19/01/2025 lúc 19:29 (GMT+7)
Breaking News

Phủ Vĩnh Tường - mạch nguồn văn hóa qua nghìn năm lịch sử

VNHN – Địa danh Vĩnh Tường được nhắc đến như cái nôi của nền văn hóa Văn Lang - Âu Lạc dưới thời các vua Hùng dựng nước. Vĩnh Tường Phủ là cái tên được vua Minh Mệnh thứ 3 (Triều Nguyễn - 1822) đặt tên và được lưu giữ đến ngày nay. Mở lại những trang sử của dân tộc để tìm những giá trị văn hóa qua hàng nghìn năm lịch sử tại mảnh đất này, nơi mà đang lưu giữ nhiều di sản có giá trị của nền văn hóa Bắc Bộ.

VNHN – Địa danh Vĩnh Tường được nhắc đến như cái nôi của nền văn hóa Văn Lang - Âu Lạc dưới thời các vua Hùng dựng nước. Vĩnh Tường Phủ là cái tên được vua Minh Mệnh thứ 3 (Triều Nguyễn - 1822) đặt tên và được lưu giữ đến ngày nay. Mở lại những trang sử của dân tộc để tìm những giá trị văn hóa qua hàng nghìn năm lịch sử tại mảnh đất này, nơi mà đang lưu giữ nhiều di sản có giá trị của nền văn hóa Bắc Bộ.

 

Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử và sự hội nhập phát triển kinh tế, mảnh đất và con người Vĩnh Tường vẫn giữ nguyên vẹn những nền móng sơ khai của những công trình, những dấu tích lịch sử và những nét văn hóa truyền thống. Bởi những di chỉ khảo cổ học còn được lưu giữ, giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn đã thể hiện rõ nơi đây đã từng là mảnh đất gắn liền với tên tuổi của bao đời vua chúa, như:

Dưới thời Vua Hùng, Vĩnh Tường thuộc bộ Văn Lang; dưới thời thuộc Hán thuộc quận Giao Chỉ; sang thời thuộc Đường, Vĩnh Tường là trung tâm của vùng đất Phong Châu (nghĩa là đỉnh vùng đất bãi - đỉnh tam giác của đồng bằng châu thổ sông Hồng). Vùng đất ấy mang địa danh Vĩnh Tường Phủ từ năm 1822 – năm Minh Mệnh thứ 3 triều Nguyễn. Gắn liền với cái tên này chính là để trả ơn vị tướng Trần Phúc Nhàn, người đã giúp vua Gia Long (tức Nguyễn Ánh) lập ra triều đình nhà Nguyễn năm 1802. Ông đã tham gia vào trận đánh vua Quang Toản nhà Tây Sơn (con vua Quang Trung Nguyễn Huệ) giành thắng lợi và đã tử trận tại Phú Xuân (Huế). Không biết vào năm nào, vua Gia Long cho tìm con của Trần Phúc Nhàn là Trần Phúc Hiển phong cho làm Tri phủ Tam Đới, đến năm 1822 đổi là phủ Vĩnh Tường, nay là huyện Vĩnh Tường.

Dưới thời Thực dân Pháp (năm 1899) tỉnh Vĩnh Yên được thành lập gồm phủ Vĩnh Tường và các huyện Yên Lạc, Tam Dương, Lập Thạch và Bình Xuyên. Ở thời điểm này, phủ Vĩnh Tường là một đơn vị độc lập thuộc tỉnh Vĩnh Yên gồm có 8 tổng (Đồng Phú, Đồng Vệ, Hưng Lục, Kiên Cương, Lương Điền, Tăng Đố, Thượng Trưng, Tuân Lộ) với 78 làng xã. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, phủ Vĩnh Tường đổi thành huyện Vĩnh Tường thuộc tỉnh Vĩnh Yên. Sau nhiều lần thay đổi địa giới hành chính, huyện Vĩnh Tường có 26 xã và 3 thị trấn (thị trấn Vĩnh Tường, thị trấn Thổ Tang, thị trấn Tứ Trưng).

