Trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 , tầm nhìn đến năm 2030, Điện Biên được xem là một trong những tỉnh tiềm năng, thích hợp để phát triển du lịch trọng điểm của vùng Tây Bắc nói riêng và cả nước nói chung.
Một góc Điện Biên nhìn từ trên cao.
Điện Biên là một tỉnh biên giới thuộc miền núi phía Tây Bắc của Tổ quốc, nơi đây có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ với địa hình và hệ sinh thái đa dạng như Hồ Pa Khoang, khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé, rừng Mường Phăng, động Pa Thơm, hang Thẩm Púa,... Ngoài ra, còn có một vài nguồn tài nguyên du lịch tiềm năng khác như các điểm suối khoáng U Va, Hua Pe có nguồn nước khoáng nóng tự nhiên, có nguồn văn hóa, bản sắc cực kỳ đa dạng và thú vị của 19 anh em dân tộc địa phương.
Suối khoáng nóng Hua Pe - Nguồn ảnh: tripzone.vn
Nhờ có những ưu thế trên, trong những năm vừa qua, nhiều Chương trình, Đề án, Quy hoạch liên quan đến việc phát triển du lịch đã được thông qua. Đặc biệt, vào ngày 24/8/2015 dự án quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Điện Biên Phủ - Pá Khoang tỉnh Điện Biên đến năm 2020 tầm nhìn 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ đưa ra Quyết định phê duyệt. Qua đó, UBND tỉnh đã tổ chức triển khai, quyết tâm đưa khu du lịch Pá Khoang trở thành điểm du lịch trọng tâm để phát triển kinh tế.
Hồ Pá Khoang - tỉnh Điện Biên - Nguồn ảnh: Ximgo
Kết hợp với các hoạt động xúc tiến du lịch, bên cạnh đó, ngành du lịch tỉnh Điện Biên cũng cần tập trung quảng bá, xây dựng và phát triển thêm thế mạnh của các loại hình du lịch đa dạng khác như văn hóa, lịch sử, du lịch sinh thái, cộng đồng, lễ hội và tâm linh. Đưa những sản phẩm du lịch đặc sắc, chất lượng cao đến với du khách, đóng góp vào công cuộc thúc đẩy, phát triển ngành kinh tế du lịch mũi nhọn của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung.
Bên cạnh đó, một trong những lợi thế vượt trội, giúp tỉnh Điện Biên có ưu thế hơn hẳn so với những tỉnh thành khác chính là việc mở đường bay. Đây là một sự kiện lớn, có đóng góp không nhỏ vào sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế du lịch ngày càng vững mạnh hơn. Ngoài ra, ngành du lịch Điện Biên hiện đang triển khai thêm kế hoạch mở rộng, kết nối để thiết lập tuyến du lịch đường thủy trên sông Đà. Theo thông tin được biết, tuyến du lịch này sẽ đi qua các tỉnh Tây Bắc như Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu. Nếu ổn định, chính quyền địa phương dự tính sẽ liên kết thêm tuyến du lịch quốc gia Hà Nội - Hoà Bình - Sơn La - Điện Biên - Lai Châu - Sa Pa - Lào Cai…
Cảng hàng không Điện Biên Phủ.
Tuy nhiên, song song với những lợi thế sẵn có thì Điện Biên vẫn còn nhiều vấn đề bất cập cần phải giải quyết như sau: Là tỉnh biên giới, vị trí địa lý phức tạp nên giao thông đi lại rất khó khăn, cách xa nhiều tỉnh thành phát triển nên đôi khi, sự liên kết để mở rộng, phát triển du lịch còn gặp nhiều hạn chế. Không chỉ có vậy, ở nhiều thôn, bản trong tỉnh, giáo dục và cơ sở vật chất, đường xá còn nghèo nàn, lạc hậu. Được đánh giá là ở mức thấp so với khu vực miền Bắc và cả nước.
Hiện tại, tỉnh Điện Biên cũng chưa áp dụng nhiều chính sách, cơ chế phù hợp nên việc thu hút, kêu gọi đầu tư còn gặp khó khăn; các loại hình vui chơi, giải trí, địa điểm nghỉ dưỡng còn chưa đa dạng và sáng tạo. Trong khi đó, đại bộ phận các doanh nghiệp du lịch trong địa bàn đều chỉ kinh doanh trên mô hình manh mún, nhỏ lẻ, chưa có tính liên kết, đầu tư cao; các hoạt động tổ chức du lịch, công ty du lịch lữ hành còn ít; công tác quy hoạch, rà soát tiến độ xây dựng ở các điểm tập trung, khu du lịch còn chậm và gặp nhiều hạn chế.
Đặc biệt, trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 biến đổi liên tục như hiện nay, không chỉ riêng tỉnh Điện Biên mà trên cả nước và quốc tế, ngành du lịch đã bị tác động và ảnh hưởng xấu nặng nề. Nhiều doanh nghiệp do không chịu nổi áp lực kinh tế nên đã phải đóng cửa, ngừng kinh doanh; một số công trình, dự án du lịch phải tạm dừng, chưa biết bao giờ mới hoàn thành, qua thời cơ thích hợp thì các giá trị trong dự án cũng bị giảm xuống theo đó; nhiều lao động tại địa phương phải chịu cảnh thất nghiệp do cắt giảm lao động dẫn đến tình trạng đói nghèo ngày càng xảy ra nghiêm trọng. Do đó, để đảm bảo an sinh xã hội, ổn định kinh tế thì bắt buộc chính quyền địa phương phải có những giải pháp thích hợp để khắc phục. Gắn liền kinh tế du lịch địa phương với những ngành khác liên quan như công nghiệp, dịch vụ và nông - lâm nghiệp trong tỉnh Điện Biên.
Điểm tham quan du lịch đồi A1 tại tỉnh Điện Biên trước khi xảy ra dịch bệnh Covid - 19.
Với mục tiêu khắc phục khó khăn và phát huy tối đa những giá trị tiềm năng của địa phương. Ngành du lịch tỉnh Điện Biên đã đặc biệt chú trọng và quan tâm đến chất lượng nguồn nhân lực, phục vụ trong ngành công nghiệp dịch vụ và du lịch. Bởi đây là một nhân tố quan trọng trong quá trình chuyển hóa và thay đổi cơ cấu ngành. Ngành du lịch tỉnh đã tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh về việc cử cán bộ, công chức, nhân viên đi đào tạo nghiệp vụ, học hỏi và rèn luyện thêm ở trong và ngoài nước để có thêm kiến thức, đáp ứng được nhu cầu hội nhập kinh tế du lịch quốc tế. Đồng thời, tận dụng và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao bên ngoài, đặc biệt là những sinh viên tiềm năng, tốt nghiệp từ các trường du lịch, ngoại ngữ; mở thêm các lớp đào tạo chứng chỉ, nghiệp vụ và kỹ năng theo tiêu chuẩn nghề Việt Nam, tiêu chuẩn nghề ASEAN cho những người đam mê và mong muốn được học hỏi.
Tăng cường chiến lược phối hợp với các ngành đầu tư, hỗ trợ người dân, đưa các sản phẩm nông nghiệp chất lượng gắn du lịch trải nghiệm đạt tiêu chuẩn OCOP đến với khách du lịch cả trong và ngoài nước; triển khai các hoạt động du lịch kết hợp với thể thao như chơi golf, đua thuyền, chơi dù lượn, hiking, trekking, đạp xe địa hình, chèo thuyền kayak…
Tổ chức các cuộc thi tranh biện, thi văn hóa, tay nghề, ngày hội việc làm, ngày hội tuyển dụng với chủ đề chính là du lịch, kinh doanh nhà hàng và khách sạn; đề ra các giải pháp tăng cường kết nối giữa các trường đại học và doanh nghiệp. Khuyến khích cả hai cùng tăng cường giải pháp đào tạo nhân lực tại chỗ, tạo ra nguồn nhân lực chất lượng và cơ hội việc làm mới cho những sinh viên mới ra trường. Từ đó, giải quyết được thêm các vấn nạn việc làm, giảm tải gánh nặng cho nhà trường, doanh nghiệp và địa phương trong thời điểm dịch bệnh khó khăn như hiện tại./.