19/01/2025 lúc 13:28 (GMT+7)
Breaking News

Quan điểm của Hồ Chí Minh về phát triển thương nghiệp

Trong di sản tư tưởng Hồ Chí Minh về kinh tế, một trong những nội dung quan trọng là quan điểm về phát triển ngành thương nghiệp Việt Nam trong xây dựng và phát triển nền kinh tế xã hội chủ nghĩa. Quan điểm của Hồ Chí Minh về thương nghiệp đến nay vẫn còn nguyên giá trị, được Đảng, Nhà nước ta vận dụng để phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Nhà máy Dệt 8-3, năm 1965 - Ảnh tư liệu TTXVN

Vận dụng sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về phát triển kinh tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm chỉ đạo xây dựng ngành thương nghiệp nước ta thực sự trở thành một đòn bẩy kinh tế, làm tốt vai trò lưu thông hàng hóa, gắn kết giữa công nghiệp với nông nghiệp, sản xuất với tiêu dùng, giữa địa phương với Trung ương, trong nước với ngoài nước.

Hồ Chí Minh khẳng định vai trò to lớn của thương nghiệp trong nền kinh tế quốc dân: “Trong nền kinh tế quốc dân có ba mặt quan trọng: Nông nghiệp, công nghiệp, thương nghiệp. Ba mặt công tác quan hệ mật thiết với nhau. Thương nghiệp là cái khâu giữa nông nghiệp và công nghiệp. Thương nghiệp đưa hàng đến nông thôn phục vụ nông dân, thương nghiệp lại đưa nông sản, nguyên liệu cho thành thị tiêu dùng. Nếu khâu thương nghiệp bị đứt thì không liên kết được nông nghiệp với công nghiệp, không củng cố được công nông liên minh. Công tác thương nghiệp không chạy thì hoạt động nông nghiệp, công nghiệp sẽ bị rời rạc”(1).

Hồ Chí Minh đã chỉ rõ nhiệm vụ của thương nghiệp: “Thương nghiệp làm nhiệm vụ đưa hàng hóa công nghiệp về bán cho nông dân, rồi lại mua các thứ nông sản về cho nhà máy. Thương nghiệp phải cố gắng làm công việc đó cho tốt, phải bảo đảm chất lượng hàng hóa và có tinh thần phục vụ người mua. Người ta cần thứ gì, bán thứ đó, người mua chỉ cần phân bón, lại bắt mua cả vôi kèm theo thì không được”(2).

Trong tổ chức mua hàng, bán hàng của ngành thương nghiệp, Hồ Chí Minh yêu cầu: “Ngành thương nghiệp phải mua bán công bằng, chớ nên ép cấp, ép giá”(3). Phải thuận mua vừa bán “Mua những thứ đã khuyến khích đồng bào bán, bán những thứ đồng bào cần mua. Giá cả cần đúng mức, thái độ cần khiêm tốn”(4). Người yêu cầu xây dựng ngành thương nghiệp lành mạnh, phù hợp với quy luật cung - cầu: “Việc mua bán ấy phải có hợp đồng  ký kết giữa Chính phủ và hợp tác xã. Sau khi đã ký hợp đồng, các hợp tác xã phải bảo đảm đúng hợp đồng, mà về phía Chính phủ cũng vậy. Như thế mới công bằng. Mua bán phải theo giá cả thích đáng. Thường thường, người mua muốn mua rẻ, người bán muốn bán đắt. Đối với chúng ta không thể làm thế được. Giá cả phải bảo đảm cho Nhà nước, hợp tác xã và xã viên cùng có lợi để xây dựng nước nhà”(5).

Trong hoạt động thương nghiệp, Hồ Chí Minh yêu cầu đội ngũ cán bộ, nhân viên của ngành phải có các biện pháp để ổn định vật giá. Người cho rằng, xây dựng chủ nghĩa xã hội, chúng ta có các nước bạn giúp đỡ khá nhiều, ta cũng cố gắng khá nhiều. “Nhưng ngoài ra, có những việc chúng ta phải làm như mua hàng hóa, máy móc ở ngoài vào và phải ổn định vật giá. Bây giờ vật giá chưa ổn định như thế ảnh hưởng không tốt đến đời sống của tất cả mọi người. Vì vậy, chúng ta phải ổn định… phải làm thế nào để ổn định vật giá và làm thế nào để mua máy móc. Thế là chúng ta phải có những thứ đưa bán ra ngoài để mua máy móc, nguyên liệu về, có thứ điều hòa bên trong ... Các cô, các chú phải giúp Đảng, giúp Chính phủ về việc ấy, phải tự tay làm và khuyến khích đồng bào nông dân bán nông sản cho Chính phủ, bán cho mậu dịch. Nếu nông dân không bán nông sản cho Chính phủ thì ảnh hưởng rất lớn đến ổn định vật giá”(6).

