VNHN - Tại Phiên thảo luận toàn thể Đại hội đồng IPU-141 với chủ đề “Tăng cường luật pháp quốc tế: Vai trò và cơ chế tổ chức của nghị viện, sự đóng góp của hợp tác khu vực”, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng tham dự và có bài phát biểu nêu 5 kiến nghị.
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu tại Phiên thảo luận toàn thể Đại hội đồng IPU-141. Ảnh: TTXVN
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội chúc mừng IPU trải qua 130 năm hình thành và phát triển, luôn đi tiên phong, phát huy sứ mệnh lịch sử của mình, đóng góp tích cực cho hòa bình, hợp tác và phát triển trên thế giới.
Bà nhấn mạnh, thế giới tiếp tục trải qua nhiều diễn biến an ninh chính trị phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro, khó định đoán; xung đột sắc tộc, tôn giáo, các nguy cơ an ninh phi truyền thống, nhiều điểm nóng cùng với chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa cực đoan, dân tộc hẹp hòi đang trở nên gay gắt.
Có nhiều nguyên nhân trong đó nguyên nhân quan trọng là sự gia tăng các hành động đơn phương không dựa trên các trật tự pháp lý đã được quy định trong các điều ước quốc tế mang tính phổ quát, vi phạm các nguyên tắc chung của luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hợp Quốc, đe dọa nền hòa bình lâu dài mà nhân loại đã và đang dày công gìn giữ. Bối cảnh trên đòi hỏi sự phối hợp ở nhiều cấp độ trong đó có sự tham gia của các thể chế đa phương, đặc biệt là IPU.
Trên cơ sở đó, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội hoan nghênh chủ đề của Đại hội đồng IPU lần này, nêu cao quyết tâm và hành động của IPU tăng cường vai trò của luật pháp quốc tế, nguyên tắc điều chỉnh các quan hệ quốc tế, nền tảng để thúc đẩy quản trị toàn cầu và quan hệ hợp tác bình đẳng giữa các quốc gia dù lớn hay nhỏ.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh, Việt Nam luôn kiên trì thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đề cao chủ nghĩa đa phương, pháp quyền và các nguyên tắc chung trong quan hệ quốc tế; quan tâm sâu sắc đến việc giữ gìn trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, các hiệp định và công ước chung giữa các nước; tuân thủ đúng các quy định tại các điều ước quốc tế có giá trị phổ quát như Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế. Đồng thời, Việt Nam tham gia nhiều điều ước quốc tế đa phương trong khuôn khổ Liên Hợp Quốc và các tổ chức quốc tế khác.
Trong các nỗ lực đó, Quốc hội Việt Nam tiếp tục ủng hộ thông qua việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý trong nước, tăng cường giám sát thực thi cũng như tham gia tích cực tại các hoạt động ngoại giao nghị viện nhằm tăng cường chia sẻ thông tin và học tập kinh nghiệm.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho biết, Việt Nam sẽ đảm nhận vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021, Chủ tịch ASEAN và Chủ tịch Hội đồng liên nghị viện ASEAN (AIPA) năm 2020.
Việt Nam khẳng định sẽ tiếp tục góp phần thúc đẩy sự phát triển của chủ nghĩa đa phương, đối thoại công bằng và bình đẳng, giải quyết những vấn đề toàn cầu, xung đột khu vực, hòa bình an ninh trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, đồng thời thúc đẩy hợp tác khu vực trong việc hoàn thiện các cơ chế đảm bảo công bằng, cân bằng về lợi ích cho các bên liên quan.
Để tăng cường tôn trọng luật pháp quốc tế, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nêu một số kiến nghị tại Phiên họp toàn thể Đại hội đồng IPU-141. Thứ nhất, ở cấp độ toàn cầu, khu vực và quốc gia, đề cao tôn trọng Hiến chương Liên Hợp Quốc, tuân thủ luật pháp quốc tế và các nguyên tắc, chuẩn mực ứng xử chung đã trở thành giá trị lâu bền của nhân loại.
Thứ hai, mở rộng và phát huy vai trò các cơ chế hợp tác, đối thoại, chia sẻ thông tin để nâng cao sự hiểu biết, xây dựng lòng tin và tôn trọng lẫn nhau, cùng tìm ra biện pháp giải quyết hòa bình cho các tranh chấp trong khu vực cũng như các thách thức cấp bách hiện nay.
Thứ ba, nghị viện các nước tiếp tục thúc đẩy phê chuẩn, tham gia thực hiện các điều ước, thỏa thuận quốc tế, các văn kiện pháp lý đa phương; xây dựng, sửa đổi bổ sung và nội luật hóa phù hợp với các điều ước quốc tế đã tham gia, tăng cường giám sát việc thực hiện hiệu quả các thỏa thuận quan trọng đã đạt được qua thương lượng đa phương.
Thứ tư, ủng hộ sự phát triển của ngoại giao nghị viện, phát huy vai trò và sứ mệnh của IPU vì hòa bình, dân chủ trên thế giới dựa trên nền tảng luật pháp và tôn trọng sự bình đẳng giữa các quốc gia có chủ quyền.
Thứ năm, tăng cường các cơ chế hợp tác giữa IPU với Liên Hợp Quốc, các tổ chức quốc tế và các nghị viện thành viên trên nhiều lĩnh vực, trong đó chú trọng các vấn đề phát triển bền vững, xóa đói nghèo, dinh dưỡng, bình đẳng giới, sự tham gia của giới trẻ, quản lý và sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên trong đó có tài nguyên biển, tăng cường liên kết giữa các quốc gia và nghị viện trong hoạch định chính sách chủ động ứng phó biến đổi khí hậu là chủ đề khẩn cấp mà Đại hội đồng IPU 141 vừa thông qua./.