Tổng kết thực tiễn, hình thành hệ thống quy chuẩn thực tiễn để đối chiếu với chân giá trị khoa học nhằm hoàn thiện hệ thống lý luận mới, góp phần làm cho triết học Mác hoàn thành nhiệm vụ là nền tảng tư tưởng của Đảng, đồng thời chống lại sự xuyên tạc, phủ nhận chủ nghĩa Mác của các thế lực thù địch.
Ảnh minh họa - Internet
Kể từ khi xuất hiện cho đến nay, tranh cãi xung quanh lý thuyết khoa học mà C.Mác đề cập vẫn thường xuyên diễn ra. Các ý kiến thường tiếp cận ở hai góc độ căn bản: Một là, nhìn nhận từ thế giới quan chính trị. Hai là, nhìn nhận dưới lăng kính khoa học. Sự xuyên tạc, bóp méo chủ yếu thông qua lăng kính chính trị, với thế giới quan mang lợi ích của giai cấp tư sản. Những tranh luận học thuật mặc dù gồm nhiều quan điểm, ý kiến cực đoan nhưng một số học giả cuối cùng lại tìm thấy điểm tương đồng, ràng buộc với lý thuyết mà C.Mác đề cập(1). Thực tế này đã chỉ ra, cách tốt nhất để vượt lên trên những tranh cãi, xuyên tạc là phải phát triển một cách đúng đắn lý thuyết của C.Mác để nó trở thành lý luận nền tảng cho thế giới quan và phương pháp luận của Đảng, bỏ lại phía sau những sự xuyên tạc, bóp méo không có căn cứ khoa học.
1. Phát triển triết học Mác để thực sự là nền tảng thế giới quan và phương pháp luận trong nền tảng tư tưởng của Đảng
Trong lịch sử tư tưởng, không có học thuyết lý luận nào là bền vững tuyệt đối, học thuyết nào cũng tồn tại những vấn đề mang tính lịch sử và có những vấn đề mang tính chân giá trị bền vững. Đối với triết học của C.Mác, việc nhận thức cả hai khía cạnh này không phải là điều dễ dàng.
Thứ nhất, đọc và hiểu tư tưởng triết học của các nhà triết học vĩ đại trong lịch sử là điều không dễ dàng. Chính vì vậy, những tác phẩm như Chính trị của Arítxtốt, Nền cộng hòa của Platôn,... vẫn chứa đựng nhiều thách đố đối với những người nghiên cứu triết học hiện nay.
Thiên tài và tính chuyên nghiệp của C.Mác thể hiện ngay ở điểm lựa chọn khi gia nhập nhóm Hêghen trẻ. Hêghen là người thâu tóm toàn bộ sự phát triển của lịch sử triết học để xây dựng nền móng đồ sộ cho phép biện chứng duy tâm để mô tả quá trình vận động, biến đổi đầy lớn lao của thời đại thông qua sự vận động và biến đổi của hệ thống các ý niệm tuyện đối.
Trong Chống Đuyrinh, Ph.Ăngghen đã chỉ rõ: “Nền triết học mới của Đức đã đạt tới đỉnh cao của nó trong hệ thống của Hêghen, trong đó lần đầu tiên - và đây là công lao to lớn của ông - toàn bộ thế giới tự nhiên, lịch sử và tinh thần được trình bày như là một quá trình, nghĩa là luôn luôn vận động, biến đổi, biến hóa và phát triển, và ông đã cố vạch ra mối liên hệ nội tại của sự vận động và sự phát triển ấy... ngược lại, nó là một quá trình phát triển của bản thân loài người, và nhiệm vụ của tư duy hiện nay là phải theo dõi bước tiến tuần tự của quá trình ấy qua tất cả những khúc quanh co của nó và chứng minh tính quy luật bên trong của nó qua tất cả những cái ngẫu nhiên bề ngoài”(2).
Lựa chọn nhóm Hêghen trẻ, C.Mác có cơ hội nắm được những giá trị tư tưởng của các nhà triết học trong lịch sử do Hêghen đã dày công tổng kết. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở đó thì không thể vượt qua và đi xa hơn Hêghen. C.Mác đã tổng kết thực tiễn và qua đó, ông hình thành được những quy chuẩn thực tiễn cho việc xây dựng lý thuyết triết học mới gần với thực tiễn và đi xa hơn so với Hêghen.
Yếu tố thực tiễn của thời đại chỉ là cơ sở để C.Mác xây dựng hệ thống lý luận triết học. Triết học gắn với tổng kết thực tiễn nhưng nếu phụ thuộc hoàn toàn vào thực tiễn thì tư tưởng triết học của Arítxtốt, Platôn, Khổng Tử, Lão Tử... không thể gây ảnh hưởng với xã hội hiện đại. Học thuyết triết học của C.Mác gắn với quá trình tổng kết thực tiễn vận động, biến đổi của CNTB, khái quát thành hệ thống những quy chuẩn thực tiễn để hình thành lý luận tổng quát về CNTB và hình thành học thuyết lý luận về CNXH.
Thứ hai, để khẳng định những vấn đề đã bị vượt qua và những vấn đề cần bổ sung, phát triển đòi hỏi phải dành thời gian và tập trung một cách nghiêm túc. Bởi lẽ, phải có một lượng những nhà nghiên cứu có trình độ để đọc, hiểu trực tiếp những nội dung lý luận mà C.Mác đã trình bày.
Hơn nữa, số lượng tác phẩm phải đọc và nghiền ngẫm là rất đồ sộ với rất nhiều sự kiện thực tiễn đã được phân tích. Cùng với đó phải quan tâm đến những phạm trù, những khái niệm về mặt ngữ nghĩa chuyên ngành cũng như quá trình chuyển ngữ sang tiếng Việt. Về mặt ngữ nghĩa, nhiều thuật ngữ triết học rất khó tìm được thuật ngữ tiếng Việt tương đương để dịch thuật(3).
Thứ ba, để phát triển lý luận triết học của C.Mác, cần tổng kết lý luận rồi mới tổng kết thực tiễn, xác định những vấn đề có tính chân giá trị khoa học làm nền tảng, kim chỉ nam cho việc ban hành chủ trương, đường lối.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: Phải học tập tinh thần của chủ nghĩa Mác - Lênin, học lập trường, quan điểm và phương pháp của chủ nghĩa Mác - Lênin để vận dụng vào tổng kết những kinh nghiệm của Đảng ta, phân tích một cách đúng đắn những đặc điểm của nước ta, “Có như thế, chúng ta mới có thể dần dần biết được quy luật phát triển của cách mạng Việt Nam, định ra được những đường lối, phương châm, bước đi cụ thể của cách mạng xã hội chủ nghĩa thích hợp với tình hình nước ta”(4). Chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh rất rõ ràng: Một là, tổng kết lý luận để nhận thức chân giá trị khoa học trong lý luận của chủ nghĩa Mác. Hai là, dùng kết quả của tổng kết lý luận đó làm công cụ định hướng cho tổng kết kinh nghiệm thực tiễn của Đảng. Ba là, dùng kết quả đó để định ra đường lối, phương châm... trong lãnh đạo của Đảng.
Kinh nghiệm cải cách thành công của Trung Quốc diễn ra đúng với lôgíc trên. Năm 1978, để chuẩn bị cho công cuộc cải tổ, Trung Quốc đã tổ chức hội thảo rất lớn với chủ đề “Thực tiễn là tiêu chuẩn duy nhất để kiểm nghiệm chân lý”. Với tinh thần giải phóng tư tưởng, thực sự cầu thị, tránh những giáo điều, máy móc của việc nhận thức chủ nghĩa Mác và CNXH như thời Mao Trạch Đông, bằng việc đánh giá lại vai trò của hệ quy chuẩn thực tiễn mà Đảng Cộng sản Trung Quốc đã xây dựng được con đường phát triển CNXH mang màu sắc Trung Quốc, hình thành nên lý luận Đặng Tiểu Bình, đồng thời giúp cho công cuộc cải cách, mở cửa và sự nghiệp hiện đại hóa thu được những thành tựu to lớn, được thế giới công nhận.
Như vậy, phát triển lý luận triết học bằng tổng kết lý luận song hành với tổng kết thực tiễn giúp cho Đảng đạt được hai mục tiêu rất quan trọng: Một là, để cho triết học Mác thực sự trở thành nền tảng thế giới quan và phương pháp luận cho sự lãnh đạo của Đảng trong điều kiện mới. Hai là, tự bản thân triết học Mác đã bỏ lại phía sau những luận điệu xuyên tạc, bóp méo, không có căn cứ khoa học. Việc phát triển đúng đắn lý luận triết học của C.Mác tự bản thân nó là hoạt động phản bác những quan điểm sai trái, thù địch hiệu quả nhất.
Thứ tư, sự sụp đổ của mô hình CNXH hiện thực kiểu cũ hay sự phát triển của mô hình CNTB đều không được những nhà nghiên cứu triết học cảnh báo sớm, mặc dù đó là chức năng quan trọng của triết học Mác.
Dù mô hình CNXH ở Liên Xô và Đông Âu đã sụp đổ nhưng không thể phủ nhận được những giá trị nhân văn, sức mạnh tinh thần và vật chất to lớn mà mô hình CNXH hiện thực cũ mang lại. Mô hình ấy đã trở thành chỗ dựa vững chắc cho phong trào công nhân, phong trào đấu tranh vì độc lập dân tộc và mục tiêu CNXH trên phạm vi quốc tế. Chính sự thành công này lại tạo ra hệ quả về sự bảo thủ, giáo điều trong nhận thức chân giá trị của chủ nghĩa Mác.
Trong nhiều nghị quyết Đại hội, Đảng ta đã nhắc đến vấn đề lý luận chưa theo kịp thực tiễn. Sự sụp đổ của CNXH ở nhiều nước xuất phát từ những nguyên nhân tự thân trong công tác lãnh đạo, quản lý của các đảng cộng sản và nhà nước XHCN. Nhưng cũng có nguyên nhân từ sự yếu kém của công tác lý luận, khi triết học không phải là công cụ, là kim chỉ nam, không nhận thấy và cảnh báo những hệ quả trong tương lai đối với hoạt động lãnh đạo, quản lý và với mô hình thực tế đang xây dựng.
2. Phát triển chân giá trị khoa học của triết học Mác
Với nguồn lực của đất nước ta hiện nay, nhiệm vụ tập trung vào phát triển chân giá trị khoa học của triết học Mác là rất cấp thiết. Trước tiên phải tránh cái nhìn thuần túy từ lăng kính chính trị hoặc chỉ căn cứ vào câu chữ mà không căn cứ vào nội dung thông điệp lý luận mà triết học Mác truyền tải. Các trường phái triết học được sinh ra không phải từ mảnh đất trống mà luôn thuộc về một khuynh hướng, một trường phái nhất định.
Đối với triết học của C.Mác cũng vậy, chúng ta phải đặt nó trong dòng chảy liên tục của triết học cổ điển Đức với những nhân vật mở đường là Cantơ, Senlinh, Phíchtơ, Hêghen... Rõ ràng, đây là lĩnh vực chuyên ngành hàn lâm thuần túy của những người nghiên cứu triết học Mác.
Thứ nhất, tính “mở” trong học thuyết triết học của C.Mác được các nhà triết học phương Tây thực hiện nhưng dưới sự chi phối của chính trị và lợi ích của CNTB. Việc chứng minh tính “mở” trong học thuyết triết học của C.Mác tại các nước theo mô hình CNXH chưa nhiều.
Sự nỗ lực của giới nghiên cứu triết học phương Tây nhằm xây dựng học thuyết triết học phản ánh đời sống đương đại đã làm xuất hiện nhiều trường phái triết học mới. Trong những trường phái triết học mới đó đều xuất hiện những nhánh “mácxít mới” do họ tìm thấy những nền tảng trong quan điểm triết học của mình được C.Mác đề cập(5). Chúng ta không thể quy hết những tư tưởng này vào nhóm xuyên tạc, bóp méo, chống phá triết học Mác. Nhiều học giả trên thực tế đã phát triển triết học Mác theo nhiều cách khác nhau. Có những lý do chủ quan, khách quan để những học giả này lảng tránh việc đề cập trực diện đến chính trị của CNTB, tuy nhiên không thể phủ nhận những nỗ lực để phát triển triết học Mác của họ(6). Điều này phản ánh một thực tế, chúng ta chưa nhận thức hết chân giá trị khoa học của chủ nghĩa Mác và nỗ lực phát triển nó cho phù hợp với những điều kiện mới trong xây dựng CNXH ở Việt Nam.
Thứ hai, những bài học sai lầm, chủ quan của đảng cộng sản cầm quyền ở Liên Xô và các nước Đông Âu trên thực tế có nguyên nhân từ sự nhận thức không đúng chân giá trị khoa học của triết học Mác và phát triển nó không đúng cách.
Nhìn lại sự đổ vỡ của Liên Xô và Đông Âu, từ nguy cơ mất vai trò lãnh đạo của đảng cộng sản cầm quyền, ta thấy gắn chặt với nhận thức của đảng cầm quyền về lý luận của chủ nghĩa Mác. Nguy cơ mất vai trò lãnh đạo của đảng cầm quyền đã được nhắc đến trong lý luận của V.I.Lênin về xây dựng đảng kiểu mới. V.I.Lênin đã thể hiện một tinh thần thực sự khoa học khi chuyển biến những nguyên lý lý luận của triết học Mác vào hoạt động chính trị thực tiễn trong xây dựng chế độ XHCN đầu tiên trong lịch sử nhân loại. Sự thoái hóa, biến chất của những đảng viên cộng sản đã được V.I.Lênin đề cập và cảnh báo chứng tỏ chúng ta đã xa rời lý luận Mác - Lênin hoặc hiểu không đúng nội dung lý luận mà ông muốn nói, trong đó có lý luận về đảng.
Bằng những lập luận khoa học, C.Mác cho rằng giai đoạn CNXH là giai đoạn thấp của quá trình tiến lên chủ nghĩa cộng sản. Trong giai đoạn thấp còn chứa những yếu tố hợp lý của CNTB. Vì vậy, sự xuất hiện các yếu tố của xã hội tư bản trong lòng CNXH, đặc biệt là những yếu tố của CNTB ở Việt Nam hiện nay là những vấn đề đã được học thuyết Mác về CNXH đề cập. C.Mác và V.I.Lênin - những người lãnh đạo quá trình xây dựng mô hình CNXH đầu tiên của loài người đã chỉ ra quá trình cải biến xã hội từ TBCN lên CNXH là quá trình lâu dài.
Có thể nói, chúng ta chưa thật sự tiếp cận và nhận thức đúng tư tưởng của các nhà kinh điển, ngay cả trong những tác phẩm đã được nhắc đến và nội dung của những tác phẩm này đã được triển khai giảng dạy lý luận chính trị như tác phẩm Phê phán cương lĩnh Gôta của C.Mác và Nhà nước và cách mạng của V.I.Lênin.
Các lý thuyết và lý luận làm cơ sở và nền tảng cho CNTB tồn tại, phát triển đã trải qua quãng thời gian phát triển rất lâu dài với sự đầu tư không nhỏ về nhân lực và nhiều điều kiện vật chất khác. Như vậy, ngay cả khi thừa nhận rằng sai lầm kéo dài trong đường lối của các đảng cộng sản cũng không thể giản đơn quy về sai lầm của học thuyết Mác và triết học Mác, mặc dù học thuyết Mác là cơ sở lý luận khoa học cho đường lối đó. Bởi vì, đường lối của một đảng cũng chỉ là sự vận dụng chủ nghĩa Mác trong những hoàn cảnh cụ thể của mỗi nước, mỗi đảng; nó phải thông qua lăng kính của chủ thể, dù chủ thể đó chưa nhận thức được hết nội dung khoa học hay phát triển học thuyết một cách đúng hướng.
Thứ ba, sự chậm chạp trong phát triển lý luận của C.Mác để giải đáp những vấn đề mới của thời đại tạo cơ hội cho các thế lực phản động chống phá, xuyên tạc.
Hiện nay có rất nhiều lý thuyết hiện đại được hình thành để làm công cụ định hướng cho việc giải quyết những vấn đề mới phát sinh trong lòng CNTB. Những lý thuyết của các nhà kinh tế, chính trị và nhà tư tưởng... thực chất là nhằm cung cấp công cụ để giải quyết những vấn đề phát sinh, phát triển của CNTB. Trong khi đó, những người nghiên cứu, bảo vệ lý luận khoa học Mác - Lênin lại chưa có những nghiên cứu, những cảnh báo sớm cho đảng, nhà nước để xây dựng những nền tảng tư tưởng cho lãnh đạo, quản lý đất nước trong thế giới đầy biến động.
3. Định hướng phát triển chân giá trị khoa học của triết học Mác nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Thứ nhất, nhận thức những chân giá trị khoa học của triết học Mác bằng cách so sánh lý thuyết và tăng cường tổng kết thực tiễn.
Trong suốt tiến trình lịch sử của triết học Mác ở Việt Nam, chúng ta tương đối thống nhất trong quan điểm về nội dung khoa học. Sự thay đổi, nếu có, chỉ là những cách hiểu mới, mềm dẻo hơn để phù hợp với thực tiễn. Sự thống nhất quan điểm thể hiện ngay từ những vấn đề cơ bản như phân chia các giai đoạn phát triển của triết học Mác. Từ năm 1848 trở về trước thường được coi là giai đoạn hình thành triết học Mác. Sau năm 1848 (sau Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản) được coi là giai đoạn phát triển. Cùng với sự phân chia thành hai giai đoạn này là quan điểm cho rằng C.Mác và Ph.Ăngghen thực hiện bước chuyển hết sức khó khăn từ chủ nghĩa duy tâm sang chủ nghĩa duy vật biện chứng, từ tôn giáo (C.Mác vốn là người sùng Thiên Chúa) đến chủ nghĩa vô thần khoa học; từ lập trường dân chủ cách mạng đến lập trường cộng sản.
Ở phương Tây, sau cuộc tranh luận giữa Ađonơ và Authútsơ về phân chia giai đoạn “Mác trẻ” và “Mác già” thì hiện nay, hầu hết các nhà triết học cho rằng không có sự phân định thành hai giai đoạn, chỉ có một lý thuyết triết học thống nhất cả trước và sau(7). Sự so sánh khác biệt trong tiếp cận lý luận ở đây bộc lộ chỉ dấu quan trọng nhằm định hướng trong vấn đề nhận thức chân giá trị khoa học để tiếp tục phát triển triết học C.Mác.
(1) Ở phương Tây, khi cuốn Bản thảo kinh tế - triết học 1844 được xuất bản, các nhà triết học đã thống nhất rằng quá trình xây dựng lý luận triết học của C. Mác là thống nhất, không có bước chuyển nào trong xây dựng học thuyết triết học. Bản thảo kinh tế - triết học 1844 là cầu nối tuyệt vời giữa hai giai đoạn trong toàn bộ tiến trình hình thành triết học Mác. Thông qua tác phẩm, các nhà triết học phương Tây có quan điểm chung rằng tiếp cận chủ thể và hoạt động hiện thực hóa của chủ thể là trào lưu chung của triết học cổ điển Đức được C.Mác tiếp tục và ông trở thành nhân vật trung tâm của phương Tây trong giải quyết những vấn đề của thực tiễn xã hội đương đại(8). Trong Bản thảo kinh tế - triết học 1844, C.Mác chưa thể trình bày đầy đủ lập trường duy vật lịch sử nhưng nó là khớp nối thống nhất giữa giai đoạn trước và sau. Những tác phẩm lý luận sau này của C.Mác và Ph.Ăngghen là sự triển khai cụ thể những tư tưởng về chủ thể hoạt động hiện thực hóa để đi đến đích cuối cùng là tư tưởng giải phóng con người và loài người trong học thuyết về chủ nghĩa cộng sản.
(2) Khi thực tiễn vận động đến thời điểm cần phải tổng kết để hoàn thiện lý luận, C.Mác tập trung vào tổng kết thực tiễn chứ không hẳn là chuyển đổi quan điểm và lập trường.
Những năm cuối thập kỷ 1840 và tiếp sang nửa sau thế kỷ XIX, những cuộc đấu tranh giai cấp, đấu tranh cách mạng sôi động đã cuốn hút tâm lực của C.Mác và Ph.Ăngghen, thì bản chất của việc C.Mác phân tích về con người và những vấn đề khác (như tôn giáo) thực chất là những hoạt động hiện thực hóa của các chủ thể trong bối cảnh ảnh hưởng của hệ thống thể chế kinh tế và chính trị với tư cách là những nhân tố chính liên quan đến hoạt động hiện thực hóa của chủ thể. Như vậy, khi thực tiễn có nhiều biến động, khi xuất hiện nhiều vấn đề mới trong đời sống xã hội thì đó là lúc chúng ta cần phải tập trung cho tổng kết thực tiễn, khái quát và đối chiếu nó với những lý luận là chân giá trị khoa học để hoàn thiện lý luận làm công cụ nền tảng, kim chỉ nam cho sự lãnh đạo của Đảng.
Thứ hai, tập trung tổng kết thực tiễn biến đổi của hệ thống các thể chế kinh tế và chính trị trong xã hội đương đại.
Nửa sau thế kỷ XIX là thời điểm mà C.Mác tổng kết thực tiễn rất nhiều để đối chiếu với những lý luận triết học mà mình đang xây dựng. Về cơ bản, C.Mác tập trung vào tổng kết vai trò, sự ảnh hưởng của hệ thống các thể chế kinh tế, chính trị đối với sự biến đổi của CNTB. Những tổng kết thực tiễn của C.Mác ở thời kỳ này là rất quan trọng trong việc hoàn thiện lý luận triết học về CNXH như: Phê phán cương lĩnh Gôta, Đấu tranh giai cấp ở Pháp 1948 - 1950, Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản...
Xã hội ngày nay xuất hiện nhiều hiện tượng, nhiều vấn đề xã hội mới nảy sinh chưa từng có ở thời kỳ Mác và chưa được Mác dự báo hay nhắc đến nhưng về cơ bản, đó là những vấn đề thuộc về sự biến đổi của hệ thống thể chế kinh tế và thể chế chính trị, ảnh hưởng của sự biến đổi đó đối với sự biến đổi của CNTB. Những vấn đề thường được đề cập đến là: nhà nước pháp quyền trong CNTB, nền kinh tế thị trường, xu thế toàn cầu hóa mở rộng của CNTB, về cách mạng xã hội, chiến tranh, giai cấp và đấu tranh giai cấp, về tính đảng của hệ tư tưởng, của văn hóa, v.v.. Như vậy, tổng kết thực tiễn sự biến đổi của CNTB hiện nay là công việc rất cần thiết để hoàn thiện lý luận về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam.
Thứ ba, hoàn thiện hệ thống lý luận, định hướng cho sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước hiện nay, tiếp cận của triết học chính là vì sự tồn tại và phát triển của lý luận triết học Mác ở Việt Nam.
Nếu chân giá trị của triết học Mác không được nghiên cứu một cách khoa học, trên thực tế, sẽ trở thành nhận thức một chiều, cố né tránh những vấn đề phức tạp, những mâu thuẫn (vốn luôn có) của xã hội trong “bảo vệ” chủ nghĩa Mác - Lênin, “bảo vệ” đường lối, quan điểm của Đảng.
Sự xuất hiện những khuynh hướng phê phán, bóp méo, xuyên tạc tràn lan, một chiều, giản đơn, tào lao, vụn vặt... chỉ chứng minh rằng công tác tư tưởng, lý luận chưa chạm đến những vấn đề căn bản, cốt lõi của chủ nghĩa Mác trên tinh thần khoa học (từ cách nghĩ, cách làm, kinh nghiệm, lý luận đến thành tựu trong đường lối của Đảng, trong thực tiễn của đất nước).
Sự lắp ghép tùy tiện lý thuyết của C.Mác với lý thuyết của xã hội học hiện đại được nhiều người nghiên cứu triết học Mác - Lênin thực hiện, như gắn lý thuyết phân tầng xã hội với lý thuyết giai cấp, thuyết xung đột xã hội với thuyết đấu tranh giai cấp... Tất nhiên, cần rất nhiều thời gian, công sức và cả tầm trí tuệ nhất định mới tìm ra những thiếu sót đó. Song, vấn đề là những người làm công tác này thường ít chú ý phương pháp lịch sử và có phần xa rời chân lý cụ thể.
Để phát triển triết học Mác, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, cần phát huy dân chủ trong nghiên cứu lý luận. Không có dân chủ thì không có khoa học, không có sáng tạo, nhưng dân chủ trong khoa học lý luận, nhất là lý luận - tư tưởng khác với các khoa học khác. Tuy nhiên, đối với triết học Mác, bản chất khoa học và mục tiêu của nó đã là chính trị, mốì liên hệ của nó với sự tồn vong của Đảng, của chế độ chặt chẽ hơn. Khi trận địa triết học Mác bị suy yếu, đó là dấu hiệu cho sự suy yếu trong nền tảng tư tưởng của Đảng, dẫn đến những hậu quả khó lường hơn.
_________________
(1) M.Guâybơ đã từng tuyên bố dành cả đời mình để xây dựng lý thuyết thách thức với lý thuyết của C.Mác. Tuy nhiên, trong hồi ký cuối đời, ông tự cho rằng, có lẽ những trình bày lý thuyết mà ông đã làm có tiền đề từ C.Mác và chính Habơmác, học trò của Guâybơ đã xếp ông là người mácxít.
(2) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.20, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2002, tr.39-40.
(3) Nhiều nhà nghiên cứu đã nhắc đến việc dịch thuật thuật ngữ, định nghĩa giai cấp của V.I.Lênin như: Giai cấp là “tập đoàn to lớn gồm những người...” (hệ quả là hiểu giai cấp cứng nhắc, các thành viên trong một giai cấp phải cào bằng, giống nhau) và giai cấp là “những tập đoàn to lớn gồm những người...” (tức là một giai cấp có nhiều tập đoàn người, và mỗi tập đoàn người này có một địa vị giống nhau; một giai cấp vẫn có thể phân chia tầng lớp, thứ bậc...). Hoặc là cách nói “nghịch đảo mệnh đề” trong ngôn ngữ chung của thời Mác về sự tồn tại của hai mệnh đề đối lập nhau (nhưng tạo thành những mệnh đề cần và đủ) để phản ánh đầy đủ về một sự vật, hiện tượng đã bị chúng ta đối lập tuyệt đối giữa phép biện chứng của Hêghen với phép biện chứng duy vật của Mác.
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.11, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.XI.
(5) Triết học phương Tây hiện đại có các trường phái như: triết học phân tích, tương ứng với nó là nhánh chủ nghĩa Mác phân tích; chủ nghĩa cấu trúc, có nhánh tương đương là chủ nghĩa Mác cấu trúc...
(6) Phương Lựu: Tư tưởng văn hóa, văn nghệ của chủ nghĩa Mác phương Tây, Nxb Thế Giới, 2008.
(7) Espen Hammer: Epistemology and Self-Reflection in the Young Marx, trong cuốn sách Debates in Nineteenth-Century European Philosophy, Nxb Routledge, 2015.
(8) Tom Rockmore: Marx’s Dream: From Capitalism to Communism (trong bài: Marx on theory, practice, and changing the world, tr.39), University of Chicago Press, 2018.
http://lyluanchinhtri.vn/home/index.php/bai-noi-bat/item/5014-phat-trien-triet-hoc-mac-lenin-de-bao-ve-nen-tang-tu-tuong-cua-dang.html
TS PHẠM ANH HÙNG
Viện Triết học,
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh