Xác định cảng biển là một trong bốn trụ cột phát triển kinh tế của tỉnh cùng với công nghiệp, du lịch và nông nghiệp công nghệ cao, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu luôn quan tâm đầu tư phát triển mạnh mẽ hệ thống cảng biển, cũng như tập trung khai thác, tận dụng những lợi thế sẵn có để xây dựng các trung tâm dịch vụ logistics, góp phần đưa kinh tế tỉnh nhà vươn xa hơn trong tương lai.
Phát triển hệ thống cảng biển, dịch vụ logistics xứng tầm.
Nỗ lực nâng tầm vị thế cảng biển
Bà Rịa - Vũng Tàu là địa phương có lợi thế với nhiều cảng biển nước sâu, trong đó, cụm cảng Cái Mép - Thị Vải, hàng năm, đón rất nhiều tàu lớn từ khắp thế giới. Để phát huy lợi thế sẵn có, tỉnh đã đầu tư hệ thống giao thông kết nối, đồng thời kiến nghị Bộ GTVT triển khai nạo vét luồng hàng hải Vũng Tàu - Thị Vải, kết hợp hoàn thiện các chính sách hỗ trợ, ưu đãi đầu tư trong lĩnh vực logistics; triển khai phát triển ba khu vực cảng cạn theo quy hoạch; rà soát quỹ đất và xác định vị trí cụ thể kêu gọi đầu tư logistics trong các KCN; tập trung thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả, khai thác hệ thống cảng biển Cái Mép - Thị Vải…
Mặt khác, các doanh nghiệp cảng cũng không ngừng đầu tư trang bị thiết bị mới, bảo đảm tăng năng lực đón tàu; nâng cao chất lượng dịch vụ và chất lượng phục vụ khách hàng để rút ngắn thời gian giải phóng tàu, tiết kiệm chi phí.
Kết quả, hoạt động của hệ thống cảng ngày càng đạt hiệu quả cao, tổng công suất khai thác năm 2020 ước đạt 75 triệu tấn/năm; tăng từ 40% năm 2015 lên 53% năm 2020, trong đó, hàng container bằng tàu biển đạt bình quân 2,93 triệu TEU/năm, tăng 23%/năm. Tổng số cảng biển đang hoạt động trên địa bàn tỉnh là 48/69 cảng, tổng công suất thiết kế đạt 155,7 triệu tấn/năm, trong đó có 7 dự án cảng container lớn với công suất 6,8 triệu TEUS/năm.
Đặc biệt, cụm cảng Cái Mép - Thị Vải hoạt động ngày càng hiệu quả, thuộc nhóm cảng có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới với mức tăng hơn 22%/năm, xếp thứ 6 thế giới và thứ 1 Đông Nam Á. Nhiều tuyến đường giao thông quan trọng kết nối với cảng được đầu tư đồng bộ. Đây là một trong 21 cảng trên thế giới có thể tiếp nhận tàu có trọng tải 200.000 tấn.
Bên cạnh đó, dù hoạt động hàng hải chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, cụm Cái Mép - Thị Vải lại xác lập được nhiều kỷ lục mới như: xếp dỡ thành công các thiết bị siêu trường, siêu trọng; đạt năng suất xếp dỡ hàng container cao nhất Việt Nam nói riêng và các nước trong khu vực nói chung.
Mỗi ngày, tại Cái Mép - Thị Vải có 2 tàu mẹ đi thẳng đến hai bờ nước Mỹ, 1 chuyến tàu lớn đi thẳng các nước châu Á, trung bình ba ngày có một chuyến tàu đi thẳng châu Âu. Với tần suất này, Cái Mép - Thị Vải đang là một trong những cảng cạnh tranh nhất ở ASEAN.
Tuy đạt được kết quả ấn tượng, nhìn chung, hiệu quả khai thác cảng biển trên địa bàn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế hiện có. Phần lớn các cảng trong cụm cảng Cái Mép - Thị Vải đều có cầu cảng ngắn, khó tiếp nhận cùng lúc nhiều tàu trọng tải lớn... Để giải quyết những vấn đề trên, Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ tập trung đầu tư và hoàn thiện hạ tầng với những dự án lớn kết nối đa phương thức, kết nối vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Tỉnh xác định, nhiệm kỳ 2020-2025, ưu tiên dành 20.000 tỷ đồng đầu tư hạ tầng kết nối giao thông liên cảng, liên vùng; Tập trung triển khai các dự án như đường 991B, cầu Phước An, đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đường Long Sơn - Cái Mép, Phước Hòa - Cái Mép, đường sau cảng Mỹ Xuân - Thị Vải; Xúc tiến các thủ tục để khởi động xây dựng đường sắt kết nối cảng, Trung tâm Logistics Cái Mép Hạ, Trung tâm kiểm tra chuyên ngành tập trung; Thúc đẩy phát triển các dự án cảng thủy nội địa.
Tỉnh cũng sẽ xem xét để sớm có phương án triển khai nạo vét tuyến luồng hàng hải đến độ sâu -15,5m và nâng cấp toàn bộ tuyến luồng theo quy hoạch, bảo đảm độ sâu an toàn cho các tàu lớn ra vào cảng. Tăng cường cải cách các thủ tục, tạo thuận lợi cho hàng hóa xuất nhập khẩu tại cảng. Các cảng cần thực hiện liên kết để cùng chia sẻ lợi ích, nâng cao năng lực xếp dỡ, hướng đến mục tiêu cao hơn đó là cạnh tranh với khu vực, đưa Cái Mép - Thị Vải trở thành cảng trung chuyển quốc tế trong tương lai.
Hoạt động của hệ thống cảng ngày càng đạt hiệu quả cao, tổng công suất khai thác năm 2020 ước đạt 75 triệu tấn/năm; tăng từ 40% năm 2015 lên 53% năm 2020.
Phát triển dịch vụ logistics xứng tầm
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống cảng biển, dịch vụ logistics cũng có những chuyển biến tích cực. Toàn tỉnh hiện có 20 dự án kho bãi logistics với 150 doanh nghiệp đang hoạt động, 10 dự án đang triển khai xây dựng với tổng diện tích khoảng 42ha. Lợi thế để dịch vụ logistics của tỉnh phát triển là khoảng cách từ các khu công nghiệp đến cảng biển chỉ từ 2-5km nên doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa tiết kiệm nhiều thời gian, chi phí.
Một số dự án lớn đã và đang chuẩn bị đi vào hoạt động như Tổ hợp hóa dầu Miền Nam và dự án hóa chất Hyosung cũng tạo ra nhiều cơ hội cho dịch vụ logistics tại địa phương.
Song, hạn chế đối với việc phát triển logistics là chi phí logistics tại Bà Rịa - Vũng Tàu khá cao; các doanh nghiệp logistics trên địa bàn tỉnh mới chỉ đáp ứng được vài dịch vụ nhỏ lẻ, cũng như chưa có sự hỗ trợ, liên kết với nhau để chia sẻ thông tin thị trường, thông tin khách hàng, dẫn đến hiệu quả kinh doanh không cao.
Nhằm tháo gỡ khó khăn, đưa dịch vụ logistics phát triển đúng định hướng, góp phần tạo bệ phóng thúc đẩy hệ thống cảng biển phát triển, việc đầu tư cơ sở hạ tầng tương xứng là điều kiện căn bản cần được làm ngay.
Theo đó, Bà Rịa - Vũng Tàu định hướng sẽ xây dựng Trung tâm dịch vụ logistics của cả nước và khu vực, đạt trình độ quốc tế, phục vụ và kết nối với các trung tâm trong khu vực Đông Nam Á. Tỉnh đã và đang nỗ lực xúc tiến, kêu gọi đầu tư vào logistics, quy hoạch hệ thống kho bãi, đồng thời tăng cường đầu tư phát triển hệ thống giao thông để tạo sự kết nối đồng bộ giữa hệ thống cảng với các tuyến quốc lộ, các trục đường chính đến các trung tâm, các nguồn hàng trong khu vực; ưu tiên phát triển Trung tâm dịch vụ logistics Cái Mép Hạ có diện tích 1.000 ha và cảng tổng hợp container Cái Mép Hạ có diện tích 86,6 ha nhằm góp phần xây dựng và phát triển một trung tâm logistics thực thụ, xứng tầm.
Cùng với đó, địa phương cũng sẽ nghiên cứu hình thành khu thương mại sau cảng, quy hoạch các khu chức năng gồm: khu phi thuế quan, kho bãi; trung tâm phân phối; trung tâm kiểm tra chuyên ngành để phát huy vai trò cảng đầu mối trung chuyển quốc tế, tạo động lực thúc đẩy - Bà Rịa - Vũng Tàu trở thành trung tâm logistics và trung chuyển của khu vực. Ngoài ra, tỉnh luôn mong muốn mang lại dịch vụ hậu cần tốt nhất, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, góp phần tối ưu hóa chi phí sản xuất và mang lại giá trị gia tăng cho các nhà đầu tư.