Ảnh minh họa - TL
Du lịch là ngành đóng góp lớn vào sự tăng trưởng kinh tế của đất nước. Nhận thức rõ tầm quan trọng của ngành du lịch, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16-01-2017 về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn để phát triển kinh tế đất nước. Quyết định số 147/QĐ-TTg ngày 22-01-2020 Thủ tướng phê duyệt “Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030” khẳng định: phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển các ngành và lĩnh vực khác, góp phần quan trọng hình thành cơ cấu kinh tế hiện đại. Phát triển du lịch bền vững và bao trùm, trên nền tảng tăng trưởng xanh, tối đa hóa sự đóng góp của du lịch cho các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị và Quyết định số 147/QĐ-TTg đều khẳng định nguồn nhân lực phát triển du lịch có vai trò quan trọng, đặc biệt nguồn nhân lực chất lượng cao, đủ số lượng và chất lượng… mới có thể đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch bền vững cho Việt Nam trong bối cảnh mở rộng hội nhập và môi trường du lịch cạnh tranh gay gắt.
Quảng Ngãi có nguồn tài nguyên thiên nhiên và nhân văn đa dạng, phong phú, thuận lợi cho phát triển du lịch. Thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, tỉnh Quảng Ngãi đã có nhiều chính sách nhằm phát triển nguồn nhân lực du lịch, thu hút đầu tư, hình thành các sản phẩm du lịch phù hợp, qua đó đóng góp tích cực đối với nền kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập, mức sống, tạo việc làm cho người dân địa phương. Song thực tế cho thấy, du lịch tỉnh Quảng Ngãi chưa phát huy hết được tiềm lực của mình, trong đó có nguyên nhân là nhân lực cho ngành du lịch còn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập.
1. Tiềm năng phát triển du lịch tỉnh Quảng Ngãi
Quảng Ngãi là tỉnh thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ, nơi đây mang nhiều dấu ấn riêng biệt với nền văn hóa cổ Sa Huỳnh, công viên địa chất núi lửa đảo Lý Sơn và các dấu ấn lịch sử cách mạng. Đây là lợi thế quan trọng để tỉnh Quảng Ngãi phát triển các sản phẩm du lịch, vừa có nét chung của vùng, song lại có đặc trưng riêng, đáp ứng đa dạng du cầu của du khách trong và ngoài nước.
Quảng Ngãi có 30 điểm đến du lịch hấp dẫn, bao gồm: thành cổ Quảng Ngãi, núi Thiên Ấn, bãi biển Mỹ Khê, bãi tắm Dung Quất, đồng muối Sa Huỳnh, khu du lịch thác Trắng - bãi Dứa, núi Cà Đam, khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng, đèo Vi Ô Lắc, khu lưu niệm cố thủ tướng Phạm Văn Đồng, bãi biển Khe Hai, đèo Long Môn, đảo Lý Sơn, thành cổ Châu Sa, cửa biển Sa Cần, mũi Ba Làng An, sông Trà Khúc, thắng cảnh Gành Yến, làng Bích Họa 3D Gành Yến, Thạch Kỳ Điếu Tẩu, chùa Ông, suối khoáng nóng Nghĩa Thuận, La Hà thạch trận, chùa Đục, đình làng An Hải, đỉnh Thới Lới, cột cờ Tổ quốc... Trong đó bãi biển Mỹ Khê được tạp chí Forbes của Mỹ bình chọn là một trong 10 bãi biển đẹp nhất Việt Nam và trong những năm qua, đây là điểm đến hấp dẫn thu hút khá đông khách du lịch trong nước và quốc tế.
Toàn tỉnh có 25 dân tộc, trong đó các dân tộc thiểu số có bản sắc văn hóa độc đáo như: Hrê, Co, Xơ Đăng và một số dân tộc di cư từ các tỉnh phía Bắc. Đây là một lợi thế để Quảng Ngãi khai thác, phát huy các giá trị văn hóa để phát triển du lịch, đồng thời cũng là nguồn nhân lực quan trọng có thể tham gia vào hoạt động phục vụ du lịch, nhất là du lịch cộng đồng.
Với lợi thế về tài nguyên du lịch biển đảo, tỉnh Quảng Ngãi có thể đẩy mạnh sản phẩm du lịch này trở thành thế mạnh, là điểm nhấn và phấn đấu đưa du lịch biển đảo trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Tại Hội thảo toàn quốc về du lịch năm 2023 với chủ đề “Đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển” diễn ra vào ngày 15-3-2023 tại Hà Nội, các bộ, ngành, các địa phương đã khẳng định du lịch phải được xác định là một ngành kinh tế mũi nhọn, cần hướng tới phát triển du lịch bền vững, xác định các sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng và có 5 sản phẩm du lịch mà Việt Nam sẽ tập trung đẩy mạnh, phát triển trong thời gian tới, trong đó có du lịch biển đảo, du lịch văn hóa…
Tuy nhiên, để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, yêu cầu về đổi mới nhận thức, tư duy về phát triển du lịch, đặc biệt đòi hỏi phải có 1 nguồn nhân lực du lịch tương xứng, bảo đảm cả về số lượng và chất lượng.
2. Thực trạng phát triển du lịch và nguồn nhân lực du lịch Quảng Ngãi
Thời gian qua, tỉnh Quảng Ngãi luôn xác định du lịch là một ngành kinh tế mũi nhọn. Quan điểm chung của ngành du lịch tỉnh Quảng Ngãi là phát triển đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa các chuỗi cung ứng dịch vụ, phát huy tài nguyên du lịch, từ đó chú trọng việc thu hút khách quốc tế từ các thị trường Bắc Mỹ, Tây Âu (Pháp, Đức, Hà Lan,...), Đông Bắc Á (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản), ASEAN (Thái Lan, Xinhgapo, Malaixia) và khách trong nước đến tham quan, nghỉ dưỡng và trải nghiệm.
Năm 2018, lượng khách đến Quảng Ngãi ước đạt khoảng 1 triệu lượt người, đạt 117% so với kế hoạch, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2017, chiếm 4,8% lượng khách du lịch của toàn vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (19.058.194 người). Trong đó, có 86.000 lượt khách quốc tế (chiếm 1,14% ), đạt 122% so với kế hoạch và tăng 25% so với cùng kỳ năm 2017. Riêng huyện đảo Lý Sơn đón 230.320 lượt khách, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm trước.
Số ngày lưu trú của khách quốc tế và khách trong nước tăng ổn định qua các năm. Năm 2010, số ngày lưu trú của khách quốc tế là 2,5 ngày và khách trong nước là 1,9 ngày, đến năm 2018, con số này đã tăng lên tương ứng là 2,9 ngày và 2,7 ngày. Theo đó, mức chi tiêu bình quân của khách quốc tế năm 2010 là 70 USD/ngày và khách trong nước là 600.000 đồng/ngày... Điều đó đã góp phần không nhỏ vào tăng trưởng GDP cho toàn tỉnh, đồng thời tạo ra việc làm cho nhiều người dân(1).
Năm 2018, toàn tỉnh có 300 cơ sở lưu trú du lịch (năm 2010 chỉ có 59 cơ sở), chủ yếu tập trung tại thành phố Quảng Ngãi, các huyện Đức Phổ, Bình Sơn, Sơn Tịnh, Lý Sơn… Tổng số buồng lưu trú trên địa bàn tỉnh cũng tăng đáng kể, từ 1.080 buồng năm 2010 lên 4.020 buồng năm 2018; tốc độ tăng trưởng trung bình cả giai đoạn 2010 - 2018 là 10,8%/năm. Trong đó, năm 2010, số buồng đạt tiêu chuẩn 3-5 sao là 538 buồng và dưới 3 sao là 129 buồng; năm 2018 đã tăng tương ứng là 538 buồng và 347 buồng.
Có thể thấy, hệ thống cơ sở lưu trú ở tỉnh Quảng Ngãi tăng về số lượng mà không có nhiều sự thay đổi về chất lượng, số buồng đạt tiêu chuẩn 3-5 sao giai đoạn 2010 - 2018 là không thay đổi(2).
Về nguồn nhân lực trong ngành du lịch, tính đến hết năm 2018, tổng số lao động hoạt động trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi là 12.400 người. Trong đó, số lượng lao động trực tiếp là 4.000 người (chiếm 32,3%), lao động gián tiếp là 8.400 người (chiếm 67,7%).
Tốc độ tăng trưởng nhân lực ngành du lịch giai đoạn 2010-2019 bình quân là 10,45%. Cụ thể, năm 2010, số lao động du lịch là 6.045 người, chiếm 0,83% lực lượng lao động toàn tỉnh, song đến năm 2019, tổng số lao động du lịch là 13.500 người, tăng 11% so với năm 2018 và tăng 74,55% so với năm 2010.
|
Năm 2020, ngành du lịch tỉnh Quảng Ngãi bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, do vậy, lực lượng lao động trong ngành du lịch cũng có sự sụt giảm đáng kể, giảm 4.800 người so với năm 2019(3).
Thực tế ở các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch, nhân lực chủ yếu là lao động địa phương, lao động phổ thông chưa qua đào tạo về du lịch hoặc không đúng chuyên ngành du lịch. Lao động có trình độ từ trung cấp trở lên chiếm 52,7% (trong đó trên đại học 6,2%, đại học chiếm 14,6%, cao đẳng chiếm 15,4% và trung cấp chiếm 16,5%), lao động được đào tạo ngắn hạn bao gồm sơ cấp nghề chiếm 14,8%, bồi dưỡng ngắn hạn chiếm 7,7%. Số lao động chưa qua đào tạo chiếm 21,7% tổng số lao động trực tiếp của ngành du lịch(4).
Lao động ngành du lịch tỉnh Quảng Ngãi không được đào tạo về ngoại ngữ còn khá lớn, chiếm 76,8%. Đây là một trở ngại lớn cho việc phát triển du lịch của tỉnh. Kết quả khảo sát cho thấy, trong số lao động du lịch đã qua đào tạo ngoại ngữ thì tiếng Anh chiếm lớn nhất, với 21,9%, tiếp sau đó là tiếng Pháp, tiếng Trung và tiếng Nga, không có tiếng Nhật, Hàn. Tỷ lệ lao động có thể sử dụng ngoại ngữ khác tiếng Anh còn rất thấp, chưa đáp ứng được sự phát triển của thị trường khách quốc tế đến với Quảng Ngãi(5).
Nhân lực du lịch của tỉnh Quảng Ngãi, bên cạnh ưu điểm là số lượng ngày càng tăng, có ý thức trách nhiệm, nhiệt tình, chăm chỉ..., vẫn còn những hạn chế là số lượng nhân lực còn ít, cơ cấu chưa đồng bộ và năng lực thực tiễn chưa cao; nhân lực có tay nghề cao chưa nhiều, chủ yếu là nhân lực nông thôn, gián tiếp tham gia vào hoạt động du lịch, còn thiếu những cán bộ nòng cốt trong đào tao nhân lực trẻ; kiến thức hội nhập, ngoại ngữ, tin học còn yếu; chưa nắm bắt được đầy đủ thông tin nên chưa đủ năng lực phân tích, đánh giá, sáng tạo... để hình thành các sản phẩm du lịch đặc trưng; năng lực lãnh đạo, quản lý, quản trị và kinh nghiệm thực tiễn còn hạn chế, chưa tương xứng với sự phát triển của ngành và khả năng hội nhập với thị trường du lịch thế giới chưa cao.
Từ giữa năm 2022 trở lại đây, dịch bệnh đã được kiểm soát, Việt Nam xác định phát triển du lịch trong trạng thái mới sau Covid-19 và quyết tâm phục hồi, tăng tốc, đẩy mạnh phát triển. Theo đó, du lịch phải bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại và phát triển bền vững, trong đó vai trò của nhân lực du lịch rất quan trọng. Để du lịch chiếm vị trí mũi nhọn trong nền kinh tế, tỉnh Quảng Ngãi cần xác định đầy đủ, rõ ràng về yếu tố con người, yếu tố nguồn lực để phục vụ, quản lý, điều hành, phân phối… các sản phẩm du lịch.
Con người không phải là khách thể của du lịch, đứng ngoài du lịch mà là một yếu tố cấu thành sản phẩm du lịch. Con người với toàn bộ tiềm năng của mình như tri thức, kỹ năng, hành vi, thái độ, thậm chí là cả hình thức được coi là một bộ phận của sản phẩm du lịch. Chất lượng của dịch vụ du lịch phụ thuộc vào con người, phụ thuộc vào phẩm chất của người làm du lịch(6).
Do đó, để du lịch trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển bền vững thì việc quan tâm, đầu tư và nắm bắt được các đặc điểm cơ bản của nhân lực du lịch, bao gồm nhân lực du lịch trực tiếp và gián tiếp; nhân lực du lịch thường xuyên và mùa vụ; nhân lực du lịch chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp; trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kinh nghiệm của nhân lực du lịch…(7) là hết sức quan trọng.
3. Một số giải pháp phát triển nguồn nhân lực du lịch tỉnh Quảng Ngãi
Phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt nguồn nhân lực chất lượng cao được coi là yếu tố quyết định sự phát triển của ngành du lịch Việt Nam nói chung, ngành du lịch tỉnh Quảng Ngãi nói riêng. Để phát triển nguồn nhân lực cần phải hiểu rõ đặc điểm của nhân lực du lịch để từ đó có cách phân loại trong sử dụng, đào tạo, đầu tư và phát triển.
Nghị quyết 08 - NQ/TW ngày 16-01-2017 khẳng định nguồn nhân lực du lịch cần được chú trọng đào tạo đủ số lượng và đạt chất lượng cao, phát triển nguồn nhân lực du lịch cần tập trung: (1) Nhà nước có chính sách thu hút đầu tư cho đào tạo nguồn nhân lực du lịch; (2) Tăng cường năng lực cho các cơ sở đào tạo du lịch cả về cơ sở vật chất kỹ thuật, nội dung, chương trình và đội ngũ giáo viên; (3) Đẩy mạnh xã hội hóa và hợp tác quốc tế, thu hút nguồn lực phát triển nguồn nhân lực du lịch; (4) Đa dạng hóa các hình thức đào tạo du lịch; (5) Đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến trong đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực du lịch; (6) Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cả về quản lý nhà nước, quản trị doanh nghiệp và lao động nghề du lịch; (7) Chú trọng nâng cao kỹnăng nghề, ngoại ngữ và đạo đức nghề nghiệp cho lực lượng lao động ngành du lịch; (8) Hoàn thiện bộ tiêu chuẩn nghề quốc gia về du lịch tương thích với các tiêu chuẩn trong ASEAN; (9) Thành lập Hội đồng nghề du lịch quốc gia và Hội đồng cấp chứng chỉ nghề du lịch.
Nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao, trước hết là nguồn nhân lực trực tiếp của ngành du lịch được đào tạo bài bản với đầy đủ kỹ năng cứng và kỹ năng mềm, có thể đáp ứng được môi trường làm việc quốc tế đa dạng, hội nhập. Như vậy, nhân lực trực tiếp chất lượng cao của ngành du lịch phải có đủ năng lực với vai trò nòng cốt trong phát triển du lịch, có khả năng tiếp cận, làm chủ, chuyển giao khoa học công nghệ tiên tiến, sáng tạo và truyền bá tinh hoa dân tộc trong lĩnh vực du lịch, thu hút nhiều khách du lịch, có sức khỏe tốt, phát triển toàn diện về trí tuệ, ý chí, năng lực và đạo đức, có năng lực tự học, tự đào tạo cao, năng động, chủ động, có tri thức và thích nghi(8).
Tuy nhiên, để du lịch trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn và phát triển nguồn nhân lực đúng trọng tâm, chất lượng, hiệu quả, đòi hỏi tỉnh Quảng Ngãi phải có một chiến lược phát triển du lịch cho từng giai đoạn rõ ràng, chú trọng tính đa dạng hóa thị trường khách du lịch, đa dạng các sản phẩm du lịch... để từ đó nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phù hợp.
Trên cơ sở xác định rõ mục tiêu và phân khúc thị trường du lịch, các sản phẩm du lịch, tỉnh Quảng Ngãi tập trung vào chiến lược lựa chọn, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch. Mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong thời gian tới nên tập trung xây dựng lực lượng lao động ngành du lịch đáp ứng yêu cầu về chất lượng, hợp lý về cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo để bảo đảm tính chuyên nghiệp, đủ sức cạnh tranh và hội nhập, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, đáp ứng nhu cầu xã hội. Để làm được điều này cần tập trung vào một số nội dung quan trọng sau:
Một là, các giải pháp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm phát triển du lịch tỉnh Quảng Ngãi, để du lịch trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn cần bám sát tinh thần nội dung của Nghị quyết 08/NQ-TW ngày 16-01-2017, trong đó có đề cập đến các phương án phát triển nguồn nhân lực du lịch.
Hai là, tập trung xây dựng và tổ chức thực hiện đề án, kế hoạch phát triển nhân lực du lịch phù hợp với nhu cầu phát triển du lịch từng thời kỳ; từng bước thực hiện chuẩn hóa nhân lực du lịch phùhợp tiêu chuẩn quốc gia, khu vực và quốc tế. Áp dụng việc đào tạo kỹ năng nghề và chuẩn hóa nghề theo tiêu chuẩn ASEAN.
Ba là, nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo, có tay nghề, có kỹ năng tổ chức, thực hiện, quản lý du lịch. Đến năm 2025, phấn đấu trên 70% và trên 80% vào năm 2030 lao động trong lĩnh vực du lịch được đào tạo bồi dưỡng chuyên môn và chuyên môn sâu về du lịch.
Bốn là, tập trung ưu tiên đào tạo kỹ năng các nghề du lịch cho các hộ gia đình làm du lịch cộng đồng, các hộ dân làng chài, nhất là phụ nữ và đồng bào dân tộc thiểu số. Phát huy tốt các chương trình, dự án hỗ trợ từ các chính phủ, tổ chức nhà nước, các tổ chức phi chính phủ...
Năm là, từ nay đến năm 2030, tập trung phát triển nguồn nhân lực bậc cao bao gồm đội ngũ quản lý, lực lượng chuyên gia đầu ngành, đội ngũ nghiên cứu và lao động kỹ năng cao. Đẩy nhanh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong ngành du lịch.
Sáu là, có chính sách và cơ chế nhằm gắn kết giữa ba (03) nhà: Nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp. Chú trọng đến việc bảo đảm sự liên kết chặt chẽ giữa cơ quan quản lý nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp kinh doanh du lịch trong đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng nhân lực có chất lượng cho ngành du lịch; đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn giáo viên giảng dạy về du lịch.
Chủ động tiến hành các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch, hợp tác với các cơ sở đào tạo du lịch trong nước, đặc biệt với Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Hà Nội, TP. HCM để có thêm nguồn lực cho công tác đào tạo nhân lực ngành du lịch của Quảng Ngãi; trường Cao đẳng Quảng Ngãi đang đẩy mạnh hợp tác quốc tế để sinh viên được thực hành, thực tập tại nước ngoài như Thái Lan, Nhật, Hàn Quốc và Ôxtrâylia…
(1), (2), (3), (4), (5) Sở Văn hóa thể thao và du lịch tỉnh Quảng Ngãi: Đề án phát triển nguồn nhân lực đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, 2019.
(6), (8) Phan Huy Xu, Võ Văn Thành: Du lịch Việt Nam từ lí thuyêt đến thực tiễn, Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh, 2018, tr.202, 205.
(7) Nguyễn Phạm Hùng: Văn hóa du lịch, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội, 2022, tr.308.
PGS, TS NGUYỄN THỊ SONG HÀ
Học viện Khoa học xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
TS NGUYỄN XUÂN HÒA
Viện Địa lý nhân văn, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam