VNHN - Cầu cho mưa thuận gió hòa, ra khơi vào lộng được xuôi chèo, mát mái, tôm cá đầy khoang, nhà nhà ấm no, hạnh phúc thông qua lễ cúng lăng Trung giới thần và lễ cầu ngư, hát bả trạo trước khi ra quân đánh bắt cá vụ Nam được tổ chức vào ngày mồng 6 tết hàng năm tại xóm Hòa Long, làng Hòa Hạ, xứ Hòa Thanh, tổng Phú Quý, nay là thôn Hòa Hạ, (xã Tam Thanh, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) vẫn tồn tại. Để có được kỳ tích đó, gần 130 năm qua, người dân ở làng chài này đã giữ gìn, tôn tạo và thờ phụng.
Lễ cúng lăng Trung giới thần và lễ cầu ngư được ngư dân nơi đây tổ chức hàng năm.
Tương truyền
Ông Đỗ Quang Vũ, sinh năm 1931 hiện ở tại thôn Hòa Hạ, (xã Tam Thanh, thành phố Tam Kỳ) cho biết, lúc sinh thời cha ông là cụ Đỗ Quang Huy, sinh năm 1890 thường kể cho con cháu nghe. Vào ngày 19.3 âm lịch, năm thứ 4 đời vua Thành Thái (1893) khi thuyền đánh cá của ngư dân làng Hòa Hạ đang xuôi chèo hướng vào bờ thì bắt gặp một con cá Ông (cá Voi) to 2 người ôm không xuể và dài hơn 9 sải tay có biểu hiện bị lụy ở vùng biển thuộc xóm Hòa Bình (xóm cuối làng). Mọi người nghĩ rằng cá Ông bị mắc cạn nên tìm mọi cách để giải cứu nhưng đành thất bại vì cá Ông cố bơi hướng dần về phía bờ cát. Lúc bấy giờ các ngư dân hiểu ra một điều là cá Ông sắp lụy và chọn dải đất xóm Hòa Long, làng Hòa Hạ để yên nghỉ. Cá Ông đã đuối sức và có kích thước quá lớn, chưa thể đưa vào bờ ngay được nên dân làng cùng nhau vận động gom góp được một số cây tre và dây thừng để neo giữ cá Ông ngoài nước có độ sâu hơn 2 sải tay và phân công người luân phiên canh giữ. Chờ khi cá Ông tắt thở bà con ngư dân làng Hòa Hạ cùng các vùng lân cận góp được hàng trăm cây tre, hàng chục cuộn dây thừng, vải điều, hương đèn, hoa quả…long trọng tổ chức lễ tế và chôn cất tại khu đất ngay sát bờ biển nơi cá Ông lụy.
Khi cá Ông tắt thở bà con ngư dân làng long trọng tổ chức lễ tế và chôn cất tại khu đất ngay sát bờ biển.
Không chỉ người dân ở làng chài Tam Thanh mà hầu hết những người làm nghề biển trong cả nước rất sùng kính cá Ông, coi đó là Ông Nam Hải, một vị thần tối cao luôn cứu giúp họ khi gặp hoạn nạn trên biển cả. Do vậy, mỗi khi phát hiện cá Ông lụy vào bờ người ta rất vui "Thấy Ông vào làng như vàng vào tủ". Theo tín ngưỡng, cá Ông lụy và trôi dạt vào làng nào, làng đó sẽ được ấm no, tai qua nạn khỏi. Điều đó đến nay chưa có ai giải thích được nhưng sau khi hoàn tất việc chôn cất cá Ông, ngư dân làng Hòa Hạ được mùa cá cơm 3 trăng liên tiếp giúp đời sống của bà con ngư dân được cải thiện nhanh chóng. Dân làng vui mừng bảo nhau “Ông Nam Hải phò hộ độ trì”, việc hương khói cho cá Ông càng được người dân quan tâm. Tuy nhiên, vì chôn sát mép nước biển, đến mùa biển động, nước dâng cao, sóng lớn, mộ phần cá Ông bị xói lở, có nguy cơ bị sóng đánh trôi. Trước tình hình đó, dân làng thống nhất tổ chức nghi lễ “Thượng ngọc cốt” (bốc cốt) nhằm sớm đưa xương cốt cá Ông về khu đất cao ráo ở xóm Hòa Long (đầu làng) để chôn cất và lập lăng thờ. Từ nguồn kinh phí vận động được, dân làng Hòa Hạ đã xây dựng ngôi lăng thờ trên khu đất có diện tích hơn 1 mẫu. Cửa lăng hướng về Chánh tây gồm 1 cổng chính và 2 cổng phụ, phía trước có một ao sen, quanh năm nở hoa thơm ngát cả một vùng. Riêng phần mộ cá Ông được xây dựng hình chữ nhật, có kích thước 10mx20m và được bố trí ở chính giữa khu đất.
Lễ cầu ngư vừa được nhân dân thôn Hòa Hạ tổ chức vào dịp mồng 6 tháng giêng năm Canh Tý 2020.
Cầu cho mưa thuận, gió hòa
Lăng xây xong, làng Hòa Hạ cử một ngư dân cao tuổi có uy tín đứng ra chịu trách nhiệm bốc cốt. Ngọc cốt được rửa sạch bằng rượu trắng và phơi khô trước khi cho vào hòm. Sau đó, dân làng đưa cốt cá Ông về lăng thờ, dịp này bà con ngư dân các địa phương ven biển từ An Hòa (Chu Lai) đến Cửa Đại (Hội An) đã về dự khá đông, đứng kín cả một khúc sông Trường Giang. Tại nơi diễn ra buổi lễ được trang trí cờ hoa, đồng thời tổ chức hát Bả trạo mô phỏng quá trình ngư dân đánh bắt hải sản giữa biển khơi gặp sóng to, gió lớn, được cá Ông che chở và đưa ghe thuyền cùng bạn chài vào bờ an toàn. Từ sau buổi lễ Thượng ngọc cốt, bà con ngư dân làng Hòa Hạ thống nhất tổ chức cúng tế vào dịp Xuân Kỳ và Thu Tế (rằm tháng 3 và rằm tháng 8 ÂL trong năm). Để có kinh phí hoạt động, nhân dân thống nhất đóng góp theo lệ “Hốt cá làng”. Theo đó, hàng năm mỗi thuyền phải đóng 5 ang cá để bán lấy tiền sử dụng vào việc thờ cúng, tu bổ lăng. Những năm sau đó, mỗi khi có cá Ông lụy vào bờ, dân làng đều tổ chức lễ an táng tại bờ biển, một thời gian sau sẽ làm lễ “Thượng ngọc cốt” đưa vào thờ trong lăng. Toàn khu lăng thờ hiện có 33 hình chữ nhật được xây bằng gạch, trong đó có một cái được xây theo kích thước 10mx20m và 32 cái có kích thước 20cmx 50cm. Đó là 33 bộ xương cốt của 33 con cá Ông đã bị lụy vào bờ được bà con ngư dân làng Hòa Hạ chôn cất cẩn thận trong những năm qua.
Tuy bị chiến tranh tàn phá, thường xuyên bị bom rơi, đạn lạc nhưng các thế hệ người dân Tam Thanh đã cùng nhau giữ gìn giúp khu lăng thờ hạn chế được sự thiệt hại. Ngoài việc tổ chức cúng tế vào dịp rằm tháng 3 và rằm tháng 8 ÂL hàng năm người làng chài này còn tổ chức cúng theo phong tục tập quán của địa phương vào dịp tết Nguyên đán và mồng sáu tháng giêng ÂL tổ chức tế lễ để ra quân đánh bắt. Ông Lê Văn Thể – Bí thư Chi bộ kiêm Thôn trưởng thôn Hòa Hạ cho biết, trong những năm qua địa phương đã quan tâm đến việc phục dựng lễ cầu Ngư, hát Bả trạo. Qua đó, vào ngày mồng 6 tết hàng năm địa phương đã tổ chức cúng lăng Trung giới thần, nơi thờ phụng các vị thần linh, các bậc tiền nhân có công khai cơ lập nghiệp, xây dựng nên nghề biển. Đồng thời tổ chức lễ cầu Ngư, hát Bả trạo trước khi ra quân đánh bắt cá vụ Nam. Lễ Câu ngư, hát Bả trạo là một loại hình hoạt động văn hóa không thể thiếu trong đời sống tâm linh của người dân làng biển Tam Thanh nhằm cầu cho mưa thuận, gió hòa, ngư dân đánh bắt bội thu. Dịp này người dân và du khách cùng nhau thắp nén nhang thể hiện tấm lòng thành kính và sự biết ơn đối với Ông Nam Hải, cầu mong Ông phò hộ một năm mới an lành, tôm cá đầy khoang.
Lăng thờ Ông Nam Hải tọa lạc tại thôn Hòa Hạ, (xã Tam Thanh) một trong những chứng tích lịch sử văn hóa đặc sắc của cư dân vùng biển đã bị xuống cấp.
Công trình lăng ông Nam Hải đã để lại dấu tích của cha ông, những con người dũng cảm nhưng thật thà, chân chất, giàu lòng nhân ái. Là chứng tích lịch sử văn hóa đặc sắc của cư dân vùng biển Quảng Nam nói chung, xã Tam Thanh nói riêng. Tuy nhiên trải qua biết bao biến cố thăng trầm và do thời gian xây dựng đã quá lâu, toàn bộ kiến trúc lăng thờ đã xuống cấp. Bia thờ và các bức tường rào, cổng ngõ đã bị rêu phong phủ kín, nét chữ cũng không còn nhìn rõ. Trước tình hình đó, người dân Tam Thanh rất mong được các cấp có thẩm quyền xét công nhận di tích để có kế hoạch trùng tu, sửa chữa.