19/01/2025 lúc 10:16 (GMT+7)
Breaking News

Phát triển kinh tế tập thể trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa

Kinh tế tập thể là bộ phận có vai trò quan trọng trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Để phát huy vai trò quan trọng đó, Văn kiện Hội nghị lần thứ Năm khóa XIII của Đảng đã đề ra nhiều giải pháp mới. Việc thực hiện tốt những giải pháp này nhất định sẽ thúc đẩy kinh tế tập thể phát triển mới về chất trong thời gian tới.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Tân Tiến ở TP Đà Lạt - một trong những HTX hoạt động hiệu quả vơi 30 ha vùng nguyên liệu rau, củ quả của hơn 20 hộ dân cho doanh thu 500triệu đồng/ha/năm

TƯ DUY MỚI VỀ KINH TẾ TẬP THỂ TRONG  NỀN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG ĐỊNH HƯỚNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA

Thực tế lịch sử phát triển của các mô hình kinh tế thị trường trên thế giới trải qua nhiều thế kỷ cho thấy, cùng với sự hình thành và phát triển đa dạng của các kiểu hình thức tổ chức sản xuất khác nhau, trong các nền kinh tế thị trường luôn có sự hiện diện một cách khách quan, đa dạng của các hợp tác xã. Lợi ích mà kinh tế tập thể mang lại không chỉ là đưa đến cho các thành viên cơ hội tốt hơn về quyền lợi cũng như địa vị xã hội, hơn thế, xét ở phạm vi rộng lớn trên toàn xã hội, kinh tế tập thể còn góp phần tạo ra sự ổn định xã hội, ổn định chính trị. Những giá trị như vậy của kinh tế tập thể không chỉ thể hiện sự gần gũi mà chính là phản ánh bản chất xã hội chủ nghĩa trong hoạt động và phân phối lợi ích. Theo nghĩa như vậy, kinh tế tập thể thực sự là thành tố của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, kinh tế tập thể là thực thể bộ phận một cách khách quan của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Do đó, phát triển kinh tế tập thể, cùng với các thành phần kinh tế khác là phương thức để thúc đẩy kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa không ngừng hoàn thiện.

Ở nước ta, kinh tế tập thể đã từng phát huy ý nghĩa cách mạng to lớn trong điều kiện nền kinh tế chịu tác động của quy luật chiến tranh giải phóng. Tuy vậy, sự kéo dài mô hình thuần khiết các hợp tác xã vận hành theo cơ chế kế hoạch hóa tập trung, bao cấp đã làm cho kinh tế tập thể từ chỗ có ý nghĩa lịch sử to lớn dần trở nên xơ cứng và hình thức, hiệu quả hoạt động và lợi ích đem lại cho xã viên không như kỳ vọng. Thực trạng này làm cho kinh tế tập thể trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển khách quan. 

Hội nghị Trung ương lần thứ Năm (khóa XIII) của Đảng đã đánh giá thẳng thắn, khu vực kinh tế tập thể ở nước ta đến nay chưa phát triển như mục tiêu, yêu cầu. Đổi mới và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể còn nhiều khó khăn. Tốc độ tăng trường, tỉ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tập thể vào GDP còn thấp và có xu hướng giảm. Hợp tác xã phát triển không đều giữa các địa phương, vùng, miềnm giữa khu vực nông nghiệp và phi nông nghiệp. Số lượng các hợp tácc xã tuy tăng, nhưng số lượng thành viên bình quân tỏng hợp tác xã có xu hướng giảm; không ít các thành viên tham gia hoạt động của hợp tác xã còn hình thức, chưa thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ trong hợp tác xa. Năng lực nội tại của hợp tác xã còn yếu, hiệu quả hoạt động chưa cao, mô hình tổ chức lỏng lẻo, chưa phù hợp, trình độ cán bộ quản lý hợp tác xã còn hạn chế. Phần lớn các hợp tác xã, tổ hợp tác có quy mô nhỏ, vốn ít, phạm vi hoạt động hẹp, năng lực cạnh tranh, lợi ích mang lại cho thành viên thấp; tính liên kết trong nội bộ hợp tác xã còn yếu; vấn đề nợ của hợp tác xã, tình trạng chiếm dụng vốn chưa được xử lý dứt điểm. Các hoạt động liên doanh, liên kết giữa các hợp tác xã và giữa hợp tác xã với các tổ chức kinh tế khác chưa phổ biến. Số lượng liên hiệp hợp tác xã ít; tổ chức và hoạt động của tổ hợp tác thiếu ổn định; nhiều hợp tác xã chuyển đổi, tổ chức lại mang tính hình thức, chưa thực sự chuyển biến về chất. 

Xác định rõ thực trạng và nguyên nhân, Hội nghị Trung ương lần thứ Năm đã đưa ra tư duy nhận thức mới về kinh tế tập thể: 

Về mặt hình thức tổ chức, kinh tế tập thể với nhiều hình thức tổ chức đa dạng, kết hợp sức mạnh tập thể với sức mạnh của từng thành viên, trong đó: Tổ chức kinh tế tập thể, nòng cốt là các hợp tác xã là hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh thuộc thành phần kinh tế tập thể, là tổ chức kinh tế của những thể nhân, pháp nhân có nhu cầu, tự nguyện lập ra và tự chịu trách nhiệm về hoạt động của mình theo quy định của pháp luật. Tổ chức kinh tế tập thể hoạt động bình đẳng với các tổ chức kinh tế khác. Nhà nước không can thiệp trực tiếp, mà chỉ quản lý hoạt động của tổ chức kinh tế tập thể thông qua pháp luật và chính sách. 

Về chức năng, kinh tế tập thể hoạt động có mục đích kinh tế - xã hội và nhân văn, không chỉ vì lợi ích kinh tế thuần túy. Kinh tế tập thể coi trọng lợi ích của thành viên, sự hợp tác, liên kết, trợ giúp lẫn nhau, hướng đến làm giàu cho từng thành viên và tập thể. Bên cạnh mục tiêu kinh tế, các tổ chức kinh tế tập thể còn thực hiện các chính sách xã hội trên địa bàn. 

Về cách thức đánh giá hiệu quả của kinh tế tập thể, Hội nghị Trung ương lần thứ Năm nhấn mạnh tư duy rất mới, đó là, đánh giá hiệu quả của tổ chức kinh tế tập thể chủ yếu dựa trên số lượng, chất lượng thành viên tham gia, lợi ích tổ chức mang lại cho thành viên và cộng đồng. 

Về ý nghĩa của việc phát triển kinh tế tập thể, phát triển kinh tế tập thể là một trong những phương thức để khắc phục mặt trái của kinh tế thị trường, là nền tảng quan trọng để đạt mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”; là cơ sở để “hợp tác” trở thành văn hóa, bản sắc trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; là một kênh quan trọng để thực hiện các chính sách phát triển văn hóa, xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội tại cộng đồng dân cư. 

Tư duy về kinh tế tập thể lần này thể hiện tinh thần rất mới, rõ và toàn diện. Đặc biệt, trong đó thể hiện rất rõ tinh thần chú trọng hiệu quả và lợi ích cho thành viên và xã hội, chú trọng nguyên tắc tự nguyện, nhà nước không can thiệp trực tiếp vào hoạt động của kinh tế tập thể. 

QUAN ĐIỂM VÀ MỤC TIÊU MỚI VỀ SỰ PHÁT TRIỂN CỦA KINH TẾ TẬP THỂ PHÙ HỢP ĐIỀU KIỆN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG ĐỊNH HƯỚNG XHCN

Về quan điểm chỉ đạo, Đảng ta xác định, kinh tế tập thể là thành phần kinh tế quan trọng, phải được củng cố và phát triển, cùng kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Phát triển kinh tế tập thể là xu thế tất yếu trong bối cảnh hội nhập quốc tế, phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xuất phát từ nhu cầu thiết thực, bảo vệ lợi ích và tạo điều kiện cho thành viên sản xuất kinh doanh hiệu quả, phát triển bền vững. Phát triển kinh tế tập thể phải tôn trọng bản chất, giá trị, nguyên tắc của kinh tế tập thể, phù hợp với điều kiện, đặc điểm kinh tế - xã hội của từng địa phương, vùng, miền và cả nước.

Về hình thức tổ chức, kinh tế tập thể với nhiều hình thức tổ chức, hợp tác đa dạng, phát triển từ thấp đến cao (tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp các hợp tác xã….), trong đó hợp tác xã là nòng cốt. 

Kinh tế tập thể phát triển dựa trên sở hữu riêng của các thành viên và sở hữu chung của tập thể; tổ chức hoạt động theo nguyên tắc đối nhân, không phụ thuộc vào vốn góp; phân phối theo mức độ tham gia dịch vụ, theo hiệu quả lao động và theo vốn góp. Thành viên kinh tế tập thể bao gồm các thể nhân và pháp nhân, thành viên chính thức và thành viên liên kết, cùng góp vốn, góp tài sản, góp sức trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, cùng có lợi và quản lý dân chủ. Khuyến khích việc tích lũy và sử dụng có hiệu quả vốn, tài sản chung trong tổ chức kinh tế tâp thể. 

Phát triển kinh tế tập thể cả về số lượng và chất lượng, trong đó chú trọng chất lượng, bảo đảm sự hài hòa trong tất cả các ngành, lĩnh vực, địa bàn; có chính sách ưu tiên cho các tổ chức kinh tế tập thể trong lĩnh vực nông nghiệp, gắn hoạt động sản xuất kinh doanh với chuỗi giá trị sản phẩm, ứng dụng khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; ưu tiên phát triển các tổ chức kinh tế tập thể gắn với phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức. Đánh giá hiệu quả kinh tế tập thể toàn diện về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, hiệu quả của tổ chức và thành viên. 

Phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và các tổ chức đại diện phối hợp chặt chẽ trong việc tuyên truyền vận động quần chúng tham gia phát triển kinh tế tập thể. 

Về mục tiêu tổng quát, Phát triển kinh tế tập thể năng động, hiệu quả, bền vững, cùng với kinh tế nhà nước trở thành nền tảng của nền kinh tế quốc dân với nhiều mô hình hợp tác, liên kết trên cơ sở tôn trọng bản chất, giá trị và nguyên tắc của  kinh tế tập thể, thu hút ngày càng nhiều nông dân, hộ gia đình, cá nhân và tổ chức tham gia; góp phần nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của các thành viên, hộ gia định, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, thúc đẩy phát triển nhan, bền vững đất nước, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. 

Về mục tiêu cụ thể, đến năm 2030, cả nước có khoảng 140.000 tổ hợp tác với 2 triệu thành viên; 45.000 hợp tác xã với 8 triệu thành viên; 340 liên hiệp hợp tác xã với 1700 hợp tác xã thành viên. Bảo đảm trên 60% tổ chức kinh tế tập thể đạt loại tốt, khá, trong đó ít nhất 50% tham gia liên kết theo chuỗi giá trị. Có trên 5000 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tiêu thụ, sản phẩm nông nghiệp; phát triển các chuỗi giá trị nông sản hàng hóa gắn với liên kết sản xuất, cung cấp dịch vụ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; đẩy mạnh tham gia vào các chuỗi cung ứng đưa sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu trực tiếp ra nước ngoài.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2045, phấn đấu tối thiểu 20% dân số tham gia các tổ chức kinh tế tập thể. Mở rộng quy mô hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể, chất lượng hoạt động ngang tầm các nước trong khu vực và trên thế giới. Bảo đảm trên 90% tổ chức kinh tế tập thể hoạt động hiệu quả, trong đó có ít nhất 75% tham gia các chuỗi liên kết. Phấn đấu có ít nhất 3 tổ chức kinh tế tập thể nằm trong bảng xếp hạng 300 hợp tác xã lớn nhất toàn cầu do Liên minh Hợp tác xã quốc tế (ICA) công nhận. Các tổ chức kinh tế tập thể đều áp dụng công nghệ, nhất là chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất  kinh doanh và dịch vụ(1)

ĐỒNG BỘ CÁC GIẢI PHÁP TẠO ĐỘNG LỰC PHÁT TRIỂN MẠNH MẼ PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ

Để thúc đẩy kinh tế tập thể phát triển đạt đươc mục tiêu như đã chỉ ra, Hội nghị Trung ương lần thứ Năm nêu đồng bộ hệ thống các giải pháp mới từ đổi mới nhận thức, chính sách, đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của nhà nước và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội – nghề nghiệp và Liên minh Hợp tác xã  Việt Nam đối với phát triển kinh tế tập thể. 

Đối với nhóm giải pháp đồng bộ hóa các chính sách, Hội nghị nhấn mạnh việc sửa đổi, bổ sung hoàn thiện quy định pháp luật về kinh tế tập thể như: Quy định về các loại hình tổ chức kinh tế tập thể, tổ chức đại diện; quy định về hợp tác xã, phát triển thành viên, về  nâng cao khả năng huy động vốn, tăng tích lũy vốn và tài sản chung; quy định về phát triển doanh nghiệp trong kinh tế tập thể… Sửa đổi, bổ sung các chính sách ưu đã, hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể theo hướng xác định các tổ chức kinh tế tập thể là chủ thể phù hợp để kết hợp giữa đầu tư của Nhà nước và đầu tư, quản lý của tập thể người dân (đầu tư công – quản trị cộng đồng). Nhà nước có cơ chế, chính sách đặc thù cho kinh tế tập thể. Xây dựng chương trình tổng thể về phát triển kinh tế tập thể trên phạm vi toàn quốc để thống nhất, tập trung nguồn lực, phù hợp với yêu cầu phát triển của kinh tế tập thể và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ với một số chính sách cụ thể như: Chính sách phát triển nguồn nhân lực, chính sách đất đai, chính sách tài chính, chính sách tín dụng, chính sách khoa học – công nghệ, chính sách hỗ trợ về thông tin kinh tế, kỹ năng tiếp thị và nghiên cứu thị trường, chính sách đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, chính sách bảo hiểm xã hội. Đây là hệ chính sách rất đồng bộ.

Về đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể, cần có chính sách phù hợp để tập trung giải quyết dứt điểm các vấn đề tồn đọng của kinh tế tập thể gồm: Nợ tồn đọng kéo dài trong hợp tác xã (nợ nhà nước, nợ ngân hàng, nợ các tổ chức kinh tế khác, nợ thành viên, thành viên nợ hợp tác xã…); các quan hệ tài sản của các hợp tác xã, đặc biệt là tài sản liên quan đến đất đai. Rà soát, sắp xếp lại các hợp tác xã hoạt động không hiệu quả; xử lý dứt điểm các hợp tác xã ngừng hoạt động, chờ giải thể và các hợp tác xã chưa chuyển đổi, tổ chức lại theo quy định của pháp luật; cơ cấu lại các hợp tác xã tín dụng, nhất là xử lý một số hợp tác xã tín dụng yếu kém. 

Đối với thành viên trong các tổ chức kinh tế tập thể, Nghị quyết khẳng định, phát huy tinh thần dân chủ, tự nguyện, tự chủ, tự chịu trách nhiệm của thành viên trong các tổ chức kinh tế tập thể; kết hợp động lực kinh tế với động lực tinh thần, khơi dậy phong trào quần chúng nhân dân tham gia phát triển kinh tế tập thể. Khuyến khích mở rộng thành viên. 

Đáng chú ý, trong tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 lần này, là quan điểm khuyến khích liên kết giữa các tổ chức kinh tế tập thể với các tổ chức và thành phần kinh tế khác đặc biệt là liên kết với các doanh nghiệp nhà nước. Doanh nghiệp nhà nước ưu tiên hỗ trợ, liên kết, tiêu thụ, sử dụng sản phẩm, dịch vụ, tạo điều kiện cho các tổ chức kinh tế tập thể hoạt động có hiệu quả; sớm khắc phục tình trạng thiếu liên kết giữa kinh tế nhà nước với kinh tế tập thể. Đây là giải pháp định hướng rất mới so với các chủ trương đã có của Đảng ta về phát triển kinh tế tập thể. 

Về giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với kinh tế tập thể, Hội nghị Trung ương lần thứ Năm nêu lên các biện pháp toàn diện từ chủ thể tham gia quản lý, xây dựng bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý có chuyên môn, nghiệp vụ. Đặc biệt, Trung ương nhấn mạnh biện pháp thực hiện tăng cường minh bạch trong quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý, từng bước xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về kinh tế tập thể, liên thông với hệ thống đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế. Cùng với đó, việc tăng cường phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong việc xây dựng và triển khai các hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc té về phát triển kinh tế tập thể; chủ động tích cực mở rộng quan hệ với các tổ chức, cơ quan hữu quan của các nước, các tổ chức quốc tế và phi chính phủ nước ngoài nhằm học tập kinh nghiệm, tranh thủ các hỗ trợ tài chính, kỹ thuật dành cho kinh tế tập thể trên nguyên tắc bảo đảm quốc phòng, an ninh được coi là giải pháp cụ thể về nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của nhà nước đối với kinh tế tập thể. Đi liền với đó, trong ngắn hạn khẩn trương sửa đổi Luật hợp tác xã năm 2012 và các quy định pháp luật liên quan đến kinh tế tập thể, hợp tác xã. Trong khi các quy định pháp luật về kinh tế tập thể chưa sửa đổi, bổ sung, tiến hành triển khai thí điểm những nội dung của Nghị quyết khác với quy định hiên hành. 

Về giải pháp  tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội – nghề nghiệp, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đối với phát triển kinh tế tập thể, Hội nghị Trung ương lần thứ Năm khóa XIII của  Đảng chủ trương: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội – nghề nghiệp tuyên truyền, vận động để hội viên, đoàn viên và nhân dân nắm chắc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về kinh tế tập thể; phối hợp tổ chức vận động, phát triển các loại hình kinh tế tập thể. Đối với các tổ chức kinh tế tập thể có số lượng thành viên lớn, có các tổ chức đoàn thể đang hoạt động, cần quan tâm xây dựng và phát huy vai trò của các đoàn thể cùng hội đồng quản trị, ban giám đốc, xây dựng tổ chức kinh tế tập thể phát triển vững mạnh. Song song với đó, tăng cường hoạt đông của hệ thống liên minh hợp tác xã và các tổ chức đại diện. Liên minh hợp tác xã là các tổ chức đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức kinh tế tập thể, giữ vai trò nòng cốt và thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, làm cầu nối giữa Đảng và Nhà nước với thành phần kinh tế tập thể, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xa hội của đất nước. Phát huy vai trò chia sẻ thông tin, vận động thực hiện các chính sách đối với kinh tế tập thể; nghiên cứu giao Liên minh Hợp tác xã Việt Nam thực hiện một số nội dung dịch vụ công phù hợp với quy định của pháp luật và chức năng, nhiệm vụ của Liên minh(2).

PGS.TS Ngô Tuấn Nghĩa
Viện Kinh tế chính trị học
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

_______________________________

(1) (2)  Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ Năm, Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2022, tr.128-130; 145

...