25/12/2024 lúc 08:40 (GMT+7)
Breaking News

Phát triển du lịch Kon Tum gắn với các tỉnh Tây Nguyên

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Gia Lai, ông Nguyễn Tấn Thành trình bày tham luận với chủ đề "Phát triển du lịch Kon Tum gắn với các tỉnh Tây Nguyên".

Phát triển Du lịch Kon Tum gắn với các tỉnh Tây Nguyên”.

Trước hết, Chúng tôi rất trân trọng với những cố gắng và kết quả mà ngành Du lịch Kon Tum đã đạt được trong thời gian qua, mức tăng trưởng khách du lịch rất ấn tượng trong giai đoạn trước dịch; hiệu quả trong công tác phòng chống dịch Covid-19 và sớm triển khai chương trình khôi phục phát triển du lịch ngay sau khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát.

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Gia Lai, ông Nguyễn Tấn Thành trình bày tham luận.

Chúng tôi cũng đánh giá cao về tài nguyên du lịch dồi dào và đặc sắc của tỉnh Kon Tum hiện có với các điểm đến nổi tiếng về danh lam thắng cảnh , các khu bảo tồn thiên nhiên đa dạng sinh học; các làng văn hóa du lịch cộng đồng của các dân tộc bản địa với giá trị văn hóa hết sức đặc sắc; các di tích lịch sử cách mạng lẫy lừng qua các thời kỳ của tỉnh; các Farm du lịch sinh thái nông nghiệp; đặc biệt là vùng nghỉ dưỡng Măng Đen quanh năm mát mẻ và vùng sinh thái Quốc Bảo Sâm Ngọc Linh…Ngày nay, Du lịch Kon Tum được nhiều người biết đến với các dự án quy hoạch, đầu tư đầy triển vọng. Chúng tôi tin tưởng rằng với chủ trương, chính sách, giải pháp đúng đắn và sự quan tâm của các cấp lãnh đạo từ Trung ương tới địa phương dành cho du lịch Kon Tum nói riêng và các tỉnh Tây Nguyên nói chung sẽ có những chuyển động phát triển mạnh mẽ về mọi mặt trong thời gian tới.

Phát triển du lịch Kon Tum cũng có nghĩa là phát triển du lịch Tây Nguyên, trong đó có sự tác động phát triển của các tỉnh trong vùng Tây Nguyên.

Các Farm du lịch sinh thái nông nghiệp; đặc biệt là vùng nghỉ dưỡng Măng Đen quanh năm mát mẻ.

Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông và Lâm Đồng là 5 tỉnh anh em thuộc vùng Tây Nguyên, nơi có giá trị tài nguyên du lịch được xem là đa dạng và phong phú triển vọng bậc nhất với những nét đặc trưng thể hiện qua những giá trị điển hình sau:

- Nơi có môi trường khí hậu trong lành, mát mẻ quanh năm, phù hợp cho việc nghỉ dưỡng của con người; một số nơi có nguồn suối nước nóng chứa rất nhiều khoáng chất có tác dụng chữa bệnh hiệu quả

- Nơi được thiên nhiên ưu đãi nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng hình thành bởi cao nguyên, núi non, sông suối, thác , hồ, rừng nguyên sinh với hệ động thực vật hết sức phong phú, trong đó có cả núi lửa đã tắt, khu dự trữ sinh quyển thế giới, khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia với giá trị đa dạng sinh học cao

- Nơi 47 dân tộc anh em cùng chung sống dưới mái nhà Tây Nguyên với giá trị di sản văn hóa của mỗi dân tộc khác nhau tạo thành một kho tàng văn hóa hết sức đặc sắc; tiêu biểu Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên – kiệt tác và là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

- Nơi còn lưu giữ nhiều di tích lịch sử cách mạng gắn liền với truyền thống đấu tranh giữ nước của dân tộc, trong đó có nhiều di tích được xếp hạng quốc gia, quốc gia đặc biệt.

- Nằm ở vị trí có nhiều điều kiện thuận lợi để mở rộng giao lưu kết nối phát triển du lịch với các thị trường khu vực tiếp giáp như vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ và khu vực Tam giác phát triển Việt Nam – Lào - Campuchia…( Đặc biệt Kon Tum có di tích “Cột mốc biên giới ba nước Đông Dương” hay gọi “Ngã Ba Đông Dương”, nơi đây một tiếng gà gáy cả 3 nước đều nghe, đã trở thành biểu tượng cho tình đoàn kết hữu nghị và hợp tác giữa ba nước Việt Nam – Lào – Campuchia).

Những giá trị tài nguyên du lịch vùng Tây Nguyên đã được xác định trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 là 1 trong 7 vùng du lịch trọng điểm của cả nước, có thể tạo nên những sản phẩm du lịch đặc thù, mang đậm bản sắc Văn hóa Việt Nam có thể cạnh tranh trên thị trường khu vực và quốc tế.

Nơi đây một tiếng gà gáy cả 3 nước đều nghe.

Thực tế hoạt động du lịch vùng Tây Nguyên trong các năm qua ( khi chưa bùng phát dịch Covid-19) cho thấy lượng khách du lịch hàng năm đến với các tỉnh Tây Nguyên đều có tăng trưởng, tuy nhiên trong đó lượng khách đến với Du lịch Lâm Đồng chiếm khoảng 2/3; số lượng khách du lịch đến 4 tỉnh còn lại còn khá khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng vốn có của các địa phương này. Nguyên nhân hạn chế chủ yếu là :

- Các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông đều xa các trung tâm đưa khách lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh…, trong khi đó cơ sở hạ tầng giao thông trong vùng chưa thật đồng bộ, thông suốt và thuận tiện; chất lượng các quốc lộ huyết mạch còn nhiều hạn chế, chưa có đường cao tốc để rút ngắn thời gian di chuyển đường bộ và an toàn; đồng thời các sân bay hàng không hiện có quy mô không lớn, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; 2 tỉnh Kon Tum và Đăk Nông chưa có sân bay…

- Cơ chế, chính sách thu hút đầu tư lĩnh vực du lịch còn hạn chế và thiếu hấp dẫn; nên không có nhiều dự án đầu tư, đặc biệt các dự án quy mô lớn. 

- Sản phẩm du lịch chưa tạo ra sự khác biệt, phù hợp với đặc trưng lợi thế của từng địa phương, thương hiệu không mạnh; nhiều sản phẩm còn bị tương đồng hay trùng lắp, chồng chéo giữa các địa phương Tây Nguyên với nhau; nhiều loại hình đặc thù lợi thế với địa hình miền núi chưa được hình thành khai thác ( du lịch Golf, các loại du lịch thể thao mạo hiểm…).

- Lực lượng lao động trong ngành của các tỉnh chưa đáp ứng đủ yêu cầu về số lượng và chất lượng về trình độ chuyên môn và kỹ năng tay nghề, nhất là ngoại ngữ và kiến thức hướng dẫn viên. Đặc biệt sau dịch Covid-19 lực lượng càng thiếu vì một số lao động chuyển sang nghề khác.

- Công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch chưa thật sự rộng rãi, thiết thực nên hình ảnh, thông tin du lịch của các tỉnh Tây Nguyên chưa mang lại hiệu quả rõ rệt .

Tây Nguyên là một vùng thống nhất bao gồm 5 tỉnh có vai trò, vị trí chiến lược rất quan trọng đối với cả nước. Tuy nhiên về mặt phát triển du lịch ở từng địa phương không đồng đều, hầu hết kết quả thu được chưa xứng với tiềm năng, thế mạnh vốn có. Để du lịch vùng Tây Nguyên nói chung, các tỉnh trong vùng nói riêng có điều kiện phát triển du lịch ổn định và bền vững, cần tập trung khắc phục những hạn chế, tồn tại bấy lâu của toàn vùng nói chung và của từng tỉnh Tây Nguyên nói riêng.

Với giá trị di sản văn hóa của mỗi dân tộc khác nhau tạo thành một kho tàng văn hóa hết sức đặc sắc.

Hiện nay, ngành du lịch trong giai đoạn phục hồi, thích ứng, bảo đảm an toàn dịch bệnh Covid-19 trong trạng thái bình thường mới. Nhằm mục đích góp phần vào giải pháp khắc phục khó khăn, hạn chế, tồn tại để du lịch Kon Tum nói riêng, du lịch các tỉnh vùng Tây Nguyên nói chung phát triển, chúng tôi mạnh dạn có một số đề xuất, kiến nghị sau:

Trước hết, cần tăng cường và mở rộng sự liên kết, hợp tác giữa các tỉnh Tây Nguyên với nhau để tạo nên một sự thống nhất cao trong hành động. Tiên quyết trong công tác xây dựng sản phẩm phải được thống nhất, bổ sung cho nhau nhằm phát huy lợi thế so sánh của từng sản phẩm địa phương, tránh trùng lắp hoăc bỏ sót các sản phẩm đặc thù Tây Nguyên...Trên cơ sở đó Tây Nguyên phát triển mở rộng liên kết với các vùng, khu vực khác trong nước và quốc tế một cách thiết thực. Đặc biệt chú trọng mối quan hệ với các tỉnh trong Vùng Duyên hải Miền Trung, Khu vực Tam giác Phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam nhằm liên kết tạo ra nhiều sản phẩm du lịch liên tuyến đặc thù tăng thêm sự phong phú, hấp đẫn của sản phẩm như các sản phẩm “ lên Rừng – xuống Biển”, “ 3 quốc gia 1 điểm đến”... Đồng thời, qua đó các tỉnh Tây Nguyên có sự liên kết, phối hợp đầu tư các dự án vì lợi ích chung và cùng kiến nghị trung ương hỗ trợ các mặt cần thiết để phát triển du lịch trong vùng, liên vùng, liên khu vưc…

 Thứ hai, ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng liên quan phát triển du lịch nhằm tạo điều kiện để du lịch các tỉnh Tây Nguyên phát triển. Vì vậy, ngoài việc phát huy nội lực của các tỉnh trong vùng, Kiến nghị Trung ương có kế hoạch ưu tiên đầu tư hệ thống giao thông trong vùng Tây Nguyên và liên vùng, cụ thể: Nâng cấp, mở rộng đầu tư các huyết mạch giao thông QL14, QL19, QL24, QL25, QL26, QL27, trong đó xem xét ưu tiên sớm đầu tư cao tốc cho QL19, QL14, QL26 nối các vùng trọng điểm với nhau; đồng thời đầu tư mở rộng , nâng cấp quy mô Sân bay Pleiku, sân bay Buôn Ma Thuột đáp ứng cho các loại máy bay lớn hơn, phục vụ lượng khách nhiều hơn và tăng tần suất chuyến bay, mở thêm nhiều tuyến bay mới với các địa phương có nhu cầu thị trường cần thiết…

 Thứ ba, cần có cơ chế chính sách đầu tư đặc thù cho du lịch Tây Nguyên. Các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông chưa có nhiều công trình du lịch quy mô lớn, hạ tầng cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch còn thiếu nhiều tiện ích để phục vụ các đối tượng khách du lịch cao cấp, tổ chức phục vụ các sự kiện lớn. Có lẽ, chính sách kêu gọi đầu tư hiện hành chưa thật hấp dẫn các nhà đầu tư; đề nghị các tỉnh cần xem xét lại các cơ chế chính sách hiện hành để bổ sung phù hợp nhằm khuyến khích thu hút rộng rãi các nhà đầu tư. Đề xuất Chính phủ, các Bộ ngành liên quan nghiên cứu có cơ chế chính sách đầu tư đặc thù nhằm tạo điều kiện cho các tỉnh Tây Nguyên phát triển nhanh hơn.

Thứ tư, đổi mới và ứng dụng nhanh công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào mọi lĩnh vực hoạt động du lịch nhằm tăng tính hiệu quả cao, góp phần khôi phục và phát triển du lịch vùng Tây Nguyên một cách bền vững, nhanh chóng thích ứng với tình trạng bình thường mới, phù hợp với thời đại 4.0 hiện nay.Đề nghị Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cùng các tỉnh Tây Nguyên có kế hoạch triển khai hỗ trợ tích cực cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị du lịch có điều kiện ứng dụng công nghệ thông tin một cách dễ dàng, phổ biến vào mọi hoạt động quản lý của đơn vị mình, trong công tác xúc tiến du lịch, trong công tác xây dựng sản phẩm, trong công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch… nhằm phát triển du lịch hiệu quả, bền vững.

 Thứ năm, phát triển tổ chức phù hợp với xu hướng hội nhập nhằm nâng cao vai trò, vị thế hội nhập tạo điều kiện mở rộng liên kết hợp tác quốc tế cho cộng đồng doanh nghiệp du lịch trong vùng Tây Nguyên, đồng thời góp phần thực hiện kế hoạch phát triển du lịch Khu vực Tam giác phát triển Việt Nam, Lào, Campuchia giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn 2030 mà ba quốc gia đã ký kết. Đề nghị Bộ VHTTDL, UBND các tỉnh Tây Nguyên, Hiệp hội Du lịch Việt Nam xem xét sự cần thiết để có thể thành lập Hiệp hội Du lịch Tây Nguyên theo mô hình các Hiệp hội du lịch khu vực hiện có.

Ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng liên quan phát triển du lịch.

Phát triển du lịch Kon Tum gắn với các tỉnh Tây Nguyên, thực chất là xây dựng phát triển du lịch cả vùng Tây Nguyên bền vững, sẽ có tác động kéo theo sự ổn định về kinh tế-xã hội và môi trường, góp phần phát triển kinh tế từng địa phương, giảm đói nghèo, nâng cao ý thức trách nhiệm của mọi tầng lớp về bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường sinh thái; bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa, lịch sử Tây Nguyên…Phấn đấu đưa ngành du lịch các tỉnh Tây nguyên sớm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Thực Trạng Du Lịch Tây Nguyên

Giải Pháp Khai Thác Tiềm Năng Du Lịch Tây Nguyên

  • Đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các các sản phẩm du lịch của từng địa phương. Đến Tây Nguyên, du khách thường hứng thú với các hoạt động khám phá thiên nhiên, trải nghiệm văn hóa. Các khu nghĩ dưỡng như farmstay là lựa chọn thích hợp để đáp ứng đầy đủ nhu cầu đó.
  • Liên kết với các địa phương khác để phát triển du lịch. Nghĩa là mở rộng tour du lịch với các tính miền Trung và Đông Nam Bộ. Nhằm tạo một tuyến du lịch rộng lớn để thu hút khách cho Tây Nguyên.
  • Mở rộng đào tạo để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho du lịch. Nhất là đội ngũ hướng dẫn viên có hiểu biết và am hiểu văn hóa. Phải thành thạo tiếng Anh và tiếng dân tộc để dễ quảng bá du lịch đến với khách hàng.
  • Phát triển tiềm năng du lịch Tây Nguyên phải quan tâm đến hiệu quả kinh tế. Ngoài ra cần phải coi trọng bảo tồn và phát huy văn hóa và các hệ sinh thái.
  • Tây Nguyên cần chú trọng đầu tư vào cơ sở hạ tầng giao thông. Đảm bảo quy hoạch khoa học và hạn chế các mô hình du lịch tự phát.

Trích Toàn văn Bài tham luận của hiệp hội du lịch Gia Lai tại Diễn đàn “ Du lịch Kon Tum Tiềm năng và Triển vọng”