29/11/2024 lúc 11:24 (GMT+7)
Breaking News

Phát triển TTCK thời gian tới với 6 định hướng quan trọng

Về phương hướng phát triển TTCK, trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 – 2030 và Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030 có nhiều nội dung, song Thủ tướng nhấn mạnh 6 điểm.

Thủ tướng nêu 6 định hướng quan trọng trong phát triển TTCK thời gian tới

Ngày 28/2, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán (TTCK) năm 2024.

Cùng dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Lê Minh Khái; lãnh đạo nhiều bộ, ban, ngành, đại diện các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế, các ngân hàng, hiệp hội, doanh nghiệp niêm yết trên TTCK.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Chính phủ và cá nhân ông rất quan tâm tới thị trường tài chính, trong đó có TTCK, theo dõi sát sao TTCK để có phản ứng chính sách kịp thời.

“Khi có biến động nào đó thì chúng tôi luôn đặt mình vào vị trí của các nhà đầu tư, nhà phát hành, trên tinh thần cùng thắng, lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, các bên đều thắng tức là góp phần phát triển kinh tế Việt Nam nhanh, bền vững, lành mạnh theo chủ trương của Đảng, Nhà nước Việt Nam. Chúng tôi cũng luôn suy nghĩ Chính phủ phải bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của các nhà đầu tư, các chủ thể liên quan tới TTCK", Thủ tướng khẳng định.

Với mong muốn "cùng nhau xây dựng và phát triển TTCK Việt Nam còn non trẻ", Thủ tướng bày tỏ, trong hai năm vừa qua, các chủ thể đã cùng nhau chia sẻ, vượt qua khó khăn. Nhờ đó, nếu năm 2022 là năm thăng trầm của thị trường thì năm 2023 đã tập trung làm những việc phải làm, nhờ đó đã khắc phục nhiều khó khăn, tình hình được cải thiện và có tiến bộ hơn; năm 2024 phải là năm tăng tốc và năm 2025 phải là năm bứt phá. Để làm được điều này thì cần cùng phát huy trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, ngành, các nhà đầu tư, các nhà phát hành và của các chủ thể liên quan.

Thủ tướng cảm ơn, ghi nhận, đánh giá cao Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Văn phòng Chính phủ, các cơ quan liên quan đã chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo Hội nghị, các ý kiến phát biểu và tham luận tâm huyết, sâu sắc, sát thực tiễn của các đại biểu. Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính tiếp thu ý kiến; sớm hoàn thiện để trình ban hành văn bản phù hợp sau Hội nghị.

Nhấn mạnh thêm một số nội dung, Thủ tướng trước hết phân tích về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của TTCK Việt Nam.

Theo đó, TTCK là một cấu phần quan trọng của thị trường tài chính (thị trường tiền tệ, thị trường vốn) nói riêng và nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta nói chung. Khi phát triển đến trình độ cao, TTCK có vai trò là "hàn thử biểu" của nền kinh tế.

TTCK cũng là một kênh đầu tư linh hoạt, hấp dẫn của các tổ chức và cá nhân đầu tư; đồng thời là kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho doanh nghiệp thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân.

TTCK góp phần quan trọng thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển kinh tế xã hội, nhất là kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức.

"Tóm lại, phát triển kinh tế thì không thể thiếu TTCK. Phát triển TTCK là một yêu cầu khách quan", Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng kết luận Hội nghị 

Thủ tướng điểm lại một số dấu mốc quan trọng: Năm 1996, thành lập Ủy ban Chứng khoán nhà nước; năm 1998, thành lập Trung tâm Giao dịch chứng khoán TPHCM, tiền thân của Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM; năm 2005, thành lập Trung tâm Giao dịch chứng khoán Hà Nội, tiền thân của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội. Quốc hội ban hành Luật Chứng khoán vào các năm 2006, 2010, 2019.

Chính phủ đã ban hành 28 nghị định quy định liên quan đến chứng khoán và TTCK. Mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1726/QĐ-TTg, ngày 29/12/2023 phê duyệt Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030 với mục tiêu: "Phát triển TTCK ổn định, an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bền vững, hội nhập; nâng cao khả năng chống chịu rủi ro, có cơ cấu hợp lý giữa các cấu phần thị trường, trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng, chủ yếu cho nền kinh tế; duy trì tăng trưởng về quy mô, chú trọng nâng cao chất lượng; phát triển các công cụ tài chính xanh, tài chính bền vững; đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực chứng khoán; xây dựng hệ thống quản lý, giám sát thị trường gắn với ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại; tăng cường liên kết và hội nhập quốc tế, từng bước thu hẹp về khoảng cách phát triển giữa TTCK Việt Nam so với TTCK các nước phát triển".

"Tóm lại, phát triển TTCK công khai, minh bạch, an toàn, toàn diện, bao trùm, lành mạnh, hội nhập, bền vững, hiệu quả; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các chủ thể liên quan. Từ thị trường sơ khai, TTCK Việt Nam đang ở mức thị trường cận biên và tới năm 2025 đặt mục tiêu trở thành thị trường mới nổi, góp phần thực hiện mục tiêu thu hút khoảng 25 tỷ USD đầu tư gián tiếp nước ngoài mỗi năm, tương đương đầu tư trực tiếp", Thủ tướng phát biểu và bày tỏ mong muốn thị trường tăng dần đều, ổn định, bền vững, thay vì tăng giảm đột ngột.

Về những kết quả đạt được trong xây dựng và phát triển TTCK, Thủ tướng nêu rõ, thứ nhất, thể chế, cơ chế, chính sách phát triển TTCK được từng bước xây dựng, rà soát, hoàn thiện, bổ sung phù hợp theo từng thời kỳ và trình độ, yêu cầu phát triển, với chủ trương, đường lối của Đảng, các luật của Quốc hội, nghị định của Chính phủ.

Thứ hai, TTCK đã không ngừng hoàn thiện về cấu trúc và hiện đại hóa. Cơ cấu của thị trường từng bước được hoàn thiện, từ chỗ chỉ có thị trường cổ phiếu đến nay đã có thêm thị trường trái phiếu Chính phủ và TTCK phái sinh.

Vào ngày đầu giao dịch (28/7/2000), TTCK chỉ có 2 doanh nghiệp niêm yết, 6 công ty chứng khoán thành viên, đến cuối năm 2023 đã có gần 2,3 nghìn doanh nghiệp niêm yết, đăng ký giao dịch và 82 công ty chứng khoán hoạt động.

Hệ thống các tổ chức kinh doanh chứng khoán, tổ chức cung cấp dịch vụ chứng khoán có sự phát triển cả về năng lực chuyên môn nghiệp vụ, năng lực tài chính, chất lượng dịch vụ, ngày càng phát huy vai trò cầu nối giữa nhà đầu tư và doanh nghiệp.

Việc giao dịch chứng khoán từ chỗ nhà đầu tư phải đến các trung tâm chứng khoán, đăng ký mua bán chứng khoán bằng phiếu đến nay có thể ngồi bất cứ đâu, giao dịch bằng bất kỳ thiết bị thông minh nào. Từ chỗ nhà đầu tư chủ yếu nhìn bảng điện tử đến nay các công cụ phân tích được cung cấp đa dạng, phong phú, tiện dụng trên nhiều nền tảng.

Thứ ba, thị trường không ngừng phát triển về quy mô, khả năng huy động vốn cho doanh nghiệp. Quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu tăng trưởng tích cực từ 0,22% GDP năm 2000 lên 33,52% GDP năm 2010 và 58,1% GDP năm 2023.

Số lượng nhà đầu tư tăng từ 3 nghìn tài khoản năm 2000 lên hơn 7,29 triệu tài khoản, tương đương 7,5% dân số vào năm 2023. Đồng thời, chất lượng, kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm của các nhà đầu tư ngày càng được nâng cao.

Giá trị giao dịch bình quân (gồm cả cổ phiếu, trái phiếu) tăng từ gần 11,7 nghìn tỷ/phiên năm 2016 lên khoảng gần 24,4 nghìn tỷ/phiên năm 2023, trong đó tính riêng giao dịch cổ phiếu đã có nhiều phiên giao dịch vượt con số 1 tỷ USD.

Trong 10 năm qua (2014 - 2023), TTCK đã thực hiện huy động vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế đạt 3,8 triệu tỷ đồng, bình quân mỗi năm đạt 380 nghìn tỷ đồng, tăng gấp 4,35 lần so với giai đoạn trước.

Trong đó, doanh nghiệp đã huy động được 1,15 triệu tỷ, tăng gấp 3,15 lần so với giai đoạn trước, như vậy, TTCK đã tạo ra nguồn vốn cần thiết phục vụ hoạt động đầu tư và sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; đồng thời thúc đẩy quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước.

Chính phủ huy động được 2,66 triệu tỷ đồng, tăng gấp 5,2 lần so với giai đoạn trước với lãi suất thấp hơn và kỳ hạn dài hơn, TTCK góp phần tái cơ cấu, tăng tính bền vững cho danh mục nợ công quốc gia và chủ động nguồn vốn cho đầu tư công.

Thứ tư, TTCK ngày càng phát triển theo tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế, đáp ứng các tiêu chí quan trọng của các tổ chức xếp hạng trên thế giới. Quy mô vốn hóa đạt gần 200 tỷ USD, lớn hơn nhiều thị trường châu Á như Philippines, Qatar, Kuwait... hay châu Âu như Hy Lạp, Czech, Hungary... Thanh khoản trung bình đạt gần 700 triệu USD, tương đương Indonesia, Malaysia, Singapore và chỉ đứng sau Thái Lan trong khối ASEAN.

Việc hợp tác quốc tế được tăng cường. Nhân chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ tại Mỹ vào tháng 9/2023, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ký kết Ý định thư hợp tác với Sở giao dịch chứng khoán Nasdaq.

Nhiều hoạt động hợp tác quốc tế khác về tài chính và xây dựng thị trường vốn với các đối tác có nhiều kinh nghiệm và thế mạnh cũng được thúc đẩy như: Hội nghị Bàn tròn tại Luxembourg vào tháng 7/2023 về kết nối Việt Nam - Luxembourg để xây dựng thị trường vốn xanh; Hội nghị xúc tiến đầu tư với Hoa Kỳ tại Los Angeles vào tháng 11/2023 do Bộ trưởng Bộ Tài chính chủ trì...

TTCK góp phần thúc đẩy và tạo sức dẫn dắt quan trọng cho các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế của Việt Nam áp dụng các chuẩn mực tài chính quốc tế, giúp nâng cao năng lực quản lý, quản trị doanh nghiệp theo hướng hiện đại, phù hợp với xu thế phát triển và tiến bộ của thế giới.

Thứ năm, công tác giám sát, thanh tra và xử lý vi phạm được tăng cường. Nhiều vụ việc nổi cộm trên thị trường được điều tra, xác minh, làm rõ, quyết liệt xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. Từ đó, góp phần nâng cao tính minh bạch, công bằng của thị trường và củng cố niềm tin của nhà đầu tư.

Thứ sáu, nhiều nhà đầu tư lớn, chuyên nghiệp, bao gồm các quỹ đầu tư và các tổ chức tài chính hàng đầu thế giới đánh giá rất cao sự tiến bộ cũng như tiềm năng, dư địa phát triển của TTCK Việt Nam.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng ghi nhận và biểu dương những nỗ lực tích cực và kết quả trong công tác quản lý nhà nước, điều hành hoạt động của lĩnh vực chứng khoán và TTCK của Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, sự phối hợp của các cơ quan, ban, bộ, ngành, địa phương; sự đồng hành và chung tay góp sức của các doanh nghiệp, các tổ chức định chế thị trường và cộng đồng các nhà đầu tư trong nước, quốc tế.

Bên cạnh đó, Thủ tướng nêu rõ TTCK Việt Nam còn những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc cần nhanh chóng tháo gỡ, khắc phục.

Đó là vấn đề về xây dựng đồng bộ và hoàn thiện khung khổ pháp lý để tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý và hoạt động của thị trường ngày càng phát triển mạnh mẽ nhưng phải đảm bảo tính an toàn, minh bạch và bền vững.

Còn tình trạng làm giá, thao túng chứng khoán gây thiệt hại cho nhà đầu tư và niềm tin thị trường; chuẩn mực, đạo đức của một bộ phận cán bộ thực thi công vụ có vấn đề, chuẩn mực kế toán, chế tài xử lý xử phạt chưa nghiêm minh, kịp thời. Thông tin công bố của một số doanh nghiệp đại chúng, công ty niêm yết, nhà đầu tư chưa bảo đảm tính chính xác.

Cùng với đó là vấn đề đầu tư ứng dụng công nghệ hiện đại vào công tác vận hành và quản lý đối với TTCK, để đưa công nghệ số, công nghệ 4.0 thúc đẩy TTCK…; vấn đề giải quyết các điểm còn vướng mắc để nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi.

Về những nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới, trong đó có TTCK, Thủ tướng nêu rõ, sau hơn 35 năm đổi mới, "Việt Nam chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay", như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định.

Từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, bị chiến tranh tàn phá, Việt Nam đến nay đã thuộc nhóm 40 nền kinh tế có quy mô GDP lớn nhất thế giới (hiện đạt gần 430 tỷ USD); thu nhập bình quân đầu người tăng lên gần 4.300 USD năm 2023. Kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định; các cân đối lớn được bảo đảm (thu đủ chi, xuất đủ nhập, làm đủ ăn, an ninh năng lượng được bảo đảm, thị trường lao động phục hồi tốt). GDP năm 2023 tăng 5,05%. Nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia, bội chi ngân sách nhà nước được kiểm soát tốt.

Về phương hướng phát triển TTCK, trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 – 2030 và Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030 có nhiều nội dung, song Thủ tướng nhấn mạnh 6 điểm:

Thứ nhất, Việt Nam sẽ tiếp tục giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Thứ hai, chính sách phải nhất quán, phản ứng chính sách phải kịp thời, chính sách phải phù hợp và theo kịp thực tiễn.

Thứ ba, quản lý nhà nước phải công khai, minh bạch, đúng quy luật thị trường.

Thứ tư, Chính phủ, các cơ quan chức năng luôn bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của các chủ thể liên quan; luôn chia sẻ khó khăn và đặt mình vào vị trí nhà đầu tư, nhà phát hành để thiết kế chính sách, xây dựng một Chính phủ thực sự kiến tạo phát triển.

Thứ năm, Chính phủ quyết tâm nâng hạng TTCK, tập trung phát triển theo xu hướng kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, phát triển nhanh và bền vững.

Thứ sáu, liên hệ chặt chẽ giữa Nhà nước, nhà đầu tư và xã hội để thực hiện chức năng cung cấp vốn; phát triển mạnh hạ tầng và hệ sinh thái TTCK.

Phân tích thêm về một số quan tâm của các nhà đầu tư, Thủ tướng nêu rõ năm 2023 có thiếu điện cục bộ do điều hành không tốt. "Năm nay, chúng tôi rất quyết liệt để không thiếu điện và các nhà đầu tư có thể yên tâm về vấn đề này", Thủ tướng khẳng định.

Thủ tướng nêu rõ các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thời gian tới với các cơ quan quản lý và các chủ thể liên quan, trong đó:

(1) Đối với cơ quan quản lý:

- Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các bộ, ngành liên quan tập trung xây dựng và triển khai ngay các chương trình hành động cụ thể về thực hiện Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030.

- Bộ Tài chính cần khẩn trương rà soát, sửa đổi các quy định bất cập hiện hành đặc biệt liên quan đến quy định việc minh bạch thông tin doanh nghiệp, quyền và trách nhiệm của các chủ thể quản lý, tham gia thị trường như cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, công ty chứng khoán, nhà đầu tư, trong đó có việc sửa đổi Nghị định số 155/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán.

- Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đẩy mạnh nâng cấp, xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động của TTCK theo hướng hiện đại, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số; nâng cao chất lượng quản lý, giám sát thị trường; tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp, các định chế thị trường, các nhà đầu tư tham gia TTCK Việt Nam theo hướng hài hòa lợi ích của Nhà nước - doanh nghiệp cung cấp dịch vụ - nhà đầu tư.

- Tiếp tục tập trung nâng cao hiệu quả công tác giám sát, thanh kiểm tra TTCK nhằm phòng chống, ngăn ngừa hiệu quả các hành vi vi phạm trên TTCK, xử lý nghiêm theo đúng quy định pháp luật những trường hợp, hành vi vi phạm, đảm bảo TTCK phát triển bền vững và vận hành được công bằng, công khai, minh bạch.

- Mở rộng các hoạt động xúc tiến, quảng bá, cung cấp thông tin chính thống về TTCK Việt Nam nói riêng, nền kinh tế Việt Nam nói chung. Chú trọng hơn công tác truyền thông nâng cao hiểu biết, trình độ, khả năng phân tích của các nhà đầu tư.

- Đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính; nhanh chóng rà soát, cắt bỏ, sửa đổi các thủ tục còn rườm rà, chồng chéo liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh nói chung và trong lĩnh vực chứng khoán, TTCK nói riêng.

- Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tiếp tục phối hợp với các hiệp hội nghề nghiệp tăng cường quản lý, giám sát đối với người hành nghề chứng khoán; áp dụng các nguyên tắc và chuẩn mực về đạo đức nghề nghiệp đối với người quản lý công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán và người hành nghề; từng bước chuyển giao hoạt động thi, cấp chứng chỉ hành nghề cho các hiệp hội nghề nghiệp.

- Khẩn trương triển khai các biện pháp cần thiết để nâng hạng TTCK Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi, đặc biệt tập trung giải quyết các khó khăn, vướng mắc để đáp ứng tiêu chí nâng hạng với tinh thần "Đã nói là làm, đã cam kết là phải thực hiện, có sản phẩm, hiệu quả cân đong đo đếm được". Trong đó:

+ Giao Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, NHNN, Bộ KH&ĐT khẩn trương phối hợp, xử lý nhanh chóng, sớm có kết quả các vướng mắc thuộc trách nhiệm của ngành mình để đáp ứng được quy định tiêu chí nâng hạng TTCK từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi.

+ Bộ Tài chính chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước khẩn trương rà soát, đề xuất việc sửa đổi bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật cần thiết nhằm xử lý các vấn đề kỹ thuật còn vướng mắc, nâng cao tính minh bạch trên TTCK, tháo gỡ ngay những rào cản để tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận thị trường của nhà đầu tư nước ngoài.

+ Bộ KH&ĐT khẩn trương rà soát, công bố đầy đủ tỉ lệ sở hữu nước ngoài tối đa của các ngành nghề kinh doanh có điều kiện hoặc hạn chế tiếp cận đối với nhà đầu tư nước ngoài; cập nhật thường xuyên trên trang thông tin điện tử của Bộ bằng song ngữ Tiếng Việt và Tiếng Anh.

+ NHNN khẩn trương xem xét, rà soát để đơn giản hóa thủ tục hồ sơ, rút ngắn quy trình mở tài khoản vốn đầu tư gián tiếp của nhà đầu tư nước ngoài; nghiên cứu công cụ thanh toán bù trừ phù hợp quy luật thị trường; tiếp tục triển khai các giải pháp, chỉ đạo các ngân thương mại tiết giảm chi phí để hạ lãi suất cho vay.

(2) Đối với các công ty chứng khoán:

- Đẩy mạnh tái cấu trúc công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ theo Đề án "Cơ cấu lại TTCK và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025"; nâng cao năng lực quản trị công ty, quản trị rủi ro, tăng khả năng cạnh tranh của các công ty trên thị trường; phát triển chuyên nghiệp các dịch vụ được phép hoạt động.

- Tiếp tục phát triển hoạt động khối các công ty chứng khoán theo hai mô hình: đa năng (thực hiện nhiều nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán) và chuyên doanh (thực hiện một nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán); tăng cường vai trò tạo lập thị trường, nâng cao tiềm lực tài chính, chất lượng nguồn nhân lực và phát triển hệ thống công nghệ có chiều sâu.

- Nghiên cứu, xây dựng cơ chế hướng dẫn, quản lý và giám sát việc áp dụng công nghệ tài chính trong giao dịch chứng khoán.

(3) Đối với các nhà phát hành:

- Khuyến khích các loại hình doanh nghiệp thực hiện chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) gắn với niêm yết, đăng ký giao dịch trên TTCK; thu hút các doanh nghiệp có quy mô lớn, tình hình tài chính, quản trị công ty tốt thực hiện niêm yết trên TTCK; hỗ trợ tích cực việc hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước theo quy định của pháp luật về cổ phần hóa.

- Phát hành đa dạng các kỳ hạn trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương.

- Tập trung thúc đẩy việc chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng gắn với niêm yết; đa dạng các loại trái phiếu phù hợp với nhu cầu huy động vốn; phát triển các sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp cho mục tiêu thực hiện dự án, dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).

- Khuyến khích phát hành trái phiếu Chính phủ xanh, trái phiếu chính quyền địa phương xanh và trái phiếu doanh nghiệp xanh.

- Tiếp tục phát triển sản phẩm chứng khoán phái sinh và các sản phẩm mới (các sản phẩm tốt).

Thủ tướng cũng đề nghị các nhà đầu tư, nhà phát hành tích cực tham gia công tác bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện quan điểm xuyên suốt lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là nguồn lực, động lực phát triển, không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng đơn thuần.

Thủ tướng cho biết Chính phủ, các bộ, ngành sẽ triển khai các giải pháp góp phần nâng cao năng lực đầu tư, hiểu biết pháp luật, năng lực phân tích, tăng cường trách nhiệm của các nhà đầu tư.

Thủ tướng nêu rõ, năm 2024, Việt Nam sẽ tiếp tục giữ vững ổn định vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, giữ vững ổn định chính trị - xã hội để nhà đầu tư yên tâm. "Chúng ta quyết tâm nâng hạng TTCK Việt Nam từ cận biên lên mới nổi trong năm 2025", Thủ tướng nhấn mạnh./.

Xuân Hòa