên cứu và được kỹ sư Nguyễn Đức Tuệ (Quảng Ngãi) - người có công đầu thuần chủng cà gai leo hướng dẫn, giúp đỡ nhưng lần đầu tiên trồng loại cây dược liệu này gia đình cũng gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với phương châm vừa làm vừa học hỏi nên cà gai leo đã dần bén rễ tốt tươi trên vùng gò đồi An Mỹ. Sau khoảng 6 tháng trồng, cây bắt đầu cho thu hoạch, mỗi năm khoảng 2 đợt, năng suất đạt khoảng 4 tấn/ha/năm. So với các vùng đất phù sa hay đất đỏ ba dan, năng suất cà gai leo trồng ở vùng gò đồi thấp hơn nhưng đổi lại, dược tính cây cà gai leo trên vùng đất cằn cỗi, khắc nghiệt lại cao hơn gấp 2-3 lần.Sau một thời gian trồng cà gai leo để nhập nguyên liệu cho doanh nghiệp, gia đình chị Nhạn nhận thấy việc nhập thô nguyên liệu bộc lộ một số hạn chế, bất cập, nhất là giá cả không ổn định, phụ thuộc nhiều vào thị trường nên năm 2016, chị đầu tư lò hơi cấp nhiệt, hệ thống nồi chiết, nồi cô chân không bằng inox… để phục vụ quá trình sản xuất cao dược liệu từ cà gai leo nhằm mang ra thị trường những sản phẩm thảo dược hoàn thiện, chất lượng. Nhờ làm chủ từ quy trình sản xuất nguyên liệu đến chiết xuất cao nên sản phẩm cao cà gai leo An Xuân có hương vị thơm ngon, mang nét đặc trưng rất riêng so với những sản phẩm nơi khác.

Kỹ thuật uốn cây phát triển theo tự nhiên để cây ra hoa kết trái thuần khiết

Sau khi ra mắt sản phẩm với tên gọi cà gai leo An Xuân với dây chuyền sản xuất có công suất từ 5.000 - 7.000 hộp/tháng, sản phẩm của Công ty TNHH dược liệu hữu cơ An Xuân đã được người tiêu dùng đón nhận tích cực, cà gai leo An Xuân còn đoạt giải A sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của huyện Cam Lộ; đoạt giải Nhì sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh Quảng Trị 2018; được công nhận top 100 thương hiệu mạnh đất Việt năm 2018 và giải thưởng “Sản phẩm vàng vì sức khỏe cộng đồng” năm 2019; có 2 sản phẩm của An Xuân trên tổng số 7 sản phẩm của toàn tỉnh được chứng nhận OCOP 4 sao năm 2020. Công ty TNHH dược liệu hữu cơ An Xuân đã bảo vệ thành công đề tài cấp tỉnh về “Nghiên cứu quy trình nhân giống, trồng, chăm sóc, thu hái, bảo quản và đa dạng hóa các sản phẩm từ cây cà gai leo ở vùng gò đồi Cam Lộ, thích ứng với biến đổi khí hậu, theo hướng hữu cơ, tiêu chuẩn GACP và hình thành chuỗi giá trị”, được các ngành chức năng đánh giá cao.

Nhờ đó, mỗi năm Công ty An Xuân đã cho ra đời 15 - 20 nghìn sản phẩm các loại. Các sản phẩm dược liệu của Công ty An Xuân hiện cũng được phân phối rộng rãi trên hệ thống các siêu thị lớn như Sepon, Coopmart… và được giới thiệu, bán trên 100 cửa hàng phân phối, sàn thương mại điện tử.

Nuôi trồng, thu hái dược liệu theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới

Tiếp bước niềm đam mê của bố mẹ, Trần Lê Quỳnh Diễm - con gái đầu của chị Nhạn sau khi tốt nghiệp Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh đã về tiếp quản, đảm nhận công việc quản lý, điều hành mọi hoạt động của công ty.

      Sau khi thu hái, được chế biến ra sản phẩm tinh khiết đóng gói xuất khẩu được khách hàng trong và ngoài nước tin dùng

Chia sẻ với PV, Chị Trần Lê Quỳnh Diễm cho biết: “Công ty TNHH Dược liệu hữu cơ An Xuân (Dược liệu An Xuân, địa chỉ tại huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị) là doanh nghiệp chuyên trồng, sản xuất và phân phối các sản phẩm trà thảo mộc và cao dược liệu với thế mạnh là dòng sản phẩm cà gai leo. Hiện nay đang trồng 5 ha cây cà gai leo tại thôn An Mỹ, xã Cam Tuyền, Cam Lộ. Quá trình trồng và chế biến các sản phẩm dược liệu cà gai leo đều tuân thủ quy trình nghiêm ngặt, đảm bảo các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, canh tác theo hướng hữu cơ vi sinh.

Trước khi chứng nhận Dược liệu đạt thực hành tốt nuôi trồng, thu hái dược liệu theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (GACP-WHO), hồ sơ và sản phẩm của Doanh nghiệp An Xuân đã được Đoàn chuyên môn của Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền (Bộ Y tế) đã kiểm tra, đánh giá toàn bộ hoạt động của cơ sở về nguyên tắc, tiêu chuẩn thực hành tốt nuôi trồng, thu hái dược liệu theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới.

Phát triển cây con giống theo công nghệ nông nghiệp tuần hoàn chuyển đổi số

Qua đánh giá, vùng trồng dược liệu của Công ty TNHH Dược liệu hữu cơ An Xuân đáp ứng đầy đủ các tiêu chí GACP-WHO ở mức tốt nhất; dược liệu đảm bảo thành phần dược tính, hoạt chất, không chứa tạp chất, không tồn dư các hóa chất gây hại cho cơ thể. Đặc biệt qua kiểm nghiệm cho thấy hoạt chất solasodin trong dược liệu tại vùng nguyên liệu của An Xuân cao gấp 14 lần so với yêu cầu.

Ngoài chứng nhận Dược liệu đạt thực hành tốt nuôi trồng, thu hái dược liệu theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới, Dược liệu An Xuân hiện có 8 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP hạng 4 sao cấp tỉnh năm 2023. Đặc biệt, sản phẩm OCOP hạng 4 sao Cao cà gai leo của doanh nghiệp này đang được tỉnh Quảng Trị đề xuất Trung ương nâng lên hạng 5 sao. Tổ chức QACS International đã công nhận Dược liệu An Xuân có hệ thống quản lý an toàn thực phẩm của tổ chức được đánh giá và phù hợp với các yêu cầu của tiêu chuẩn ISO 22000:2018 cho phạm vi Sơ chế, chế biến các loại thảo dược như: Cà gai leo, an xoa, chè vằng, tía tô....

Phan Tiến - Anh Bình

...