Đồng chí Trương Thị Mai phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN
Hội nghị được tổ chức trực tuyến tới các điểm cầu: Ban Tổ chức Trung ương; Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương; Quân ủy Trung ương; Đảng ủy Công an Trung ương và điểm cầu 64 ban tổ chức Tỉnh ủy, Thành ủy, đảng ủy khối trực thuộc Trung ương.
Phó Trưởng Ban tổ chức Trung ương Mai Văn Chính trình bày những nội dung trọng tâm, điểm mới quan trọng trong Quy định số 114-QĐ/TW (Quy định 114), ngày 11/7/2023 của Bộ Chính trị về "Kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ".
Đồng chí Nguyễn Quang Dương, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương trình bày Quy định số 113-QĐ/TW (Quy định 113), ngày 10/7/2023 của Ban Bí thư về "Thí điểm giao quyền cấp trên cơ sở cho đảng ủy cơ sở mà cấp trên trực tiếp không phải là tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương".
Điểm mới trong Quy định số 114
Phó Trưởng Ban tổ chức Trung ương Mai Văn Chính cho biết, để đảm bảo sự đồng bộ với các nghị quyết, kết luận, quy định của Đảng trong nhiệm kỳ XII, XIII về công tác cán bộ, góp phần nâng cao hiệu quả việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 114 trên cơ sở kế thừa những nội dung còn phù hợp của Quy định 205-QĐ/TW (Quy định 205) ngày 23/9/2019 và có bổ sung, sửa đổi một số nội dung cho phù hợp yêu cầu, sát tình hình thực tiễn.
Theo đó, phạm vi điều chỉnh trong Quy định 114 mở rộng hơn so với Quy định 205 trước đây: "Quy định về hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ; trách nhiệm kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ và xử lý vi phạm".
Đối tượng áp dụng được bổ sung: "Đối tượng áp dụng là tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, trách nhiệm và có liên quan trong công tác cán bộ".
Về hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ, quy định tách riêng 1 chương gồm 3 điều (Điều 3, Điều 4, Điều 5) để giải thích, làm rõ các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ.
Tám hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn được nêu trong Điều 3 cơ bản kế thừa một số hành vi bao che, tiếp tay chạy chức, chạy quyền tại Quy định 205; đồng thời, Quy định 114 bổ sung một số hành vi mới. Đó là các hành vi: Lồng ghép ý đồ cá nhân khi thực hiện các khâu trong công tác cán bộ vì động cơ, mục đích vụ lợi hoặc có lợi cho nhân sự trong quá trình thực hiện công tác cán bộ; Chỉ đạo, tham mưu các khâu trong công tác cán bộ theo quy định tại Khoản 1, Điều 2 Quy định này đối với nhân sự không đủ điều kiện, tiêu chuẩn; không đúng nguyên tắc, quy định, quy trình, quy chế, quyết định; Khi nhận được đơn, thư phản ánh, tố cáo hoặc biết nhân sự có hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ nhưng thỏa hiệp, dung túng, bao che, không xử lý theo thẩm quyền, xử lý không đúng quy định hoặc không báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý.
Cơ bản kế thừa hành vi chạy chức, chạy quyền tại Quy định 205, Quy định 114 bổ sung thêm các hành vi chạy chức, chạy quyền như: Chạy tuổi, thâm niên công tác, danh hiệu thi đua, khen thưởng, bằng cấp, phân công, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử, chỉ định, điều động, luân chuyển, biệt phái, phong, thăng quân hàm… nhằm mục đích đủ tiêu chuẩn, điều kiện, có được chức vụ, quyền lợi.
