VNHN – Không chỉ xả thải trực tiếp ra sông Công, những bãi tập kết cát, sỏi khổng lồ của công ty An Phú tại điểm khai thác ở xóm Đẫm, xã Đắc Sơn (Phổ Yên, Thái Nguyên) còn ngang nhiên lấn chiếm gần hết lòng sông, khiến dòng chảy bị thay đổi, hai bờ sông và đất vườn của người dân đứng trước nguy cơ sạt lở nghiêm trọng. Đáng nói, mặc dù cơ quan chức năng đã nhiều lần kiểm tra, nhưng đến nay tình trạng trên vẫn tiếp tục tái diễn…
Hoạt động khai thác cát, sỏi tại lòng sông Công của Công ty Cổ phần Đầu tư khai thác khoáng sản An Phú diễn ra trên địa bàn đã khiến cuộc sống của người dân ảnh hưởng nghiêm trọng
Phản ánh đến Việt Nam hội nhập, người dân tại xã Đắc Sơn, Thị xã Phổ Yên cho biết: Từ khi hoạt động khai thác cát, sỏi tại lòng sông Công của Công ty Cổ phần Đầu tư khai thác khoáng sản An Phú (Cty An Phú – PV) diễn ra trên địa bàn đã khiến cuộc sống của người dân ảnh hưởng nghiêm trọng. Không chỉ thường trực nguy cơ sạt lở đất đai, mà tiếng ồn, khói bụi của hoạt động khai thác, vận chuyển cũng đang là vấn đề nhức nhối thường trực đe dọa cuộc sống của người dân. Chúng tôi đã có nhiều lần phản ánh đến chính quyền địa phương nhưng vẫn chưa có đơn vị nào đứng ra giải quyết trả lại cho người dân cuộc sống yên bình.
Cũng theo người dân địa phương: Sau hàng loạt những sạt lở nghiêm trọng cũng như tự ý đưa máy xúc vào hoạt động khai thác hai bên bờ sông của Cty An Phú thì các cơ quan chuyên môn cũng xuống lập biên bản. Tuy nhiên, phía sau những biên bản và các cuộc kiểm tra thì hoạt động của Cty An Phú lại ngày một rầm rộ hơn.
Cận cảnh điểm khai thác của Cty An Phú
Ông N.X.P bức xúc: “Không hiểu ai cấp phép cho Cty An Phú, nhưng chính những người dân chúng tôi đang sinh sống tại địa phương là người gánh chịu hậu quả. Chẳng biết ở đây là cấp phép khai thác tài nguyên hay là đang tàn phá môi trường sống của chúng tôi? Bao năm nay, bờ sông yên bình là thế nhưng ngay tại lúc này bất kỳ lúc nào những mảnh vườn, những ngôi nhà mà người dân chúng tôi đang sinh sống có thể bị cuốn theo dòng nước, không hiểu những người cấp phép cho Cty An Phú có biết hay không?”.
Ghi nhận thực tế tại khu vực khai thác theo phản ánh của người dân, PV nhận thấy: Mặc dù đang trong thời gian cao điểm cảnh báo mưa lũ nhưng hoạt động khai thác, sàng lọc và vận chuyển tài nguyên tại điểm khai thác của Cty An Phú vẫn diễn ra rầm rộ. Điểm khai thác cách khu vực chân cầu Đẫm, xã Đắc Sơn chưa đầy 1km, đứng ở trên mặt cầu quan sát có thể thấy toàn bộ hoạt động của đơn vị này.
Theo một số người dân cho hay: Diện tích và những điểm bờ sông lở đều do doanh nghiệp đưa máy xúc vào khai thác đất đá.
Điều đầu tiên đập vào mắt PV là những bãi tập kết khổng lồ lấn chiếm 2/3 lòng sông khiến dòng chảy thay đổi, những máy xúc, băng chuyền vẫn vô tư hoạt động; quan sát rộng hơn, đối diện khu vực trụ sở và bãi tập kết của Cty An Phú một số đoạn ở hai ven bờ sông đã có dấu hiệu xói mòn và sạt lở nghiêm trọng.
Tiếp cận hiện trường phía bờ sông đối diện của Cty An Phú, PV còn nhận thấy tại những điểm khi quan sát trên cầu Đẫm xuống là những vết xói mòn thì khi mục sở thị nó lại chính là những vết múc, bổ của máy xúc trên diện tích hàng chục m2.
Theo một số người dân cho hay: Diện tích và những điểm bờ sông lở đều do doanh nghiệp đưa máy xúc vào khai thác đất đá. Và những diện tích đã múc và xói mòn, sạt lở đều là vườn của người dân.
Ông Đặng Việt Dũng, Phó chủ tịch UBND xã Đắc Sơn xác nhận: “Khu vực PV phản ánh là điểm mỏ của Cty An Phú được UBND tỉnh Thái Nguyên cấp phép khai thác khoáng sản(?) và những thông tin về hiện trạng sạt lở người dân phản ánh UBND xã cũng đã tiếp nhận và có biên bản làm việc(?). Tuy nhiên, công tác quản lý hoạt động của doanh nghiệp đã vượt quá thẩm quyền của xã nên chúng tôi đã báo cáo, phối hợp với các cơ quan thẩm quyền cấp trên”.
Cũng theo ông Dũng: Quá trình hoạt động của Cty An Phú, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đã vào cuộc kiểm tra, xử phạt nhưng UBND xã vẫn chưa nắm được cụ thể nội dung. Còn khu vực sạt lở và bị múc đều là diện tích nằm trong khu vực điểm mỏ được cấp phép, bởi diện tích đó là diện tích trước kia doanh nghiệp thỏa thuận với người dân(?).
Trong quá trình làm việc, PV cũng đem phản ánh của người dân và những ghi nhận thực tế gửi đến chủ tịch UBND thị xã Phổ Yên, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên. Tuy nhiên, đến nay hai đơn vị này vẫn chưa thể sắp xếp được lịch làm việc với PV?
Vậy, giấy phép khai thác của Cty An Phú cụ thể là gì? Đơn vị này có được cấp phép hoạt động trong cao điểm cảnh báo mưa lũ hay không? Tại sao lại tự ý mở rộng xâm lấn vào hai bờ và diện tích đất vườn của người dân? Phải chăng có ai đó đang chống lưng cho doanh nghiệp này “hủy hoại” môi trường?
Những câu hỏi trên, chúng tôi xin chuyển tới lãnh đạo UBND thị xã Phổ Yên, lãnh đạo UBND tỉnh Thái Nguyên để tìm câu trả lời và sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc!