VNHN - Ngày 3/1, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã dự Hội nghị tổng kết thực hiện kế hoạch 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Hồng Hạnh.
Phát biểu tại Hội nghị, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương cán bộ, công nhân viên và người lao động toàn Tập đoàn đã đoàn kết, nỗ lực lao động, khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ, góp phần quan trọng cùng cả nước thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2018.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, ngành điện nói chung, EVN nói riêng, đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong sản xuất, cung ứng đủ điện. "Nguy cơ thiếu điện cục bộ trong những năm tới là rất rõ ràng nếu chúng ta không có các giải pháp hữu hiệu để phát triển nguồn, lưới điện. Đây là thách thức lớn nhất đối với toàn ngành", Phó Thủ tướng khẳng định. Thách thức lớn đối với ngành điện còn đến từ sự mất cân đối giữa nguồn cung và nhu cầu sử dụng của từng vùng.
Nhấn mạnh năm 2019 được xác định là năm bứt phá để hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch 5 năm, trong đó trọng tâm là bứt phá về hoàn thiện thể chế, bứt phá về đổi mới sáng tạo, bứt phá về huy động nguồn lực để phát triển đất nước, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị ngành điện nói chung, EVN nói riêng phải xác định trọng tâm "bứt phá" của mình.
"EVN phải xác định bứt phá về đầu tư phát triển nguồn điện và hệ thống truyền tải điện, bảo đảm không để thiếu điện trong bất kỳ tình huống nào", Phó Thủ tướng nói.
Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh một số nhóm nhiệm vụ trọng tâm của EVN trong năm 2019. Trước hết, EVN phải tiếp tục khẳng định vai trò là Tập đoàn nhà nước bảo đảm cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế và sinh hoạt.
EVN chủ động tham mưu cho Bộ Công Thương, cho Chính phủ hoàn thiện quy hoạch điện, trước hết điều chỉnh, bổ sung, cập nhật quy hoạch điện 7; xây dựng Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn đến 2030, tầm nhìn 2050.
Bên cạnh đó, toàn ngành phải tập trung nguồn lực để hoàn thành các dự án điện chậm tiến độ; triển khai các dự án nguồn mới. Tập trung đầu tư mạng lưới truyền tải giải toả công suất các khu vực phát triển năng lượng tái tạo.
Toàn ngành phải vận hành an toàn hệ thống (nguồn, mạng lưới, phụ tải…), đặc biệt là việc vận hành an toàn các nhà máy thủy điện; thực hiện có hiệu quả các giải pháp giảm tổn thất điện; đẩy mạnh tuyên truyền, thực hiện các chương trình sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.
Bộ Công Thương khẩn trương nghiên cứu đầu tư các cảng trung chuyển than, hệ thống kho - cảng khí hóa lỏng cho sản xuất điện; sớm hoàn thành việc đàm phán, mua điện từ nước ngoài. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu EVN phải tiếp tục cơ cấu lại Tập đoàn, nâng cao hiệu quả đầu tư xây dựng và sản xuất kinh doanh…
Là một doanh nghiệp cung ứng dịch vụ thiết yếu cho người dân, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu EVN phải đẩy mạnh cải cách, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Nhấn mạnh yêu cầu bảo vệ môi trường, Phó Thủ tướng đề nghị EVN phải tiên phong trong việc quy hoạch nguồn, lựa chọn công nghệ thân thiện môi trường, phù hợp với trình độ, điều kiện của đất nước. Kiên quyết không đầu tư, triển khai các dự án không bảo đảm tiêu chuẩn môi trường, có nguy cơ gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái.
"Phải tập trung cho công tác xử lý tro xỉ của các nhà máy nhiệt điện. Yêu cầu Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương phối hợp chặt chẽ với các hộ sản xuất nhiệt điện, tiêu thụ than xỉ để giải quyết triệt để", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo Phó Thủ tướng, Việt Nam không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế. Nhưng các nguồn năng lượng tái tạo hiện chi phí quá cao, vượt quá khả năng chi trả của người dân. Do đó, để phát triển và bảo đảm sinh hoạt cho người dân, Việt Nam cần nhiệt điện. "Làm nhiệt điện, nhưng phải sạch. Kiên quyết không triển khai các dự án ô nhiễm môi trường", Phó Thủ tướng khẳng định.
"Muốn như vậy, phải có cơ cấu nguồn điện hợp lý, kết hợp thủy điện, nhiệt điện than, nhiệt điện khí và các nguồn nhiệt điện khác, các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo", Phó Thủ tướng nêu nhiệm vụ.
Phó Thủ tướng đề nghị ngành điện cần chủ động tăng cường thông tin, tuyên truyền để người dân hiểu và đồng thuận với các nỗ lực của ngành nhằm bảo đảm đủ điện cho phát triển kinh tế và đời sống./.