15/01/2025 lúc 12:38 (GMT+7)
Breaking News

Quan hệ đối tác vì kết nối và phục hồi

Sáng 9/12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự Hội nghị cấp cao (HNCC) Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong (ACMECS) lần thứ 9 theo hình thức trực tuyến, với sự có mặt của lãnh đạo cấp cao các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Tổng Thư ký ASEAN.

Sáng 9/12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự Hội nghị cấp cao (HNCC) Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong (ACMECS) lần thứ 9 theo hình thức trực tuyến, với sự có mặt của lãnh đạo cấp cao các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Tổng Thư ký ASEAN.

Đoàn Việt Nam tháp tùng Thủ tướng Chính phủ tham dự Hội nghị có đại diện Lãnh đạo các Bộ: Ngoại giao, Giao thông vận tải, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Thông tin và Truyền thông, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế và Văn phòng Chính phủ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự Hội nghị ACMECS lần thứ 9. Ảnh: Quang Hiếu

Với chủ đề “Quan hệ đối tác vì kết nối và phục hồi”, Hội nghị tập trung rà soát tình hình triển khai Tuyên bố Bangkok và Kế hoạch Tổng thể ACMECS giai đoạn 2019-2023 được lãnh đạo các nước thông qua tại HNCC ACMECS lần thứ 8 (tháng 6/2018 tại Bangkok, Thái Lan); đồng thời trao đổi về các biện pháp củng cố hợp tác trong giai đoạn mới.

Về tình hình hợp tác trong hai năm qua, các nhà lãnh đạo ghi nhận những kết quả tích cực mà Hợp tác ACMECS đạt được trong việc triển khai Kế hoạch Tổng thể ACMECS xoay quanh ba trụ cột là kết nối hạ tầng cứng, kết nối hạ tầng mềm và phát triển thông minh-bền vững. Hội nghị đánh giá cao nỗ lực của các nước trong việc xây dựng một số văn bản định hướng hợp tác như Điều khoản tham chiếu (TOR) của Quỹ Phát triển ACMECS (ACMDF), Tài liệu khái niệm về Cơ chế làm việc của các Ủy ban điều phối ACMECS và Danh sách các dự án ưu tiên. Hội nghị cũng ghi nhận tiến triển trong việc hình thành mạng lưới đối tác phát triển của ACMECS, trong đó có việc thông qua danh sách đối tác đợt 1 (gồm Mỹ, Nhật, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, và Australia) và chuẩn bị thống nhất danh sách đợt 2. 

Về hợp tác trong thời gian tới, các nhà lãnh đạo nhận định khu vực và thế giới đang phải đối mặt với những thách thức chưa từng có do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và các vấn đề an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường, thiên tai, lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn… Lãnh đạo các nước bày tỏ quan ngại về các đợt hạn hán nghiêm trọng, đặc biệt trong năm 2019 và 2020, khiến mực nước sông Mekong giảm xuống mức thấp kỷ lục mới và gây gián đoạn nguồn cung lương thực, ảnh hưởng tới hệ sinh thái, nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản của tiểu vùng.

Trên cơ sở đó, các nhà lãnh đạo khẳng định quyết tâm: Thúc đẩy hợp tác bảo vệ môi trường, phát triển nông nghiệp thông minh và quản lý bền vững tài nguyên nước sông Mekong, quản lý thiên tai và biến đổi khí hậu. Tăng cường nỗ lực vừa phòng chống, ứng phó với đại dịch COVID-19; vừa tái thiết kinh tế, bao gồm phục hồi chuỗi cung ứng, thúc đẩy thương mại, đầu tư, công nghiệp và du lịch giữa các nước thành viên ACMECS, phát triển nền kinh tế kỹ thuật số, thương mại điện tử và phát triển nguồn nhân lực; thúc đẩy sự tham gia, đóng góp của các đối tác phát triển, tổ chức quốc tế, khu vực tư nhân…trong việc thực hiện 3 trụ cột hợp tác của Kế hoạch tổng thể ACMECS và sớm đưa Quỹ Phát triển ACMECS đi vào hoạt động nhằm triển khai hiệu quả các dự án ưu tiên và bảo đảm tính kết nối và cộng hưởng giữa hợp tác ACMECS với ASEAN và các cơ chế hợp tác tiểu vùng liên quan, đồng thời xem xét cải tiến cơ cấu, phương thức hoạt động của hợp tác ACMECS theo hướng tăng cường hiệu quả và phát huy tối đa nguồn lực.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định tầm quan trọng của sự hợp tác và phối hợp giữa năm nước láng giềng Mekong trong nỗ lực chung thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, hướng tới xây dựng nền kinh tế cạnh tranh, năng động và bền vững. Thủ tướng cũng chỉ ra một số định hướng nhằm nâng cao hiệu quả và vai trò của ACMECS trong giai đoạn tới, theo đó nhiệm vụ quan trọng là vượt qua đại dịch COVID-19, từng bước phục hồi kinh tế và phát huy vai trò chiến lược nối liền Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.

Để làm được điều này, các nước cần bảo đảm kết nối thông suốt và hài hòa trong tiểu vùng, đặc biệt là thúc đẩy giao thông, thương mại, đầu tư dọc các hành lang kinh tế; phát triển hệ thống hạ tầng giao thông khu vực biên giới; và thực hiện nghiêm các thỏa thuận song phương, đa phương đã ký. Chú trọng phát triển nông nghiệp bền vững, thông minh hướng tới hình thành các chuỗi giá trị nông nghiệp Mekong và hội nhập ngày càng sâu vào các chuỗi giá trị toàn cầu. Đẩy mạnh hợp tác bảo vệ môi trường, quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên, ứng phó biến đổi khí hậu và thiên tai.

Kết thúc hội nghị, các nhà lãnh đạo đã thông qua Tuyên bố Phnom Penh Hội nghị Cấp cao ACMECS lần thứ 9 và nhất trí Lào sẽ chủ trì tổ chức Hội nghị Cấp cao ACMECS lần thứ 10.