15/01/2025 lúc 21:07 (GMT+7)
Breaking News

Phát triển Đô thị ở nước ta – những kết quả đạt được và hạn chế cần khắc phục

Quá trình chuyển đổi từ không gian nông thôn, nông nghiệp để xây dựng đô thị chính là Đô thị hóa, đó là một quá trình chuyển đổi mạnh mẽ, sâu sắc và toàn diện, trên tất cả mọi lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, lối sống, khoa học - kỹ thuật, không gian cư trú… của con người, từ văn minh nông nghiệp sang văn minh công nghiệp.

Ảnh minh họa: Đến khu đô thị Ecopark, du khách có thể chiêm ngưỡng những vườn hoa đẹp rực rỡ sắc màu. Ảnh: Phí Đức Toàn.

Khái niệm về đô thị và đô thị hóa

Theo Từ điển Bách khoa Việt Nam: “Đô thị là một không gian cư trú của cộng đồng người sống tập trung và hoạt động trong những khu vực kinh tế phi nông nghiệp”. Còn trong Từ điển Tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học: “Đô thị là nơi dân cư đông đúc, là trung tâm thương nghiệp và có thể có cả nông nghiệp, thành phố hoặc thị trấn”.

Quá trình chuyển đổi từ không gian nông thôn, nông nghiệp để xây dựng đô thị chính là Đô thị hóa, đó là một quá trình chuyển đổi mạnh mẽ, sâu sắc và toàn diện, trên tất cả mọi lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, lối sống, khoa học - kỹ thuật, không gian cư trú… của con người, từ văn minh nông nghiệp sang văn minh công nghiệp.

Đô thị là môi trường luôn gắn với văn minh, sáng tạo, đổi mới, cơ hội phát triển, nhưng cũng là khu vực tập trung nhiều thách thức cần giải quyết như vấn đề bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu, dịch bệnh, phòng chống rủi ro, vấn đề giao thông, công tác quản lý... Do đó, việc hoạch định chính sách, đưa ra các giải pháp thúc đẩy quá trình đô thị hóa, phát triển đô thị có kế hoạch, có lộ trình được coi là nhiệm vụ thiết yếu nhằm nắm bắt được xu thế, hóa giải được những khó khăn, thách thức để phát triển đô thị nhanh và bền vững.

Ở Việt Nam, hầu hết các cơ quan quản lý đô thị cũng như các nhà nghiên cứu từ lâu đều dựa theo Nghị định số 132/HĐBT ngày 5/5/1990 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) để xác định thế nào là một đô thị. Theo đó, đô thị là các điểm dân cư có các tiêu chí cơ bản gồm: Là trung tâm tổng hợp hay trung tâm chuyên ngành, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của một vùng lãnh thổ nhất định; Có quy mô dân số nhỏ nhất là 4.000 người (vùng núi có thể thấp hơn); Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp chiếm 90% trong tổng số lao động, là nơi sản xuất và dịch vụ thương mại hàng hóa phát triển; Có cơ sở hạ tầng kỹ thuật và các công trình công cộng phục vụ dân cư đô thị. Mật độ dân cư được xác định tùy theo từng loại đô thị phù hợp với đặc điểm từng vùng”.

Nghị định số 132 đã phân đô thị thành 05 loại gồm: Đô thị loại I: là đô thị rất lớn, có vai trò thúc đẩy sự phát triển của cả nuớc, dân số từ hơn 1 triệu người trở lên, mật độ dân cư bình quân trên 15.000 người/km2, tỷ lệ lao động phi nông nghiệp là ³ 90% tổng số lao động của thành phố. Đô thị loại II: là đô thị lớn có vai trò thúc đẩy sự phát triển của một vùng lãnh thổ, dân số từ 35 nghìn đến 1 triệu người, mật độ dân số bình quân trên 12.000 người/km2, và tỉ lệ lao động phi nông nghiệp ³ 90% tổng số lao động của thành phố;  Đô thị loại III: là đô thị trung bình lớn, có vai trò thúc đẩy sự phát triển của một tỉnh hay từng lĩnh vực của một vùng lãnh thổ, dân số từ 100.000 đến 300.000 người, mật độ dân số bình quân trên 10.000 người/km2 (vùng núi có thể thấp hơn), tỉ lệ lao động phi nông nghiệp ³ 80% tổng số lao động của đô thị. Đô thị loại IV: là đô thị trung bình nhỏ, có vai trò thúc đẩy sự phát triển của một tỉnh hay một vùng trong tỉnh; dân số từ 30.000 đến 100.000 người (vùng núi có thể thấp hơn); mật độ dân cư trung bình trên 8.000 người/km2 (vùng núi có thể thấp hơn), tỉ lệ lao động phi nông nghiệp ³ 70% tổng số lao động của đô thị. Đô thị loại V: là những đô thị nhỏ, có vai trò thúc đẩy sự phát triển của một huyện hoặc một vùng trong huyện; dân số từ 4.000 (mức quy định tối thiểu cho cho một điểm dân cư đô thị) đến 30.000 người (vùng núi có thể thấp hơn), mật đô dân số bình quân 6.000 người/km2, tỉ lệ lao động phi nông nghiệp ³ 60% tổng số lao động của toàn đô thị (mức quy định tối thiểu cho một điểm dân cư đô thị).

Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, quy mô của các đô thị đã thay đổi nhiều, việc phân loại đô thị theo nghị định 132/HĐBT không còn phù hợp. Vì vậy, Chính phủ đã ban hành nghị định số 72/2001/NĐ-CP ngày 05 tháng 10 năm 2001 về việc phân loại đô thị và cấp quản lý đô thị cho phù hợp với tình hình thực tiễn. Theo đó, đô thị được phân thành 6 loại, gồm: đô thị loại đặc biệt, đô thị loại I, đô thị loại II, đô thị loại III, đô thị loại IV và đô thị loại V. Nhưng trước tốc độ phát triển nhanh của các đô thị ở Việt Nam, ngày 25/5/2016, Uỷ ban thường vụ Quốc hội tiếp tục ban hành Nghị quyết 1210/2016/UBTVQH13 về phân loại đô thị với các quy định về tiêu chí phân loại, cách tính điểm, thẩm quyền và thủ tục phân loại đô thị. Theo đó, mỗi loại đô thị có những yêu cầu riêng về vị trí, chức năng, vai trò, cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội; quy mô dân số; mật độ dân số; tỷ lệ lao động phi nông nghiệp; trình độ phát triển cơ sở hạ tầng để được công nhận loại đô thị.

Đô thị hóa là nhu cầu khách quan của sự phát triển

Phát triển đô thị ngày càng là động lực phát triển của nền kinh tế, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ và tích cực chủ động hội nhập hiệu quả. Đối với mỗi quốc gia, mỗi khu vực, địa phương phát triển đô thị còn là cơ hội để có thể đạt được mức phát triển và tăng trưởng cao về mọi mặt. Mặt khác, đô thị hóa còn giúp tăng thu nhập, thay đổi cách sống, đem lại chất lượng cao về dịch vụ và cũng phù hợp với dân số ngày càng tăng của đất nước.

Vai trò quan trọng của phát triển đô thị lòa điều không thể phủ nhận. Tuy vậy, để quá trình đô thị hóa được thực hiện có hiệu quả và hạn chế thấp nhất những hệ lụy có thể xảy ra, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương và các cấp, ngành đòi hỏi phải chuẩn chỉ, ngay từ công tác quy hoạch và tổ chức thực hiện…

Trên tinh thần đó, mới đây  Văn phòng Chính phủ phát Thông báo số 14/TB-VPCP ngày 27/1/2023 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị Đô thị toàn quốc năm 2022, phổ biến và triển khai Nghị quyết số 148/NQ-CP về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24 tháng 01 năm 2022 của Bộ Chính trị về Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Thông báo nêu rõ: Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24 tháng 01 năm 2022 của Bộ Chính trị về "Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" là Nghị quyết đầu tiên của Bộ Chính trị ban hành về phát triển đô thị Việt Nam bền vững. Để triển khai, thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 148/NQ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2022 về Chương trình hành động của Chính phủ, trong đó thực hiện tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: "trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt" với quan điểm, mục tiêu nhằm cụ thể hóa một cách tốt nhất, đưa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng vào cuộc sống theo đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ. Đây được xem là sự chỉ đạo mới nhất của Trung ương về công tác đô thị ở nước ta.

Thành quả to lớn và hạn chế cần khắc phục

Thành quả to lớn

Sau 37 năm đổi mới, nhất là từ năm 2000 trở lại đây, các đô thị ở Việt Nam đã phát triển nhanh chóng cả về không gian và dân số; công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị ở nước ta cũng đạt được nhiều kết quả quan trọng. Hệ thống đô thị quốc gia đã phát triển mạnh cả về số lượng cũng như chất lượng, khẳng định là động lực phát triển kinh tế - xã hội của cả nước và của mỗi vùng. Không gian đô thị được mở rộng; hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư theo hướng ngày càng đồng bộ và hiệu quả hơn. Chất lượng sống của cư dân đô thị từng bước được nâng cao cả về tinh thần và vật chất. Diện mạo kiến trúc cảnh quan, kiến trúc công trình của đô thị đã có nhiều thay đổi theo hướng hiện đại, có bản sắc riêng, có nhiều giải thưởng quốc tế, giao lưu với các nền kiến trúc, văn hoá quốc tế nhưng vẫn giữ được bản sắc. Diện mạo đất nước thay đổi thông qua phát triển đô thị. Bước đầu đã hình thành cực tăng trưởng kinh tế và trung tâm đổi mới sáng tạo; khoa học, công nghệ; giáo dục, đào tạo tại các đô thị lớn. Tăng trưởng kinh tế ở khu vực đô thị đạt trung bình từ 12 - 15%/năm, cao gấp 1,5 - 2 lần so với mặt bằng chung cả nước. Các đô thị đã đóng góp quan trọng trong giải quyết việc làm, tăng phúc lợi xã hội, tạo đột phá trong thu hút đầu tư, phát triển khoa học công nghệ. Kinh tế khu vực đô thị tăng trưởng ở mức cao, đóng góp khoảng 70% GDP cả nước.  Cùng với sự nghiệp đổi mới đất nước, công tác đô thị cũng đổi mới, đô thị hoá đã trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội.

Tại Hội nghị Đô thị toàn quốc năm 2022, các chuyên gia khẳng định, mục tiêu của giai đoạn tới là đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng đô thị hóa phấn đấu kinh tế khu vực đô thị đóng góp vào GDP cả nước khoảng 75% vào năm 2025 và khoảng 85% vào năm 2030. Xây dựng được 3-5 đô thị có thương hiệu tầm khu vực và quốc tế vào năm 2030.

Hạn chế và giải pháp cho phát triển

Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, công tác phát triển đô thị của nước ta vẫn còn những tồn tại, hạn chế và thách thức cần giải quyết, như: vấn đề quá tải về hạ tầng đô thị, trong đó có hạ tầng giao thông, hạ tầng điện nước, hạ tầng viễn thông; thiếu nhà ở xã hội, nhà ở cho các đối tượng thu nhập trung bình; tác động của biến đổi khí hậu, tình trạng ngập lụt, ô nhiễm môi trường đô thị ngày càng gay gắt; tình trạng các dự án phát triển nhà ở, phát triển đô thị chậm được đầu tư, dự án "treo" còn phổ biến; hạ tầng về y tế, giáo dục, văn hóa,… chưa phát triển ngang tầm với kinh tế, đã bộc lộ nhiều hạn chế và hiện nay đang bị quá tải.

Cũng tại Hội nghị Đô thị toàn quốc năm 2022, trong khuôn khổ của Hội thảo chuyên đề “Quy hoạch xây dựng và quản lý phát triển bền vững đô thị Việt Nam”, nhiều ý kiến cho rằng, tỷ lệ đô thị hóa hiện đạt được khá thấp. Chất lượng đô thị hóa chưa cao, hạ tầng đô thị chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển dân số và kinh tế khu vực đô thị… Vẫn còn thiếu các mô hình đô thị phát triển bền vững, văn minh, hiện đại. Bên cạnh đó, ô nhiễm môi trường tại các đô thị lớn có xu hướng gia tăng, diễn biến phức tạp, gây ra nhiều tác động tiêu cực. Phát triển đô thị hầu như mới chỉ đáp ứng nhu cầu trước mắt mà chưa có đủ tầm nhìn dài hạn. Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật về quy hoạch phát triển đô thị đầu tư, đầu tư công, đất đai xây dựng nhà ở chưa thống nhất và không đồng bộ, chậm được đổi mới. Việc triển khai thực hiện cũng còn nhiều hạn chế, nhiều nơi việc điều chỉnh quy hoạch còn bất cập.

Một hạn chế nữa là công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý phát triển đô thị trong quá trình đô thị hoá có nơi có lúc chưa thực chất, thường chạy theo bề nổi; chẳng hạn xây dựng nhiều khu công nghiệp, nhiều khu đô thị mới, các khu vui chơi giải trí… mà ít chú ý đến công tác quy hoạch cải tạo và xây dựng lại các khu chung cư cũ, các con phố cũ, khu vực ngoại thành,  vừa là một không gian vật thể chức năng đô thị, vừa mang ý nghĩa kinh tế xã hội sâu sắc. Vẫn xảy ra tình trạng quy hoạch xong, khi đi vào thực hiện lại phải thay đổi, điều chỉnh khiến cho tính đồng bộ bị phá vỡ… Công tác quản lý, tính chuyên nghiệp trong quản lý đô thị chưa đáp ứng yêu cầu phát triển.   

Sở dĩ tồn tại những hạn chế như vậy là do nhận thức về đô thị hóa và phát triển đô thị bền vững chưa đầy đủ và chưa được quan tâm đúng mức. Công tác lập quy hoạch đô thị chậm đổi mới, thiếu tầm nhìn, chất lượng thấp; việc triển khai thực hiện cũng còn nhiều hạn chế, nhiều nơi việc điều chỉnh quy hoạch còn bất cập; thể chế, chính sách về đô thị và phát triển đô thị còn thiếu động bộ, không ổn định. Công tác chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện pháp luật, cơ chế, chính sách về quy hoạch, xây dựng và phát triển đô thị thiếu quyết liệt .…

Để có một hệ thống đô thị phát triển bền vững trong quá trình đô thị hoá, cần có sự tham gia đầy đủ của các cấp, các ngành, đồng thời huy động tối đa sự tham gia của cộng đồng, để hướng tới một hệ thống đô thị phát triển theo hướng văn minh, hiện đại, bền vững.   Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW của Trung ương đã đề ra 15 nhóm chỉ tiêu cụ thể hướng tới phát triển đô thị xanh, đảm bảo vệ sinh môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó biến đổi khí hậu, thông minh và phát triển bền vững. Trong quá trình đó, công tác quy hoạch phải đi trước một bước, cần có tư duy đổi mới và tầm nhìn chiến lược, phát huy được tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của địa phương, của tỉnh, của vùng, phát hiện ra những tồn tại yếu kém để giải pháp xử lý phù hợp. Phải coi trọng công tác quy hoạch và đầu tư thích đáng cho công tác quy hoạch nhằm tạo ra nguồn lực tối ưu.

Nghị quyết của Bộ Chính trị cũng như Chương trình hành động của Chính phủ đã chỉ rõ các điểm nghẽn cần tập trung giải quyết để có thể thúc đẩy quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị Việt Nam thời gian tới, trong đó tập trung vào các vấn đề, các nhóm nhiệm vụ sau: Hoàn thiện thể chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình đô thị hóa, công tác quy hoạch xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững; Nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý phát triển đô thị bền vững; Tập trung xây dựng, phát triển hệ thống đô thị quốc gia bền vững và đồng bộ về mạng lưới; Đẩy mạnh phát triển nhà ở, hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, liên kết, thích ứng với biến đổi khí hậu; Xây dựng và hoàn thiện mô hình chính quyền đô thị, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý đô thị và chất lượng cuộc sống đô thị, bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội, an ninh, an toàn và trật tự đô thị; Phát triển kinh tế khu vực đô thị, đổi mới cơ chế chính sách tài chính và đầu tư phát triển đô thị./.

ThS Hà Thanh

...