28/11/2024 lúc 11:15 (GMT+7)
Breaking News

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình dẫn đầu đoàn kiểm tra công tác phòng chống tham nhũng tại Yên Bái

VNHN - Ngày 4/1, tại Yên Bái, đồng chí Trương Hoà Bình, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng đã làm việc với Tỉnh uỷ Yên Bái về kiểm tra công tác phòng, chống tham nhũng trên địa bàn.

VNHN - Ngày 4/1, tại Yên Bái, đồng chí Trương Hoà Bình, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng đã làm việc với Tỉnh uỷ Yên Bái về kiểm tra công tác phòng, chống tham nhũng trên địa bàn.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: VGP/Lê Sơn.

Phát biểu tại cuộc làm việc, đồng chí Trương Hoà Bình nêu rõ: Đây là hoạt động kiểm tra thường xuyên của Thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng đối với địa bàn được giao quản lý, chỉ đạo theo sự phân công của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban chỉ đạo.

Theo đồng chí Trương Hoà Bình, thời gian gần đây công tác phòng, chống tham nhũng đã được chỉ đạo quyết liệt, có bước tiến mạnh mẽ, đạt được kết quả toàn diện, rõ rệt, để lại dấu ấn tốt. Tham nhũng đang từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi, có chiều hướng thuyên giảm. 

Điều này đã tạo hiệu ứng tích cực, lan toả mạnh mẽ trong toàn xã hội, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển KT-XH, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân, được cộng đồng quốc tế ghi nhận.

Đồng chí Trương Hòa Bình cũng cho rằng tỉnh Yên Bái đã có sự tiến bộ qua từng năm trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là chỉ số cải cách hành chính, chỉ số năng lực cạnh tranh… Tuy nhiên, tỉnh cần tiếp tục cải thiện và nâng cao hơn nữa chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công.

Tuy vậy, tình hình tham nhũng vẫn còn biểu hiện và diễn biến phức tạp. Tình trạng "tham nhũng vặt", nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công vẫn xảy ra ở nhiều nơi, gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp. Công tác phòng, chống tham nhũng ở một số địa phương, bộ, ngành chưa có chuyển biến rõ rệt, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu.

Một số lĩnh vực như quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên khoáng sản, đấu thầu, mua sắm, quản lý tài sản công… còn để xảy ra tình trạng tham nhũng, lãng phí. Công tác tổ chức, cán bộ và quản lý cán bộ để phòng chống tham nhũng vẫn còn hạn chế. 

Một số bộ, ngành, địa phương còn tình trạng bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý nhiều trường hợp còn chưa đủ điều kiện, tiêu chuẩn, phẩm chất, năng lực, bố trí người thân vào vị trí việc làm hoặc để người thân kinh doanh vi phạm quy định về phòng chống tham nhũng. 

Chưa kiên quyết điều chuyển, thay thế cán bộ khi có dư luận hoặc có biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, uy tín thấp. Số vụ việc, vụ án được phát hiện, xử lý chưa được phản ánh đúng thực trạng tham nhũng, nhất là công tác phát hiện, xử lý ở địa phương.

Theo đồng chí Trương Hòa Bình, để làm tốt công tác phòng, chống tham nhũng ở địa phương thì trước hết phải là sự nỗ lực trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện của cấp uỷ, chính quyền, các cơ quan chức năng của địa phương. 

Hoạt động kiểm tra, đôn đốc, chỉ  đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng là rất quan trọng và cần thiết nhưng không thể làm thay vai trò tổ chức thực hiện của các địa phương.

"Thông qua việc kiểm tra này, tôi mong rằng sẽ cùng địa phương  rà soát, đánh giá việc thực hiện, đánh giá tình hình, kết quả công tác phòng chống tham nhũng, phát huy ưu điểm, phát hiện những hạn chế, khó khăn, vướng mắc, làm rõ nguyên nhân, có biện pháp chủ động chấn chỉnh, khắc phục hoặc kiến nghị với Ban Chỉ đạo Trung ương, Chính phủ để nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác phòng chống tham nhũng. Qua công tác thanh tra, kiểm tra tìm ra nguyên nhân của tồn tại, yếu kém, sơ hở trong quản lý để có giải pháp chấn chỉnh, khắc phục", Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình nhấn mạnh./.