Thương nghiệp có chức năng điều tiết lưu thông, phân phối hàng hóa, vừa phục vụ tiêu dùng của nhân dân, vừa phục vụ tốt cho sản xuất. Nếu ngành thương nghiệp không quản lý và phân phối hàng hóa tốt thì sẽ tạo sự mất cấn đối giữa cung và cầu. Trong công tác lưu thông phân phối, Hồ Chí Minh căn dặn: “Có khi vật tư, hàng hóa không thiếu, mà phân phối không đúng, thì gây ra căng thẳng không cần thiết. Trong công tác lưu thông phân phối, có hai điều quan trọng phải luôn luôn nhớ:

“Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng

Không sợ nghèo, chỉ sợ lòng dân không yên”(7).

Để phát huy tốt vai trò của thương nghiệp, Hồ Chí Minh rất chú ý đến xây dựng tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ thương nghiệp và đặc biệt là sự đóng góp của giới công  - thương. Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám (năm 1945) thành công, Hồ Chí Minh đã viết Thư gửi các giới công thương Việt Nam (tháng 10-1945) kêu gọi các nhà công, thương nghiệp gia nhập “Công - Thương cứu quốc đoàn”. Trong thư, Người viết: “Việc nước và việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là các sự kinh doanh của các nhà công nghiệp, thương nghiệp thịnh vượng. Vậy tôi mong giới Công - Thương nỗ lực và khuyên các nhà công nghiệp và thương nghiệp mau mau gia nhập vào "Công - Thương cứu quốc đoàn" cùng đem vốn vào làm những công cuộc ích quốc lợi dân”(8).

Hồ Chí Minh chủ trương xây dựng tổ chức bộ máy thương nghiệp gọn, nhẹ, có cơ cấu hợp lý, có khả năng bao quát mọi vấn đề của thương nghiệp. Người đã ký một số Sắc lệnh liên quan đến ngành thương nghiệp, như: Sắc lệnh số 29b-SL, ngày 16-3-1947, thành lập Ngoại thương Cục thuộc Bộ Kinh tế; Sắc lệnh số 168-SL, ngày 17-11-1950, thành lập Sở Nội thương trực thuộc Bộ Kinh tế;  Sắc lệnh số 21-SL, ngày 14-5-1951, đổi tên Bộ Kinh tế thành Bộ Công thương và Sắc lệnh số 22-SL, ngày 14-5-1951, thành lập Sở mậu dịch,(một cơ quan kinh doanh) trong Bộ Công thương, đồng thời bãi bỏ Ngoại thương Cục và Sở Nội thương…

Về đội ngũ cán bộ thương nghiệp, theo Hồ Chí Minh cần phải có một đội ngũ “vừa hồng, vừa chuyên”. Người căn dặn: “Cán bộ phải nắm vững và làm đúng chính sách, phải biết tuyên truyền, giải thích, dựa vào các tổ chức địa phương, tính toán thế nào cho nhà nước và nhân dân đều có lợi, phải dựa vào lực lượng nhân dân quản lý thị trường cho tốt”(9). “Cán bộ từ trên xuống dưới phải thấm nhuần chính sách mậu dịch, đồng tâm nhất trí thì mới làm tròn nhiệm vụ kinh doanh của mình, mới giúp đỡ tư nhân kinh doanh, để ổn định vật giá, thúc đẩy sản xuất và bảo đảm cung cấp... Cán bộ mậu dịch nắm nhiều tiền bạc và hàng hóa trong tay rất dễ hủ hóa, cho nên mọi người phải ngày ngày trau dồi đức tính cần, kiệm, liêm, chính”(10). “Nếu không giữ được thói quen tiết kiệm, thì sẽ tham ăn ngon, tham mua các thứ xa hoa, lương không đủ thì sẽ lấy các thứ đó ở đâu? Lúc ấy chỉ có hai cách: một là ăn cắp của Chính phủ, hai là bị tiền mua chuộc... Muốn giữ vững nhân cách, tránh khỏi hủ hóa, thì phải luôn luôn thực hành bốn chữ: Cần, kiệm, liêm chính”(11)

Hồ Chí Minh thường xuyên nhắc nhở cán bộ, nhân viên ngành thương nghiệp phải tích cực lao động, học tập văn hóa, nghiệp vụ cho giỏi, phải đoàn kết, thi đua giúp đỡ lẫn nhau, trao đổi kinh nghiệm cho nhau để không ngừng tiến bộ: “Toàn thể cán bộ trong ngành phải có ý thức lao động là vẻ vang, rèn luyện tinh thần khắc phục khó khăn, chịu đựng gian khổ để hoàn thành nhiệm vụ của Đảng và Chính phủ giao cho. Phải tích cực chống lãng phí, tham ô, vì những sai lầm đó có hại cho Nhà nước, cho nhân dân và có hại trực tiếp cho cán bộ, nhân viên; phải thực hành tiết kiệm; quản lý tốt của công; quản lý chặt chẽ thị trường; chống đầu cơ tích trữ, bình ổn vật giá phục vụ nhân dân.  

Hồ Chí Minh khẳng định vai trò to lớn của thương nghiệp trong nền kinh tế quốc dân: “Thương nghiệp là cái khâu giữa nông nghiệp và công nghiệp. Thương nghiệp đưa hàng đến nông thôn phục vụ nông dân, thương nghiệp lại đưa nông sản, nguyên liệu cho thành thị tiêu dùng. Nếu khâu thương nghiệp bị đứt thì không liên kết được nông nghiệp với công nghiệp, không củng cố được công nông liên minh. Công tác thương nghiệp không chạy thì hoạt động nông nghiệp, công nghiệp sẽ bị rời rạc”(1).

Cần phải tăng cường đoàn kết nội bộ và đoàn kết với nhân dân để làm tròn nhiệm vụ. Trong ngành có nhiều loại cán bộ, phải đoàn kết cho chặt chẽ; nếu chỉ đoàn kết nội bộ mà không đoàn kết với nhân dân thì không làm được việc. Cách mạng thắng lợi, kháng chiến thắng lợi là vì đoàn kết. Vì vậy, khối đoàn kết phải được củng cố và tăng cường để tiếp tục đấu tranh thắng lợi”(12).

Cán bộ thương nghiệp phải tận tụy phục vụ nhân dân, bởi vì “chế độ ta là chế độ dân chủ. Tức nhân dân làm chủ. Tức là cán bộ và nhân viên từ cấp trên đến cấp dưới đều là đầy tớ của nhân dân, đều phải một lòng một dạ phục vụ nhân dân... Đối với khách hàng, các cô phải có thái độ khiêm tốn, lễ phép, thật thà, phải có tinh thần trách nhiệm đối với của công và đối với lợi ích của nhân dân... Không thể tha thứ những thái độ khinh miệt nhân dân, những việc làm dối trá với nhân dân”(13).

Để ngành thương nghiệp làm tốt vai trò và nhiệm vụ của mình, Hồ Chí Minh yêu cầu các cấp, các ngành phải quan tâm và có trách nhiệm giúp đỡ, phối hợp hoạt động với ngành thương nghiệp. Đối với các cơ quan lãnh đạo, Hồ Chí Minh yêu cầu: “Các cấp ủy đảng phải lãnh đạo chặt chẽ hơn nữa ngành thương nghiệp. Làm như thế thì nhất định hoàn thành tốt nhiệm vụ”(14). Cán bộ phụ trách ở các cấp phải làm tốt công tác giáo dục tư tưởng, tinh thần trách nhiệm cho cán bộ nhân viên, phải kiểm tra thường xuyên, nghiêm túc, phải coi đó là công việc hàng ngày. Có như vậy, ngành thương nghiệp mới có thể đáp ứng nhiều nhất cho sự nghiệp cách mạng.

Đối với các cơ sở sản xuất cung cấp hàng hóa cho xã hội, Người yêu cầu “Phải thi hành nghiêm chỉnh kỷ luật: Làm hỏng thì phải làm lại. Phải có chế độ: mỗi xí nghiệp, mỗi hợp tác xã phải bảo đảm chất lượng những sản phẩm của mình”(15). “Những người sản xuất phải cố gắng sản xuất nhanh, nhiều, tốt, rẻ. Hàng làm ra nhanh và nhiều nhưng không tốt và rẻ thì không ai mua. Đồng bào ta nồng nàn yêu nước nên rất muốn dùng hàng của ta sản xuất. Người sản xuất phải thực thà sản xuất hàng tốt cho đồng bào dùng, không nên làm hàng trưng bày thì tốt mang hàng bán thì xấu... Sản xuất phải thiết thực, đúng hướng, đảm bảo nhiều loại hàng tốt và rẻ cần dùng cho đông đảo nhân dân”(16). “Tóm lại: Phải làm mau, làm tốt, làm rẻ, làm nhiều”(17).

Để chống tiêu cực, Hồ Chí Minh yêu cầu các cấp chính quyền và toàn thể nhân dân phải tích cực “hợp sức lại để chặn bàn tay của bọn đầu cơ”, vì bọn này “vừa làm cho chính quyền vất vả, vừa làm cho nhân dân thiệt thòi”(18). Phải dùng mọi biện pháp từ phê bình, giáo dục đến nghiêm trị theo pháp luật, không để cho bọn bất lương làm những điều “ích kỷ hại nhân”. Có như vậy mới tạo điều kiện cho ngành thương nghiệp ngày càng phát triển, góp phần vào công tác quản lý kinh tế, quản lý xã hội tốt hơn.

Thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh, trong các thời kỳ cách mạng, ngành thương nghiệp(19) (nay là thương mại) đã hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự quan tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thương nghiệp nước ta đã đạt được những thành tích to lớn trong việc phục vụ sản xuất, phục vụ chiến đấu và phục vụ nhân dân, không ngừng nỗ lực vươn lên xứng đáng với vai trò và nhiệm vụ của mình.

Trong thời kỳ đổi mới, Đảng và Nhà nước ta đã vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về kinh tế nói chung và thương nghiệp nói riêng để phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần và đã đạt được những thành tựu quan trọng. “Các yếu tố thị trường và các loại thị trường từng bước phát triển đồng bộ, gắn với thị trường khu vực và thế giới. Nhiều rào cản tham gia thị trường được dỡ bỏ; môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện rõ rệt, khởi nghiệp sáng tạo và phát triển doanh nghiệp khá sôi động”(20). Đồng thời, “hội nhập kinh tế quốc tế phát triển sâu, rộng trên nhiều cấp độ, đa dạng về hình thức, ký kết nhiều hiệp định thương mại song phương, đa phương thế hệ mới; xuất, nhập khẩu, thu hút vốn đầu tư nước ngoài tăng mạnh, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế và sự phát triển của đất nước”(21).

Ngành thương mại đã góp phần thực hiện có hiệu quả đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa trong quan hệ quốc tế, theo tinh thần “Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”.

Mạng lưới bán lẻ truyền thống và hiện đại tiếp tục bao phủ rộng khắpcác địa bàn, đáp ứng sự gia tăng cả về quy mô và trình độ phát triển, nhu cầu mua sắm của các tầng lớp nhân dân. Hiện cả nước có khoảng 1.163 siêu thị và 250 trung tâm thương mại, với các thương hiệu mạnh đến từ các nước như: Lotte, Central Group, TCCGroup, Aeon, CircleK, KMart, Auchan, Family Mart,... Đã thiết lập trên 100 điểm bán hàng cố định “Tự hào hàng Việt Nam” tại 61 địa phương. Có 8.581 chợ truyền thống (61 chợ đầu mối) cùng gần 1,4 triệu cửa hàng tạp hóa đang duy trì hoạt động(22). Kênh bán lẻ truyền thống đã có những thay đổi mạnh mẽ (thanh toán điện tử, kết hợp cả bán hàng trực tuyến với trực tiếp; tiếp cận xu hướng hiện đại từ trưng bày, giới thiệu hàng hóa, kết nối phản ánh người tiêu dùng với nhà sản xuất.

Thương mại điện tử đã có bước phát triển vượt bậc, với 53% dân số tham gia mua bán trực tuyến, thị trường thương mại điện tử Việt Nam năm 2021, tăng 10,2% so với năm 2020, đạt 13 tỷ USD(23). Việc mua sắm hàng hóa qua thương mại điện tử đã trở thành phương thức phân phối phổ biến, phát huy hiệu quả, góp phần duy trì chuỗi cung ứng và chuỗi lưu thông.

Xuất, nhập khẩu tiếp tục là điểm sáng với tỷ lệ xuất, nhập khẩu/GDP năm 2021 đạt 184,7% (năm 2020 là 158,6%), kinh tế Việt Nam có độ mở cao (đứng thứ hai Đông Nam Á, thứ ba châu Á, thứ tư thế giới). Đến nay, Việt Nam đã có quan hệ thương mại với 224 đối tác; đã, đang đàm phán, ký kết và thực thi 17 hiệp định thương mại tự do (FTA). Việt Nam trở thành một trong những nước đi đầu khu vực trong việc hình thành các khuôn khổ hợp tác kinh tế đa phương.

Kim ngạch xuất khẩu tăng cao ở những thị trường có FTA với Việt Nam, như Mỹ: 24,2%; Trung Quốc: 15%; Liên minh châu Âu (EU): 14%; Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN): 25,8%; Hàn Quốc: 15,8%; Ấn Độ: 21%; Niudilân: 42,5% và Ôxtrâylia: 3,1%(24).

Việt Nam gia nhập nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế. Điều này càng trở nên có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chậm do làn sóng Covid -19 lần thứ tư bùng phát làm “tê liệt” chuỗi cung ứng toàn cầu.

Thời gian tới, để phát triển mạnh mẽ ngành thương mại nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung, Đại hội XIII của Đảng xác định tiếp tục đẩy mạnh “Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, phát triển các ngành, lĩnh vực, các doanh nghiệp trên nền tảng ứng dụng mạnh mẽ các thành tựu của khoa học và công nghệ, nhất là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; phát triển các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, sản phẩm công nghệ cao, thân thiện với môi trường, tham gia có hiệu quả vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu”(25).

“Cơ cấu lại, phát triển lành mạnh các loại thị trường, nhất là thị trường các yếu tố sản xuất để huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực… Cơ cấu lại các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ theo hướng tập trung phát triển các lĩnh vực, sản phẩm có tiềm năng, lợi thế, nhiều hàm lượng công nghệ có sức cạnh tranh và có giá trị gia tăng cao. Cơ cấu lại hệ thống doanh nghiệp, phát triển lực lượng doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh, tăng cường gắn kết giữa doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với doanh nghiệp trong nước”(26).

“Thực hiện nhất quán cơ chế giá thị trường đối với hàng hóa, dịch vụ, kể cả các dịch vụ công cơ bản. Phát triển thị trường các yếu tố sản xuất để thị trường đóng vai trò quyết định trong huy động, phân bổ, sử dụng các nguồn lực. Phát triển thị trường hàng hóa, dịch vụ theo các phương thức tổ chức, giao dịch văn minh, hiện đại, thương mại điện tử. Phát triển đồng bộ, nâng cao hiệu quả hoạt động của các thị trường tài chính, tiền tệ, thị trường chứng khoán, thị trường bảo hiểm, thị trường lao động... Xử lý tốt những bất cập của cơ chế thị trường, bảo đảm phúc lợi và an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường sinh thái”(27).

“Đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ kinh tế quốc tế, tránh lệ thuộc vào một thị trường, một đối tác. Nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế trước tác động tiêu cực từ những biến động của bên ngoài; chủ động hoàn thiện hệ thống phòng vệ để bảo vệ nền kinh tế, doanh nghiệp, thị trường trong nước phù hợp với cam kết quốc tế. Thực hiện nhiều hình thức hội nhập  kinh tế quốc tế với các lộ trình linh hoạt, phù hợp với điều kiện, mục tiêu của đất nước trong từng giai đoạn”(28).

_________________

(1), (6), (12), (17) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.10, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.335, 611-612, 335-336, 537.

(2), (3), (4), (5), (9), (13), (14), (15) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.13, Sđd, tr.469-470, 259, 106, 220-221, 259, 10-11, 259, 512.

(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.15, Sđd, tr.224.

(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.4,Sđd, tr.53.

(10) Bộ Nội thương: Bác Hồ với ngành thương nghiệp Việt Nam, Tạp chí Nội thương xuất bản, năm 1986, tr.36.

(11), (18) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t. 9, Sđd, tr.46-47, 263.

(16) Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.11, Sđd, tr.292.

(19) Ngành thương nghiệp được thành lập năm 1951, theo Sắc lệnh số 21, ngày 14-5-1951.

(20), (21), (25), (26), (27), (28) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr. 60, 62, 121, 121, 133, 135.

(22), (24) Nguyễn Thùy Linh, Doãn Công Khánh: Phát triển thương mại trong bối cảnh mới - Thực tiễn, vấn đề và giải pháp, tapchicongsan.org.vn, ngày 30-7-2022.

(23) Theo tính toán của Google, Temasel, Bain & Company

PGS, TS NGUYỄN THỊ KIM DUNG

Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh