07/01/2025 lúc 19:08 (GMT+7)
Breaking News

Phòng Giáo dục & Đào tạo TP Thái Nguyên: Nỗ lực thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng chống dịch bệnh, vừa đảm bảo dạy học hiệu quả

Một năm học lại diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp. Trước diễn biến của dịch bệnh, những hoạt động giáo dục không còn đơn thuần là hoạt động có tính định kỳ như mọi năm, vì vậy, toàn ngành giáo dục đã, đang nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp, xây dựng các kịch bản, kế hoạch với quyết tâm thực hiện thành công “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa triển khai thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ năm học.

Một năm học lại diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp. Trước diễn biến của dịch bệnh, những hoạt động giáo dục không còn đơn thuần là hoạt động có tính định kỳ như mọi năm, vì vậy, toàn ngành giáo dục đã, đang nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp, xây dựng các kịch bản, kế hoạch với quyết tâm thực hiện thành công “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa triển khai thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ năm học.

Tích cực phòng, chống dịch COVID-19

Xác định dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp và khó lường, khó đoán định nên việc dạy, học chung với dịch là điều không thể tránh khỏi, vì vậy trước khi bước vào năm học mới 2021-2022 các địa phương, đơn vị trường đã chủ động xây dựng kế hoạch, kịch bản cho nhiều tình huống có thể diễn ra do dịch bệnh.

Bà Nguyễn Thị Quốc Hòa - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) thành phố Thái Nguyên cho biết: “Để thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép”, ngoài sự chuẩn bị về cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ, giáo viên đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng dạy và học, phòng GDĐT thành phố đã chỉ đạo, hướng dẫn các nhà trường chuẩn bị tốt các điều kiện phòng, chống dịch COVID-19 như trang bị đầy đủ máy đo thân nhiệt, khẩu trang, nước sát khuẩn; làm tốt công tác vệ sinh trường, lớp học; tạo phòng học thông thoáng. Đồng thời, xây dựng phương án, các điều kiện cần thiết phục vụ cho việc học online nếu trường hợp dịch bệnh kéo dài học sinh không thể đến trường học tập trung...100% các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố Thái Nguyên thực hiện nghiêm túc công tác phòng chống dịch COVID-19 theo văn bản hướng dẫn của các cấp. Các nhà trường tổ chức vệ sinh, phun thuốc tiêu trùng khử khuẩn, chuẩn bị tốt các điều kiện để học sinh tới trường đảm bảo; tổ chức đo thân nhiệt, sát khuẩn, phân luồng, giãn cách; 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh phổ thông đeo khẩu trang khi đến trường; ký cam kết thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch COVID-19; tổ chức chia khung giờ đến trường và giờ tan học để đảm bảo tránh ùn tắc, tập trung đông người; quản lý chặt chẽ người ra vào đơn vị và thực hiện khai báo y tế. Các cơ sở giáo dục tăng cường tuyên truyền, chỉ đạo cán bộ, giáo viên và học sinh thực hiện nghiêm thông điệp 5K, không tổ chức các hoạt động tập thể tập trung đông người, giờ ra chơi các lớp nghỉ tại chỗ, không giao lưu tụ tập, các trường học có tổ chức ăn bán trú thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch và vệ sinh an toàn thực phẩm”.

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của Phòng GDĐT thường xuyên phối hợp với các ban, ngành liên quan để kịp thời chỉ đạo các cơ sở giáo dục trong toàn Ngành thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh. 149/149 các trường mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn thành phố đã thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tại các đơn vị, trong đó Hiệu trưởng là Trưởng ban chỉ đạo đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, bố trí cán bộ, giáo viên trực trường, nắm bắt tình hình dịch bệnh ở tại các địa phương, học sinh, CBGV, NV; triển khai các biện pháp, phương án phòng chống dịch linh hoạt ứng phó với các tình huống để đảm bảo an toàn cho học sinh. Các nhà trường thực hiện cài đặt ứng dụng khai báo y tế, phát hiện tiếp xúc gần phòng chống dịch, cài đặt ứng dụng Bluezone, PC-Covid, C-Thái Nguyên trên điện thoại thông minh; dán tờ quét QR-CODE tại cổng trường và các vị trí thuận lợi trong khuôn viên trường; thường xuyên thông tin, hướng dẫn cha mẹ học sinh các biện pháp phòng chống dịch cho con em mình để cha mẹ học sinh kịp thời thông báo với nhà trường về tình hình sức khỏe của trẻ, học sinh.

Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn thành phố Thái Nguyên, theo chỉ đạo của UBND thành phố Thái Nguyên tại Công văn số 8307/UBND-VP ngày 02/11/2021 về việc triển khai thực hiện các biện pháp cấp bách để kiểm soát dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố, phòng GDĐT ban hành công văn số 1292/ GDĐT-TH ngày 02/11/2021 cho học sinh tạm dừng đến trường, tổ chức dạy học trực tuyến từ ngày 02/11/2021 đến nay đến thực hiện công tác phòng, chống dịch.

Sự nỗ lực quyết tâm nâng cao chất lượng dạy và học

Các cơ sở giáo dục chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục theo hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học của Bộ GDĐT, Sở GDĐT, trong đó đảm bảo yêu cầu thực hiện các nội dung cốt lõi, làm cơ sở để chủ động, linh hoạt trong tổ chức thực hiện các nội dung còn lại; chủ động về các phương án dạy học trực tuyến và trực tiếp để chuyển đổi linh hoạt, ứng phó kịp thời với các tình hướng diễn biến của dịch bệnh. Tổ chức dạy học trực tuyến đối với các nội dung mang tính lý thuyết, có thể hướng dẫn học sinh khai thác sử dụng hiệu quả sách giáo khoa để học tập, bố trí 20% số tiết dạy trực tuyến, sử dụng các video dạy học đối với các môn Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục, ưu tiên số tiết dạy trực tiếp đối với các môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, tăng thêm số buổi học cho lớp 6, lớp 9, tận dụng tối đa khoảng thời gian học sinh có thể đến trường để dạy học trực tiếp, nhất là đối với các nội dung thực hành, thí nghiệm và kết hợp ôn tập, củng cố những nội dung lý thuyết đã học trực tuyến. Thực hiện hiệu quả, chất lượng các hình thức, phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá trực tiếp và trực tuyến, đảm bảo hoàn thành chương trình năm học trong các tình huống diễn biến phức tạp của dịch bệnh.

Tạm dừng đến trường, không dừng việc học

Việc làm quen với phương pháp dạy và học trực tuyến sau nhiều lần phải tạm dừng đến trường để phòng dịch COVID-19 của giáo viên, học sinh cũng như phụ huynh trên địa bàn thành phố đã dần thích nghi. Trong năm học này, các trường học đều đã có sự chuẩn bị chu đáo hơn các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật và học liệu dạy học trực tuyến, lựa chọn các phần mềm dạy học trực tuyến phù hợp, tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho giáo viên, học sinh; tổ chức họp cha mẹ học sinh trực tuyến để hướng dẫn cha mẹ học sinh (đặc biệt là cấp tiểu học) cách học trực tuyến cùng với con em mình trước khi triển khai thực hiện. Ngay sau khi nhận được chỉ đạo của UBND thành phố Thái Nguyên, phòng GDĐT ban hành công văn số 1292/GDĐT-TH ngày 02/11/2021 cho học sinh tạm dừng đến trường, tổ chức dạy học trực tuyến.

Đối với cấp học mầm non tổ chức xây dựng các công cụ hỗ trợ, kho tài liệu, học liệu trực tuyến chung phù hợp với điều kiện của từng đơn vị và hướng dẫn, giới thiệu các nguồn, kênh thông tin, tài liệu, video; giáo viên phụ trách chính có thể thiết lập zalo theo nhóm/lớp để hỗ trợ cho các bậc cha mẹ/người chăm sóc trẻ thực hiện tốt công tác chăm sóc, giáo dục trẻ.

Đối với cấp tiểu học và THCS tổ chức dạy học trực tuyến theo thời khóa biểu từ ngày 02/11/2021, sử dụng linh hoạt các phầm mềm dạy học, các nền tảng kỹ thuật số, đảm bảo tiến độ theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.

Đặc biệt, đối với một số trường THCS, tiểu học có giáo viên và học sinh đi cách ly tập trung vẫn tổ chức dạy học trực tuyến cho học sinh theo thời khóa biểu. Các em học sinh trong khu cách ly tập trung nếu không tham gia học trực tiếp theo khung giờ của thời khóa biểu nhà trường quy định, giáo viên sẽ gửi video học sinh học theo giờ cá nhân; học sinh đã được nhắc nhở để chuẩn bị tất cả các thiết bị học tập cá nhân như điện thoại, máy tính xách tay…để học trực tuyến theo nhóm, lớp cùng các bạn đang cách ly. 100% giáo viên chuẩn bị tài liệu, máy tính xách tay, mạng 3G/4G khi đi cách ly, tổ chức dạy học trực tuyến linh hoạt các hình thức qua phần mềm Microsoft Teams, Zoom, gửi bài qua zalo nhóm lớp…

Tuy nhiên vẫn còn những hạn chế nhất định của chất lượng học trực tuyến chưa được cao, các tiết học thực hành không thực hiện được, tương tác giữa giáo viên và học sinh bị hạn chế, việc kiểm tra đánh giá học sinh gặp nhiều khó khan. Bên cạnh đó dịch bệnh kéo dài ảnh hưởng đến tâm lý các em học sinh trong thời gian không thể đến trường, các em học sinh đầu cấp vừa mới làm quen với việc học của cấp học, đã phải làm quen luôn chuyển từ hình thức học trực tiếp sang trực tuyến. Nhiều em điều kiện kinh tế gia đình trong thời gian dịch bệnh trở nên khó khăn, không có thiết bị học, việc học trực tuyến không có người lớn giám sát hỗ trợ, nhiều em học sinh ý thức tự giác chưa cao không tập trung, sử dụng thiết bị học tập làm việc riêng…Đối với đội ngũ giáo viên vừa phải nghiên cứu kế hoạch soạn bài vừa phải làm quen với nhiều phần mềm hỗ trợ dạy học khác nhau; đối với giáo viên dạy cấp tiểu học thời gian tổ chức dạy trực tuyến thường ngoài giờ hành chính để có phụ huynh học sinh hỗ trợ quản lý thiết bị, giám sát việc học của các các dẫn đến ảnh hưởng giờ giấc sinh hoạt, sức khỏe, tâm lý cả gia đình giáo viên và học sinh… Để giúp các học sinh thành phố Thái Nguyên có đủ thiết bị học trực tuyến, đảm bảo phương châm “Tạm dừng đến trường, không dừng việc học”, Phòng GDĐT đã triển khai chương trình “ Sóng và máy tính cho em” đến tất cả các cơ sở giáo dục và nhận được số tiền ủng hộ về Công đoàn Ngành là 638.431.000 đồng và ủng hộ trực tiếp cho học sinh không có thiết bị học trực tuyến tại các trường là 92 thiết bị điện tử như điện thoại thông minh, máy tính,..

Năm học 2021-2022 diễn ra trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp, do vậy toàn ngành giáo dục đang rất tích cực, chủ động vừa triển khai thực hiện kế hoạch năm học vừa thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Tuy nhiên, ngoài nỗ lực của ngành giáo dục và các nhà trường cũng rất cần sự chung tay góp sức của cộng đồng, đặc biệt là phụ huynh và học sinh trong việc nêu cao ý thức tự giác, chấp hành đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch để góp phần tạo nên một năm học an toàn, đảm bảo sức khoẻ cho học sinh khi đến trường.