Bên cạnh hỗ trợ hướng dẫn viên du lịch vượt qua khó khăn, ngành du lịch cũng đẩy mạnh tiêm vaccine cho đội ngũ hướng dẫn viên, xây dựng chương trình kích cầu du lịch để sớm phục hồi du lịch sau dịch.
Hơn một năm qua, do tác động rộng lớn từ dịch COVID-19 mà du lịch Việt Nam đang phải đối mặt với những khó khăn chưa từng có. Hầu hết các công ty lữ hành buộc phải tạm ngừng hoạt động, hướng dẫn viên không có việc làm, cơ sở lưu trú, nhà hàng, dịch vụ vui chơi giải trí phải đóng cửa để cùng cả nước chung tay chống dịch. Tuy vậy, toàn ngành vẫn có những bước chuẩn bị nhất định để khôi phục hoạt động trở lại khi dịch bệnh được kiểm soát hoàn toàn.
Những việc làm này cũng góp phần tích cực thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và đảm bảo an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
Ảnh minh họa
Hỗ trợ hướng dẫn viên du lịch vượt qua khủng hoảng
Theo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tổng số lượng hướng dẫn viên du lịch đã được cấp thẻ trên toàn quốc hiện nay là hơn 26.721 người. Trong đó có 16.965 hướng dẫn viên du lịch quốc tế, 8.743 hướng dẫn viên du lịch nội địa và 1.013 hướng dẫn viên du lịch tại điểm.
Do tác động của dịch COVID-19, thiệt hại của ngành du lịch trong năm 2020 ước tính là hơn 20 tỷ USD, khoảng 40-60% lao động ngành du lịch bị mất việc làm hoặc cắt giảm ngày công. Khoảng 95% doanh nghiệp lữ hành quốc tế ngừng hoạt động.
Nhiều khách sạn phải đóng cửa, công suất sử dụng phòng có thời điểm chỉ đạt từ 10-15%. Sự ngưng trệ của hoạt động du lịch do dịch bệnh đã tác động sâu rộng tới các ngành liên quan và đời sống xã hội như hàng không, lưu trú, ăn uống.
Điều này cũng có nghĩa là rất nhiều người lao động trong ngành du lịch, nhất là các hướng dẫn viên đã gặp khó khăn vì không có việc làm do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và họ cần được hỗ trợ kịp thời.
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 23/2021/QĐ-TTg thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, trong đó có hướng dẫn viên du lịch.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng ban bành công văn về việc triển khai thực hiện Quyết định số 23; Quyết định số 2222/QĐ-BVHTTDL công bố thủ tục hành chính hỗ trợ hướng dẫn viên du lịch bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.
Tổng cục Du lịch cũng có công văn hướng dẫn việc thực hiện chính sách hỗ trợ hướng dẫn viên du lịch gặp khó khăn; mở chuyên mục “Chính sách hỗ trợ” trên cổng thông tin điện tử để cập nhật chính sách và kết quả triển khai hỗ trợ hướng dẫn viên du lịch của các địa phương.
Kinh phí hỗ trợ với hướng dẫn viên du lịch gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo quy định tại điểm 9 Mục II, Nghị quyết số 68 là 3.710.000/đồng/người, theo phương thức chi trả một lần.
Trên cơ sở đó, đến nay, nhiều tỉnh, thành phố đã ban hành văn bản gửi các doanh nghiệp du lịch, hướng dẫn viên du lịch, hội hướng dẫn viên du lịch và các cơ quan liên quan để triển khai thực hiện như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Nghệ An, Bình Định, Hà Tĩnh, Phú Yên, Cần Thơ, Tiền Giang, Sóc Trăng, Bà Rịa- Vũng Tàu, Tây Ninh…
Một số địa phương đã nhận được hồ sơ đề nghị từ các hướng dẫn viên và nhanh chóng xem xét, có văn bản phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ hướng dẫn viên được cấp thẻ hành nghề bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Lê Phúc, chính sách hỗ trợ trong Nghị quyết 68 của Chính phủ đã thể hiện sự quan tâm, đồng hành, hỗ trợ của Chính phủ đối với ngành du lịch, đặc biệt là đội ngũ hướng dẫn viên du lịch trước tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19.
Đặc biệt về thủ tục hành chính đã được cắt giảm tối đa nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất. Thứ nhất là đơn giản hóa thủ tục đề nghị hỗ trợ, quy định 1 cửa tiếp nhận và giải quyết hồ sơ cho hướng dẫn viên du lịch là Sở quản lý du lịch ở địa phương.
Hai là, đơn giản hóa hồ sơ đề nghị, chỉ gồm 2 loại (giấy đề nghị và hợp đồng lao động hoặc thẻ hội viên); tiếp theo là cắt giảm thời gian thẩm định chỉ còn 4 ngày. Cuối cùng là hình thức nhận hỗ trợ sẽ được trực tiếp chuyển vào tài khoản của hướng dẫn viên; nhận qua bưu điện hoặc trực tiếp.
Bên cạnh đó, theo Quyết định 23, khoảng thời gian nhận hồ sơ đề nghị hỗ trợ kéo dài 6 tháng (từ ngày 7/7/2021 đến hết ngày 31/1/2022), để hướng dẫn viên du lịch hoàn thiện hồ sơ, nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ.
Ông Lê Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Đại dịch COVID-19 đã có tác động nặng nề tới hoạt động của ngành du lịch. Đáng lo ngại nhất là gần như tất cả các doanh nghiệp lữ hành đều tạm ngừng hoạt động. Khách sạn đóng cửa vì không có khách, rao bán hàng loạt. Nhân lực lao động trước thì không đủ để phục vụ khách, nay không có việc, thất nghiệp hoặc chuyển nghề.