Trải qua nhiều giai đoạn hình thành và phát triển, huyện Vĩnh Tường ngày nay đã khẳng định sự ổn định và bền vững gắn liền với lưu giữ giá trị văn hóa

Nằm ở phía tây nam của tỉnh Vĩnh Phúc, cách trung tâm Thủ đô Hà Nội khoảng 60 km, huyện Vĩnh Tường ngày nay được biết đến như một địa danh cái nôi của nền văn hóa Việt. Nơi đây còn lưu giữ rất nhiều di sản có giá trị trong đó có thể nói tới: các di chỉ Lũng Hòa, Nghĩa Lập, Đồng Hương, Ma Cả, Gò Mát thuộc thời kỳ văn hóa Phùng Nguyên (mở đầu cách đây vào khoảng 4000 năm), là thời kì văn hóa đồng thau phát triển rực rỡ trên đất Vĩnh Phúc. Trong đó, riêng huyện Vĩnh Tường đã có 07 di tích, điển hình nhất di chỉ Lũng Hòa, là di chỉ cư trú và mộ địa lớn, công cụ văn hóa thu được gồm có rìu bôn, đục, hoa tai, hạt chuỗi đá, nhiều hiện vật gốm nguyên vẹn. Có khoảng 430 hiện vật đá, hiện vật gốm nguyên là 89 trong đó có 21 nồi, 10 bát, 17 dọi xe sợi, 22 chạc gốm, cùng 12.642 mảnh gốm các loại, phần lớn là loại gốm thô, hoa văn trang trí tiêu biểu cho giai đoạn muộn của văn hóa Phùng Nguyên. Ngoài ra còn có 2 mai đá kích thước lớn được xác định là thuộc thời kim khí tại xã Nghĩa Lập…

Nhiều địa phương thuộc huyện Vĩnh Tường hiện đang còn lưu giữ rất nhiều di tích thờ cúng các vua Hùng và các vị tướng lĩnh như: Đình Thổ Tang, một trong những di tích tiêu biểu cho đình làng Bắc Bộ, đền đá cổ Phú Đa thuộc xã Phú Đa, đình Bích Chu - xã An Tường,...

Đình cổ Thổ Tang (Vĩnh Tường - Vĩnh Phúc) tiêu biểu của nghệ thuật kiến trúc đình làng Bắc Bộ thế kỷ XVII

Những pho tượng đá được chạm khắc tinh xảo đặt trong đền Phú Đa, huyện Vĩnh Tường

Đình Bích Chu - xã An Tường, huyện Vĩnh Tường là một trong những đình cổ thờ Thánh Lý Nhã Lang (còn gọi là Nhã Lang Vương), con trai của Lý Phật Tử ở thời tiền Lý (Lý Nam Đế 544-602)

Tín ngưỡng tôn giáo còn được nơi đây gìn giữ đến ngày nay là những di sản văn hóa phi vật thể biểu trưng cho mạch nguồn phong tục tập quán thời tiền sử của khu vực đồng bằng sông Hồng như: tục “tung bông”, "tung gươm" tính giao lưỡng hợp, rước bó mạ và hội xuống đồng (thời có chữ Hán gọi là "hạ điền") trước cửa đền vào tháng 05 mở đầu mùa mưa thuận lợi cho cấy trồng cây lúa nước; hay hội "tung vông" để cầu đinh, tục hội "trâu rơm, bò rạ" đều diễn ra trong tháng giêng của năm để cầu mùa. Tục thờ sinh thực khí nam như thờ cây dứa dại ở đền ông; và 07 viên đá ở miếu Bà thuộc về xã Tứ Trưng; Lễ hội đền Ngự Dội gắn với truyền thuyết Thánh Tản Viên… Những tục hội như "kéo co", “hú đáo” ở xã Lũng Hòa, hội bắt vịt trong ao, bắt chạch trong chum ở Tứ Trưng, Thượng Trưng, lễ cầu tằm ở Vĩnh Ninh, Bàn Mạch, tục săn Cuốc ở làng Huy Ngác, múa đao đánh gậy ở Tam Phúc, Tứ dân chi nghiệp ở Đại Đồng, Lễ hội xuống đồng ở Hoàng xá, thi bơi chải ở Phú Đa, thi vật ở Nghĩa Hưng, Yên Bình...

Lễ rước nước về đền Ngự Dội (xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Tường)

Văn hóa phi vật thể nơi đây còn lưu giữ không chỉ bởi các tập tục, lề lối tín ngưỡng, mà còn có văn hóa tinh thần gắn với phát triển kinh tế. Từ những hình ảnh giản dị của cây đa, bến nước, sân đình, của những điệu Hát Xoan (làng Kim Xá) đến làng nghề mộc Bích Chu, nghề rèn Lý Nhân, nghề nuôi rắn truyền thống xã Vĩnh Sơn…là những nền tảng có giá trị văn hóa truyền thống lâu đời, huyện Vĩnh Tường đến nay đã khẳng định những vị thế để phát triển ổn định và bền vững về kinh tế, nhưng những di sản vẫn còn được tiếp tục bảo tồn và lưu giữ, khẳng định những dấu ấn nền móng văn hóa Việt.