02/05/2024 lúc 22:01 (GMT+7)
Breaking News

Quảng Ninh: Sự đột phá trong hệ thống hạ tầng

VNHN – Những năm qua, bằng các bước đi đúng đắn và có tính chiến lược, tỉnh Quảng Ninh đã và đang phát huy lợi thế để bứt phá đi lên. Đặc biệt, hệ thống kết cấu hạ tầng phát triển mạnh mẽ và đồng bộ, đưa Quảng Ninh trở thành đầu tàu phát triển kinh tế - xã hội của vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, tạo sức hút lớn đối với các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.

Phát triển hạ tầng giao thông           

Tỉnh Quảng Ninh xác định mạng lưới giao thông là huyết mạch của kinh tế - xã hội, do vậy đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông được ưu tiên hàng đầu. Đặc biệt, trong thu hút đầu tư công trình giao thông trọng điểm sử dụng vốn ngoài ngân sách được Quảng Ninh triển khai rất hiệu quả. Đây là tỉnh duy nhất được Chính phủ giao là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về đầu tư, quản lý đường cao tốc và cảng hàng không theo hình thức đối tác công tư PPP.

Những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã hoàn thành nhiều dự án giao thông trọng điểm mang lại hiệu quả cao với tổng số vốn đầu tư ngoài ngân sách lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng như: Đường cao tốc Hạ Long – Hải Phòng; Cao tốc Hạ Long – Vân Đồn; Nâng cấp quốc lộ 18 đoạn Hạ Long – Mông Dương; Cầu Bạch Đằng làm theo hình thức BOT, là cây cầu dây văng lớn thứ 3 thế giới kết nối vùng kinh tế động lực phía Bắc (Hà Nội – Hải Phòng – Hạ Long); Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn do Tập đoàn Sun group làm chủ đầu tư; Cảng tàu du lịch quốc tế Tuần Châu; Khu bến cảng Cái Lân; Trụ sở khu liên cơ quan số 3; Nhà thi đấu đa năng 5000 chỗ,...

Cầu Bạch Đằng – Cây cầu dây văng lớn nhất Việt Nam nối Quảng Ninh và Hải Phòng

Ngoài ra, còn hàng loạt các dự án đang được triển khai tích cực như: Đường bao biển Hạ Long – Cẩm Phả; Đầu tư xây dựng hầm đường bộ qua Vịnh Cửa Lục với sáu làn xe; Cầu qua cặp cửa khẩu Hoành Mô (Việt Nam) – Động Trung (Trung Quốc); Đường Kỳ Quan tại Bãi Cháy của Sun Group,...

Đặc biệt là tuyến cao tốc Vân Đồn – Móng Cái đang thực hiện công tác giải phóng mặt bằng. Đây là dự án đường cao tốc dài nhất tỉnh (82km) với quy mô 4 làn xe. Cùng với các tuyến cao tốc khác, sau khi hoàn thành sẽ nâng tổng chiều dài đường cao tốc tại Quảng Ninh lên gần 200 km, là điểm mở cửa ngõ ASEAN với Trung Quốc, rút ngắn thời gian và lộ trình đến tỉnh từ khắp nơi trên thế giới, tạo động lực phát triển liên vùng, đóng góp quan trọng trong kế hoạch có 2000 km đường cao tốc vào năm 2020 của Chính phủ.

Dự án BOT Cao tốc Vân Đồn – Móng Cái

Với sự đa dạng các loại hình giao thông, những dự án này không chỉ làm thay đổi diện mạo, đưa Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch vụ - công nghiệp, thúc đẩy đầu tư thành chuỗi liên kết bền vững mà còn là minh chứng sống động cho những đổi mới vượt bậc trong phát triển hạ tầng giao thông của tỉnh, nhất là việc vận dụng linh hoạt trong huy động các nguồn lực để đầu tư cho hạ tầng giao thông.

Đẩy mạnh hạ tầng du lịch

Bên cạnh hạ tầng giao thông, Quảng Ninh cũng đang đón nhận nhiều cơ hội lớn về hạ tầng du lịch. Nhờ những cơ chế, chính sách ưu đãi, tỉnh thu hút nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước đầu tư các dự án hạ tầng du lịch gắn với khu vui chơi giải trí lớn tại Quảng Ninh với quy mô lớn có tổng mức đầu tư khoảng trên 20.000 tỷ đồng. Một số dự án tiêu biểu như: Dự án Khu nghỉ dưỡng khoáng nóng cao cấp Quang Hanh (Cẩm Phả); Dự án Quần thể du lịch nghỉ dưỡng FLC Hạ Long, có sân Golf; Dự án Trung tâm thương mại, dịch vụ vui chơi giải trí Vincom Center Hạ Long; Công viên Đại Dương; Khu du lịch đảo Tuần Châu,... Các công trình này đã góp phần thay đổi mạnh mẽ du lịch.

Tổ hợp dự án công viên Đại Dương

Bên cạnh đó, hệ thống khách sạn cao cấp của Quảng Ninh phát triển rất mạnh. Một số khách sạn đạt tiêu chuẩn chất lượng cao (Mường Thanh, Royal Hạ Long,..) và các khu nghỉ dưỡng cao cấp (đảo Rều, Vinpearl Hạ Long Bay resort,...) đi vào hoạt động rất hiệu quả.

Vẻ đẹp lộng lẫy của Vinpearl Hạ Long Bay

Hơn thế, nhiều doanh nghiệp vận tải khách du lịch đã mạnh dạn đổi mới phương tiện, đầu tư nhiều tàu chở khách có trọng tải lớn, sang trọng, hệ số an toàn cao. Vịnh Hạ Long xuất hiện những du thuyền nghỉ đêm được đầu tư với tổng kinh phí lớn như: Paradise Luxury, Emeraude, Âu Cơ,... Những con tàu này thực sự như những khách sạn nổi 5 sao du ngoạn trên mặt Vịnh, đem lại sự hài lòng cho du khách.

Với mục tiêu đưa du lịch Quảng Ninh trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh tập trung xây dựng các dự án về các thiết chế văn hóa ngang tầm với phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh để thu hút các nhà đầu tư xây dựng các hạ tầng thiết yếu, hiện đại mang tầm quốc tế (sân bay, bến cảng, casino, các khu nghỉ dưỡng và resort cao cấp,...).

Chú trọng hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế

Trên địa bàn tỉnh hiện nay có 06 khu công nghiệp đang triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng và đã cho nhà đầu tư thứ cấp thuê lại đất để thực hiện dự án đầu tư gồm: Cái Lân, Việt Hưng, Hải Yên, Đông Mai, Cảng biển Hải Hà, Khu công nghiệp – dịch vụ Đầm Nhà Mạc.

Đặc biệt, hiện nay tỉnh chú trọng đầu tư nhiều dự án hạ tầng trong Khu kinh tế Vân Đồn. Điển hình là Dự án Khu tái định cư xã Hạ Long; Dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường xuyên đảo Minh Châu – Quan Lạn; Dự án tuyến đường giao thông trục chính nối các khu chức năng chính Khu kinh tế Vân Đồn; Dự án bến cảng du lịch Cái Rồng; Dự án tuyến đường trục chính từ cảng hàng không quốc tế Vân Đồn đến Khu phức hợp nghỉ dưỡng giải trí cao cấp Vân Đồn,...

Cận cảnh các dự án khủng của Khu kinh tế Vân Đồn

Trong giai đoạn 2012 – 2017, tỉnh Quảng Ninh đã huy động và thu hút trên 57.600 tỷ đồng để cải thiện kết cấu hạ tầng và đầu tư các công trình động lực phục vụ phát triển Vân Đồn, trong đó nguồn vốn ngoài ngân sách chiếm 70% (chủ yếu bằng hình thức đầu tư PPP).

Trong tương lai, Quảng Ninh sẽ phấn đấu đưa Vân Đồn trở vùng động lực phát triển, là thành phố đáng sống, hiện đại, thông minh; là trung tâm kinh tế năng động phát triển ngành nghề mới, trình độ cao, trọng tâm là dịch vụ, du lịch phức hợp cao cấp, công nghiệp giải trí hiện đại, công nghệ cao.

Với phương châm kết nối để phát triển, tỉnh Quảng Ninh đang tập trung đầu tư nhiều công trình giao thông để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về hạ tầng giao thông, từng bước giải quyết điểm nghẽn trong phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Những kinh nghiệm trong việc huy động nguồn lực đầu tư của Quảng Ninh sẽ là bài học quý để các địa phương trong cả nước học tập. Đồng thời, điều này sẽ tạo thêm sức lan tỏa , kích thích phát triển không chỉ của tỉnh, mà còn của địa phương trong vùng trọng điểm kinh tế Bắc Bộ.