Kế thừa một số nội dung còn phù hợp tại Quy định 205, Quy định 114 bổ sung thêm một số hành vi tiêu cực khác như: Thiếu trách nhiệm hoặc vì động cơ cá nhân làm thất lạc, mất hồ sơ cán bộ thuộc thẩm quyền xử lý; Làm giả, làm sai lệch hồ sơ, tài liệu để được xem xét, thực hiện quy định, quy trình, quy chế, quyết định về công tác cán bộ; Báo cáo, lập hồ sơ, kê khai lý lịch đảng viên, lý lịch cán bộ, nhất là lịch sử bản thân và gia đình không đầy đủ, không trung thực; Trực tiếp, thông qua người khác, lợi dụng phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội đưa thông tin không đúng sự thật, xuyên tạc, kích động, gây mất đoàn kết nội bộ, ảnh hưởng xấu đến công tác cán bộ…
Về trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo địa phương, cơ quan, đơn vị, trong Quy định 114 được bổ sung, sửa đổi theo hướng tăng cường phòng ngừa, kiểm soát việc lợi dụng, lạm dụng quyền lực trong công tác cán bộ...
Góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Trương Thị Mai nhấn mạnh, cơ bản các ý kiến nêu quyết tâm rất cao, bảo đảm đưa quy định của Đảng vào cuộc sống, nhất là Quy định 114.
Năm 2019, việc ban hành Quy định 205 là quyết tâm mạnh mẽ của Đảng, góp phần làm tốt công tác cán bộ, xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng, chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.
Quá trình thực hiện Quy định 205, Đảng ban hành nhiều văn bản để cùng thực hiện. Qua đó đã đạt được kết quả ban đầu rất đáng ghi nhận; khắc phục từng bước tình trạng lạm quyền, lợi dụng quyền lực, thao túng trong công tác cán bộ; sử dụng quyền lực được giao để phục vụ lợi ích cá nhân hoặc bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân trước đây.
Tại hội nghị, đồng chí Trương Thị Mai đã làm rõ và giải đáp một số ý kiến đại biểu tại một số điểm cầu trong cả nước nêu; trong đó có trách nhiệm kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ, Khoản 4, Điều 6 quy định: "Chuyển đổi vị trí công tác, địa bàn, lĩnh vực đối với cán bộ tham mưu, theo dõi, phụ trách công tác cán bộ vi phạm kỷ luật, có dư luận xấu hoặc khi cần thiết". Đồng chí Trương Thị Mai cho rằng đây vừa là thực tiễn, vừa là yêu cầu, trách nhiệm của cấp uỷ, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo.
Khoản 5, Điều 6 nêu: "Không bố trí người có quan hệ gia đình đồng thời đảm nhiệm các chức danh có liên quan gồm: Thành viên trong cùng ban thường vụ cấp ủy, ban cán sự đảng, đảng đoàn; tập thể cơ quan, đơn vị; người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu trong cùng địa phương, cơ quan, đơn vị; người đứng đầu cấp ủy đảng hoặc người đứng đầu cơ quan hành chính và người đứng đầu các cơ quan: Nội vụ, thanh tra, tài chính, ngân hàng, thuế, hải quan, công thương, kế hoạch đầu tư, tài nguyên môi trường, quân đội, công an, toà án, viện kiểm sát ở Trung ương hoặc cùng cấp ở 1 địa phương".
Đồng chí Trương Thị Mai nêu rõ, trong quy định này, khi phát hiện ra vi phạm quy định phải thông tin ngay, có thể trên địa bàn, có thể là ngành dọc. "Việc này trách nhiệm của cả ngành dọc, của cả địa phương mà có cơ quan đó đóng trên địa bàn". Bản thân người được bố trí cũng phải thông báo cho lãnh đạo; đồng thời làm rõ thêm, trong trường hợp không có phương án nhân sự đáp ứng yêu cầu mà nhân sự là người có quan hệ gia đình được tín nhiệm cao thì phải báo cáo và được sự đồng ý của cấp ủy cấp trên trực tiếp trước khi bố trí.
Đối với chức danh thuộc diện cấp uỷ, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương quản lý phải báo cáo Ban Tổ chức Trung ương; chức danh thuộc diện Trung ương quản lý phải báo cáo Ban Tổ chức Trung ương để báo cáo cấp trên có thẩm quyền.
Đồng chí Trương Thị Mai cũng nêu bật yêu cầu về sự gương mẫu trong công tác cán bộ, như trong Khoản 2, Điều 8 quy định: "Gương mẫu trong xem xét, bố trí người có quan hệ gia đình, thân quen vào vị trí người đứng đầu cơ quan, đơn vị trực thuộc; giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý khác".
Ngoài 13 vị trí và các vị trí không được bố trí, người có quan hệ gia đình ở các vị trí khác cũng cần nêu cao sự gương mẫu, cá nhân phải tự giác, cân nhắc kỹ lưỡng để bố trí cán bộ, "đảm bảo khi xong rồi dư luận đồng tình ủng hộ"; phải đảm bảo quy tắc, quy định.
Đồng chí Trương Thị Mai đề nghị các địa phương, các tổ chức đảng sau hội nghị chủ động rà soát lại trong phạm vi quyền hạn của mình để thực hiện nghiêm túc Quy định 114; đồng thời lưu ý, trong xử lý vi phạm, cùng với việc xem xét, xử lý trách nhiệm theo quy định, Quy định bổ sung thêm một số nội dung trong Điều 14 như: Cấp có thẩm quyền xem xét, áp dụng các biện pháp xử lý như tùy theo hình thức vi phạm, sau một thời gian nhất định mới được xem xét quy hoạch cán bộ, không được bố trí làm 1 số công việc trong một số cơ quan. Trường hợp bị khai trừ ra khỏi Đảng thì đề xuất cơ quan có thẩm quyền xem xét buộc thôi việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động…
Nêu rõ đây là quy định khó, đồng chí Trương Thị Mai nhấn mạnh vai trò của người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo quản lý phải cân nhắc đầy đủ và gương mẫu, công tâm, khách quan, tính toán sao cho quyết định trong công tác cán bộ khi được đưa ra đạt được sự "tâm phục, khẩu phục".
Các cấp uỷ, tổ chức đảng sau khi quán triệt, nhất là người đứng đầu tiếp tục quán triệt trong phạm vi chức trách của mình, cụ thể hóa việc tổ chức thực hiện; kiểm tra, giám sát thực hiện Quy định 114; khi phát hiện vấn đề bất bình thường, có phản ánh cần kiểm tra, xử lý kịp thời, xử lý nghiêm theo Quy định này.
Nhấn mạnh việc quán triệt, thực hiện nghiêm để Quy định 114 đi vào cuộc sống, góp phần nâng cao niềm tin cán bộ, đảng viên, nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng trong công tác cán bộ, đồng chí Trương Thị Mai cho biết, Ban Tổ chức Trung ương đang được giao nhiệm vụ xây dựng quy định về thẩm quyền người đứng đầu trong công tác cán bộ; quy định đối với cán bộ trẻ, cán bộ có năng lực nổi trội; quy định về phát hiện, sử dụng, bố trí nhân tài. Những quy định này sẽ bổ sung vào Quy định 114, làm cho công tác cán bộ ngày càng đạt thực chất hơn, theo xu hướng phát triển, tiến bộ cao hơn, chứ không dừng lại ở vấn đề xử lý, phòng ngừa, kiểm soát. Công tác này đòi hỏi phải đạt ở mức độ cao hơn theo yêu cầu của cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Nhấn mạnh quyết tâm đưa Quy định mới của Đảng vào cuộc sống đến từng cấp ủy, tổ chức đảng, từng người đứng đầu, cán bộ quản lý, cán bộ, đảng viên, đồng chí Trương Thị Mai cho biết, trách nhiệm xây dựng, chỉnh đốn đảng là trách nhiệm của toàn Đảng; đồng thời khuyến khích Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội, nhân dân tham gia giám sát, phản ánh, góp phần xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ hiện nay.