23/12/2024 lúc 08:09 (GMT+7)
Breaking News

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ở Thái Bình: Kỳ IV - Động thái tích cực cho lộ trình tương lai

Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình đã tăng cường phối hợp với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các doanh nghiệp trong đào tạo và cung ứng lao động qua đào tạo ở các trình độ giáo dục nghề nghiệp, đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Khảo sát 120 doanh nghiệp trong các Khu công nghiệp và Khu kinh tế Thái Bình và nhu cầu đào tạo, tuyển dụng lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải, văn hóa thể thao du lịch, đến năm 2025 số lượng lao động cần đào tạo của Thái Bình là 78.839 người, trong đó trình độ cao đẳng 21.271 người, trình độ trung cấp 14.201 người, trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng 30.441 người, lao động phổ thông 12.926 người. Tổng số nhu cầu đào tạo lao động đến năm 2030 là 82.161 người, trong đó trình độ cao đẳng 24.115 người, trình độ trung cấp 18.652 người, trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng 19.522 người, lao động phổ thông 19.872 người.

Tuy nhiên, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh mới chỉ đào tạo những nghề phổ biến đang được các doanh nghiệp tổ chức sản xuất, và cũng chưa tổ chức đào tạo theo chương trình chất lượng cao. Các nghề mang tính chiến lược, mũi nhọn trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng, bưu chính viễn thông, du lịch, khách sạn nhà hàng, chế biến nông, thủy sản... chưa có cơ sở nào tổ chức đào tạo.

Thêm vào đó, cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục và các trung tâm dạy nghề công lập (thuộc các hội, đoàn thể) số lượng giáo viên cơ hữu ít, quy mô đào tạo nhỏ, số lượng các nghề đào tạo chưa đa dạng (chủ yếu tập trung vào đào tạo nghề may công nghiệp trình độ sơ cấp), đầu tư về cơ sở vật chất còn manh mún chưa đáp ứng được với yêu cầu. Một số trung tâm thời gian qua không tổ chức hoạt động đào tạo nghề nghiệp (Trung tâm dạy nghề Nam Thái, Trung tâm dạy nghề 297 Lý Bôn, Trung tâm dạy nghề Nguyễn Công Trứ). Hai trường trung cấp tư thục (Trường trung cấp tư thục Việt Đức, Trường Trung cấp công nghệ quốc tế) đang được các tổ chức, cá nhân đầu tư đưa vào hoạt động trở lại. Kết quả tuyển sinh học nghề của tỉnh chủ yếu là được tuyển sinh bởi hệ thống các trường công lập.

UBND tỉnh Thái Bình ký kết ghi nhớ hợp tác với Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam.

Trước thực trạng này, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình đã tăng cường phối hợp với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các doanh nghiệp trong đào tạo và cung ứng lao động qua đào tạo ở các trình độ giáo dục nghề nghiệp, đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Thông qua việc nâng cao vai trò, trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Ủy ban nhân dân tỉnh và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, Thái Bình sẽ thúc đẩy hợp tác, liên kết giữa các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhằm tăng cường sự gắn kết để nâng cao chất lượng đào tạo nghề nghiệp, hình thành cơ chế phối hợp để các bên cùng tham gia vào hoạt động giáo dục nghề nghiệp và cung ứng nguồn nhân lực một cách hiệu quả, bền vững; phát huy vai trò, tiềm năng của doanh nghiệp và cơ sở giáo dục nghề nghiệp , nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động.

Nội dung phối hợp công tác giữa Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp với Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình được thực hiện theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp và các văn bản quy phạm pháp luật có liên qua. Theo đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình sẽ chỉ đạo các sở, ban, ngành có liên quan dự báo, xác định nhu cầu về đào tạo, bồi dưỡng, nhu cầu sử dụng lao động theo từng lĩnh vực ngành nghề, trình độ và nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh tham gia xây dựng chiến lược, kế hoach, quy hoạch, chính sách phát triển giáo dục nghề nghiệp của tỉnh Thái Bình; chỉ đạo xây dựng và thực hiện các cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan đến giáo dục nghề nghiệp, đào tạo gắn với doanh nghiệp. Có cơ chế, chính sách cụ thể để đặt hàng đào tạo, thu hút, giữ chân lao động sau học nghề và làm việc tại địa phương, doanh nghiệp. Tạo điều kiện để thu hút doanh nghiệp tham gia vào các hoạt động giáo dục nghề nghiệp, tham gia tuyển sinh, tuyển dụng và phối hợp đào tạo nhằm phát triển nguồn nhân lực cho doanh nghiệp; tham gia vào việc xây dựng chương trình, tổ chức giảng dạy, hướng dẫn thực hành, thực tập, đánh giá kết quả học tập của người học tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp và tại doanh nghiệp. Tạo cơ chế và điều kiện để doanh nghiệp phối hợp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tiếp nhận người học, nhà giáo đến tham quan, thực hành, thực tập nâng cao kỹ năng nghề thông qua hợp đồng đào tạo với cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Ký kết thỏa thuận nguyên tắc cho thuê lại đất và cơ sở hạ tầng giữa Công ty Cổ phần Phát triển hạ tầng Trường An và Công ty Daein Toys.

Ông Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết, về phía Tổng cục sẽ cung cấp thông tin về năng lực đào tạo của hệ thống giáo dục nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu nhân lực của tỉnh Thái Bình. Chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tăng cường công tác tuyên truyền tư vấn, hướng nghiệp, tuyển sinh gắn với tuyển dụng lao động cho doanh nghiệp. Chỉ đạo các cơ sở đào tạo chất lượng cao khu vực đồng bằng sông Hồng và các trường đào tạo ngành nghề trong các lĩnh vực đặc thù tăng cường đào tạo, đáp ứng nhu cầu về nhân lực lao động cho các doanh nghiệp, Khu kinh tế và các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Bình. Hỗ trợ giúp tỉnh Thái Bình trong việc cung ứng nhân lực đã qua đào tạo; nâng cao năng lực, chất lượng, đa dạng hóa các ngành, nghề đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hiện có trên địa bàn tỉnh. Kết nối cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp để thực hiện đào tạo, đào tạo lại, đào tạo theo đặt hàng, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng làm việc cho người lao động của doanh nghiệp. Chỉ đạo các Vụ, đơn vị có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ chuyên môn xây dựng kế hoạch, phối hợp tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch theo từng năm, từng giai đoạn cụ thể.

Ông Vũ Văn Trung - Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá cao động thái tích cực của Thái Bình thông qua chương trình hợp tác với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Ông cho rằng, phát triển nguồn nhân lực có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội của đất nước nói chung, của địa phương nói riêng, là một trong 3 đột phá chiến lược của nghị quyết đại hội các cấp. Thái Bình là tỉnh đi đầu tiên phong trong triển khai thực hiện nghị quyết thông qua việc tạo nguồn lực phát triển phục vụ trong tỉnh, vươn xa phục vụ các tỉnh đồng bằng sông Hồng, các trung tâm kinh tế lớn. Thời điểm triển khai chủ trương này cũng rất phù hợp trong bối cảnh thế giới đang chuyển giao trạng thái bình thường mới, cộng đồng quốc tế, nhà đầu tư đánh giá cao Việt Nam với tốc độ tăng trưởng trên nhiều lĩnh vực, vì vậy chuẩn bị nguồn lực phục vụ thu hút đầu tư có vai trò rất quan trọng.

Cũng theo ông Trung, trước đây các tỉnh nằm trong “vùng trũng” thu hút đầu tư thì phần lớn lực lượng lao động bị hút về các trung tâm, tuy nhiên trong diễn biến của dịch bệnh Covid-19 quá trình dịch chuyển lao động đã dần đi vào thế cân bằng và đây là điều kiện tuyệt vời để các địa phương kêu gọi con em quay về với quê hương. Thực tế kiểm nghiệm qua việc triển khai các dự án, nếu giữ chân được lực lượng này sẽ thu hút được cả nguồn lực tài chính lẫn con người. Thái Bình dù khó khăn về một số điều kiện nhất định nhưng gần đây đã thu hút tốt đầu tư. Nếu tiếp tục chủ động chuẩn bị tốt các điều kiện lan tỏa, tiếp nhận, Thái Bình sẽ thu hút không chỉ các doanh nghiệp trong nước, mà ngày càng nhiều các nhà đầu tư nước ngoài. Các nhà sản xuất có nhu cầu về đào tạo, nhân lực cũng sẽ kết nối với Thái Bình, do đó chương trình hợp tác thực sự là một động thái tích cực cho lộ trình tương lai....(còn nữa)

Hồng Quang