24/01/2025 lúc 12:24 (GMT+7)
Breaking News

Phó Thủ tướng Thường trực làm việc với lãnh đạo tỉnh Long An

VNHN - Ngày 2/5, tại Long An, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cùng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An làm việc với lãnh đạo và sở, ngành của tỉnh trước kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.

VNHN - Ngày 2/5, tại Long An, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cùng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An làm việc với lãnh đạo và sở, ngành của tỉnh trước kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Long An. Ảnh: VGP/Mạnh Hùng

Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Long An Trần Văn Cần đã báo cáo với Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình về tình hình kinh tế-xã hội trên địa bàn trong những tháng đầu năm 2020. 

Cụ thể, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 và tình hình xâm nhập mặn diễn biến phức tạp trên địa bàn nên kinh tế-xã hội của tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề. Sản xuất công nghiệp 4 tháng đầu năm giảm so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ chỉ đạt 28,7% kế hoạch, giảm 0,7% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 16%).

Tuy nhiên, một số chỉ tiêu kinh tế quan trọng vẫn đạt kết quả tích cực, như: Tổng thu ngân sách trên địa bàn mặc dù đã thực hiện chính sách miễn, giãn, gia hạn nộp thuế nhưng vẫn tăng khá, số thu đến ngày 26/4 đạt 5.483 tỷ đồng, bằng 31,71% dự toán được giao; kim ngạch xuất khẩu tăng 6% so với cùng kỳ, đạt 1,4 tỷ USD…

Tỉnh cũng đã tập trung thực hiện nghiêm, quyết liệt các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh, tổ chức tuyên truyền, cách ly, khám sàng lọc, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp đang được cách ly trên địa bàn; tăng cường trang thiết bị y tế, giám sát, quản lý chặt chẽ người nước ngoài cư trú, làm việc… Đến nay, trên địa bàn tỉnh chưa ghi nhận trường hợp mắc COVID-19.

Bí thư Tỉnh ủy Long An Phạm Văn Rạnh trong kiến nghị với Đoàn đại biểu Quốc hội đã đề cập nhiều vấn đề tồn tại trên địa bàn, như đối với dự án đường Hồ Chí Minh, đoạn từ Chơn Thành đi Đức Hòa, triển khai vào năm 2010, đến năm 2011 dự án dừng hoạt động cho đến nay khiến người dân rất bức xúc vì đã phải di dời nhưng cho tới nay vẫn chưa được đền bù.

Tuyến đường N2 từ Đức Hòa đi các tỉnh miền Tây đang quá tải, rất cần nâng cấp, mở rộng; hay tuyến N1, trục phía Tây nối các tỉnh giáp biên giới với Campuchia nếu được đầu tư sẽ tạo điều kiện phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh-quốc phòng cho cả vùng. Ngoài ra, sự chậm trễ trong đầu tư các tuyến đường vành đai 3, 4 của TPHCM cũng hạn chế sự phát triển không chỉ đối với TPHCM, các tỉnh Đông Nam Bộ mà cả khu vực phía Nam.

Ngoài ra, những khó khăn trong điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất để phát triển các lĩnh vực khác như công nghiệp, điện mặt trời… theo Bí thư Phạm Văn Rạnh là những trở ngại cho sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh trong thời gian tới.

Ảnh: VGP/Mạnh Hùng

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho rằng, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nhưng những kết quả về kinh tế-xã hội của Long An trong những tháng đầu năm thể hiện sự nỗ lực trong chỉ đạo, điều hành và triển khai nhiệm vụ của chính quyền tỉnh.

Trong bối cảnh hiện nay, Long An cần tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 19 của Thủ tướng Chính phủ, triển khai có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch, đồng thời khởi động lại và tiếp tục phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh và ổn định xã hội. Cùng với đó, chủ động ứng phó với thiên tai, nhất là tình hình hạn hán, xâm nhập mặn, ổn định sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.

Nhanh chóng hỗ trợ, giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng do dịch bệnh COVID-19; nắm bắt tình hình diễn biến thị trường, bảo đảm nguồn cung các mặt hàng thiết yếu, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; kịp thời tháo gỡ khó khăn trong quá trình lưu thông hàng hóa trên địa bàn.

Về lâu dài, tỉnh cần đẩy mạnh đầu tư công, đẩy nhanh triển khai các dự án hạ tầng lớn; cùng với đó tập trung đầu tư phát triển các sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh, ứng dụng công nghệ vào sản xuất, chế biến sâu phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.

Trong giáo dục, với các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng trên địa bàn nếu giữ như hiện nay sẽ khó phát triển. Phó Thủ tướng  gợi ý tỉnh nên định hướng để các trường liên kết theo hình thức trở thành thành viên các trường đại học lớn ở TPHCM, qua đó có điều kiện nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho tỉnh và cho cả vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Đối với việc thu hút đầu tư, Phó Thủ tướng đánh giá cao quyết tâm của tỉnh trong việc chuyển dự án nhiệt điện từ sử dụng nhiên liệu than sang khí hóa lỏng, đảm bảo môi trường. Với các dự án sản xuất khác, tỉnh cũng phải đặt tiêu chí môi trường lên hàng đầu.

Bên cạnh đó, Long An cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, xử lý nghiêm những các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực trong phục vụ người dân và nhà đầu tư.

Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ tiếp tục nỗ lực hoàn thiện chính sách, pháp luật, tăng cường chỉ đạo, bám sát tình hình địa phương; hoàn chỉnh và đưa ra những cơ chế chính sách phù hợp, đặc thù để vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung, Long An nói riêng phát huy thế mạnh, hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

Về những kiến nghị của tỉnh, Phó Thủ tướng yêu cầu Văn phòng Chính phủ tập hợp đầy đủ các ý kiến, kiến nghị để chuyển tới các cơ quan chức năng nghiên cứu, giải đáp, đề xuất hướng giải quyết. Một số vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổng hợp ý kiến, gửi Ban Dân nguyện để tổng hợp, báo cáo Quốc hội theo quy định.