Xác định tạo nguồn nhân lực là vấn đề cấp bách và cần thiết, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, Thái Bình quán triệt sâu sắc quan điểm đào tạo nghề nghiệp phải gắn với nhu cầu phát triển và đáp ứng nhu cầu lao động qua đào tạo của doanh nghiệp, nhu cầu học tập, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp của người học, người lao động.
Do đó, mục tiêu đặt ra đến năm 2025 đầu tư, nâng cấp 01 trường công lập thành trường chất lượng cao; xây dựng 02 trường công lập (01 trường trung cấp và 01 trường cao đẳng) tự bảo đảm chi thường xuyên; thu hút đầu tu 02 đến 03 truờng nghề tư thục. 50% nhà giáo và cán bộ quản lý đuợc đào tạo bổ sung nâng cao năng lực số, kỹ năng, phương pháp sư phạm phù hợp để triển khai đào tạo trên môi trường số. 50% các trường cao đẳng, trường trung cấp có hạ tầng số, nền tảng số để kết nối, khai thác với nền tảng số giáo dục nghề nghiệp quốc gia. Thu hút 40-45% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở và trung học phổ thông vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho 25% lực lượng lao động. Tỷ lệ lao động có kỹ năng công nghệ thông tin đạt 80%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 30%.
Đến năm 2030, thu hút đầu tư 03 trường nghề tư thục trên địa bàn tỉnh, trong đó có 01 trường chất lượng cao có vốn đầu tư nước ngoài hoặc trường tư thục chất lượng cao trong Khu kinh tế Thái Bình; 100% trường trung cấp, trường cao đẳng công lập thực hiện tự chủ. 100% nhà giáo và cán bộ quản lý được đào tạo bổ sung nâng cao năng lực số, kỹ năng, phương pháp sư phạm phù hợp để triển khai đào tạo trên môi trường số. 100% các trường cao đẳng, trường trung cấp có hạ tầng số, nển tảng số đe kết nối, khai thác với nền tảng số giáo dục nghề nghiệp quốc gia. Thu hút 50-55% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở và trung học phổ thông vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho 50% lực lượng lao động. Tỷ lệ lao động có kỹ năng công nghệ thông tin đạt 90%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35-40%.
Để thực hiện những mục tiêu này, Thái Bình sẽ ban hành cơ chế hỗ trợ các trường trung cấp, trường cao đẳng công lập kinh phí đầu tư (cơ sở vật chất; trang thiết bị đào tạo; xây dựng chương trình, giáo trình) để đào tạo chương trình chất lượng cao các nghề thuộc danh mục nghề khuyến khích đào tạo, bao gồm các trường cao đẳng, trường trung cấp công lập của tỉnh đã được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội lựa chọn ngành, nghề trọng điểm. Đồng thời, xây dựng một số cơ chế hỗ trợ phát triển đào tạo lao động có kỹ năng nghề và hỗ trợ đào tạo nhân lực theo chương trình chất lượng cao.
Theo đó, chính sách hỗ trợ học nghề thuộc danh mục nghề khuyến khích đào tạo và hỗ trợ học phí học văn hóa cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở học tiếp lên trình độ trung cấp, cao đẳng trên địa bàn tỉnh. Cụ thể là đối tượng học sinh tốt nghiệp trung học phô thông, có hộ khẩu thường trú trên địa bàn tỉnh Thái Bình, học hệ chính quy trình độ trung cấp hoặc trình độ cao đẳng tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tỉnh, thuộc danh mục nghề khuyến khích đào tạo. Học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở, có hộ khẩu thường trú trên địa bàn tỉnh Thái Bình học tiếp lên trình độ trung cấp kết hợp học văn hóa trung học phổ thông theo chương trình giáo dục thường xuyên tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Chính sách hỗ trợ đào tạo nhân lực theo chương trình chất lượng cao thuộc danh mục nghề khuyến khích đào tạo sẽ áp dụng đối với học sinh, sinh viên có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Thái Bình; học hệ chính quy theo chương trình chất lượng cao trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng tại các trường trung cấp, trường cao đẳng của tỉnh (theo quy định tại Thông tư số 21/2018/TT-BLDTBXH ngày 30/11/2018 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Quy định tiêu chí xác định chương trình chất lượng cao trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng và các quy định của pháp luật có liên quan).
Bên cạnh việc thực hiện cơ chế tự chủ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, Thái Bình sẽ đa dạng hóa các loại hình cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các hình thức đào tạo nghề nghiệp; khuyến khích, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các tổ chức khác, công dân Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp và tham gia hoạt động đào tạo nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tổ chức, cá nhân đóng góp, đầu tư xây dựng cơ sở giáo dục nghề nghiệp được hưởng chính sách khuyến khích xã hội hóa về đất đai, thuế, tín dụng, đào tạo nhà giáo và cán bộ quản lý, cho thuê cơ sở vật chất, thiết bị theo quy định của Chính phủ.
Đảm bảo nguồn nhân lực trực tiếp đủ về số lượng, nâng cao về chất lượng, hợp lý về cơ cấu nghề, cơ cấu trình độ đào tạo, đáp ứng nhu cầu lao động chất lượng cao cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, Thái Bình không chỉ tạo cơ hội học tập cho mọi người, xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời, đẩy mạnh xã hội hoá giáo dục nghề nghiệp, mà còn từng bước nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, góp phần tăng năng suất lao động, giải quyết việc làm, nâng cao mức sống của người lao động trong tỉnh. Sự phát triển nhanh, bền vững của hệ thống giáo dục nghề nghiệp, bảo đảm sự tương thích giữa chất lượng giáo dục nghề nghiệp với nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp và thị trường lao động sẽ tạo nền tảng đáp ứng yêu cầu ngày cao của một trong những yếu tố tiên quyết thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhanh và bền vững./.
Hồng Quang