19/01/2025 lúc 15:56 (GMT+7)
Breaking News

Phát triển nguồn nhân lực STEM chất lượng cao: Từ chủ trương của Đảng đến chính sách của Nhà nước và vấn đề đặt ra

Một trong ba đột phá chiến lược để thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020 là: “Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào việc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân; gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ”.
Phát triển nguồn nhân lực STEM chất lượng cao: Từ chủ trương của Đảng đến chính sách của Nhà nước và vấn đề đặt ra

Để thực hiện khâu đột phá chiến lược nêu trên, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược và Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam thời kỳ 2011-2020.

Đến nay, chưa có đánh giá tổng kết về việc thực hiện Chiến lược và Quy hoạch nói trên, nhưng nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tuy có bước tiến đáng kể, vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước cả về quy mô, cơ cấu và chất lượng.

Như Đại hội XIII của Đảng đã chỉ ra: “Chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, chưa đáp ứng yêu cầu; khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa thực sự trở thành động lực phát triển”. Chính vì thế mà một trong các định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 – 2030 là: “Tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài”.

Bài viết này muốn nhận diện những điểm yếu trong thực hiện khâu đột phá chiến lược về phát triển nhanh nguồn nhân lực chất lượng cao thời gian qua, để đề xuất những việc cần làm liên quan đến nguồn nhân lực STEM chất lượng cao, nhằm thực hiện thành công một trong những đột phá của nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XIII: “Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt trên cơ sở nâng cao, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, cơ bản về chất lượng giáo dục, đào tạo gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ nhân tài”.

ĐÁNH GIÁ VỀ ĐỘT PHÁ NGUỒN NHÂN LỰC CHẤT LƯỢNG CAO THỜI GIAN QUA

Theo một báo cáo của Ngân hàng Thế giới (World Bank, 2012), thì điểm mạnh của Việt Nam trong chính sách phát triển nguồn nhân lực là: “các nhà lãnh đạo Việt Nam có sự cam kết mạnh mẽ trong việc tăng cường kỹ năng người lao động, coi đó là một phần của chiến lược phát triển kinh tế. Chính phủ thấy rõ những thách thức của việc gắn kết hệ thống phát triển nhân lực với các nhu cầu của nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng và đã đưa ra một bộ chính sách và chiến lược rõ ràng, với các mục tiêu và kế hoạch hoạt động cụ thể, để củng cố hệ thống”. Tuy nhiên, họ cũng lưu ý là “nhiều sáng kiến mới đang ở giai đoạn đầu triển khai và thiếu sự hỗ trợ của các phân tích chuyên sâu”.

Điều này đúng khi đánh giá về đột phá nguồn nhân lực chất lượng cao. Chủ trương về khâu đột phá này mang tầm nhìn chiến lược khi đất nước chuyển sang giai đoạn phát triển mới, hội nhập và phát triển. Tuy nhiên, chủ trương này, cho đến nay chưa bao giờ được làm rõ từ những khái niệm cơ bản nhất của nó, như thế nào là nhân lực chất lượng cao, làm thế nào để đột phá. Vì thế, chúng ta vẫn chưa có chính sách, giải pháp, kế hoạch, lộ trình phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, càng không có những giải pháp mang tính đột phá.

Trong văn thư thế giới, hiện không có khái niệm nhân lực chất lượng cao. Chỉ có khái niêm nhân lực kỹ năng cao (highly skilled labour) được định nghĩa là: Nhân lực kỹ năng cao thường được đặc trưng bởi giáo dục trình độ cao (cao đẳng trở lên), có kiến thức và kỹ năng thực hiện các công việc phức tạp, có khả năng thích ứng nhanh với những thay đổi công nghệ và biết ứng dụng sáng tạo kiến thức và kỹ năng tích lũy được thông qua đào tạo trong công việc (ILO, 2014).

Vì thế, trong bài viết này sẽ hiểu nguồn nhân lực chất lượng cao là nguồn nhân lực kỹ năng cao theo định nghĩa nêu trên. Hiểu như thế thì có thể thấy xuyên suốt tiến trình đổi mới giáo dục, mặc dù đã có nhiều đổi mới trong giáo dục nghề nghiệp (GDNN) và giáo dục đại học (GDĐH), chất lượng và hiệu quả đào tạo có từng bước được cải thiện, nhưng nguồn nhân lực này không theo kịp bước tiến trong phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Báo cáo cạnh tranh toàn cầu từ mười năm nay luôn cảnh báo chất lượng đào tạo nhân lực không đến nơi đến chốn của Việt Nam là một trong ba rào cản lớn nhất trước yêu cầu nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Riêng Báo cáo cạnh tranh toàn cầu 2017-2018 đã khuyến cáo cần có những cải thiện đáng kể trong GDNN và GDĐH “bởi lẽ các doanh nghiệp nhận thấy rằng sự thiếu vắng của một lực lượng lao động được đào tạo tốt chính là rào cản lớn trong hoạt động kinh doanh, sản xuất”. Có thể nói, cho đến nay, giáo dục đã không thành công trong việc thực hiện khâu đột phá chiến lược về phát triển nhanh nguồn nhân lực chất lượng cao. Sự không thành công này thể hiện trên các phương diện sau. Về số lượng, tỷ lệ lao động qua đào tạo từ trình độ trung cấp trở lên mới chỉ khoảng 20% lực lượng lao động, thấp hơn nhiều so với yêu cầu ngày nay về nhân lực cho CNH, HĐH; đặc biệt đáng quan tâm là sự thiếu hụt các nhà khoa học sáng tạo, các chuyên gia đầu ngành, các nhà quản lý tài năng, các doanh nhân giỏi, trong mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế-xã hội. Về chất lượng, các cơ sở đào tạo vừa không trang bị được cho người học những kỹ năng phù hợp, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động; vừa không đủ năng lực cung cấp cho thị trường lao động nguồn nhân lực đáp ứng các yêu cầu mới nẩy sinh, việc làm mới nẩy sinh từ phát triển kinh tế tri thức và HNQT. Về cơ cấu, tình trạng mất cân đối về cơ cấu trình độ, cơ cấu ngành nghề, cơ cấu vùng miền vẫn là một điểm yếu dai dẳng trong phát triển nhân lực nước ta; riêng trong cơ cấu nhân lực chất lượng cao trình độ tiến sĩ, có tới 70% giữ chức vụ quản lý, chỉ còn 30% làm công tác chuyên môn.

Những yếu kém trên về số lượng, chất lượng và cơ cấu đã khiến việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, một mặt chưa gắn kết với nhu cầu xã hội và thị trường lao động, mặt khác chưa gắn kết với phát triển ứng dụng khoa học công nghệ (KH&CN) và đổi mới, sáng tạo. Vì thế trong bức tranh toàn cảnh của giáo dục nước ta, nếu đổi mới trong giáo dục phổ thông (GDPT) đã đem lại những kết quả khích lệ và ấn tượng thì đổi mới trong GDNN và GDĐH vẫn chưa theo kịp bước tiến trong đổi mới kinh tế- xã hội.

BỐI CẢNH MỚI VÀ YÊU CẦU MỚI TRONG ĐỘT PHÁ NGUỒN NHÂN LỰC CHẤT LƯỢNG CAO

Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tiếp tục là khâu đột phá chiến lược trong phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030.

Tuy nhiên, bối cảnh phát triển nguồn nhân lực đã khác trước. Đó là bối cảnh đẩy mạnh CNH, HĐH trên nền tảng cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN4), mà bản chất là áp dụng mạnh mẽ các tiến bộ KH&CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong hầu hết mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế-xã hội. Bối cảnh này cho thấy vai trò mang tính đột phá của nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực STEM, nhất là nhân lực STEM chất lượng cao.

Theo nghĩa rộng thì nguồn nhân lực STEM là bộ phận nhân lực ở mọi trình độ đào tạo làm việc trong một phạm vi rộng các công việc STEM tức là công việc gắn liền với việc vận dụng hoặc tạo ra các các sản phẩm và quy trình mới dựa trên tri thức và năng lực về khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học. Lực lượng lao động này bao gồm các nhà KH&CN với nhiệm vụ thúc đẩy tiến bộ KH&CN thông qua hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D); những người lao động trong các công việc không phải R&D nhưng sử dụng kiến thức và kỹ năng STEM để tạo ra hoặc áp dụng các đổi mới sáng tạo; và những người lao động cần năng lực STEM để hoàn thành nhiệm vụ trong các công việc gắn liền với công nghệ.

Còn theo nghĩa hẹp thì nguồn nhân lực STEM là bộ phận nhân lực từ trình độ cao đẳng, đại học trở lên làm việc trong các công việc STEM.

Như vậy theo cách hiểu về nhân lực chất lượng cao nói trên thì nhân lực STEM chất lượng cao chính là nhân lực STEM trình độ cao đẳng, đại học. Nói cách khác, nhân lực chất lượng cao gồm hai thành phần: thành phần STEM chất lượng cao và thành phần không-STEM chất lượng cao.

Trong bước chuyển của thế giới ngày nay sang cuộc CMCN4 thì nhân lực STEM nói chung, nhân lực STEM chất lượng cao nói riêng, đóng vai trò đặc biệt quan trọng bởi lẽ họ là nguồn nhân lực không chỉ sẵn sàng trước các yêu cầu mới của thị trường lao động mà còn khai thác được các cơ hội của cuộc CMCN4 để đổi mới sáng tạo, vừa góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vừa tham gia giải quyết các thách thức xã hội.

Đối với Việt Nam, tăng trưởng kinh tế thời gian qua dựa chủ yếu vào những ngành sản xuất có giá trị gia tăng thấp thì trình độ kỹ năng thấp và trung bình của nguồn nhân lực là phù hợp. Tuy nhiên trong giai đoan tới, khi đất nước đặt mục tiêu trở thành nước thu nhập trung bình cao vào năm 2030, thì cần một mô hình tăng trưởng mới cùng một cơ cấu nhân lực mới. Nếu mô hình tăng trưởng mới chuyển trọng tâm từ những ngành sản xuất có giá trị gia tăng thấp sang những ngành sản xuất với giá trị gia tăng cao, phát huy lợi thế của tiến bộ KH&CN, thì cơ cấu nhân lực mới phải chuyển trọng tâm sang phát triển nhân lực kỹ năng cao, đặc biệt là nhân lực STEM, nhất là nhân lực STEM chất lượng cao.

HIỆN TRẠNG CHUYỂN ĐỔI TRONG CƠ CẤU NHÂN LỰC VIỆT NAM

Báo cáo của Tổ chức Lao động Quốc tế ILO (2014) nhận định như sau về nguồn nhân lực Việt Nam: Việt Nam chưa có lực lượng lao động kỹ năng cao với cơ cấu và chất lượng như mong đợi. Việt Nam chưa có cơ chế đào tạo và sử dụng hợp lý để tạo được động lực cho lực lượng này làm trụ cột dẫn dắt nền kinh tế phát triển đúng hướng, cạnh tranh và hiệu quả. Quy mô nhỏ bé của lực lượng lao động kỹ năng cao cùng với việc sử dụng lãng phí nguồn lực quan trọng nhất của đất nước đã khiến cho năng suất lao động xã hội và sức cạnh tranh của nền kinh tế trở nên yếu kém[1].

Hai năm sau, trên cơ sở đánh giá tác động của công nghệ lên doanh nghiệp và việc làm, ILO (2016) cho rằng nhờ giá nhân công rẻ và chi phí đầu tư cho công nghệ tương đối cao nên Việt Nam chưa chứng kiến tác động của công nghệ tại nơi làm việc ở mức độ tương tự như một số nước láng giềng ASEAN tiên tiến hơn. Tuy nhiên, ILO cũng lưu ý rằng tác động của công nghệ rồi sẽ không tránh khỏi và Việt Nam cần ưu tiên tập trung vào kỹ năng và sự sẵn sàng của lực lượng lao động. “Điều này đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa các nhà hoạch định chính sách, người sử dụng lao động và các cơ sở đào tạo để hiện đại hóa hệ thống phát triển kỹ năng theo hướng đón đầu những thay đổi về động lực tại nơi làm việc và những cải tiến công nghệ mới. Thúc đẩy theo đuổi học thuật trong khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM) là quan trọng, đặc biệt là ở phụ nữ trẻ. Ngoài ra, điều quan trọng là phải bồi dưỡng các kỹ năng cốt lõi như giao tiếp, làm việc nhóm, tư duy phân tích và sáng tạo[2]; những kỹ năng này sẽ ngày càng trở thành cốt yếu trong các doanh nghiệp tập trung vào công nghệ”.

Đánh giá bước tiến trong thay đổi cơ cấu trình độ của thị trường lao động, báo cáo của ILO (2019) chỉ ra rằng tăng trưởng việc làm trung bình hàng năm ở Việt Nam trong thập kỷ qua đã tập trung vào các công việc có kỹ năng trung bình và cao. Sự phân bố việc làm theo trình độ kỹ năng của Việt Nam vào năm 2018 là như sau: trình độ kỹ năng thấp là 36%; trình độ kỹ năng trung bình là 53%; trình độ kỹ năng cao là 12%. Trong khi đó, tỷ lệ này ở các nước thu nhập trung bình cao là như sau: trình độ kỹ năng thấp là 32%; trình độ kỹ năng trung bình là 48%; trình độ kỹ năng cao là 20%. Điều này nghĩa là để trở thành nước thu nhập trung bình cao vào năm 2030, Việt Nam phải phấn đấu thu hẹp khoảng cách trên bằng cách gia tăng số lượng việc làm kỹ năng cao đồng thời nâng cao trình độ kỹ năng của lực lượng lao động.

Như vậy, nếu thống nhất rằng nhân lực kỹ năng cao cũng chính là nhân lực chất lượng cao thì quy mô nhân lực chất lượng cao của Việt Nam đến năm 2018 chiếm 12% lực lượng lao động có kỹ năng. Theo nhận định của ILO (2019), mục tiêu nhân lực chất lượng cao của Việt Nam đạt 20% như các nước thu nhập trung bình cao vào năm 2030 là khả thi do việc làm kỹ năng cao đã và đang phát triển nhanh hơn so với việc làm kỹ năng trung bình hoặc kỹ năng thấp trong nước.

Tuy nhiên, cần chú ý rằng do tỷ lệ của lực lượng lao động có kỹ năng của Việt Nam còn thấp, bằng khoảng 1/3 các nước công nghiệp mới như Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore (Ngô Thị Ngọc Anh, 2019), nên dù nhân lực kỹ năng cao/chất lượng cao có đạt được tỷ lệ 20% của lực lượng lao động có kỹ năng thì sự nhỏ bé về quy mô của nguồn nhân lực chất lượng cao chính là một thách thức cần được nhận dạng đầy đủ trong việc thực hiện đột phá về nhân lực chất lượng cao.

Điều đáng quan tâm là riêng bộ phận nhân lực STEM chất lượng cao thì hiện vẫn chưa có sự quan tâm cần thiết. Đến nay, chúng ta mới chỉ nói nhiều đến giáo dục STEM, còn các khái niệm quan trọng như năng lực STEM, nhân lực STEM, việc làm STEM thì chưa được mấy khi đề cập đến. Tuy rằng, trong mấy năm gần đây giáo dục STEM đã bước đầu được triển khai trong GDPT, nhưng nhận thức về STEM trong xã hội cũng như trong nghiên cứu và xây dựng chính sách còn hạn chế. Tuyển sinh trong các ngành STEM cũng chưa có sức thu hút cần thiết.

Khảo sát của ILO (2016) cho thấy đa số sinh viên Việt Nam lựa chọn các ngành kinh doanh, thương mại, tài chính: 41,2% sinh viên nam và 60,6% sinh viên nữ (trong khi tỷ lệ này trong khối ASEAN trung bình là 29,5%).  Các ngành STEM chỉ được 23% sinh viên nam và 9% sinh viên nữ của Việt Nam lựa chọn (trong khi trung bình trong khối ASEAN là 28% sinh viên nam và 17% sinh viên nữ).

TỪ NGUỒN NHÂN LỰC KH&CN ĐẾN NGUỒN NHÂN LỰC STEM

Nguồn nhân lực STEM thực chất là sự mở rộng của nguồn nhân lực KH&CN. Ở các nước phát triển, sự mở rộng sang nguồn nhân lực STEM, với tư cách là lực lượng chủ chốt trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh quốc giá, đã trở thành một ưu tiên phát triển trong chính sách phát triển nguồn nhân lực kể từ khi bước vào nền kinh tế tri thức cuối thế kỷ XX. Các lĩnh vực STEM và những người làm việc trong đó là những cỗ máy quan trọng của đổi mới và tăng trưởng: theo một ước tính gần đây, trong khi chỉ khoảng năm phần trăm lực lượng lao động Hoa Kỳ làm việc trong các lĩnh vực STEM, thì nguồn nhân lực STEM đóng góp hơn năm mươi phần trăm tăng trưởng kinh tế bền vững của quốc gia (Babco, 2004).

Ở các nước đang phát triển thì khái niệm STEM mới chỉ được chú ý đến vào những năm gần đây dưới tác động của CMCN4. Tuy nhiên sự quan tâm được tập trung trước hết vào giáo dục STEM. Do sự chênh lệch về trình độ phát triển, so với các nước phát triển, trong các lĩnh vực KH&CN cũng như trong sản xuất kinh doanh, nên việc phát triển nguồn nhân lực ở các nước đang phát triển được tập trung chủ yếu vào nhân lực kỹ năng cao nói chung, chưa quan tâm thỏa đáng đến nguồn nhân lực STEM nói riêng.

Ở Việt Nam, ngay từ năm 2002, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương khoá IX đã nhận định: “Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao thông qua con đường phát triển giáo dục đào tạo, khoa học và công nghệ chính là khâu then chốt để nước ta vượt qua tình trạng nước nghèo và kém phát triển”. Điều đó nghĩa là phát triển GD&ĐT cùng với phát triển KH&CN có mối quan hệ mật thiết với nhau trong thực hiện khâu đột phá nguồn nhân lực chất lượng cao. Ở đây vai trò của KH&CN là ở chỗ xây dựng và phát triển nguồn nhân lực KH&CN với tư cách là bộ phận của nguồn nhân lực chất lượng cao, bao gồm tất cả những ai có năng lực sáng tạo và ứng dụng KH&CN vào đời sống, công việc và sản xuất.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của KH&CN trong phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, HNTW6 (khóa XI) đã nhận định nhân lực KH&CN là tài nguyên vô giá của đất nước; trí thức KH&CN là nguồn lực đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế tri thức; từ đó yêu cầu đổi mới quy hoạch phát triển nguồn nhân lực, cơ chế, chính sách sử dụng và trọng dụng cán bộ KH&CN.

Thực hiện chủ trương trên, Việt Nam đã có những tiến bộ đáng kể trong phát triển nhân lực KH&CN so với các nước thu nhập trung bình thấp. Tuy nhiên, nhìn ở góc độ đột phá nguồn nhân lực chất lượng cao thì nhân lực KH&CN của chúng ta vẫn còn nhiều yếu kém, bất cập. Trước hết, chất lượng còn thấp, đặc biệt là thiếu các chuyên gia đầu ngành, các tổng công trình sư, các tập thể khoa học mạnh. Thứ hai, cơ cấu cũng mất cân đối theo trình độ, vùng miền, lĩnh vực KH&CN; đặc biệt là phần đông tập trung ở khu vực nhà nước, còn thiếu vắng trong doanh nghiệp. Thứ ba, hiệu quả hoạt động chưa cao, chưa thực sự đóng góp hữu hiệu cho việc nâng cao năng suất lao động, chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Thứ tư, xu thế biến động theo chiều hướng bất lợi khi số lượng các nhà khoa học giỏi ngày càng giảm do đến tuổi về hưu trong khi đội ngũ kế cận lại thiếu hụt nghiêm trọng.

Những yếu kém, bất cập nêu trên có một nguyên nhân chung với những yếu kém trong đột phá nguồn nhân lực chất lượng cao. Đó là chúng ta còn thiếu quan tâm cụ thể hóa chủ trương thành chính sách, giải pháp, kế hoạch, nguồn lực và lộ trình cần thiết để tổ chức thực hiện một cách bài bản.

ƯU TIÊN PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC STEM CHẤT LƯỢNG CAO TRONG THỜI KỲ MỚI

Trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020, khâu đột phá chiến lược tập trung vào nguồn nhân lực chất lượng cao nói chung. Tuy nhiên, bước sang Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2021-2030 thì yêu cầu phát triển nhân lực có khác. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh như sau: “Tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài. Thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, chú trọng một số ngành, lĩnh vực trọng điểm, có tiềm năng, lợi thế để làm động lực cho tăng trưởng theo tinh thần bắt kịp, tiến cùng và vượt lên ở một số lĩnh vực so với khu vực và thế giới”.

Cùng với đó là yêu cầu gắn kết phát triển nhân lực chất lượng cao trong một tiếp cận tổng thể, trong đó tập trung vào ba lĩnh vực: đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT; phát triển mạnh mẽ KH&CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước.

Rõ ràng là để thực hiện chủ trương trên, như đã phân tích, nhất thiết phải đặt ưu tiên vào phát triển nguồn nhân lực STEM trong khâu đột phá về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Muốn vậy, trên cơ sở các quyết định sẽ được Thủ tướng Chính phủ ban hành về Chiến lược và Quy hoạch phát triển nhân lực giai đoạn 2021-2030, cần xây dựng và tổ chức thực hiện Kế hoạch tổng thể về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời kỳ mới.

Kế hoạch này cần vạch ra các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, lộ trình và nguồn lực để xây dựng thành công nguồn nhân lực chất lượng cao đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng, hợp lý về cơ cấu, trong đó ưu tiên phát triển nguồn nhân lực STEM, sao cho nguồn nhân lực này thực sự là lực lượng nòng cốt đưa nước ta đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Để ưu tiên phát triển nguồn nhân lực STEM, nhất là nguồn nhân lực STEM chất lượng cao, kinh nghiệm thế giới chỉ ra rằng cần đặt nguồn nhân lực STEM trong hệ sinh thái STEM. Đó là hệ thống các cơ quan nhà nước, các nhà trường, các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội cùng phối hợp hành động để bảo đảm rằng học sinh, sinh viên có những năng lực STEM cần thiết, đáp ứng nhu cầu của một thị trường lao động thay đổi nhanh chóng và đòi hỏi cao dưới tác động của tiến bộ KH&CN (The New York Academy of Sciences, 2014).

Một hệ sinh thái STEM vững mạnh phải gồm ba thành phần sau đây: 1) Hệ thống chính sách, pháp luật Nhà nước một mặt trọng dụng nhân tài, mặt khác tạo động lực và năng lực cho doanh nghiệp trong đổi mới sáng tạo, vận dụng tiến bộ KH&CN, phát triển thị trường việc làm kỹ năng cao; 2) Hệ thống GD&ĐT lấy người học là trung tâm, thúc đẩy học tập suốt đời, theo tiếp cận năng lực, đặc biệt là năng lực STEM; 3) Một văn hóa STEM được quan tâm phát triển để góp phần nâng cao nhận thức của mọi người về tầm quan trọng, cơ hội và lợi ích gắn liền với STEM.

Như vậy, trong hệ sinh thái này, giáo dục STEM là một thành tố tiên quyết trong việc xây dựng và phát triển nguồn nhân lực STEM.

Theo định nghĩa của UNESCO (2019) thì giáo dục STEM là giáo dục tích hợp các môn khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học nhằm mục đích cung cấp cho người học các năng lực STEM, tức là năng lực vận dụng các kiến thức, kỹ năng, thái độ gắn liền với các môn học STEM để nhận dạng và giải quyết các vấn đề của việc làm, đời sống và xã hội.

Hiểu là vậy nhưng trên thực tế, việc tổ chức thực hiện giáo dục STEM là đa dạng. Chí ít có 5 cách thực hiện giáo dục STEM là đơn môn, đa môn, liên môn, xuyên môn, tân môn (tân môn tức là coi STEM là một môn học mới, trong đó không còn ranh giới truyền thống giữa các môn khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học).

Ở Việt Nam, giáo dục STEM đã được mô tả trong Chương trình GDPT năm 2018 như sau: Giáo dục STEM là mô hình giáo dục dựa trên cách tiếp cận liên môn, giúp học sinh áp dụng các kiến thức khoa học, công nghệ, kĩ thuật và toán học vào giải quyết một số vấn đề thực tiễn trong bối cảnh cụ thể. Bộ GD&ĐT cũng đã ban hành các văn bản hướng dẫn và tài liệu tập huấn về tổ chức thực hiện giáo dục STEM trong GDPT. Thực tế triển khai cho thấy việc tổ chức thực hiện khá đa dạng, với nhiều hoạt động như sinh hoạt câu lạc bộ STEM; các cuộc thi, các hoạt động trải nghiệm sáng tạo; phối hợp tổ chức các hoạt động STEM giữa nhà trường và các tổ chức tư nhân; các sự kiện STEM, ngày hội STEM. Tuy nhiên, do những hạn chế về cơ sở vật chất-thiết bị và sự chưa sẵn sàng của đội ngũ giáo viên nên giáo dục STEM vẫn chủ yếu dừng lại ở các hoạt động mang tính thử nghiệm và phong trào, tùy thuộc rất nhiều vào điều kiện và năng lực cụ thể của từng địa phương và nhà trường.

Hơn nữa, nếu hiểu bản chất của giáo dục STEM là giáo dục theo tiếp cận năng lực, hướng tới các năng lực của thế kỷ XXI, thì đáng quan ngại là STEM trong GDNN và GDĐH chưa thực sự được coi trọng. Đó là vì cho đến nay Khung trình độ quốc gia vẫn chưa được tổ chức thực hiên; điều đó khiến các chuẩn đầu ra của các ngành, nghề đào tạo vẫn chưa được xác lập theo Khung trình độ quốc gia làm cơ sở cho việc xây dựng thực chất chương trình đào tạo theo tiếp cận năng lực.

Vì vậy, để có thể ưu tiên phát triển nguồn nhân lực STEM chất lượng cao, trong các chính sách nhà nước liên quan đến doanh nghiệp STEM, văn hóa STEM, giáo dục STEM, rất cần quan tâm thực hiện đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục Việt Nam như Đại hội XIII của Đảng đã yêu cầu. Theo đó, cần lưu ý đến khuyến nghị sau đây của UNESCO (2021): “Khi thế giới phải đối mặt với làn sóng đổi mới liên quan đến CMCN4, trong đó STEM được dự đoán sẽ thống trị sự phát triển và tiến bộ trên quy mô toàn cầu, điều quan trọng là tất cả các chính phủ phải xem xét tích hợp triết lý STEM vào các chiến lược và kế hoạch giáo dục quốc gia của họ, cũng như trong khung chương trình giáo dục quốc gia”.

Trong bài viết này nguồn nhân lực chất lượng cao được hiểu là nguồn nhân lực kỹ năng cao theo phân loại và định nghĩa của ILO. Hiểu như vậy thì trong khoảng 10 năm nay, cơ cấu nguồn nhân lực Việt Nam đã có sự chuyển dịch tích cực theo hướng gia tăng tỷ lệ nguồn nhân lực chất lượng cao. Tuy nhiên, khảo sát thực tế cũng như các nghiên cứu chỉ ra rằng cả quy mô, cơ cấu và chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của sự phát triển kinh tế-xã hội. Nguyên nhân căn bản là ở chỗ chủ trương phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao chưa được cụ thể hóa thành một Kế hoạch tổng thể về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Trong giai đoạn mới, tuy phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao vẫn là khâu đột phá chiến lược trong việc thực hiện Chiến lược kinh tế-xã hội 2021-2030, nhưng bối cảnh đã khác trước. Đó là bối cảnh đẩy mạnh CNH, HĐH trên nền tảng CMCN4 để đến năm 2030 nước ta trở thành nước thu nhập trung bình cao. Điều đó đòi hỏi trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện Kế hoạch tổng thể về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời kỳ mới, cần ưu tiên phát triển nguồn nhân lực STEM chất lượng cao.

Về bản chất, nguồn nhân lực STEM chất lượng cao là sự mở rộng của nguồn nhân lực KH&CN. Vì thế nguồn nhân lực STEM chất lượng cao là bộ phận của nguồn nhân lực chất lượng cao bao gồm các nhà KH&CN với nhiệm vụ thúc đẩy tiến bộ KH&CN thông qua hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D); những người lao động trong các công việc không phải R&D nhưng sử dụng kiến thức và kỹ năng STEM để tạo ra hoặc áp dụng các đổi mới sáng tạo; và những người lao động cần năng lực STEM để hoàn thành nhiệm vụ trong các công việc gắn liền với công nghệ.

Đặt nguồn nhân lực STEM trong hệ sinh thái STEM thì để ưu tiên phát triển nguồn nhân lực STEM chất lượng cao, cần tập trung vào các giải pháp ưu tiên sau đây: 1) Phát triển chính sách, pháp luật nhằm thu hút và trọng dụng nhân tài đi đôi với việc tạo động lực và năng lực cho các doanh nghiệp chuyển trọng tâm sang các lĩnh vực có giá trị gia tăng cao, áp dụng tiến bộ KH&CN để đổi mới, sáng tạo; 2) Tạo đột phá trong đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT với việc đẩy mạnh giáo dục STEM trong các chương trình giáo dục; 3) Xây dựng văn hóa STEM để nâng cao nhận thức của mọi người về vai trò, lợi ích và tầm quan trọng của STEM trong đời sống kinh tế-xã hội ngày nay.

Trong ba giải pháp ưu tiên nêu trên thì phát triển giáo dục STEM được coi là điều kiện tiên quyết trong phát triển nguồn nhân lực STEM. Từ thực trạng giáo dục STEM hiện nay ở nước ta, rất cần những nghiên cứu chuyên sâu cùng những điều tra, khảo sát bài bản để tạo cơ sở cho việc cụ thể hóa triết lý STEM thành mô hình giáo dục STEM phù hợp với điều kiện cụ thể và yêu cầu cụ thể của nguồn nhân lực STEM chất lượng cao ở nước ta, trong đó năng lực STEM được phát triển liên tục từ giáo dục mầm non đến giáo dục đại học, trong giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên, suốt cuộc đời, không chỉ trong các lĩnh vực công việc STEM mà cả trong các công việc không-STEM (UNESCO, 2021).

Phạm Đỗ Nhật Tiến

--------

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Babco, Eleanor. 2004. Skills for the Innovation Economy: What the 21st Century Workforce Needs and How to Provide It. Washington, DC: Commission on Professionals in Science and Technology.

ILO. 2014. Lao động trình độ cao: Nhân tố quyết định để phát triển bền vững đất nước. Bản tin toám tắt chính sách, số 1 năm 2014.

ILO. 2016. ASEAN in transformation. How technology is changing jobs and enterprises. Vietnam country brief, December 2016.

ILO. 2019. Việc làm thỏa đáng và các Mục tiêu phát triển bền vững ở Việt Nam. Văn phòng Lao động Quốc tế - Geneva: ILO, 2019

Ngô Thị Ngọc Anh. 2019. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao giai đoạn 2011-2020, phương hướng giai đoạn 2021-2030. Tạp chí Lý luận chính trị số 7-2019

The New York Academy of Sciences. 2014. The global stem paradox. https://www.nyas.org/media/15805/global_stem_paradox.pdf

UNESCO. 2019. Exploring STEM Competences for the 21st Century. In-Progress Reflection No. 30 On Current and Critical Issues in Curriculum, Learning and Assessment

World Bank. 2012. Vietnam workfoce development. SABER country report.



[1] Báo cáo ILO (2014) nhận định về việc sử dụng lãng phí nguồn lực kỹ năng cao này như sau: Phần lớn lao động kỹ năng cao làm việc trong các lĩnh vực không-STEM, còn “các ngành công nghiệp chế biến và chế tạo, đóng vai trò chủ đạo trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chỉ chiếm 9% tổng số của lực lượng lao động kỹ năng cao, trong khi tỷ lệ phần trăm này ở các nước phát triển hiện đã tăng tới 40-60%”.

[2] Theo các nghiên cứu về STEM ngày nay thì các kỹ năng này (giao tiếp, hợp tác, tư duy phê phán, sáng tạo) là các kỹ năng cốt lõi tạo nên năng lực STEM