08/01/2025 lúc 14:45 (GMT+7)
Breaking News

Quan hệ Đối tác Toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ: Thực chất và hiệu quả

Quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ đã đạt những bước phát triển toàn diện, thực chất, ngày càng đi vào chiều sâu, đóng góp tích cực cho an ninh, hòa bình, hợp tác và phát triển tại khu vực và trên thế giới.

Năm 2023 là một dấu mốc quan trọng trong quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ - kỷ niệm 10 năm ngày hai nước thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện (2013-2023).

Sau 28 năm kể từ khi chính thức xác lập quan hệ ngoại giao và tròn 10 năm kể từ khi xác lập quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ, quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ đã đạt được những bước phát triển toàn diện, thực chất, ngày càng đi vào chiều sâu, đóng góp tích cực cho an ninh, hòa bình, hợp tác và phát triển tại khu vực và trên thế giới.

Hai bên đã trở thành đối tác toàn diện từ chính trị-ngoại giao, kinh tế, giáo dục, khoa học-công nghệ, đến quốc phòng-an ninh; với động lực hợp tác ngày càng củng cố, mạnh mẽ hơn, các lĩnh vực hợp tác ngày càng rộng, sâu, đa dạng, thực chất, hiệu quả và lợi ích hài hòa có tầm quan trọng chiến lược.

Chiều 10/9/2023, Lễ đón chính thức Tổng thống Mỹ Joe Biden được tổ chức trọng thể tại Phủ Chủ tịch theo nghi thức cao nhất dành cho nguyên thủ quốc gia. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì lễ đón. Ảnh: TTXVN

Những dấu ấn quan trọng

Đêm 11/7/1995 (ngày 12/7/1995 giờ Việt Nam), Tổng thống William J. Clinton công bố “bình thường hóa quan hệ” với Việt Nam. Sáng 12/7/1995, tại Hà Nội (11/7 theo giờ Mỹ), Thủ tướng Võ Văn Kiệt đọc tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.

Sau khi tuyên bố bình thường hóa quan hệ và chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, đến ngày 5/8/1995, tại Hà Nội, Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Warren Christopher và Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm đã ký Nghị định thư, chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Hoa Kỳ.

Ngay sau đó, hai nước đã khai trương Đại sứ quán tại Washington và Hà Nội (vào tháng 8/1995).

Tháng 11/2000, Tổng thống Hoa Kỳ William J. Clinton thăm Việt Nam. Ông Clinton là Tổng thống Hoa Kỳ đầu tiên thăm chính thức Việt Nam. Ông Clinton được xem là người đóng góp quan trọng vào quá trình bình thường hóa quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ cả khi còn đương chức lẫn lúc đã rời nhiệm sở.

Tháng 6/2005, Thủ tướng Phan Văn Khải thăm Hoa Kỳ theo lời mời của Tổng thống George W.Bush. Đây là lần đầu tiên một Thủ tướng Việt Nam thăm Hoa Kỳ sau chiến tranh.

Trong những năm sau đó, hai nước đã trao đổi nhiều chuyến thăm cấp cao, cụ thể là chuyến thăm của Tổng thống Hoa Kỳ George W.Bush vào tháng 11/2006, chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tháng 6/2007, chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tháng 6/2008.

Đặc biệt, tháng 7/2013, trong chuyến thăm Hoa Kỳ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang theo lời mời của Tổng thống Barack Obama, hai bên đã xác lập quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ, định hình khuôn khổ quan hệ song phương cho giai đoạn mới cũng như hướng phát triển của quan hệ trong những năm tới.

Nền tảng quan trọng cho sự phát triển của mối quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ là khẳng định của hai bên về các nguyên tắc cơ bản, như tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi, trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Trên cơ sở đó, hai nước tiếp tục tăng cường quan hệ về chính trị, ngoại giao với các chuyến thăm cấp cao và các cấp thường xuyên giữa hai nước, qua đó tăng cường hiểu biết và làm sâu sắc hơn quan hệ song phương.

Nổi bật có các chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng năm 2015; chuyến thăm của Tổng thống Barack Obama năm 2016; chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào năm 2017; các chuyến thăm của Tổng thống Donald Trump vào năm 2017 và 2019; chuyến thăm của Phó Tổng thống Kamala Harris vào năm 2021 và gần đây là chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính vào tháng 5/2022.

Các chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo hai nước đã thực sự làm sâu sắc thêm quan hệ Đối tác Toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ, thúc đẩy đà phát triển quan hệ trên cơ sở đôi bên cùng có lợi, bình đẳng, tôn trọng độc lập, chủ quyền, thể chế chính trị của nhau.

Về vấn đề dân chủ, nhân quyền, hai bên tiếp tục đối thoại thẳng thắn, xây dựng về các vấn đề còn khác biệt, không để tác động tiêu cực đến các lĩnh vực hợp tác khác trong quan hệ song phương.

Trên bình diện đa phương, Việt Nam và Hoa Kỳ tăng cường hợp tác, phối hợp tốt tại các diễn đàn quốc tế và khu vực; phối hợp về chương trình nghị sự toàn cầu, củng cố đoàn kết và đề cao vai trò của ASEAN, thúc đẩy quan hệ ASEAN-Hoa Kỳ.

Trong thời gian diễn ra đại dịch COVID-19, hai bên vẫn duy trì các cơ chế đối thoại dưới hình thức trực tuyến và linh hoạt duy trì các trao đổi lẫn nhau thông qua hình thức viết thư và điện đàm. Trong các cuộc trao đổi, phía Hoa Kỳ tái khẳng định cam kết ủng hộ một Việt Nam “hùng mạnh, độc lập và thịnh vượng,” tiếp tục đánh giá cao vị thế và coi trọng quan hệ với Việt Nam, đề nghị hai bên tiếp tục có các bước đi để tăng cường quan hệ, trong đó ưu tiên hợp tác kinh tế-thương mại, an ninh-quốc phòng, y tế, năng lượng.

Tháng 5/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam dự Hội nghị Cấp cao Đặc biệt ASEAN-Hoa Kỳ đồng thời thăm, làm việc tại Hoa Kỳ và Liên hợp quốc từ ngày 11-17/5.

Trong khuôn khổ chuyến thăm, hai bên đã trao đổi thực chất, đối thoại thẳng thắn về quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ và các định hướng phát triển trong thời gian tới, hợp tác chặt chẽ để triển khai các kết quả quan trọng của các chuyến thăm cấp cao trước đây, nhất là Tuyên bố chung về tầm nhìn quan hệ hai nước nhân chuyến thăm Hoa Kỳ năm 2015 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; khai thác tối đa tiềm năng, cơ hội hợp tác trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế-thương mại-đầu tư, tiếp tục phối hợp giải quyết hiệu quả các vướng mắc, bảo đảm cán cân thương mại song phương hài hòa, bền vững, ưu tiên các lĩnh vực mới mà Việt Nam có nhu cầu và Hoa Kỳ có thế mạnh và nguồn lực như công nghệ mới, kinh tế số, năng lượng sạch…

Việt Nam luôn coi Hoa Kỳ là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu, hoan nghênh Hoa Kỳ ủng hộ một Việt Nam mạnh, độc lập và thịnh vượng. Việt Nam mong muốn thúc đẩy Quan hệ Đối tác Toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ ngày càng thực chất, ổn định, đi vào chiều sâu trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của nhau.

Hợp tác kinh tế - thương mại tăng trưởng vượt bậc

Cùng với quan hệ chính trị tốt đẹp, hợp tác kinh tế-thương mại Việt Nam-Hoa Kỳ được coi là lĩnh vực hợp tác thành công nhất, đã và đang trở thành trọng tâm, nền tảng, động lực phát triển cho quan hệ chung giữa hai nước.

Hiện Hoa Kỳ là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, là thị trường xuất khẩu đầu tiên của Việt Nam vượt mốc 100 tỷ USD.

Kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã tăng hơn 240 lần, từ 451 triệu USD (năm 1995) lên 7,8 tỷ USD (năm 2005), 45,1 tỷ USD (năm 2015), 47,15 tỷ USD (năm 2016), 50,8 tỷ USD (năm 2017) và 60,3 tỷ USD (năm 2018). lên hơn 123 tỷ USD vào năm 2022.

