21/12/2024 lúc 23:02 (GMT+7)
Breaking News

Quản trị An ninh Phi truyền thống (MNS) - Ngành học mới cho thời đại công nghệ 4.0

VNHNO - Ngày 25/10, Khoa Quản trị và Kinh doanh (HSB), Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức Hội nghị Tổng kết Chương trình đào tạo thí điểm Thạc sĩ Quản trị An ninh phi truyền thống (MNS) - một ngành học vẫn còn khá mới mẻ tại Việt Nam. Đây được coi là một  "mốc son" đối với Khoa Quản và trị Kinh doanh (Khoa QT&KD) và ĐH Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) đối với việc xây dựng ngành học mới trong bối cảnh hội nhập thế giới sâu, rộng cùng với sự phát triển như vũ bão của công nghệ, truyền thông, mạng interne

VNHNO - Ngày 25/10, Khoa Quản trị và Kinh doanh (HSB), Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức Hội nghị Tổng kết Chương trình đào tạo thí điểm Thạc sĩ Quản trị An ninh phi truyền thống (MNS) - một ngành học vẫn còn khá mới mẻ tại Việt Nam. Đây được coi là một  "mốc son" đối với Khoa Quản và trị Kinh doanh (Khoa QT&KD) và ĐH Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) đối với việc xây dựng ngành học mới trong bối cảnh hội nhập thế giới sâu, rộng cùng với sự phát triển như vũ bão của công nghệ, truyền thông, mạng internet...

Quản trị An ninh Phi truyền thống (MNS) – ngành học rất mới tại Việt Nam và thế giới

Với sứ mệnh đào tạo các nhà lãnh đạo, quản trị và điều hành, những người có thể thay đổi và hành động vì sự phát triển bền vững, Khoa Quản trị và Kinh doanh đã được ĐH Quốc gia Hà Nội giao nhiệm vụ mở chương trình đào tạo mới, liên ngành về lĩnh vực quản trị - Thạc sĩ Quản trị An ninh phi truyền thống (Master in Management of Non-traditional Security - MNS) nhằm đáp ứng nhu cầu của quốc gia trong thời đại mới.  Ngày 10/10/2012, nhóm chuyên gia xây dựng Chương trình đào tạo (CTĐT) Thạc sĩ Quản trị An ninh Phi truyền thống, giảng dạy tại Khoa Quản trị và Kinh doanh đã được thành lập. 

Đến nay, trên Thế giới, ở Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng, chưa có trường đại học nào có mã ngành đào tạo về Quản trị An ninh phi truyền thống (QTANPTT). Sau 5 năm triển khai (2013 - 2018), Khoa QT&KD đã không ngừng phát triển đội ngũ giảng viên, hoàn thiện nội dung và chuẩn hóa quy trình đào tạo theo đúng giá trị cốt lõi của đơn vị: Sáng tạo - Tiên phong - Chất lượng.

Đến năm 2018, MNS đã khai giảng 8 khóa đào tạo với 173 học viên, trong đó, 72 học viên đã tốt nghiệp với các đề tài nghiên cứu có tính ứng dụng cao vào thực tiễn công việc tại các cơ quan Bộ, ngành, địa phương. Bên cạnh đó, Khoa QT&KD cũng đã tổ chức nhiều khóa học đào tạo cho hơn 1.000 học viên đều là lãnh đạo của các địa phương, các đơn vị nhà nước nâng cao kiến thức về QTANPTT. 

Các giáo sư, giảng viên trao đổi về chương trình đào tạo MNS

Chương trình được sáng tạo và thiết kế bởi nhóm các chuyên gia hàng đầu về khoa học liên ngành gồm GS.TS. Mai Trọng Nhuận; Thượng tướng, TS. Nguyễn Văn Hưởng; PGS.TS. Hoàng Đình Phi; GS.TSKH. Vũ Minh Giang và được triển khai tại HSB với sự hợp tác xây dựng và giảng dạy của Đại học San Diego, Mỹ; Trường Quản trị, Đại học Queensland, Australia; Đại học Nanyang, Singpore; Trường Kinh doanh IPAG, CH Pháp.

PGS.TS.Hoàng Đình Phi - Chủ nhiệm khoa Quản trị và Kinh doanh, Đại học Quốc gia Hà Nội

Phát biểu tại Hội nghị Tổng kết Chương trình đào tạo thí điểm Thạc sĩ QTANPTT, PGS.TS.Hoàng Đình Phi - Chủ nhiệm khoa Quản trị và Kinh doanh cho biết: “Chương trình Thạc sĩ Quản trị An ninh phi truyền thống đã được "thai nghén" cách đây 20 năm, xuất phát từ ý tưởng của nhóm tác giả trong đó đứng đầu là Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng - người cả một đời cống hiến cho ngành an ninh, GS.TS Mai Trọng Nhuận, GS.TS Vũ Minh Giang… 

Tới hôm nay, đã có 2 khóa tốt nghiệp trong 8 khóa đào tạo. Tôi nghĩ thành công đã vượt qua khuôn khổ khóa học. Vì các bạn học viên thuộc nhiều nhóm đối tượng như cán bộ công an, quân đội, nhóm thuộc khu vực công các bộ ngành, nhóm thuộc khu vực nghiên cứu giảng dạy và nhóm doanh nghiệp... Họ tốt nghiệp xuất sắc với những luận văn ứng dụng cao. Chúng tôi đã quyết tâm đưa chương trình vượt qua khuôn khổ đào tạo thạc sĩ vì hiện tại chưa có chương trình đào tạo MNS mà mới chỉ có đào tạo An ninh nội địa.

Tiếp theo, đó là thành công của các chương trình đào tạo ngắn hạn, môn tổng quan về quản trị an ninh phi truyền thống đưa vào giảng dạy cho các cán bộ nguồn, mở lớp đào tạo cho các cán bộ địa phương, các giám đốc, cán bộ các ban ngành. Hơn 1.000 lãnh đạo các ngành đã thấm nhuần cách tiếp cận, cách quản trị an ninh phi truyền thống trong vòng 4 năm qua.  

Chúng tôi sẽ phấn đấu để đưa QTANPTT được đưa vào mã ngành chính thức của Đại học Quốc gia Hà Nội, của Bộ Giáo dục & Đào tạo, xây dựng chương trình phát triển bền vững, vươn tầm quốc tế. HSB sẽ thành lập Trung tâm nghiên cứu về QTANPTT và khát vọng của chúng tôi là tổ chức hội thảo quốc tế thường niên, tiến tới có diễn đàn, có tạp chí chuyên ngành về ANPTT".

GS.TSKH. Vũ Minh Giang

Với vai trò đại diện nhóm tác giả chương trình đạo tào, GS.TSKH. Vũ Minh Giang chia sẻ: “MNS là mốc son không chỉ của khoa Quản trị và kinh doanh mà với cả ĐH Quốc gia Hà Nội. ANPTT là môn khoa học liên ngành, ngành mới giải quyết những bài toán có tính toàn cầu. Chúng ta không ngủ quên trước thành công, đã đến lúc mở rộng ảnh hưởng của chương trình ra các lĩnh vực khác và đắp dày thêm uy tín, thương hiệu của HSB”. 

Học viên, nhà quản lý nói gì về chương trình MNS? 

Như đã nói ở trên, học viên của MNS có đặc thù riêng, thuộc nhiều lĩnh vực rất khác nhau. Có những học viên thuộc nhóm lãnh đạo và nhà quản lý tham gia công tác hoạch định chính sách phát triển KH-XH, quản lý kinh tế, phòng chống thiên tai, tệ nạn xã hội... của Bộ ban ngành trung ương và địa phương; có học viên lại thuộc nhóm công an, quân đội hoặc nhóm giảng dạy, nghiên cứu.

Chính vì vậy, mục tiêu và thành quả sau mỗi khóa học của học viên MNS vô cùng đa dạng, góp phần tạo nên thành công cho một chương trình đào tạo thạc sĩ liên ngành. 

Các học viên chương trình đào tạo Thạc sĩ QTANPTT

Ông Trần Quang Đẩu, học viên MNS03 - cán bộ cơ quan Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Bộ Tài nguyên và môi trường chia sẻ: “Thạc sĩ Quản trị An ninh phi truyền thống là chương trình đào tạo liên ngành mới ở nước ta đòi hỏi những kiến thức rất tổng hợp vì vậy trong quá trình học tập, nghiên cứu và làm luận văn, khó tránh khỏi một số hạn chế. Nhưng sau khi tốt nghiệp về công tác tại cơ quan Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Bộ Tài nguyên và môi trường, tôi đã vận dụng rất nhiều nội dung, kiến thức đã nghiên cứu học tập trong chương trình đào tạo vào công việc quản lý cũng như nghiên cứu của cơ quan… Trong chương trình đào tạo, có thể nghiên cứu tăng cường thêm nội dung chương trình cho một số môn học như: Tổng quan về Quản trị An ninh Phi truyền thống; Quản trị chiến lược và Kế hoạch; Hệ thống Thông tin và an ninh; An ninh nguồn nước…..” 

Nhà báo Lê Thị Hồng Nguyên - Phụ trách chuyên trang thông tin đối ngoại bằng tiếng nước ngoài, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Văn phòng Chính phủ, học viên khóa MNS08, chia sẻ: “Dù mới chỉ qua 3 tháng học, nhưng tôi nhận thấy sự lựa chọn của mình khi tham gia khóa học này là hoàn toàn đúng đắn. Những kiến thức học viên được tiếp cận có tính liên ngành cao, sát với thực tiễn cuộc sống và công việc. Từng vấn đề của an ninh phi truyền thống, trước đây chỉ được hiểu một cách khái quát, mang tính định nghĩa thì bây giờ đã được thầy cô đi sâu, phân tích và làm rõ để từ đó mỗi học viên, tùy thuộc vào từng công việc của mình có thể nhận diện, phòng tránh và có phương án giải quyết những nguy cơ, thách thức đó”.

Ông Hà Mạch Hoạch - Phó Bí thư thường trực Đảng ủy xã Võ Miếu, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ tham dự hội nghị với vai trò là nhà tuyển dụng của Thạc sĩ Trần Duy Hùng (học viên MNS02, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Võ Miếu, Thanh Sơn, Phú Thọ) lại đưa ra những đánh giá về những khó khăn của cán bộ các cơ quan, đơn vị ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa khi tham gia khóa học. 

Đó là, học viên chưa có chuyên môn chính quy về ANPTT nên sẽ gặp trở ngại trong giai đoạn đầu tiếp thu kiến thức tại các môn học. Vì thế ông đề nghị chương trình cần phổ biến rộng hơn về các tỉnh thành, nhất là các khu vực vùng núi, vùng sâu, vùng xa và các đơn vị địa phương để các cán bộ, nhân viên ở đây được biết và tham gia học tập tại chương trình nếu có nhu cầu và đảm bảo về năng lực. Đồng thời, ông cũng mong muốn trong thời gian không xa sẽ có chuyên ngành đào tạo quản lý An ninh phi truyền thống ở cấp Đại học để sau khi được đào tạo chính quy, các học viên sẽ dễ dàng học tập và được đào tạo nâng cao hơn ở chương trình sau đại học của mình trong chuyên ngành này.

Với những thành công đã đạt được trong 5 năm triển khai thí điểm chương trình đào tạo Thạc sĩ Quản trị An ninh Phi truyền thống (MNS), thời gian tới Khoa QT&KD và ĐHQGHN sẽ có những chiến lược mới để nâng tầm và mở rộng đào tạo đối với một ngành mới nhưng vô cùng thiết thực cho xã hội, góp phần giải quyết những vấn đề mang tính quốc gia và toàn cầu như MNS./.