Theo nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 31/5/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên về xây dựng, phát triển huyện Phú Bình giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030 đã đề ra mục tiêu xây dựng huyện Phú Bình cơ bản bản đạt tiêu chuẩn thị xã vào năm 2025, trở thành thị xã trước năm 2030. Để điều đó sớm trở thành hiện thực, huyện Phú Bình đang đồng loạt triển khai nhiều công trình, dự án trọng điểm có quy mô lớn.
Hiện trên địa bàn huyện đang triển khai giải phóng mặt bằng 08 cụm công nghiệp, trên 10 dự án khu dân cư, khu đô thị, 03 tuyến đường mang tính liên kết, kết nối vùng, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Các dự án trọng điểm trên địa bàn huyện Phú Bình cần lượng lớn vật liệu xây dựng cơ bản phục vụ san lập, xây dựng cơ sở hạ tầng. (Ảnh minh họa)
Có thể thấy, số công trình, dự án trên địa bàn huyện Phú Bình đòi hỏi khối lượng vật liệu xây dựng khá lớn dẫn đến nguy cơ thiếu hụt vật liệu để phục vụ trong các công trình. Để khắc phục tình trạng này, thời gian qua, tỉnh Thái Nguyên đã tiến hành đấu giá cấp quyền khai thác nhiều mỏ đất, cát, sỏi.
Tại mỏ cát sỏi Gò Lai, xóm Gò Lai và Bồng Lai xã Thượng Đình, huyện Phú Bình của Công ty Cổ phần khai khoáng Nam Việt, được Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên cấp phép khai thác với trữ lượng 350.458m3, công suất khai thác 20.000m3/năm. Bà Nguyễn Thị Kim Oanh, Giám đốc Công ty cho biết: Thời gian đầu, Công ty cũng gặp nhiều khó khăn trong khâu đền bù, giải phóng mặt bằng để thuê đất thực hiện dự án, vì là dự án thỏa thuận nên giá đền bù còn cao. Sau khi nhận được sự tuyên truyền kịp thời của chính quyền địa phương về chính sách của Đảng, quy định của pháp luật về đơn giá đền bù tại dự án, về cơ bản, người dân tại địa phương đã đồng thuận, ủng hộ doanh nghiệp triển khai thực hiện dự án.
Mỏ cát sỏi Gò Lai của Công ty Cổ phần khai khoáng Nam Việt hoạt động có hiệu quả tốt do nhận được sự quan tâm của chính quyền địa phương, sự đồng thuận của phía người dân.
Để đảm bảo được tiến độ khai thác trong giấy phép, ngoài việc chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật trong quá trình khai thác, Công ty Cổ phần khai khoáng Nam Việt còn luôn quan tâm, lắng nghe và giải quyết kịp thời các ý kiến, kiến nghị của người dân liên quan đến vấn đề môi trường quanh khu vực khai thác mỏ, cũng như trong quá trình vận chuyển khoáng sản tới các công trình, dự án.
Bên cạnh đó, với sự quan tâm sát sao của chính quyền địa phương cũng như các phòng ban chuyên môn, đã giúp cho hoạt động của các mỏ khai thác khoáng sản trên địa bàn từng bước đi vào hoạt động một cách bài bản, quy củ và có hiệu quả. Từ đó, khắc phục được phần nào vấn đề thiếu hụt vật liệu san lấp, vật xây dựng cơ bản nhằm phục vụ cho người dân và các dự án trọng điểm trên địa bàn huyện.
Tuy nhiên, còn có những mỏ đã được đấu giá, nhưng quá trình đi vào hoạt động còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do vấp phải sự phản đối của một số người dân địa phương.
Điển hình như, dự án khai thác cát sỏi tại xóm Nga My, xã Nga My và xóm Đồng Ngọc, xã Hà Châu của huyện Phú Bình. Mặc dù, Dự án đã được UBND tỉnh Thái Nguyên cấp Giấy phép khai thác khoáng sản cho Công ty cổ phần Đầu tư công nghiệp xây dựng Hà Nội được khai thác cát sỏi làm vật liệu xây dựng thông thường bằng phương pháp lộ thiên, thời gian khai thác 10 năm kể từ ngày cấp giấy phép khai thác. Công ty đã hoàn thành đầy đủ các hồ sơ pháp lý, nộp thuế, phí theo đúng quy định. Đồng thời, công ty đã thỏa thuận bồi thường giải phóng mặt bằng đối với những hộ dân có đất thuộc phạm vi quy hoạch mỏ.
Mỏ cát sỏi Nga My – Đồng Ngọc của Công ty Cổ phần đầu tư công nghiệp xây dựng Hà Nội đang trong quá trình xây dựng cơ bản.
Tuy nhiên, còn có một số hộ dân cố tình gây khó khăn, cản trở doanh nghiệp thực hiện dự án. Một số người cho rằng khi dự án đi vào hoạt động sẽ dẫn đến tình trạng sạt lở đất canh tác, sụt lún nhà cửa, ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm và môi trường sống,…
Để tháo gỡ những vướng mắc trên, ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Phú Bình cho biết: UBND huyện sẽ tiếp tục tổ chức hội nghị đối thoại để người dân hiểu và chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách của nhà nước. Về phía doanh nghiệp, yêu cầu thực hiện đầy đủ các cam kết đối với người dân, khai thác chấp hành đảm bảo theo quy định của pháp luật để người dân xung quanh khu vực mỏ yên tâm với cuộc sống và không bị ảnh hưởng.
Cùng với đó, UBND huyện Phú Bình tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, khảo sát quy hoạch những khu vực phù hợp đề nghị UBND tỉnh xem xét bổ sung quy hoạch điểm mỏ nhằm đáp ứng nhu cầu vật liệu xây dựng của nhân dân, các dự án phát triển hạ tầng trên địa bàn huyện, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Có thể nói, khi nguồn vật liệu xây dựng trên địa bàn huyện Phú Bình cơ bản được đáp ứng đầy đủ nhu cầu xây dựng sẽ góp phần không nhỏ vào việc giảm chi phí vận chuyển, hạn chế chi phí đầu tư xây dựng, tránh gây lãng phí nguồn tài nguyên sẵn có và tránh thất thoát vốn Nhà nước cũng như không làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công cũng như chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn.