07/01/2025 lúc 12:19 (GMT+7)
Breaking News

Phát triển văn hóa, xã hội hài hòa và ngang tầm với kinh tế

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh “phát triển văn hóa, xã hội, hài hòa và ngang tầm với phát triển kinh tế” trong phần thứ ba của bài viết Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng. Ý kiến chỉ đạo đó của Tổng Bí thư đã và đang được tích cực thực hiện.

Trong quá trình lãnh đạo, từ giai đoạn đấu tranh giải phóng dân tộc cho đến thời kỳ xây dựng đất nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội hiện nay, Đảng đã luôn coi trọng vai trò của văn hóa và dành nhiều sự quan tâm cho công tác xây dựng văn hóa.

 

Nhận thức của Đảng về văn hóa ngày càng toàn diện, đầy đủ và sâu sắc. Đảng xác định: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa, con người Việt Nam thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”.

Bên cạnh những nội dung có tính cơ bản, thường xuyên, lâu dài, Đại hội XIII của Đảng đã nêu những nội dung cấp thiết và mới trong đường lối xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam: Xây dựng và phát huy nhân tố con người; Gìn giữ tài nguyên văn hóa; Phát triển công nghiệp văn hóa; Phát huy, phát triển sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam; Tăng cường xây dựng văn hóa trong Đảng và hệ thống chính trị.

Sau gần 40 năm đổi mới, Đảng đã lãnh đạo phát triển kinh tế thành công. Nền kinh tế phát triển theo hướng hiện đại và tăng trưởng liên tục với tốc độ tương đối cao, mức tăng trưởng trung bình gần 7% mỗi năm. Quy mô GDP và GDP bình quân đầu người không ngừng tăng, năm 2023 đã đạt khoảng 430 tỷ USD và khoảng 4.300 USD/người.

Đời sống của nhân dân đã được cải thiện đáng kể. Chất lượng cuộc sống từng bước được nâng cao với sự chăm lo đầu tư phát triển các ngành y tế, giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ. Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với quá trình đô thị hóa cũng được đẩy mạnh trong cả nước. Hầu hết các xã nông thôn đã có đường ô-tô đến trung tâm, nhân dân được dùng điện lưới quốc gia, có trường tiểu học và trung học cơ sở, có trạm y tế và mạng điện thoại, từng bước phủ sóng internet... Đồng bào ở các bản làng vùng xa, vùng sâu cũng đã biết dùng mạng xã hội để giao lưu và giới thiệu các sản phẩm của mình. Cùng với đó, đời sống văn hóa cũng được cải thiện đáng kể, sinh hoạt văn hóa phát triển phong phú, đa dạng. Liên hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong việc hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ...

Đó là những thành quả đáng tự hào khi thực hiện đường lối phát triển kinh tế đồng bộ, hài hòa với nâng cao tiến bộ, công bằng xã hội và phát triển văn hóa. Đây cũng là định hướng căn bản trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Tiếp tục thực hiện đường lối đó, chúng ta cũng đang phát triển và nâng dần tỷ lệ đóng góp của ngành công nghiệp văn hóa trong GDP nói chung, phấn đấu để công nghiệp văn hóa dựa trên sự sáng tạo, khoa học công nghệ và bản quyền trí tuệ đạt mục tiêu doanh thu đóng góp 7% GDP vào năm 2030.

Nền kinh tế đa dạng với sự tăng trưởng mạnh của ngành du lịch (bao gồm cả du lịch văn hóa), các ngành sản xuất trình độ cao, một số ngành công nghiệp tri thức (như công nghệ thông tin) là những tiềm năng để Việt Nam vươn lên phát triển trở thành nơi sản xuất và cũng là thị trường tiêu thụ lớn hàng đầu của các sản phẩm ngành công nghiệp văn hóa trong khu vực Đông Nam Á.

Hàng hóa-dịch vụ văn hóa phát triển phong phú đủ cung cấp cho thị trường cả trong và ngoài nước chính là nguồn nội lực làm nên sức mạnh mềm của Việt Nam, góp phần tăng thêm thu nhập quốc dân cũng như xây dựng thương hiệu, khẳng định, phát huy những giá trị cả hữu hình và vô hình của văn hóa, làm cho tinh thần văn hóa thấm sâu và trở thành thành tố không thể tách rời trong tổng thể kinh tế-xã hội.

 Chú trọng công tác giáo dục, rèn luyện đảng viên

Cuốn sách Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh là kết tinh ý chí chính trị, tầm nhìn, tính kiên định và cả tâm huyết của người đứng đầu Đảng ta, là sự đồng lòng, nhất trí của toàn Đảng và toàn dân hiện nay.

Theo Ban Nội chính Trung ương, năm 2023, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp trên cả nước đã thi hành kỷ luật 606 tổ chức đảng, hơn 24.160 đảng viên (tăng 12% so với năm 2022). Trong đó, thi hành kỷ luật 459 đảng viên do tham nhũng, 8.863 đảng viên do suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm những điều đảng viên không được làm, vi phạm trong kê khai tài sản, thu nhập.

Cũng năm qua, các cơ quan tiến hành tố tụng đã khởi tố hơn 4.500 vụ, hơn 9.370 bị can về các tội tham nhũng, kinh tế, chức vụ (tăng 46% về số vụ án so với năm 2022). Riêng án tham nhũng tăng gần 2 lần về số vụ, tăng hơn 2 lần về số bị can.

Thực tế này càng cho thấy những giá trị và tính cấp thiết mà thông điệp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu ra trong cuốn “cẩm nang” về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đó là: Vấn đề căn cơ trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là phòng ngừa từ xa, từ sớm mà trọng tâm là xây dựng, chỉnh đốn Đảng và đặc biệt là phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, tức là trị tận gốc tham nhũng, tiêu cực.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ mục tiêu phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là nhằm làm trong sạch Đảng và bộ máy nhà nước, để phát triển đất nước. Sức chiến đấu của toàn Đảng thể hiện qua sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng và tùy thuộc vào sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng.

Sự lớn mạnh của tổ chức cơ sở đảng luôn gắn liền với quá trình giáo dục, rèn luyện, bồi dưỡng đảng viên, tạo thành sức mạnh tổng hợp trong thực hiện mọi nhiệm vụ của Đảng, trong đó công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí là nhiệm vụ trọng tâm của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị.

Tuy nhiên, công tác giáo dục, rèn luyện đảng viên của một số cấp ủy, tổ chức đảng các cấp thời gian qua vẫn còn những hạn chế, bất cập, nhất là chưa coi trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, buông lỏng công tác giáo dục, rèn luyện, quản lý đảng viên. Theo người đứng đầu Đảng ta, nếu không kiên quyết khắc phục tình trạng này thì rất dễ làm thoái hóa, biến chất Đảng và Nhà nước, làm xói mòn nghiêm trọng niềm tin của nhân dân.

Thiết nghĩ, để mỗi cán bộ, đảng viên thấy rõ bổn phận và trách nhiệm của mình, luôn vững vàng trước khó khăn, thách thức và không bị cám dỗ bởi tiền tài, vật chất, danh vọng thì hơn lúc nào hết cần phải đẩy mạnh công tác giáo dục đạo đức cách mạng, giáo dục, rèn luyện đảng viên. Công tác này phải được từng tổ chức cơ sở đảng, trước hết là chi bộ tiến hành thường xuyên, liên tục, kết hợp chặt chẽ, đồng bộ các biện pháp tuyên truyền, giáo dục, hành chính, xử lý kỷ luật nghiêm minh. Chi bộ yêu cầu đảng viên phải thường xuyên “tự soi, tự sửa”, đề cao tinh thần trách nhiệm, tính chiến đấu của mỗi đảng viên trong sinh hoạt tự phê bình và phê bình, để đảng viên, dù ở cương vị công tác nào cũng phải thấy hết trách nhiệm của mình, không ngừng tự rèn luyện nâng cao đạo đức cách mạng, giữ gìn thanh danh, uy tín của Đảng.

Bên cạnh đó, cấp ủy, tổ chức đảng, ủy ban kiểm tra các cấp cần làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, bảo đảm chính xác, phù hợp, có tác dụng giáo dục, cảnh tỉnh, răn đe và phòng ngừa đối với đảng viên; chỉ rõ ưu điểm, hạn chế và nguyên nhân của những hạn chế để đảng viên kịp thời sửa chữa, phòng ngừa vi phạm. Làm tốt công tác giáo dục, rèn luyện đảng viên là giải pháp hữu hiệu để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, đội ngũ đảng viên ngày càng vững mạnh, hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ, tăng thêm uy tín, niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.