27/11/2024 lúc 18:21 (GMT+7)
Breaking News

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Bộ LĐTB&XH

VNHN - Ngày 18/11, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019 của ngành LĐTB&XH.

VNHN - Ngày 18/11, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019 của ngành LĐTB&XH.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019 của ngành LĐTB&XH

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ghi nhận, biểu dương những kết quả toàn diện và nhiều mặt rất rõ nét của ngành LĐTBXH trong năm 2018. Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị xã hội, các tổ chức xã hội nghề nghiệp đã luôn sát cánh cùng ngành LĐTBXH. Sự quan tâm của các cấp uỷ, chính quyền, đặc biệt là cấp cơ sở đói công tác xã hội đã có bước tăng cường.

Phó Thủ tướng lấy ví dụ lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp đã thể hiện tiến bộ vượt bậc khi giai đoạn 2013-2016 nhiều trường không tuyển sinh được và cả khối chỉ đạt khoảng 50-60% chỉ tiêu. Bắt đầu từ năm 2017 chỉ tiêu vào khối giáo dục nghề nghiệp đạt trên 100%.

Nói về những nhiệm vụ được ngàn đặt ra trong năm 2019, Phó Thủ tướng lưu ý một số điểm. 

Về vấn đề lao động, ngành phải tiếp tục tập trung chỉ đạo công tác đào tạo nhân lực. "Chúng ta nói nhiều về cách mạng công nghiệp 4.0, có nhiều việc phải làm nhưng đầu tiên phải có nguồn nhân lực tốt", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Cụ thể, đối với cơ cấu lao động qua đào tạo, phải đặt ra lộ trình, quyết tâm tăng số lượng lao động ở tất cả các trình độ từ sơ cấp, trung cấp đến cao đẳng, đại học “gấp đôi, gấp nhiều lần trong thời gian ngắn nhất” bởi tỷ lệ lao động qua đào tạo của Việt Nam ở mọi trình độ đều thấp, thiếu nhiều so với mức trung bình nhiều nước trên thế giới.

Phó Thủ tướng điểm ra một số việc trọng tâm như trong quá trình biên soạn luật giáo dục sửa đổi cần thảo luận vấn đề rút ngắn thời gian đào tạo bậc cao đẳng, đại học như xu hướng quốc tế; tiêu chuẩn đầu vào cao đẳng có thể bắt đầu từ tốt nghiệp THCS thay vì tốt nghiệp THPT; hoàn thiện nghị định về tự chủ cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; tiếp tục đưa dạy nghề nông thôn vào các trường để quản lý chất lượng chặt chẽ hơn...

Các địa phương bảo đảm đủ khoản chi ngân sách cho đào tạo nghề nằm trong các chương trình mục tiêu, không được cắt giảm.

Đối với lĩnh vực xuất khẩu lao động, Phó Thủ tướng cho rằng một mặt phải chuẩn bị lực lượng lao động thật tốt để đi vào những ngành nghề yêu cầu về trình độ kỹ thuật, công nghệ đem lại thu nhập cao, nhưng quan trọng hơn là phải làm sao kết nối lao động xuất khẩu về nước với việc thu hút các dự án đầu tư, bố trí lại lao động.

Trước những kết quả tích cực bước đầu của Cổng Thông tin điện tử việc làm của Bộ, Phó Thủ tướng đánh giá đây là cách làm hay nhưng cần đẩy mạnh hơn nữa để không chỉ có 40.000 DN, 17.000 lao động tham gia, sử dụng mà phải "thẩm thấu sâu rộng'' trong cả thị trường lao động.

"Lao động, nguồn nhân lực là yếu tố sống còn để thu hút các nhà đầu tư, có thêm nhiều nhà máy để chuyển dịch lao động nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ từ đó mới tăng được năng suất lao động", Phó Thủ tướng nói.

Trong lĩnh vực chính sách an sinh xã hội nói chung, Phó Thủ tướng khẳng định cần tiếp tục tăng cường, làm tốt hơn nữa công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc gia đình người có công, trước hết là gia đình liệt sĩ. Đồng thời chú ý hơn đến hoạt động của các trung tâm bảo trợ, nuôi dưỡng người già cô đơn, người khuyết tật, hiện nay đang hoạt động rất khó khăn và rất khó huy động nguồn lực xã hội hoá.