Việc rời bỏ nghề du lịch chuyển sang hoạt động trong lĩnh vực khác trong bối cảnh hiện nay khác biệt với biểu hiện “nhảy việc” thông thường trong lĩnh vực du lịch, trước đây người “nhảy việc” hầu như vẫn hoạt động trong ngành, chỉ chuyển từ doanh nghiệp này sang doanh nghiệp khác.
Tình trạng này dẫn đến việc thất thoát nhân lực trầm trọng đối với lĩnh vực du lịch và là một hiện tượng chưa từng có tiền lệ. Có lẽ chưa bao giờ, ngành du lịch gặp phải hiện trạng như hiện nay. Từ năm 2020, hàng trăm nghìn lao động đã phải xin trợ cấp thất nghiệp. Ngành du lịch hy vọng chính sách hỗ trợ của Chính phủ cho các hướng dẫn viên có thể hạn chế được sự “chảy máu” nhân lực đang diễn ra và giúp ngành vượt qua được cuộc khủng hoảng nhân lực phải đối diện trong tương lai.
Chuẩn bị cho sự trở lại sau dịch COVID-19
Trong Nghị quyết 84, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, về du lịch được giao nhiệm vụ chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch đẩy mạnh hoạt động xúc tiến du lịch cấp quốc gia; phối hợp với các hiệp hội nghề nghiệp về du lịch xây dựng và triển khai Chương trình kích cầu du lịch nội địa; tăng cường truyền thông, quảng bá, tiếp thị, phát triển các sản phẩm mới để thu hút khách trong nước và quốc tế (trước mắt tập trung thu hút khách du lịch từ các quốc gia đã kiểm soát được dịch bệnh).
Theo nhiều chuyên gia du lịch, đại dịch COVID-19 đã làm thay đổi hoàn toàn từ nhận thức, cơ cấu thị trường, hệ thống dịch vụ... của mảng du lịch nước ngoài. Du lịch là ngành đầu tiên bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch nhưng cũng là một trong những ngành có khả năng sớm phục hồi.
Trong tình hình thị trường du lịch nước ngoài và khách quốc tế gần như không thể khai thác được, thị trường du lịch nội địa đang trở thành chủ lực trong phục hồi của ngành du lịch Việt Nam.
Do đó, dù dịch COVID-19 ở Việt Nam đang diễn biến phức tạp nhưng ngành du lịch Việt Nam vẫn luôn nỗ lực chuẩn bị các điều kiện cần thiết nhất để phục hồi trở lại ngay khi dịch bệnh được kiểm soát. Một vấn đề mà các chuyên gia du lịch cho rằng cần phải thực hiện ngay từ giai đoạn này để đón đầu làn sóng du lịch sau COVID-19 là phải tiêm vaccine phòng bệnh cho những người làm trong ngành du lịch.
Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng phải coi những người làm trong ngành du lịch là những chiến sỹ tuyến đầu trên mặt trận kinh tế. Do đó, cần nâng cao tỷ lệ tiêm vaccine phòng COVID-19 cho những người lao động trong ngành du lịch, trang bị cho họ vũ khí để họ hoạt động và khách du lịch khi đến Việt Nam cũng an tâm vì được bảo vệ an toàn.
Rất nhiều doanh nghiệp du lịch nêu ý kiến mong muốn du lịch sớm hồi phục, nhưng trước hết cần đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine toàn dân, tạo miễn dịch cộng đồng càng sớm càng tốt. Hiện đã có một số địa phương tiến hành tiêm vaccine cho lực lượng lao động trong ngành du lịch.
Ví dụ như tỉnh Quảng Ninh, đến nay tổng số liều vaccine phòng COVID-19 đợt V được tỉnh phân bổ tiêm cho lao động ngành du lịch là 6.853 liều, trong đó đã sử dụng 6.758 liều. Số lao động ngành du lịch toàn tỉnh đã được tiêm là 7.043 trong tổng số 8.338 người đăng ký (đạt 76%)...
Ông Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Sở Du lịch cho biết, việc tiêm vaccine phòng COVID-19 là nhu cầu chính đáng, là giải pháp bền vững nhất để kiểm soát dịch bệnh, tạo nền tảng vững chắc, ổn định hoạt động du lịch nội tỉnh hiện nay và mở rộng ra các thị trường lớn hơn sau này.
Theo các chuyên gia, ngoài việc tiêm vaccine cho lực lượng lao động, các doanh nghiệp du lịch, đơn vị tạo ra sản phẩm cung ứng du lịch cần tạo ra những sản phẩm độc đáo, không đi theo lối mòn. Đặc biệt, thay vì như trước đây chỉ cạnh tranh về giá thì ngay bây giờ ngành du lịch phải thay đổi nhanh chóng và tập trung sâu sắc hơn về “chất” của sản phẩm.
Trong dự thảo Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII, Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025 và Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030 trong lĩnh vực du lịch đã đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp du lịch phục hồi trong bối cảnh tác động của dịch COVID-19 và phát triển du lịch trong 5 năm tới.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thiết kế Chương trình hành động phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025 theo hướng đưa ra các giải pháp mang tính căn cơ để khắc phục sau khi dịch bệnh được đẩy lùi. Tiếp đến là thay đổi trong cách tư duy và tiếp cận. Đó là cơ cấu lại thị trường du lịch, tính toán để cân bằng lại thị trường khách quốc tế và nội địa để đi bằng hai chân, có tính bền vững, có trọng tâm, trọng điểm, có ưu tiên và lộ trình; không lựa chọn tỷ lệ lượt khách đến mà tính toán khả năng chi tiêu của khách khi đến, đóng góp cho phát triển kinh tế./.