13/01/2025 lúc 05:21 (GMT+7)
Breaking News

Quan hệ Nga - Việt bền vững, hướng tới tương lai

VNHN - Việt Nam là người bạn lâu đời, tin cậy của LB Nga không chỉ ở khu vực mà trên toàn thế giới.

VNHN - Việt Nam là người bạn lâu đời, tin cậy của LB Nga không chỉ ở khu vực mà trên toàn thế giới.

Ngày 20/01, tại thủ đô Moscow - Nga, Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và ASEAN, thuộc Viện Viễn Đông, Viện Hàn lâm khoa học Nga, đã tổ chức Hội thảo bàn tròn chuyên đề “70 năm hợp tác Nga - Việt Nam: Quan hệ bền vững, hướng tới tương lai”. Sự kiện được tổ chức trong khuôn khổ Năm chéo hữu nghị và hướng tới kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.(30/01/1950-30/01/2020).

Hội thảo có sự tham gia của gần 100 đại biểu là các học giả có uy tín, giới chuyên môn, các nhà quản lý của Nga cũng như các chuyên gia của Việt Nam. Tham dự sự kiện còn có Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại LB Nga Ngô Đức Mạnh và Phó Vụ trưởng Vụ châu Á 3, Bộ Ngoại giao LB Nga, ông Gennady Bezdetko. Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Viện trưởng Viện Viễn Đông, Viện Hàn lâm Khoa học LB Nga, ông Sergei Uyanaev cho rằng, chủ đề của hội thảo lần này cũng chính là chủ đề về mối quan hệ Nga - Việt Nam hiện nay và sự kiện hai nước sắp kỷ niệm 70 năm ngày thiết quan hệ ngoại giao chính là động lực để tổng kết những thành quả, triển vọng cũng như nhiệm vụ trong quan hệ hai nước.

Ông Sergei Uyanaev khẳng định, Việt Nam là người bạn lâu đời, tin cậy của LB Nga không chỉ ở khu vực mà trên toàn thế giới. Quan hệ hai nước phát triển ổn định, hiệu quả dựa trên Hiệp ước về các nguyên tắc cơ bản của mối quan hệ hữu nghị được ký tại Matxcơva vào năm 1994. Theo ông Sergei Uyanaev, 70 năm quan hệ giữa hai nước là tấm gương về sự hợp tác hiệu quả, tôn trọng lẫn nhau. Các mối quan hệ hiện nay là đối tác chiến lược toàn diện. Và một trong những bằng chứng về quan hệ cấp cao và bền vững giữa hai nước là hàng loạt hoạt động trong năm chéo.

GS. Sergei Uyanaev chỉ rõ: “Mối quan hệ với Việt Nam nói chung đang được Nga xác định tiếp tục phát triển theo tất cả các hướng, từ chính trị, kinh tế đến hợp tác quốc phòng, hợp tác kỹ thuật quân sự. Hợp tác giáo dục, du lịch phát triển mạnh mẽ. Quan hệ song phương đóng vai trò quan trọng, vượt ra ngoài khuôn khổ hợp tác riêng, tạo lập các mối hợp tác đa dạng, hiệu quả ở khu vực.

Hai nước hợp tác chặt chẽ, phối hợp trong những diễn đàn đa phương quan trọng, các tổ chức quốc tế, các dạng thức như ASEAN, APEC, các diễn đàn Á - Âu, các hội nghị liên nghị viện khu vực. Hai nước cũng tạo cơ chế hợp tác hiệu quả, bao gồm Ủy ban liên chính phủ về hợp tác kinh tế - thương mại, khoa học kỹ thuật, thường xuyên có các cuộc gặp cấp cao”.

Hội thảo bàn tròn: "70 năm hợp tác Nga-Việt Nam: quan hệ bền vững, hướng tới tương lai".

Về phần mình, Đại sứ Ngô Đức Mạnh nêu bật tầm quan trọng của sự kiện Liên Xô thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam 70 năm trước, xem đây như một sự ủng hộ mạnh mẽ dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh và nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khi đó. Trong khuôn khổ một ngày làm việc, với 18 tham luận được trình bày tại hội thảo và 8 tham luận được gửi đến ngoài chương trình, hội thảo chia làm 4 phần, đề cập đầy đủ các khía cạnh mối quan hệ Việt Nam - LB Nga, từ tiến trình thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện; quan hệ hợp tác quân sự, chính trị và thông tin; quan hệ thương mại, kinh tế và di cư; cho tới hợp tác về khoa học, kỹ thuật và văn hóa.

Các học giả cũng khẳng định thời gian qua hai nước đã đạt được nhiều thành công trên tất cả các lĩnh vực, trước hết trong lĩnh vực chính trị, ngoại giao; khẳng định chưa bao giờ có nhiều chuyến thăm dồn dập giữa hai nước được tổ chức đến vậy, đặc biệt là các chuyến thăm cấp cao; quan hệ hợp tác thông qua các kênh Đảng, Quốc hội, ngoại giao nhân dân… cũng được đẩy mạnh.

Bên cạnh đó, các quan hệ hợp tác quân sự, kinh tế, văn hoá được chú trọng. Tuy nhiên, các đại biểu cũng chỉ ra những mặt hạn chế cần khắc phục, như chưa tận dụng và phát huy hết thế mạnh để hợp tác trong lĩnh vực kinh tế - thương mại có thể song hành với những thành công trên lĩnh vực chính trị - ngoại giao, nhiều thoả thuận kinh tế hiện còn nằm trên giấy, chưa được đưa vào thực hiện hoặc tiến độ thực thi chậm… TS Khoa học kinh tế, GS Vladimir Mazyrin - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và ASEAN cho rằng, trong lĩnh vực kinh tế, cần có cách tiếp cận mới: “Thời gian qua, tôi thấy rằng, cán cân quan hệ kinh tế Việt Nam-Nga đã thay đổi.

Trước đây Việt Nam nhận sự giúp đỡ của Liên Xô, thì nay các chỉ số quan trọng cho thấy, Việt Nam đang vươn mạnh tới gần Nga. Ít người quan tâm, phân tích, nhận thấy điều này. Tôi cho rằng, mối quan hệ bây giờ là bình đẳng hơn trong ý nghĩa kinh tế của từ này. Chúng tôi cần tính toán, tập trung vào các lĩnh vực hợp tác quan trọng về kinh tế, có tính chiến lược, xác định sự phát triển đối với cả Việt Nam và Nga”.

GS.TS Vũ Dương Huân - Học Viện Ngoại giao Việt Nam cũng cho rằng, cần tháo gỡ những vướng mắc về “giấy phép con”, ví dụ về an toàn thực phẩm, thủ tục hải quan, thanh toán…, để khai thác tối đa lợi ích từ Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký với Liên minh kinh tế Á - Âu, có hiệu lực vào năm 2016. Ông Vũ Dương Huân đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết của hiệp định về lao động giữa hai nước: “Hệ thống pháp lý tốt, trên 100 hiệp định, nhưng phải tiếp tục đàm phán các thỏa thuận khác, ví dụ hiệp định về hợp tác lao động phải đẩy mạnh lên, mặc dù khó khăn, nhưng trong bối cảnh dân số Nga giảm, mình có 60 – 70.000 lao động ở đây, phải có hiệp định mới hợp pháp hóa được lao động của mình”.

Các đại biểu nhìn nhận, Hội thảo là một hoạt động thiết thực, một kênh thông tin quan trọng giúp cho lãnh đạo cấp cao hai nước hoạch định chính sách, nhằm tiếp tục làm sâu sắc hơn mối quan hệ song phương, vốn có bề dày lịch sử suốt 70 năm qua, kể từ ngày 30/01/1950, khi hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và ASEAN cũng cho biết, sau hội thảo, sẽ tập hợp các tài liệu và xuất bản cuốn sách gồm các bài báo (bằng tiếng Nga), với tiêu đề: “LB Nga - Việt Nam: Những lợi ích song trùng”, để phục vụ giới chuyên môn.