VNHN - Huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam, được xem là địa phương có tiềm năng lớn để phát triển du lịch sinh thái của trong đó Hồ Phú Ninh được ví như “Hạ Long thu nhỏ”, vùng đất sơn thủy hữu tình, cảnh quan thiên nhiên thơ mộng đầy nét hoang sơ, với diện tích mặt nước hơn 3.200ha, sức chứa 344 triệu m³. Cùng hơn 30 hòn đảo lớn nhỏ, được bao bọc bởi diện thích rừng lên đến hơn 20.000 ha.Tuy nhiên, phát triển du lịch của Phú Ninh trong thời gian qua chưa tương xứng với tiềm năng hiện có.
Hồ Phú Ninh, vùng đất sơn thủy hữu tình, cảnh quan thiên nhiên thơ mộng đầy nét hoang sơ, được ví như “Hạ Long thu nhỏ” (ảnh Xuân Đạt).
Vùng đất sơn thủy hữu tình, được thiên nhiên ban tặng.
Hồ Phú Ninh, nằm cách tp Tam Kỳ, trung tâm tỉnh lỵ Quảng Nam khoảng 7 km về phía tây; được ví như “Hạ Long thu nhỏ”, vùng đất sơn thủy hữu tình được thiên nhiên ban tặng, với mặt hồ nước trong xanh phản chiếu như một tấm gương khổng lồ hiện lên những cánh rừng ngay giữa mặt hồ nét hoang sơ, đầy thơ mộng. Hồ được bao bọc bởi diện thích rừng lên đến hơn 20.000 ha, với hệ thống hơn 30 hòn đảo lớn nhỏ, như đảo Khỉ, đảo Su, đảo ông Sơ, đảo 61…, trên các đảo là rừng nguyên sinh, tái sinh tự nhiên, động thực vật đa dạng với hơn 261 loài cây, trong đó có nhiều gỗ quý như lim, trắc... Tại các đảo Khỉ, đảo Rùa, đảo Ông Châu… có hệ động vật phong phú gồm 80 loài chim, 34 loài thú, 26 loài bò sát, nhiều động vật quý hiếm nằm trong danh mục sách đỏ được bảo tồn như khỉ mặt đỏ, sói đỏ, gấu ngựa, sơn dương, khứa đầu trắng.
Chính vì vậy nên nơi đây khí hậu quanh năm trong lành, mát mẻ, rất nhiều khách du lịch đã từng đặt chân đến vùng đất Quảng Nam ghé quan khu lòng hồ này đều cảm nhận được sự khác biệt đến lạ về lòng hồ Phú Ninh: Nếu ban ngày hồ Phú Ninh lộng lẫy trong nhan sắc xanh tươi của mình thì ban đêm Phú Ninh trở nên huyền ảo, lung linh ẩn mình trong hoang dã. Khi mặt trời vừa chìm xuống, thì lúc này từng đàn chim chiều bay về tổ. Những tiếng thú ăn đêm bắt đầu kêu và tiếng cá quẫy nước cùng với sóng vỗ ì oạp mạn thuyền đưa tâm hồn bạn như chìm vào chốn bồng lai tiên cảnh. Đặc biệt, đêm trăng bàng bạc trên lòng hồ Phú Ninh gợi nhắc ta nhớ như đêm trăng Dương Tử trong thơ Đường...
Cách đó không xa là thung lũng núi Chấp Trà, là mỏ nước khoáng tự nhiên, nóng trên 70°C với nhiều nguyên tố vi lượng, không thua bất kỳ loại nước khoáng nào đang có mặt trên thị trường. Đây là tiềm năng rất lớn để đầu tư phát triển các dịch vụ du lịch như tắm khoáng, tắm bùn, chữa bệnh, nghỉ dưỡng tại Khu du lịch Hồ Phú Ninh. Hiện nay, trên lòng hồ Phú Ninh đang hình thành nhiều tuyến tham quan du lịch đi các đảo.
“Hồ Phú Ninh ngoài vai trò điều tiết lũ còn có vai trò trong cung cấp nước tưới, nước sinh hoạt, thủy điện; do vậy, các nhà đầu tư cần giữ các yếu tố về môi trường: rừng phòng hộ, nguồn nước và an toàn hồ đập”. hiện có 1 công ty du lịch hoạt động với diện tích khai thác 93ha, số lượng khách du lịch năm 2019 đạt gần 80.000 lượt.
Hồ Phú Ninh ngoài vai trò điều tiết lũ còn có vai trò trong cung cấp nước tưới, nước sinh hoạt, thủy điện, (ảnh Xuân Đạt).
Đánh thức mảnh đất đầy tiềm năng đang “ngủ quên”.
Ông Nguyễn Tấn Văn - Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Ninh (ảnh Trọng Tâm).
Ông Nguyễn Tấn Văn, Phó chủ tịch UBND huyện Phú Ninh cho biết; Phú Ninh là địa phương có tiềm năng rất lớn để đầu tư phát triển các dịch vụ du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, trong đó có Khu du lịch sinh thái hồ Phú Ninh được xem là trung tâm du lịch của huyện. Bên cạnh đó cùng với các danh lam thắng cảnh khác như mỏ vàng Bồng Miêu, Thác Trắng, Hầm Hô, Gành Gấu, - hang Dơi… tạo cho Phú Ninh có một lợi thế rất lớn để phát du lịch.
Ngoài Khu du lịch sinh thái hồ Phú Ninh còn có các làng nghề truyền thống, những giá trị văn hóa phi vật thể như: Nghệ thuật hô hát dân ca bài chòi, các đình làng có giá trị cao về kiến trúc, lịch sử; lễ hội đình Chiên Đàn, xã Tam Đàn; lễ hội đình Thành Mỹ, xã Tam Phước được tổ chức định kỳ hằng năm... tạo tiền đề phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa. Được biết Phú Ninh vốn có một mạch nguồn văn hóa vô cùng phong phú, là vùng đất giàu truyền thống với những người con hiếu học, cần cù, chịu thương chịu khó và cầu tiến.
Tuy nhiên, phát triển du lịch của Phú Ninh trong thời gian qua chưa tương xứng với tiềm năng hiện có, việc quy hoạch, xúc tiến đầu tư các dự án du lịch và tổ chức khai thác các tiềm năng du lịch chưa được quan tâm; các điểm có thể phục vụ cho du lịch chưa được đầu tư đúng mức; sản phẩm du lịch còn quá ít và chưa thực sự hấp dẫn; hệ thống dịch vụ về du lịch ít, chất lượng chưa cao. Số lượng khách du lịch đến huyện Phú Ninh còn khiêm tốn, nguồn thu từ ngành du lịch còn thấp. Chính vì vậy, việc xây dựng đề án phát triển du lịch huyện Phú Ninh giai đoạn tới là nhiệm vụ cần thiết, nhằm định hướng cho việc phát triển không gian du lịch, các loại hình du lịch, xây dựng sản phẩm du lịch, làm cơ sở để phát triển hệ thống dịch vụ du lịch, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, tăng nguồn thu cho ngân sách huyện, góp phần cụ thể hóa Nghị quyết số 08-NQ/TU, ngày 27/12/2016 của Tỉnh ủy Quảng Nam về đẩy mạnh phát triển du lịch đến năm 2025, đồng thời bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của địa phương, đáp ứng mục tiêu xây dựng và phát triển huyện nông thôn mới trong thời gian đến.
Định hướng phát triển du lịch trong thời gian tới
Theo ông Văn cho biết thêm; Thời gian tới, tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 08/TU ngày 27/12/2016 của Tỉnh ủy Quảng Nam về phát triển du lịch Quảng Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2025; Quyết định 1117/QĐ-UBND ngày 30/3/2018 của UBND tỉnh Quảng Nam về thực hiện chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 103/NQ-CP ngày 06/10/2017 của Chính Phủ và Nghị quyết số 02-NQ/HU ngày 30/10/2017 của Huyện ủy Phú Ninh về phát triển thương mại, dịch vụ các vùng trọng điểm huyện Phú Ninh đến năm 2025, định hướng những năm tiếp theo; Kế hoạch 152/KH-UBND ngày 30/10/2017 của UBND huyện Phú Ninh về phát triển văn hóa, thể thao trên địa bàn huyện Phú Ninh đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 như sau;
Triển khai thực hiện quy hoạch vùng huyện Phú Ninh giai đoạn 2020 đến 2030 và khu vực hồ Phú Ninh được UBND tỉnh phê duyệt, để thu hút đầu tư các dự án phát triển du lịch có chất lượng cao tại những điểm có tiềm năng phát triển du lịch như: Khu vực Thác Trắng- Hầm Hô, mỏ vàng Bông Miêu (Tam Lãnh), Eo Gió (Tam Lộc), khu vực ven hồ Phú Ninh, các di tích lịch sử cấp quốc gia, song với việc phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn trong đó cốt lõi là yếu tố cộng đồng và bảo tồn, xây dựng bản sắc văn hóa truyền thống của từng địa phương.
Lấy Khu du lịch sinh thái hồ Phú Ninh làm trung tâm du lịch của huyện, liên kết với các trung tâm du lịch trong vùng như: Thành phố Đà Nẵng; Hội An, Tam Kỳ (Quảng Nam)... qua đó kết nối với các tour Thành phố Tam Kỳ (Tượng đài Mẹ Thứ, địa đạo Kỳ Anh, Khổng Miếu, biển Tam Thanh, làng Bích họa Tam Thanh), Làng du lịch sinh thái Hương Trà; huyện Núi Thành (Tháp Khương Mỹ, biển Rạng, biển Tam Hải, nhà lưu niệm bác Võ Chí Công); huyện Tiên Phước (Làng cổ Lộc Yên, bãi đá Lò Thung, nhà lưu niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng)... Đây là những điều kiện thuận lợi để liên kết phát triển du lịch.
Qua đó hình thành các tuyến du lịch địa phương kết nối với các điểm du lịch, các di tích lịch sử trên địa bàn huyện như: Tháp Chiên Đàn, Đình Chiên Đàn, Nhà lưu niệm Phan Châu Trinh, Khu kháng chiến Hạ Lào và phòng biên chính miền Nam Trung bộ...
Đẩy mạnh thu hút đầu tư các dự án lớn để phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn, các sản phẩm du lịch tâm linh, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng ven hồ Phú Ninh. Hình thành các sản phẩm du lịch tìm hiểu văn hóa, lịch sử cách mạng như Khu kháng chiến hạ Lào, lễ hội đình Chiên Đàn, địa đạo Gò Nông, Gò Dân..
Tiếp tục đầu tư, hoàn thiện các thương hiệu sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng tại hồ Phú Ninh, khai thác các sản phẩm du lịch thắng cảnh như: Thác Trắng- Hầm Hô, Gành Gấu- Hang Dơi, Eo Gió, du lịch khám phá như mỏ vàng Bồng Miêu, các điểm du lịch cộng đồng như: nhà gươi đồng bào cor Tam lãnh, các làng nghề truyền thống, các khu chăn nuôi, trồng trọt công nghệ cao...Nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch tìm về văn hóa lịch sử cách mạng, du lịch nông nghiệp, nông thôn...
Đẩy mạnh phát triển đồng thời cả du lịch nội địa và du lịch quốc tế; chú trọng phân đoạn thị trường khách có mục đích du lịch thuần túy, nghỉ dưỡng, lưu trú dài ngày và chi tiêu cao.
Thị trường khách chủ yếu cho các sản phẩm du lịch Phú Ninh trước mắt sẽ tập trung theo hướng phối hợp với các công ty lữ hành thu hút một phần lượng khách đến từ Đà Nẵng, Tam Kỳ, Hội An, Duy Xuyên, Tiên Phước...trong đó chú trọng khách du lịch nội địa với mục đích nghỉ dưỡng, giải trí, nghỉ cuối tuần tại khu du lịch sinh thái hồ Phú Ninh từng bước gắn với lễ hội tâm linh, mua sắm; đồng thời, phối hợp với các công ty du lịch để cung cấp sản phẩm du lịch chuyên biệt và du lịch kết hợp công vụ.
Về lâu dài, sản phẩm du lịch của huyện Phú Ninh sẽ hướng đến phục vụ được khách quốc tế. Theo đó, bên cạnh việc thu hút khách nước ngoài từ các công ty lữ hành trong nước, từ thị trường Tam Kỳ, Hội An, Duy Xuyên, Đà Nẵng… huyện sẽ kết nối với các công ty lữ hành quốc tế để thu hút phát triển thị trường khách du lịch quốc tế./.
- Những hình ảnh về các điểm du lịch của huyện Phú Ninh làm mê lòng du khách
Khu du lịch sinh thái hồ Phú Ninh, được ví như “Hạ Long thu nhỏ” (ảnh Xuân Đạt).
Di tích cấp Quốc gia Tháp Chiên Đàn, một trong những ngôi tháp cổ của Champa được xây dựng vào cuối thế kỷ X - đầu thế kỷ XI thuộc xã Tam An, huyện Phú Ninh (ảnh Trọng Tâm).