"Ngành LĐTB&XH, các địa phương cần xem lại cách kêu gọi, khuyến khích đã đủ tốt chưa. Đây là vấn đề trọng tâm đặt ra để thực hiện trong năm 2019, đúc rút kinh nghiệm để thực hiện với các đối tượng xã hội khác", Phó Thủ tướng gợi ý.

Đối với chính sách phát triển bảo hiểm xã hội, Phó Thủ tướng đề nghị tham khảo kinh nghiệm phát triển bảo hiểm y tế bằng cách giao chỉ tiêu cụ thể cho từng địa phương. Đồng thời tăng cường truyền thông nhiều kênh, nhiều cấp để  tạo chuyển biến suy nghĩ, thói quen của người dân thay vì tiết kiệm cá nhân thì tham gia các loại hình bảo hiểm vừa tiết kiệm vì mình, vừa vì cộng đồng.

Từ thực tế gia tăng khoảng cách giàu nghèo, tỷ lệ nghèo đa chiều cao, chất lượng giáo dục, y tế còn thấp... đang tập trung nhiều ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ LĐTB&XH phối hợp với Uỷ ban Dân tộc, Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, các tổ chức quốc tế có những chương trình, đề án cụ thể đối với đồng bào dân tộc thiểu số để tạo chuyển biến căn bản.

Trong công tác trẻ em, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng về việc thành lập bộ phận, đầu mối chịu trách nhiệm trong công tác bảo vệ trẻ em theo quy định của Luật Trẻ em.

Tháng 8/2018 Thủ tướng chủ trì hội nghị toàn quốc về công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em với sự tham dự đầy đủ lãnh đạo các tỉnh nhưng đến thời điểm này vẫn còn 34 tỉnh chưa có ban chỉ đạo hay hội đồng bảo vệ trẻ em cấp tỉnh, mới có 5.510/11.162 xã, 440/713 huyện thành lập bộ phận về bảo vệ trẻ em.

"Vấn đề bảo vệ trẻ em rất bức xúc. Trước hết phải có bộ phận bảo vệ trẻ em sau đó hội phụ nữ, đoàn thanh niên, công an, tư pháp… tổ chức các chương trình tập huấn để tạo chuyển biến căn bản. Chúng ta chỉ bức xúc khi xử lý các vụ việc nhưng cơ chế phòng ngừa chưa chú ý đúng mức. Không thể để như vậy được. Trong vòng 1 tháng nữa tỉnh nào chưa thành lập bộ phận về bảo vệ trẻ em, Bộ LĐTB&XH phải lập danh sách báo cáo Thủ tướng", Phó Thủ tướng chỉ đạo.

Trong xây dựng Chính phủ điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin, theo Phó Thủ tướng, ngoài lĩnh vực quản lý, quản trị, điều hành đang được triển khai, Bộ LĐTBXH cần bàn sâu thêm một số việc thiết thực nhất.

Đơn cử như là thuê các đơn vị dịch vụ thanh toán các chế độ bảo hiểm, lương hưu, trợ cấp xã hội từ ngân sách nhà nước để bảo đảm minh bạch, công khai, đồng thời các đơn vị cung cấp dịch vụ thanh toán có trách nhiệm lập cơ sở dữ liệu về các đối tượng hưởng chế độ chính sách, trợ cấp xã hội.

Chưa kể, trong thời điểm cần chi trả lượng tiền lớn khi có thiên tai, dịch bệnh, lễ tết… thì những đơn vị cung cấp dịch vụ thanh toán có thể chủ động triển khai ngay và đồng loạt do có nguồn tiền dồi dào thay vì chờ đợi thủ tục để giải ngân từ ngân sách nhà nước.

Ứng dụng công nghệ thông tin còn góp phần kết nối các tổ chức xã hội, cá nhân, doanh nghiệp để thống nhất các địa chỉ cần được hỗ trợ, trong đó tách bạch phần từ ngân sách nhà nước, phần từ các nguồn lực khác để trợ giúp có hiệu quả, giúp xoá đói giảm nghèo bền vững, giúp những người yếu thế vươn lên thực sự.

"Tới đây Bảo hiểm xã hội Việt Nam triển khai đề án thẻ an sinh điện tử, Bộ LĐTB&XH cần chủ động, tích cực phối hợp để tích hợp tất cả các thông tin phục vụ công tác quản lý của mình", Phó Thủ tướng trao đổi thêm.

Nhân dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, Phó Thủ tướng đề nghị ngành LĐTBXH phối hợp với các bộ ngành để mọi người dân, gia đình có một cái tết vui, đầm ấm, "không để ai không có Tết"./.