Giai đoạn 2020-2022, mặc dù đại dịch COVID-19 và xung đột thương mại, địa chính trị diễn biến gay gắt, nhưng Hoa Kỳ vẫn duy trì vị thế là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, trong khi Việt Nam tiếp tục vươn lên, trở thành đối tác thương mại lớn thứ 7 của Hoa Kỳ.

Về đầu tư, nhiều năm qua, Hoa Kỳ luôn là một trong những đối tác có đầu tư lớn nhất tại Việt Nam, với gần 1.150 dự án đang hoạt động, tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 10,3 tỷ USD, xếp thứ 11/141 nền kinh tế có đầu tư tại Việt Nam.

Các doanh nghiệp lớn của Hoa Kỳ tiếp tục quan tâm, đầu tư vào thị trường Việt Nam. Phía Hoa Kỳ thể hiện sự sẵn sàng thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực Việt Nam quan tâm như phát triển cơ sở hạ tầng, chuỗi cung ứng, kinh tế số.

Hợp tác toàn diện và hiệu quả

Hợp tác y tế và ứng phó với đại dịch COVID-19 tiếp tục là điểm sáng trong quan hệ hai nước Việt Nam-Hoa Kỳ, đặc biệt trong việc hỗ trợ lẫn nhau về trang thiết bị y tế, tiếp cận vaccine, chia sẻ kinh nghiệm phòng chống dịch bệnh và bảo hộ công dân.

Hợp tác an ninh-quốc phòng được duy trì tích cực với nội dung hợp tác đa dạng, nổi bật là việc trao đổi đoàn, tiếp xúc cấp cao, hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh và nâng cao năng lực hàng hải.

Hợp tác giáo dục đạt được nhiều bước tiến tích cực thời gian gần đây với việc hai bên thúc đẩy hợp tác giáo dục-đào tạo, chuyển giao công nghệ, số lượng du học sinh Việt Nam tại Hoa Kỳ ngày càng tăng.

Hai bên cũng phối hợp ngày càng hiệu quả tại các diễn đàn đa phương như Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Liên hợp quốc, Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Tiểu vùng sông Mekong, trong việc giải quyết các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, như phát triển bền vững và biến đổi khí hậu.

Trong cuộc điện đàm cấp cao tối 29/3/2023 giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, hai nhà lãnh đạo đều đánh giá cao sự phát triển tích cực, toàn diện của quan hệ hai nước thời gian qua và nhất trí thúc đẩy, phát triển, làm sâu sắc hơn quan hệ song phương, vì lợi ích của hai nước, vì hòa bình, hợp tác và phát triển.

Ngày 15/4/2023, tiếp Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định cuộc điện đàm cấp cao rất thành công giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden là minh chứng sống động cho sự phát triển của quan hệ hai nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh Việt Nam coi Hoa Kỳ là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu và mong muốn thúc đẩy quan hệ Đối tác toàn diện với Hoa Kỳ trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của nhau.

Về phía Hoa Kỳ, Ngoại trưởng Antony Blinken khẳng định Hoa Kỳ coi trọng quan hệ với Việt Nam, trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, thể chế chính trị của nhau, ủng hộ Việt Nam “mạnh, độc lập, tự cường và thịnh vượng."

Tại cuộc tiếp Đại sứ Hoa Kỳ Marc E.Knapper sáng 5/6/2023, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cũng khẳng định quan hệ Việt Nam và Hoa kỳ đã có những bước tiến dài sau 28 năm bình thường hóa quan hệ, có nhiều hợp tác trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có những nội dung mang tính chất chiến lược. Việt Nam luôn coi trọng quan hệ với Hoa Kỳ và xác định Hoa Kỳ là đối tác hàng đầu của Việt Nam. Những kết quả đạt được trong quan hệ giữa hai nước là phù hợp với nguyện vọng của nhân dân hai nước, được thúc đẩy trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của mỗi nước, hiểu biết lẫn nhau, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi và theo tinh thần gác lại quá khứ, hướng tới tương lai...

Thời gian tới, Việt Nam mong muốn thúc đẩy Quan hệ Đối tác Toàn diện với Việt Nam-Hoa Kỳ tiếp tục phát triển trên cơ sở cùng có lợi, mang lại tăng trưởng và việc làm cho nhân dân cả hai nước, góp phần duy trì, hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Thông tấn Xã Việt Nam

...