03/05/2024 lúc 10:40 (GMT+7)
Breaking News

Phát triển nguồn nhân lực vùng Tây Bắc - Thực trạng và giải pháp

Bài viết phân tích làm rõ chất lượng của nguồn nhân lực ở vùng Tây Bắc trên các phương diện trình độ học vấn, chuyên môn, nghề nghiệp; những thách thức hiện nay, trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp chính sách nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng các mục tiêu trước mắt và lâu dài trong xây dựng và phát triển vùng.

Phát triển nguồn nhân lực được Đảng, Nhà nước quan tâm chú trọng, đã triển khai thực hiện nhiều chính sách khuyến khích, thúc đẩy nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nói chung, lực lượng lao động nói riêng. Đặc biệt, đã có chính sách đặc thù đối các vùng còn nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội.

Tây Bắc là khu vực có nhiều khó khăn về điều kiện tự nhiên, cơ sở vật chất hạ tầng cũng như về dân cư, lao động. Xét trên phạm vi cả nước, hiện nay Tây Bắc là vùng có mức thu nhập bình quân đầu người thấp nhất cả nước. Điều này đặt ra những yêu cầu trong xây dựng, hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là về nguồn nhân lực - yếu tố quan trọng, quyết định phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của vùng.

1. Chủ trương, chính sách về phát triển nguồn nhân lực miền núi, vùng đồng bào dân tộc và vùng kinh tế khó khăn

Trong quá trình thực hiện đường lối đổi mới, Đảng luôn “phát huy yếu tố con người và lấy việc phục vụ con người làm mục đích cao nhất của mọi hoạt động(1), quan tâm chú trọng “nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, hình thành đội ngũ lao động có trí thức và tay nghề, có năng lực thực hành, tự chủ, năng động và sáng tạo…”(2) với mục tiêu xây dựng nguồn nhân lực chất lượng bảo đảm đáp ứng các yêu cầu phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

Tại Đại hội VIII (năm 1996), Đảng ta đề cập đến “Nguồn lực con người” và tầm quan trọng của nguồn nhân lực. Văn kiện Đại hội nêu rõ: “nguồn lực quý báu nhất, có vai trò quyết định nhất là nguồn lực con người”(3), “phát huy nguồn lực con người là yếu tố cơ bản cho sự phát triển nhanh và bền vững”(4). Theo đó, giáo dục có vai trò quan trọng: “giáo dục phải làm tốt nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước”(5), “đào tạo bồi dưỡng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa”(6).

Trước nhu cầu phát triển nền kinh tế tri thức, Đại hội X (năm 2006) của Đảng chủ trương tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt coi trọng chất lượng nhân lực chất lượng cao, coi chính sách giáo dục là quốc sách hàng đầu để tạo ra bước phát triển đột phá: “phát triển nhanh nguồn nhân lực chất lượng cao… Chú trọng phát hiện, bồi dưỡng, trọng dụng nhân tài; nhanh chóng xây dựng cơ cấu nguồn nhân lực hợp lý…”(7), “Đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao”(8).

Đại hội XI của Đảng (năm 2011) tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng khoa học - công nghệ: “Phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những yếu tố quyết định sự phát triển nhanh, bền vững đất nước”(9), “là một đột phá chiến lược, là yếu tố quyết định phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và là lợi thế cạnh tranh quan trọng nhất, bảo đảm cho phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững”(10).

Đến Đại hội XI, Đảng ta mở rộng phạm vi nâng cao chất lượng nguồn nhân lực không chỉ ở các vùng đô thị, kinh tế phát triển mà bao gồm phát triển nguồn nhân lực các vùng miền, đặc biệt là vùng núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng kinh tế khó khăn. Văn kiện Đại hội xác định rõ các vấn đề cần ưu tiên, phương hướng và giải pháp cụ thể trong lĩnh vực này, như: nâng cao chất lượng dạy và học ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số; hoàn thiện chính sách tín dụng ưu đãi cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; khuyến khích hình thành các quỹ học bổng giúp học sinh, sinh viên nghèo vượt khó, học giỏi…

Trong bối cảnh đất nước có nhiều thời cơ, nhưng cũng không ít thách thức từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Đại hội XIII (năm 2021) của Đảng chủ trương khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa, con người Việt Nam và sức mạnh thời đại, huy động mọi nguồn lực, phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Phấn đấu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Theo đó, đổi mới chính sách giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong các đột phá chiến lược: “Đẩy nhanh thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện và nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, trọng tâm là hiện đại hóa và thay đổi phương thức giáo dục, đào tạo, nhất là giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp. Chú trọng đào tạo nhân lực chất lượng cao, phát hiện và bồi dưỡng nhân tài”(11), “Tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo”(12).

Quán triệt và thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước đã quan tâm xây dựng và triển khai thực hiện hệ thống chính sách về phát triển giáo dục nói chung, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nói riêng, trong đó có nguồn nhân lực khu vực miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số và vùng kinh tế khó khăn. Tiêu biểu là các chính sách về: phát triển cơ sở giáo dục ở tất cả các bậc học với đa dạng các loại hình đào tạo; xác lập các điều kiện và biện pháp hỗ trợ học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số trong quá trình học tập; về đào tạo nguồn nhân lực, đào tạo nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số phù hợp với đặc điểm từng vùng, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn; chế độ hỗ trợ giáo viên công tác tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn; đào tạo giáo viên dân tộc thiểu số và giáo viên dạy tiếng dân tộc(13); đầu tư mở rộng, xây dựng các trường phổ thông dân tộc bán trú, nội trú và các trường dự bị đại học; chú trọng cải thiện chất lượng đào tạo, phát triển đội ngũ giáo viên dân tộc thiểu số và nâng mức học bổng, hỗ trợ cho học sinh(14)

Triển khai chính sách phát triển giáo dục vùng miền núi, vùng kinh tế khó khăn,vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã đạt nhiều kết quả.

2. Thực trạng nguồn nhân lực vùng Tây Bắc hiện nay

Đặc điểm tự nhiên, kinh tế, xã hội của vùng Tây Bắc

Vùng Tây Bắc có phía Tây giáp Lào, phía Tây - Bắc giáp Trung Quốc, phía Tây - Nam giáp tỉnh Thanh Hóa và phía Đông giáp vùng Đông Bắc nước ta. Chiều dài biên giới với hai quốc gia Trung Quốc và Lào khoảng 870 km có nhiều cửa khẩu lớn để giao thương hàng hóa. Với cấu trúc địa chất phức tạp, phần lớn lãnh thổ vùng Tây Bắc là núi cao, dốc lớn, xen kẽ các dãy núi là các sông, suối, thung lũng hẹp làm cho đất đai bị chia cắt manh mún.

Tây Bắc là vùng miền núi phía Tây của miền Bắc, gồm 06 tỉnh là Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai và Yên Bái, với diện tích trên 5,64 triệu ha và dân số trên 4,7 triệu người(15). Vùng Tây Bắc có cơ cấu xã hội với đa dạng thành phần dân tộc, trong đó dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao 63% (cao nhất trong cả nước), với 21 dân tộc thiểu số(16), hình thành sự đa dạng trong ngôn ngữ và văn hoá các tộc người của vùng.

Với những đặc điểm trên, các tỉnh Tây Bắc gặp nhiều khó khăn trong phát triển cơ sở hạ tầng, tổ chức sản xuất và kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thương mại cũng như khó khăn trong tổ chức đời sống dân cư, cung ứng dịch vụ xã hội cơ bản, xây dựng và triển khai các chương trình, dự án phát triển xã hội. Quá trình đổi mới và hội nhập của Tây Bắc vì thế gặp nhiều khó khăn, các tiềm năng phát triển chưa được khai thác, tận dụng triệt để.

Vùng Tây Bắc có mức độ đô thị hoá chậm. Cho đến nay, khó khăn lớn nhất của vùng Tây Bắc là kinh tế chậm phát triển, hiện vẫn là vùng nghèo nhất trong cả nước, khoảng cách về thu nhập so với các vùng khác có chiều hướng ngày càng rộng thêm. Trong đó, Điện Biên, Lai Châu và Sơn La là các tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo rất cao, khoảng 1/3 số hộ gia đình ở các địa phương này. Nhiều địa phương trong vùng chưa có khả năng tự cân đối ngân sách. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm, thiếu vững chắc, hạ tầng kinh tế - xã hội còn nhiều yếu kém. Chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, tỷ lệ lao động qua đào tạo vào loại thấp nhất cả nước(17). Trong bối cảnh trên, phát triển nguồn nhân lực có ý nghĩa đặc biệt quan trọng giúp Tây Bắc phát triển và vươn lên thoát nghèo, song điều này đang gặp rất nhiều khó khăn, thách thức.

Phát triển nguồn nhân lực được đánh giá thông qua mức độ cải thiện trình độ học vấn và chuyên môn của dân cư. Cụ thể là các chỉ báo tỷ lệ dân số biết chữ, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo, tỷ lệ giáo viên và học viên trong chương trình giáo dục nghề nghiệp, tỷ lệ giáo viên và sinh viên đại học của địa phương.

Số liệu trong Bảng 2 cho thấy những biến đổi trong tỷ lệ biết chữ của dân số trên 15 tuổi ở các tỉnh Tây Bắc giai đoạn 2015-2020. Mặc dù Nhà nước đã có nhiều chính sách thúc đẩy việc dạy và học tại miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng kinh tế khó khăn, tuy nhiên tỷ lệ người dân biết chữ của vùng Tây Bắc chưa được cải thiện đáng kể.

Tính từ năm 2015 đến 2020, ngoài tỉnh Hòa Bình, 5 tỉnh còn lại của vùng có tỷ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên biết chữ có thay đổi nhưng vẫn ở mức thấp nhất trong khu vực trung du và miền núi phía Bắc và các khu vực khác trong cả nước. So với năm 2015, tỷ lệ biết chữ của dân số trên 15 tuổi ở Lào Cai, Yên Bái, Điện Biên và Hòa Bình năm 2020 chỉ tăng dưới 1 điểm phần trăm. Tỉnh Lai Châu có mức độ cải thiện tỷ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên biết chữ cao nhất trong các địa phương của vùng nhưng cũng chỉ tăng 6 điểm phần trăm. Lai Châu vẫn là địa phương có tỷ lệ lao động trên 15 tuổi biết chữ thấp nhất (65,5%) trong vùng Tây Bắc cũng như trong khu vực trung du và miền núi phía Bắc. Đến năm 2020, không kể Hòa Bình có tỷ lệ lao động trên 15 tuổi biết chữ là 97,2%, các tỉnh còn lại của vùng Tây Bắc có tỷ lệ lao động trên 15 tuổi biết chữ chỉ đạt từ 65,5% đến 89% (Bảng 2).

Số liệu Bảng 3 cho thấy sự biến đổi tỷ trọng lao động đã qua đào tạo trong tổng thể nguồn nhân lực của vùng Tây Bắc giai đoạn 2015-2020. Trong đó, tỉnh Lào Cai và tỉnh Yên Bái có xu hướng gia tăng tỷ lệ lao động đã qua đào tạo cao hơn các địa phương khác trong vùng, tuy nhiên tỷ lệ gia tăng thấp, khoảng 5 điểm phần trăm trong cả giai đoạn. Qua đó cho thấy tỷ lệ lao động qua đào tạo của vùng có gia tăng nhưng rất chậm.

Đội ngũ giáo viên đào tạo nghề và giáo dục đại học cũng như số học viên theo học các chương trình đào tạo nghề, đại học tại địa phương là những chỉ báo quan trọng thể hiện tiềm năng đào tạo và triển vọng nguồn nhân lực tại các địa phương. Số liệu Bảng 4 cho thấy, số học viên/giáo viên trong đào tạo nghề ở các tỉnh Sơn La, Yên Bái, Lai Châu và Điện Biên lần lượt là 60, 54, 52 và 32 (năm 2020), cao hơn so với số lượng học viên/giáo viên trung bình của khu vực trung du và miền núi phía Bắc. Qua đó cũng dự báo về tiềm năng đào tạo và ước tính số nhân lực chất lượng cao được đào tạo tại chỗ trong tương lai của các địa phương.

Bảng 4 cũng cho thấy số lượng sinh viên/giảng viên trong giáo dục đại học tại vùng Tây Bắc ở mức thấp nhất, chỉ đạt 15 sinh viên/giảng viên. Điều này có thể được lý giải từ những nguyên nhân về nhận thức của người dân, chính quyền địa phương trong nâng cao trình độ học vấn, trình độ chuyên môn của lực lượng lao động; về những khó khăn trong điều kiện địa lý, cơ sở hạ tầng nói chung, cơ sở vật chất và nguồn nhân lực trong giáo dục nói riêng của vùng.

Thách thức trong phát triển nguồn nhân lực của vùng Tây Bắc hiện nay

Thứ nhất, phát triển đội ngũ giáo viên còn chậm, hạn chế cả về số lượng và chất lượng. So với định biên của Bộ Giáo dục và Đào tạo về số lượng giáo viên các bậc trung học phổ thông và giáo dục đại học, ở các tỉnh này hiện vẫn chưa đủ. Mặc dù biên chế giáo viên đã được bổ sung song việc thu hút và tuyển dụng giáo viên, nhất là giáo viên có trình độ cao gặp rất nhiều khó khăn. Mức độ đáp ứng các yêu cầu về trình độ chuyên môn của nhân sự được tuyển dụng còn ở mức khiêm tốn. Điều này phần nào lý giải nguyên nhân chất lượng giáo dục ở hầu hết các bậc học của vùng Tây Bắc còn có khoảng cách rất lớn so với các vùng đồng bằng và khu vực đô thị.

Thứ hai, cơ sở vật chất và các điều kiện cần để mở rộng và cải thiện chất lượng giáo dục và đào tạo vừa thiếu về số lượng, vừa nghèo về chất lượng. Cùng với các điều kiện không thuận lợi như phân bổ dân cư không tập trung, địa hình phức tạp nên nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng về giao thông và giáo dục rất lớn trong khi nguồn thu từ ngân sách hạn chế và người dân chưa thực sự quan tâm đầu tư cho giáo dục một cách thoả đáng do hạn chế về nhận thức và điều kiện kinh tế khó khăn.

Thứ ba, so với các khu vực khác, vùng Tây Bắc có điều kiện kinh tế rất khó khăn, bất lợi trong tiếp cận thông tin và thị trường nên sự thay đổi nhận thức, tư duy ở các bậc phụ huynh về việc đầu tư giáo dục, đào tạo cho con cái vì thế rất chậm. Nâng cao trình độ chuyên môn là giải pháp quan trọng để phát triển kinh tế và cải thiện chất lượng sống của các hộ gia đình nhưng thường bị bỏ qua hay xem nhẹ hơn bởi vì cải thiện thu nhập là mục tiêu quan trọng ngắn hạn, trước mắt.

Thứ tư, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế, do đó khó trở thành đầu tàu thúc đẩy sự phát triển nguồn nhân lực. Kết quả thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2019 cho thấy, ở cơ quan hành chính cấp xã vẫn còn 1,4% cán bộ công chức là người dân tộc thiểu số chưa được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ và 30,4% cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số mới chỉ đạt trình độ chuyên môn tối thiểu là “trung cấp”(18). Chất lượng nguồn nhân lực thấp đang chi phối và kéo theo hàng loạt vấn đề liên quan, thách thức những nỗ lực về chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cải thiện chất lượng cuộc sống và thoát nghèo, thậm chí làm chậm sự phát triển của vùng.

3. Một số đề xuất về chính sách phát triển nguồn nhân lực vùng Tây Bắc

Tình hình thực tế và những thách thức đã nêu ở trên, để phát triển nguồn nhân lực ở vùng Tây Bắc trong thời gian tới, cần quan tâm thực hiện các giải pháp sau:

Một là, cần xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực dài hạn với các mục tiêu cụ thể về quy mô và chất lượng, cùng các nguồn lực thỏa đáng để thực hiện, và các giải pháp toàn diện, phù hợp để đáp ứng với những đòi hỏi của thực tiễn đang đặt ra.

Hai là, cần duy trì và củng cố các điều kiện góp phần loại bỏ các rào cản nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Nội dung và mục tiêu phát triển nguồn nhân lực cần song hành với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, cụ thể như chương trình giảm nghèo, phát triển kết cấu hạ tầng, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, phát triển sản xuất, ổn định đời sống tại các địa phương. Điều này giúp tận dụng mọi nguồn lực, thúc đẩy việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong suốt quá trình phát triển.

Ba là, cần đẩy mạnh phát triển hệ thống giáo dục, đào tạo tại chỗ, mở rộng quy mô và cải thiện cơ hội tham gia giáo dục, đào tạo có khả năng chi trả được cho học sinh, sinh viên địa phương. Về phát triển cơ sở hạ tầng giáo dục, cần rà soát và quy hoạch, đầu tư cho hệ thống giáo dục tổng thể của vùng Tây Bắc, nhất là đối với giáo dục bậc cao. Bên cạnh đó, cần tiếp tục có chính sách ưu đãi, hỗ trợ để thu hút trí thức từ các địa phương khác về công tác tại các vùng khó khăn, có chính sách đào tạo và bồi dưỡng nâng cao trình độ cho giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục tại các địa phương. Thực tiễn cho thấy, cần tập trung nguồn lực cho giáo dục đào tạo là yêu cầu cấp thiết trong phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc hiện nay.

Bốn là, cần đánh giá hiệu quả việc thực hiện các chính sách hỗ trợ cho học sinh, sinh viên tại vùng Tây Bắc trong thời gian qua, bao gồm chính sách hỗ trợ học sinh nội trú, cử tuyển, đào tạo theo địa chỉ,… Trên cơ sở đó, nhận diện những điểm bất hợp lý, đề xuất phương án hoàn thiện chính sách và đổi mới cách thực thi chính sách.

Năm là, cần quán triệt, thống nhất quan điểm, nâng cao trách nhiệm và cam kết hành động để phát triển nguồn nhân lực tại địa phương. Các cấp uỷ Đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị cần quan tâm phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao. Bên cạnh tuyên truyền, vận động người dân thay đổi nhận thức, tư duy về việc đi học, nâng cao trình độ, khuyến khích sự quan tâm, ưu tiên đầu tư cho việc học tập, cần chủ động, sáng tạo vận dụng chính sách, pháp luật phù hợp trong điều kiện và yêu cầu của từng địa phương.

Phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao ở vùng Tây Bắc đang đối diện với rất nhiều khó khăn, song đây là con đường duy nhất để Tây Bắc vươn lên thoát nghèo và phát triển bền vững. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực không chỉ là để thích ứng với quá trình hội nhập quốc tế, tận dụng các thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong tiến trình phát triển mà mục tiêu song hành không kém quan trọng đó là để tạo nền tảng phát triển con người một cách toàn diện, đạt mục tiêu cuối cùng của quá trình phát triển là phát triển vì con người.

_________________

TS Lê Thúy Hằng

Học viện Chính trị Khu vực I

(1), (2), ( 4), (6) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới (Đại hội VI, VII, VIII, IX), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.92, 287, 810, 471.

(3) ĐCSVN: Văn kiện Hội nghị lần thứ nămBan Chấp hành Trung ương khóa VIII,Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1997, tr.93.

(5) ĐCSVN: Văn kiện Hội nghị lần thứ haiBan Chấp hành Trung ương khóaVIII,Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1997, tr.9.

(7), (8) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr. 96-97, 95.

(9), (10) ĐCSVN:Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc giaSự thật, Hà Nội, 2011, tr. 41, 130.

(11), (12) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, 2021, tr.221,232.

(13) Chính phủ: Nghịđịnh số 05/2011/NĐ-CP ngày 14-1-2011về Công tác dân tộc.

(14) Chính phủ: Nghị quyết số 52/NQ-CP vềĐẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030.

(15)Tổng cục Thống kê: Kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở, năm 2019.

(16) Vũ Trường Giang: “Đặc điểm tâm lý tộc người thiểu số ở các tỉnh vùng Tây Bắc“, http://lyluanchinhtri.vn/home/index.php/thuc-tien/item/4220-dac-diem-tam-ly-toc-nguoi-thieu-so-o-cac-tinh-vung-tay-bac.html, truy cập ngày 8-9-2023.

(17) Bùi Tất Thắng: “Liên kết vùng Tây Bắc trong phát triển kinh tế - xã hội hiện nay”, https://mof.gov.vn/webcenter/portal/ttpltc/pages_r/l/chi-tiet-tin-ttpltc?dDocName=MOFUCM110267, truy cập ngày 8-9-2023.

(18) BanDân tộc, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Irish Aid và UNWomen, Tóm tắt chính sách: Các vấn đề giới trong các dân tộc thiểu số ở Việt Nam, 2021, tr.43,https://cwd.vn/public/media/files/tai_lieu/mien_phi/Tom%20Tat%20Chinh%20Sach%2020x20cm%20VIE%200106.pdf, truy cập ngày 8-9-2023.

...