19/12/2024 lúc 10:27 (GMT+7)
Breaking News

Phó Thủ tướng giao Bộ Xây dựng làm việc với Tập đoàn Apec về đề xuất xây 6-10 triệu căn nhà ở xã hội

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành thông báo số 8652 về đại cách mạng xây Nhà ở xã hội xây từ 6-10 triệu căn cho các đối tượng an sinh xã hội của Tập đoàn Apec.

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành thông báo số 8652 về đại cách mạng xây Nhà ở xã hội xây từ 6-10 triệu căn cho các đối tượng an sinh xã hội của Tập đoàn Apec.

Phó Thủ tướng giao Bộ Xây dựng làm việc với Tập đoàn Apec về đề xuất xây 6-10 triệu căn nhà ở xã hội

Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Văn phòng Chính phủ chuyển công văn đến Bộ Xây dựng để nghiên cứu, trao đổi cụ thể với Tập đoàn Apec về phát triển Nhà ở xã hội.

Trước đó, Công ty Cổ phần Tập đoàn APEC đã có văn bản số 136/2021/CV-APG ngày 12/11/2021 gửi Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện 6 – 10 triệu căn hộ cho các đối tượng an sinh xã hội giai đoạn 2021-2030.

Tại văn bản này, Tập đoàn APEC cho rằng cần lập quy hoạch các đại đô thị nhà ở xã hội có quy mô lớn. Cụ thể, TP Hồ Chí Minh, TP Hà Nội, mỗi địa phương cần tạo quỹ đất 3.000 - 5.000 ha để làm nhà ở xã hội diện tích từ 50 - 300ha/khu đô thị. Các tỉnh thành khác cần tạo quỹ đất khoảng 10.000 ha đến 20.000 ha.

Mục tiêu của Tập đoàn APEC sẽ đầu tư và phát triển từ 6 - 10 triệu "căn hộ nhà ở xã hội 5 sao" trong giai đoạn 2021 - 2030; trong đó, từ 2021 - 2025 hoàn thành 2 - 4 triệu căn hộ, từ 2026 - 2030 hoàn thành 4 - 6 triệu căn hộ.

Tập đoàn APEC muốn là đơn vị tiên phong đầu tư các khu nhà ở xã hội thành những khu đô thị nhà ở xã hội 5 sao hoặc tốt hơn nữa là có thể đầu tư lên thành các Khu đô thị nhà ở an sinh xã hội 5 sao với quy mô lớn, đáp ứng 5 tiêu chí gồm: Chất lượng cao, thẩm mỹ đẹp, sinh thái, thông minh, tiện ích đầy đủ.

Về giá bán, Tập đoàn APEC sẽ tập trung vào các sản phẩm căn hộ có diện tích căn hộ từ 25 - 70 m2/căn, giá tại TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh khoảng 13 - 16 triệu đồng/m2, các thành phố còn lại khoảng 9 - 14 triệu đồng/m2. Với chính sách ưu đãi thanh toán linh hoạt, người dân chỉ cần 30% giá trị căn hộ để sở hữu căn hộ, 70% giá trị còn lại được hỗ trợ vay vốn ngân hàng hoặc tổ chức tài chính với thời hạn 10 - 20 năm.

Nhằm thực hiện mục tiêu trên, Tập đoàn APEC cho biết hiện đang làm việc với cơ quan chức năng tại Cần Thơ, Thái Nguyên, Hà Nội, Hải Phòng, do đó doanh nghiệp này mong muốn Thủ tướng Chính phủ có ý kiến với các địa phương trên để các dự án sớm được triển khai

Liên quan đến hành lang pháp lý, Tập đoàn APEC kiến nghị Chính phủ ban hành các nghị định, thông tư, chỉ thị phù hợp với các luật hiện hành mà không cần đợi thông qua luật mới. Các chính sách cần rõ ràng, thông thoáng, để giúp doanh nghiệp thuận lợi tiếp cận, dễ dàng triển khai dự án. 

Chính phủ và chính quyền địa phương nghiên cứu chính sách hỗ trợ giải phóng mặt bằng bằng nguồn tài chính ứng trước của nhà đầu tư. Và nhà đầu tư sẽ nhận hoàn lại tiền bằng hình thức đối trừ thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT, thuế Thu nhập cá nhân. Ngân hàng Nhà nước cần có quy định để tách nhà ở xã hội ra khỏi room bất động sản.…

Tập đoàn APEC đánh giá, giá nhà tại Việt Nam nếu so sánh trên cơ sở thu nhập đầu người, cao hơn so với nhiều nước. Đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng giá căn nhà thấp nhất cũng từ 1 – 1.2 tỷ đồng. Với mức giá này thì một gia đình trẻ phải tiết kiệm trong thời gian từ 20 năm - 25 năm. Nếu so sánh số năm tiết kiệm để một hộ có thể mua nhà thì Việt Nam cao hơn so với nhiều nước khác như tại Châu Phi chỉ cần 7 – 9 năm…

Xin tạm ngừng bán vì thua lỗ

Mới đây, một doanh nghiệp chuyên xây dựng nhà ở xã hội tại tỉnh Bắc Ninh đã làm đơn xin tạm ngừng bán tiếp các căn hộ nhà ở xã hội. Mặc dù dự án này đã bàn giao đi vào sử dụng. Sự việc này đã gây xôn xao trên thị trường.

Chia sẻ với phóng viên, đại diện doanh nghiệp chia sẻ đây là một việc "cực chẳng đã". Một số doanh nghiệp cũng đã thẳng thắn bày tỏ những khó khăn họ đang gặp phải khi xây dựng loại hình nhà ở dành cho người thu nhập thấp hiện nay.

Dự án nhà ở xã hội Cát Tường đã được Sở Xây dựng tỉnh Bắc Ninh phê duyệt giá bán là 10,5 triệu đồng/1m2 căn hộ. 3 năm sau dự án mới hoàn thành. Chủ đầu tư cho rằng, trong khoảng thời gian đó, giá nguyên vật liệu đã tăng mạnh, nếu vẫn bán với giá được phê duyệt, doanh nghiệp sẽ thua lỗ.

Ông Phạm Tiến Dũng - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Cát Tường cho hay: "Với nguồn cung nguyên vật liệu tăng 25% trên tổng suất đầu tư, lợi nhuận chỉ được 10%. Nếu chủ đầu tư tiếp tục bán nhà theo giá được phê duyệt sẽ bị lỗ. Sau khi tính toán, riêng với dự án từ 2019, phải bán khoảng 14 triệu/1m2 mới được".

Một số doanh nghiệp đang xây dựng nhà ở xã hội khác lại cho biết, do không có nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, nên họ đang phải vay ngân hàng thương mại với lãi suất 9,6%/năm. Tuy nhiên, khi làm cơ sở để phê duyệt giá bán nhà, các cơ quan chức năng lại chỉ tính lãi suất là 4,8%, theo suất của nhà ở xã hội.

Đại diện Bộ Xây dựng cho biết, thời gian qua, Bộ đã đã tiếp nhận các đề xuất, kiến nghị từ phía doanh nghiệp về vấn đề này. Đến nay, Bộ đã tính đến một số phương án để giải quyết khó khăn hiện nay.

Ông Hà Quang Hưng - Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và Thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng nói: "Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ nghiên cứu trong sửa đổi Luật nhà ở 2014, cũng như các nghị định để ưu đãi cho chủ đầu tư thực chất hơn. Ví dụ tăng mức lợi nhuận của dự án lên so với quy định hiện hành là 10%; xem xét không quy định lợi nhuận định mức mà làm giá trần, do từng địa phương quy định".

Chuyển hướng sang xây dựng nhà ở xã hội, với nhiều ưu đãi từng là giải pháp đối với nhiều doanh nghiệp bất động sản trong bối cảnh thị trường khó khăn. Thế nhưng, hai năm trở lại đây, số lượng nhà ở xã hội đang giảm dần.

Theo Bộ Xây dựng, cả nước đã hoàn thành khoảng 250 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị và công nhân khu công nghiệp, chỉ đạt được khoảng 41,7% so với mục tiêu đề ra.

Trong khi nhu cầu loại hình nhà ở hợp túi tiền này đang được rất nhiều người dân mong chờ, thậm chí là luôn trong tình trạng cháy hàng tại nhiều thành phố lớn. Làm thế nào để hấp dẫn các doanh nghiệp trở lại đầu tư tiếp tục là câu chuyện nóng đặt ra lúc này.