VNHNO - Trong quá trình lãnh đạo, Đảng ta luôn quan tâm xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện; trong đó, chăm lo đời sống, nâng cao sức khỏe cho nhân dân là nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu. Trước yêu cầu mới của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đòi hỏi phải quan tâm hơn nữa đến chăm sóc thể lực con người Việt Nam.
Ảnh minh hoạ
Đảng và Nhà nước ta luôn nhận thức rõ: “Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khỏe mới làm thành công. Mỗi một người dân yếu ớt, tức là cả nước yếu ớt, mỗi một người dân mạnh khỏe tức là cả nước mạnh khỏe”. Cho nên, khi mới giành được chính quyền, mặc dù còn bộn bề những khó khăn, nhưng Đảng và Bác Hồ đã đề ra nhiều biện pháp kịp thời chăm lo sức khỏe cho nhân dân. Đồng thời, kêu gọi nhân dân tích cực tập thể dục, vì: “Việc đó không tốn kém, khó khăn gì. Gái trai, già trẻ ai cũng nên làm và ai cũng làm được. Mỗi ngày lúc ngủ dậy, tập một ít thể dục. Ngày nào cũng tập thì khí huyết lưu thông, tinh thần đầy đủ, như vậy là sức khỏe”.
Cùng với đó, Chính phủ tổ chức ra Nha Thể dục trực thuộc Bộ Giáo dục “mục đích là để khuyên và dạy cho đồng bào tập thể dục, đặng giữ gìn và bồi đắp sức khỏe”3. Nhờ cách làm này, quân và dân ta không những có đủ thể lực bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ, mà còn càng đánh càng mạnh, bền bỉ, dẻo dai, dù ăn “cơm vắt” nhưng vẫn “khoét núi, ngủ hầm” trong cảnh “mưa dầm” để làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.
Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, được sự viện trợ, giúp đỡ của bạn bè trên thế giới, Đảng và Nhà nước ta đã tích cực xây dựng mạng lưới y tế rộng khắp, đồng bộ để chăm sóc cho nhân dân và bộ đội có sức khỏe sản xuất, đánh giặc. Với quan điểm, “Sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và củng cố quốc phòng đòi hỏi phải phát triển rộng rãi mạnh mẽ phong trào thể dục thể thao nhằm góp phần cải thiện thể chất, tăng cường nghị lực và sức khỏe cho nhân dân”, Đảng ta đã khuyến khích, thúc đẩy phong trào thể dục, thể thao phát triển trong toàn xã hội và trong Quân đội, nên đã làm thay đổi thể chất con người Việt Nam, nâng cao sức mạnh chiến đấu, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Những thành tựu về chăm sóc sức khỏe dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ cũng đã góp phần ổn định đời sống xã hội, tạo niềm tin của quần chúng đối với chế độ trong những năm đất nước thống nhất và thời kỳ đầu của sự nghiệp đổi mới. Đến năm 1992, trước thực trạng “... trong lĩnh vực sức khỏe còn tồn tại những vấn đề rất lớn. Nổi lên là thể lực phát triển chậm, tỷ lệ người suy dinh dưỡng, mắc bệnh nhiễm khuẩn và nhiễm ký sinh trùng cao...”, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa VII) “Những vấn đề cấp bách về chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân trong tình hình hiện nay”, Đảng ta đã kịp thời đề ra các chính sách và giải pháp đúng đắn, có tính khả thi, nên sau 25 năm thực hiện “công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân đã đạt được những kết quả to lớn, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”; trong đó, các chỉ số sức khỏe, tuổi thọ bình quân được cải thiện. Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá là điểm sáng về thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc.
Tuy nhiên, “công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Chất lượng môi trường sống, làm việc, chế độ dinh dưỡng, rèn luyện thân thể, văn hóa tinh thần… ở nhiều nơi chưa được chú trọng, bảo đảm”; “Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi còn cao. Tầm vóc người Việt Nam chậm được cải thiện”. Theo Báo cáo quốc gia về thanh niên Việt Nam lần thứ nhất do Bộ Nội vụ phối hợp với Quỹ dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNFPA) nghiên cứu, xây dựng thì tính đến năm 2014, tình trạng sức khỏe thể chất, chiều cao trung bình của nam giới Việt Nam chỉ đạt 164,4 cm (thấp hơn 13 cm so với chuẩn), chiều cao trung bình nữ Việt Nam là 153,4 cm (thấp hơn 10 cm so với chuẩn). So với các nước trong khu vực, chiều cao của thanh niên Việt Nam cũng thấp hơn 5 - 8 cm.
Báo cáo kết quả Tổng điều tra dinh dưỡng toàn quốc 2009 - 2010 của Bộ Y tế cho thấy, tình trạng thiếu năng lượng của thanh niên trong độ tuổi 20 - 24 là 22,9% (nam thanh niên là 17,2% và nữ thanh niên là 27,7%). Về sức bền chung và chỉ số công năng tim trong vận động, thanh, thiếu niên của Việt Nam cũng còn kém so với thanh, thiếu niên Nhật. Như vậy, tố chất thể lực, đặc biệt là sức bền và sức mạnh của thanh niên Việt Nam còn hạn chế so với chuẩn quốc tế. Đây là vấn đề ảnh hưởng tới nguồn nhân lực tương lai của đất nước.
Toàn cảnh bế mạc Hội nghị lần thứ Sáu Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa XII
Vì vậy, để nâng cao thể lực con người Việt Nam, đáp ứng nguồn nhân lực xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, các cấp, ngành, tổ chức chính trị - xã hội và mỗi người dân Việt Nam cần phải quán triệt sâu sắc, thực hiện tốt những nhiệm vụ, giải pháp đã đề cập trong Nghị quyết 20-NQ/TW “Về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới” do Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) ban hành ngày 25-10-2017. Trong đó, tập trung vào những vấn đề trực tiếp ảnh hưởng đến thể lực, như: chế độ dinh dưỡng, thể dục, thể thao, lối sống lành mạnh, vệ sinh và môi trường sống.
Muốn vậy, cấp ủy, chính quyền các cấp phải tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả các đề án, chương trình về nâng cao sức khỏe và tầm vóc người Việt Nam, như: Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam từ 3 đến 18 tuổi, giai đoạn 2011 - 2030 (gọi tắt là Đề án 641) do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 28-4-2011; Đề án tổng thể phát triển giáo dục thể chất và thể thao trường học giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025 do Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất, được Thủ tướng phê duyệt ngày 17-6-2016.
Thực hiện các đề án trên, làm cơ sở để các cấp, các ngành làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh; tăng cường giáo dục thể chất đối với học sinh từ 03 tuổi đến 18 tuổi; tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi xã hội về phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam; đồng thời, nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục thể chất và thể thao trường học. Nếu triển khai thành công những đề án trên, trong tương lai chúng ta sẽ có thế hệ người Việt Nam có thể lực sánh vai được với nhiều nước phát triển trên thế giới.
Vì vậy, các địa phương cần tăng cường tổ chức các hoạt động tuyên truyền trên hệ thống báo chí, truyền thông nhằm thống nhất nhận thức, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của mọi tầng lớp nhân dân đối với mục tiêu và hoạt động của các đề án này. Đồng thời, bố trí kinh phí, quỹ đất đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục thể chất và thể thao trường học tại địa phương; huy động mọi nguồn lực và đẩy mạnh xã hội hóa phù hợp với điều kiện cụ thể từng địa bàn trong triển khai thực hiện.
Trước mắt, các địa phương cần duy trì tốt Chương trình sữa học đường, nhất là các huyện nghèo, vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn; phấn đấu từ nay đến năm 2020, mỗi năm giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân, thấp còi từ 0,6% đến 0,7% và chiều cao của trẻ ở tuổi nhập học (6 tuổi) tăng từ 0,15% đến 0,2%. Bên cạnh đó, phải nghiên cứu lồng ghép nội dung quy hoạch, kế hoạch phát triển giáo dục thể chất, thể thao trường học trên địa bàn trong quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành giáo dục, ngành thể dục, thể thao và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Để đạt hiệu quả và tiết kiệm kinh phí, trong quá trình triển khai các đề án, ngành giáo dục và thể dục, thể thao phải thường xuyên có sự phối hợp trong việc khai thác, sử dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ thể dục, thể thao tại địa phương. Đồng thời, có cơ chế quản lý, giám sát chặt chẽ các nguồn kinh phí theo đúng quy định pháp luật; kịp thời khen thưởng cho những cá nhân, tập thể có thành tích trong tuyên truyền, tổ chức thực hiện hoặc hỗ trợ kinh phí, vật chất cho các đề án, v.v.
Dinh dưỡng và vận động, tập luyện thể dục, thể thao là 2 yếu tố rất quan trọng trong việc tăng cường thể trạng của con người. Trong đó, yếu tố thứ hai đã được chúng ta sử dụng tương đối thành công trong hoàn cảnh đất nước khó khăn về kinh tế. Vì vậy, kế thừa những kinh nghiệm trước đây, các địa phương cần tiếp tục “Phát triển thể dục, thể thao toàn dân để góp phần nâng cao sức khỏe cho nhân dân”; phấn đấu trong năm 2018 đạt 32,5% số người thường xuyên luyện tập, số gia đình tập luyện thường xuyên trên 23,5% và xây dựng được 55.000 câu lạc bộ thể thao trên toàn quốc, v.v.
Chất dinh dưỡng là những chất hay hợp chất hóa học có vai trò duy trì sự sống và hoạt động của cơ thể thông qua quá trình trao đổi chất và thường được cung cấp qua đường ăn uống. Sau khi con người ăn thực phẩm, hệ tiêu hóa sẽ phân giải thực phẩm thành các chất dinh dưỡng và hấp thụ vào máu để duy trì sự sống, tăng trưởng, phòng được một số bệnh và hồi phục sức khỏe, v.v. Để cơ thể khỏe mạnh, hằng ngày phải bổ sung đầy đủ, cân đối giữa các thành phần dinh dưỡng. Nhu cầu về các chất dinh dưỡng của cơ thể con người rất đa dạng, tùy theo lứa tuổi, điều kiện sống và làm việc mà có sự đòi hỏi khác nhau. Cung cấp thừa hoặc thiếu dinh dưỡng đều ảnh hưởng đến thể lực con người, thậm chí mắc một số bệnh không lây, như: tim mạch, đái tháo đường, ung thư, loãng xương, gout, v.v.
Mặt khác, chất lượng dinh dưỡng có tốt thì mới có sức khỏe tốt, nghĩa là thức ăn cũng phải bảo đảm chất lượng, không bị ôi thiu, nấm mốc hoặc “không lạm dụng hóa chất trong nuôi trồng”. Do đó, các cấp, ngành và cơ quan chức năng phải thường xuyên “Khuyến nghị, phổ biến chế độ dinh dưỡng, khẩu phần ăn phù hợp cho từng nhóm đối tượng, nguồn nguyên liệu, khẩu vị của người Việt”. Ngành Y tế cần “Khẩn trương hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm. Thực hiện việc kiểm soát an toàn thực phẩm dựa trên đánh giá nguy cơ, sản xuất, kinh doanh theo chuỗi, truy xuất nguồn gốc”.
Phần lớn chuyên gia thể lực của các nước phát triển đều cho rằng, việc giữ gìn và tăng cường sức khỏe phụ thuộc vào yếu tố dinh dưỡng là 20%, môi trường sinh thái 20% và 60% còn lại phụ thuộc vào y tế, rèn luyện thân thể, lối sống lành mạnh, v.v. Điều đó, lý giải vì sao trong những năm kháng chiến, Đảng và Bác Hồ luôn động viên mọi người thực hành nếp sống văn minh, tích cực vệ sinh, rèn luyện thân thể và “giữ gìn vệ sinh, ăn sạch, uống sạch, mặc sạch, ở sạch, thì sức mới khỏe; sức càng khỏe thì lao động sản xuất càng tốt”, nên phát động toàn dân thực hiện vệ sinh môi trường thành phong trào rộng khắp, thậm chí đến năm 1958 còn được gọi là Vệ sinh yêu nước.
Kế thừa những kinh nghiệm đó trong điều kiện ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, thể lực của con người, các địa phương cần tăng cường “vận động xây dựng nếp sống văn minh, lối sống lành mạnh, vệ sinh; xóa bỏ các tập tục lạc hậu ảnh hưởng xấu đến sức khỏe”. Đồng thời, “Tập trung nguồn lực xây dựng, nâng cấp các hệ thống cấp thoát nước; bảo đảm người dân được tiếp cận sử dụng nước sạch, nhà tiêu hợp vệ sinh; xử lý chất thải; khắc phục ô nhiễm các dòng sông, các cơ sở sản xuất. Tăng cường cải tạo, hạn chế san lấp hệ thống kênh rạch, hồ ao”, v.v.
Đối với các đơn vị quân đội, cần đẩy mạnh tăng gia sản xuất để chủ động nguồn cung cấp thực phẩm và có điều kiện cải thiện chế độ dinh dưỡng cho bộ đội; chú trọng đến cơ cấu bữa ăn phù hợp với từng công việc, từng đối tượng, đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng, hợp khẩu vị, vệ sinh, an toàn thực phẩm, nhằm duy trì tốt thể lực cả trước, trong và sau khi thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời, duy trì nghiêm nền nếp chế độ trong ngày, nhất là tập thể dục buổi sáng, thể thao buổi chiều, làm cho bộ đội luôn có sức khỏe, thể lực tốt, sẵn sàng hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.
Chăm lo phát triển thể lực, tầm vóc con người Việt Nam có ý nghĩa to lớn trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, mỗi cán bộ, đảng viên và cả hệ thống chính trị cần phải nghiêm túc quán triệt và tổ chức thực hiện thắng lợi những mục tiêu mà Nghị quyết 20-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) đã đề ra.
Đại tá Nguyễn Công Tâm