VNHN - Tính đến nay, cả nước đã có hơn 100 dự án điện mặt trời được bổ sung vào quy hoạch cấp điện tỉnh/quốc gia với tổng công suất đăng ký hơn 4,7GW vào năm 2020 và sẽ tăng lên 1.770MW từ sau năm 2020.
Ngoài ra, hiện cả nước đã có 748 dự án điện mặt trời mái nhà với tổng công suất 11,55 MWp. Từ ngày 31-7-2018, ngành điện lực đã ký đấu nối, lắp đặt công tơ hai chiều, xác nhận chỉ số công tơ và sản lượng điện giao nhận với khách hàng bán điện mặt trời, tạo thêm động lực mới để điện năng lượng mặt trời phát triển bền vững.
Giá trị lớn nhưng thị phần rất nhỏ
Tính toán của Viện Năng lượng Việt Nam, tổng bức xạ năng lượng mặt trời trung bình ở Việt Nam dao động từ 4,3-5,7 triệu kWh/m2. Ở các tỉnh Tây Nguyên, Nam Trung bộ, số giờ nắng khá cao, đạt từ 2.000-2.600 giờ/năm và bức xạ mặt trời trung bình 150kcal/m2, chiếm khoảng 2.000-5.000 giờ/năm, với ước tính tiềm năng lý thuyết khoảng 43,9 tỷ TOE (hệ số chuyển đổi năng lượng).
Hệ thống pin năng lượng mặt trời của hộ dân lắp đặt tại An Giang
Ảnh: Hà Thu .
Để bảo đảm an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, ngày 11-4-2017, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg (Quyết định 11) về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam. Sau quyết định này, ngày 12-9-2017, Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 16/2017/TT-BCT (Thông tư 16), quy định về phát triển dự án và hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án điện mặt trời. Theo đó, kể từ tháng 4-2017, các dự án điện mặt trời được phép bán điện với một giá cố định là 9,35 cent Mỹ/kWh (tương đương 2.086 đồng/kWh chưa tính thuế) lên lưới điện quốc gia.
Theo đánh giá của Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ), năng lượng mặt trời ở Việt Nam sẽ chiếm 3,3% tổng công suất phát điện vào năm 2030 và sẽ chiếm 20% vào năm 2050. Tuy nhiên, tổ chức này cho rằng, hiện nay thị phần năng lượng mặt trời hiện còn rất nhỏ so với tiềm năng nên khó có thể đạt được công suất như kỳ vọng. Tại Hội thảo “Nhìn lại một năm thực hiện Nghị quyết 11 và Thông tư 16 về phát triển điện mặt trời ở Việt Nam” do Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam tổ chức ngày 22-8, PGS TS Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu, Đại học Cần Thơ cũng khẳng định: Nếu làm tốt, điện mặt trời sẽ phát triển rất nhanh vì tiềm năng rất lớn, giúp Nhà nước không phải tốn hàng ngàn tỉ đồng cho các dự án điện, không phải đánh đổi môi trường cho phát triển”.
Cần gỡ vướng cho điện mái nhà
Theo đánh giá của Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, hiện nay, điện mặt trời ở Việt Nam phát triển phân tán, quy mô nhỏ thông qua sự tài trợ và hợp tác với các tổ chức quốc tế là chủ yếu. Khảo sát các hộ gia đình lắp đặt thiết bị điện mặt trời tại các tỉnh Đắc Lắc, Phú Yên, An Giang và một số địa phương khác, cơ quan này phản hồi: Người dân cho rằng, tuy mức đầu tư ban đầu về thiết bị khá cao so với đầu tư mua điện của Nhà nước, nhưng về lâu dài sẽ có lãi nếu bán được điện.
Tuy nhiên, vào những ngày nắng, khi thời tiết thuận lợi, nhiều hộ gia đình thừa điện mà vẫn không thể bán lại cho điện lực như Quyết định 11. Theo ông Đinh Quang Tri, quyền Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), nguyên nhân chính mà EVN chưa thể ký hợp đồng mua bán điện với khách hàng là do vướng mắc về thuế.
Cụ thể, theo Quyết định 11, các dự án trên mái nhà được thực hiện cơ chế bù trừ điện năng sử dụng hệ thống công tơ hai chiều. Trong một chu kỳ thanh toán, lượng điện phát ra từ các dự án trên mái nhà lớn hơn lượng điện tiêu thụ sẽ được chuyển sang chu kỳ thanh toán kế tiếp. Khi kết thúc năm hoặc khi kết thúc hợp đồng mua bán điện, lượng điện phát dư sẽ được bán cho bên mua điện. Ví dụ, nếu hộ dân sản xuất được 300kWh điện mặt trời và chỉ sử dụng 100kWh của EVN, thì EVN sẽ phải trả tiền mua 200 số điện của gia đình đó. Thế nhưng, theo các quy định của các luật thuế hiện hành, những trường hợp như ví dụ trên sẽ không bị tính thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân. Chỉ khi nào người bán điện mặt trời trên mái nhà có doanh thu hơn 100 triệu đồng/năm thì mới phải nộp thuế giá trị gia tăng 2%, thuế thu nhập cá nhân là 1%. Thế nên, theo các chuyên gia, nếu thực hiện Quyết định 11 thì Nhà nước sẽ không thu được tiền thuế của cả 300 số điện theo ví dụ trên như trước đây mà thay vào đó là chỉ thu được thuế tương đương 100kWh người dân mua của EVN để sử dụng mà thôi.
Từ thực tế và tiếp thu phản hồi của các nhà khoa học, doanh nghiệp, hiện nay Bộ Công Thương đang xem xét phối hợp với Bộ Tài chính trình Chính phủ sửa đổi những vấn đề liên quan đến thuế cho các dự án điện mặt trời lắp trên mái nhà.
Rõ ràng, việc ban hành Quyết định 11 của Chính phủ sẽ là cơ hội tốt để điện mặt trời có điều kiện phát triển, mang lại giá trị chung cho nền kinh tế và toàn xã hội. Nếu điện mặt trời được sử dụng rộng rãi sẽ là một lĩnh vực mới để thúc đẩy ngành công nghiệp sản xuất các thiết bị pin năng lượng, chuyển đổi, ắc quy tích điện... Đặc biệt, xã hội sẽ xuất hiện nhiều hộ kinh doanh và doanh nghiệp đầu tư lắp đặt, bảo trì, bảo dưỡng thiết bị điện mặt trời, tạo thêm nhiều việc làm mới cho người lao động. Do vậy, ngay từ bây giờ, cơ quan quản lý Nhà nước ở lĩnh vực này và chính quyền các địa phương cần tính đến các giải pháp trong quản lý, điều tiết thông thoáng, phù hợp với thực tiễn, tránh hiện tượng “kéo co”, gây khó khăn, kìm hãm sự phát triển.
MẠNH THẮNG